Không có gì phải đợi năm hết tết đến mới nói chuyện uống trà, mà riêng tôi từ hàng chục năm qua thì trà là thức uống mỗi sáng.
Đã từ lâu mỗi sáng sớm, sau khi thỉnh chuông dâng hương niệm Phật, xuống phòng ngồi trường kỷ long mộng pha trà thanh thản nâng tách thưởng thức từng ngụm nhỏ với bộ chén đĩa mới do anh Phạm Tiến Khang ở Bát Tràng, Gia Lâm Hà Nội phục chế, đem vào biếu. Trên mỗi tách đĩa đều có in hai câu thơ nôm lục bát do cụ Tiên Điền đề theo yêu cầu của chủ xưởng chế tác Ngoan Ngọc thuộc vùng Nghi Hưng (Trung Quốc): Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ hạc là người thân. Còn những ấm tách cũ: Mạch Thần, Tuyên Đức… tôi trân trọng xếp vào ngăn tủ chè kê cạnh bộ trường kỷ hằng ngày uống trà lặng ngắm vọng nhớ thời niên thiếu.
Cá nhân tôi đã uống trà từ khoảng 70 năm về trước. Hồi còn nhỏ, hàng ngày tôi thường uống trà thừa nước xái của cha ông, chứ không biết các thức uống khác như cà phê… Do đó, trà đã thẩm thấu vào tâm can phế tạng và biến thành “trà nô”, một từ tuy không đẹp về ngữ, nhưng đúng về nghĩa.
Nhớ hồi nhỏ được ông ngoại đem vào nuôi dưỡng, cho học tập chữ Hán tại tư dinh thuộc khuôn viên Lục bộ Thành nội Huế, khoảng chừng 10 năm (1933 – 1945). Nhờ thế, nhìn thấy cung cách uống trà của ông ngoại cùng các vị đồng liêu và liều thuộc hoàn toàn khác cách uống và pha chế phức tạp tại các lễ hội đương thời cũng như nhiều quán trà ở các thị tứ. Bản thân tôi và các thuộc liêu thường ngồi ghế đẩu hầu trà cạnh sập gụ, chứ không được ngồi chung. Giả như các vị đồng liêu hay khách ở xa đến thăm trò chuyện thì các vị ngồi tại trường kỷ ở phòng giữa của năm gian hai chái, còn gặp lúc khách đông phiên cấp thành hai bàn. Nơi sập gụ chạm khảm trai dành cho thượng khách, còn lại chuyển qua bộ trường kỷ cũng thuộc quan thù tiếp. Lệ này cũng áp dụng chiêu đãi bồi tiếp thực khách tại khách quán hay tư dinh.
Có câu thường nói trà tam tửu tứ, trên thực tế không hẳn đúng vậy, tỷ như cử trà sáng như chỉ một mình ông ngoại độc ẩm và tôi được ngồi cạnh, còn viên quan thư lại hầu cận thường uống trà sau khi ông ngoại hết tuần trà thứ ba để thay phẩm phục đội mão cầm lướt vào chầu hầu hành lễ triều kiến hoặc qua đại sảnh tham dự cơ mật thuộc bộ. Như thường lệ ông ngoại tự mình lau tách đĩa và ấm, có lẽ vì trà cụ đều quý hiếm, người lính lệ nấu nước sôi bằng ấm đồng dát sau bếp đem lên chuyển vào ấm đồng cù lao để ông ngoại tự tay rót vào Lưu Bội (bị bể hồi năm 1958).
Phục sức lúc độc ẩm cũng đáng kể, sáng sớm hay chiều tà đều khăn đóng áo dài đen trịnh trọng, trừ những lúc trà đàm thân hữu chí thiết mặc áo dài trắng đầu trần, những chiều ngồi ngoài sân trước lót gạch Bát Tràng hay vườn hoa sau nhà, đấy là trường hợp riêng tư không lính hầu cận. Ngoài ra thường khi tiếp khách đều mặc áo xuyến đen hay gấm sa dệt chữ thọ xanh, có lính hầu tiếp nước và hai lính lệ đầu đội nón dấu, chân quấn xà cạp xanh tay cầm quạt lông ngỗng lớn cán dài đứng cách xa 2m với mặt cúi gầm xuống đất, tránh không được nhìn quan khách và nghe trộm cuộc mạn đàm.
Cùng khách an tọa theo thứ vị, ông ngoại đích thân tráng tách thay trà đãi khách bên cạnh một khay cau trầu và hộp thuốc, lá sâu kèn, còn có ống nhổ bằng đồng bạch, một thau đồng và khăn điều. Tuần đầu, ông ngoại tự tay chuyển trà ra tách và bằng hai tay đưa lên ngang mày mời khách cùng nâng uống từng ngụm. Qua tuần trà thứ hai, ông ngoại – chủ nhân – nhường việc pha trà cho đồng ẩm ngồi phía tay phải thường là người thân thiết, câu chuyện nở rộ sau tuần trà thứ hai và giả như giữa khách và chủ không đồng tình nội dung đối thoại thì tách trà trên tay liền đổ vào ống nhổ, để khẳng định sự bất bình rồi tiếp tục thảo luận, nếu cuộc nói chuyện kéo dài, thì sau ba lần chuyển, lính hầu được lệnh thay trà.
Nâng tách trà bằng tay phải, ngón trỏ và ngón cái bên cạnh miệng tách, ngón giữa đỡ dưới trôn, hai ngón khác co lại. Lúc uống trà, cổ tay xoay vào để mu bàn tay và tách trà che miệng, khác hẳn cách uống trà của Tàu và Nhật, Ấn Độ… Đôi lúc được ông ngoại dẫn đi thăm bằng hữu, tôi cũng thấy cung cách pha và uống trà đều như vậy, không có các động tác khác lạ.
Hãy pha một tách trà trong 4 trạng thái: Hòa, Trọng, Thanh, Tĩnh rồi nhớ lại bài thơ 5 câu, 5 chữ:
Khả dĩ thanh tâm giả
Dĩ thanh tâm giả khả
Thanh tâm giả khả dĩ
Tâm giả khả dĩ thanh
Giả khả dĩ thanh tâm.
Tạm dịch:
Người có thể thanh tâm
Để thanh tâm có thể
Thanh tâm được lắm chứ
Tâm có thể trong sạch
Ta có thể thanh tâm.
Thiền sư Kakuzo Okakura từng nói: “Trà không có tính chắt tự tôn như một vài chắt uống khác”, và Truyện Kiều cũng có câu: “Lúc sương sớm, khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”…
Rõ ràng, trà là sự giao hòa với thiên nhiên, sự ứng xử hợp lý với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, môi trường và con người. Người xưa truyền tụng: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh sổ trản trà/ Mỗi nhật cứ như thử/ Lương ý bất đáo gia”.
Tạm dịch: “Canh khuya ba chén rượu/ Sáng sớm một tách trà/ Mỗi ngày mỗi được vậy/ Thầy thuốc khỏi đến nhà”.
Những năm 60 của thế kỷ trước, lúc tôi đã lập gia đình riêng và ở tại 60B Phan Bội Châu (nay là 82 Phan Đăng Lưu) thường có bốn vị là bạn tri kỷ của thân phụ tôi là cụ Tuần phạm Lương Hàn, cụ Ngự y Phạm Đạt, cụ Phạm Tiến Luân đông y và cụ cử Bạch Mai ở Truồi đều là những bậc túc nho thường đến thăm, xem tôi như con cháu, do đấy cùng ngồi ở bộ trường kỷ tiếp hầu trà và viết chữ nho câu đối, giúp tôi rất nhiều về điều chỉnh chữ nôm, và cùng một cung cách đối ẩm như hồi còn ông ngoại. Những khoảng thời gian quý báu ấy, vợ con tôi không được lai vãng còn việc buôn bán giao cho người nhà. Tôi và các cụ đồng ẩm, các cụ nhắc lại việc thi cử học tập thời xưa… thường có một nam nhân giúp việc phụ trợ trà rượu.
*
Về công dụng của trà, theo Đông y, trà có vị đắng chát, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải khát lợi tiểu, định thần làm cho tâm trí thư thái, sáng suốt, da thịt mát dịu, bớt mụn nhọt, trợ tiêu hóa, cầm tả ly, chống xây xẩm chóng mặt. Trà thường dùng cho các trường hợp tinh thần mệt mỏi, ngủ nhiều nhức đầu, mắt mờ, sốt khát nước, tiểu tiện không thông lợi, ngộ độc rượu. Mặt khác, có thể nấu nước trà để rửa vết bỏng hay nơi bị lở loét, giúp lên da non chóng lành vết thương. Nấu nước trà rửa mặt có tác dụng làm co các lỗ chân lông đem lại cảm giác thoải mải và ngăn chặn da bị lão hóa. Uống trà lúc đang nóng ấm, giúp bài tiết mồ hôi, giải nhiệt và thải các chất độc trong người…
Cách uống trà đúng nhất là nhằm bảo toàn chất chống ôxy hóa trong trà, không nên uống trà với đường, chanh. Sau lúc chế nước vào trà nên chờ chừng 3 phút sau cho chất ôxy hóa tan hết ra nước. Phải uống nóng, không nên uống trà đã để qua đêm, vì các thành phần tốt của trà đều bị biến chất. Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp hạn chế uống trà như: đối với người mất ngủ, phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Không nên uống trà thường xuyên sau bữa ăn, vì uống trà ngay sau bữa ăn sẽ làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể, kể cả những bệnh thiếu máu, loãng xương, viêm loét dạ dày, sỏi đường tiết niệu.
Những năm gần đây, các phòng bào chế đã pha thêm trà trong xà phòng gội đầu, hay kem đánh răng. Ở nước Nhật Bản đã trộn trà bột vào bánh bích quy và nhiều loại kẹo đang được bán nhiều trên thị trường hiện nay. Còn bao nhiêu thực phẩm khác cũng đã biến chế trà vào để nâng cao giá trị ưu việt cho sản phẩm!
Một điều cần nói thêm, khâu pha và chuyển trà là quan trọng, vì lúc chuyển trà từ ấm qua tách thì vòi ấm sát kề miệng tách hoặc cách hai đến ba phân mà thôi. Có hai lí giải như sau:
– Nếu cầm ấm trà đưa lên thật cao như các thiếu nữ biểu diễn ở các lễ hội trà hiện nay, thì nước trà sẽ nguội, và hương thơm thoảng nhẹ cũng bay mất.
– Một điều tối kỵ khác, lúc nâng ấm lên cao để rót vào tách, nước trà sủi bọt bong bóng trên miệng tách mất mỹ cảm, chắc chắn khách nhíu mày mất thú nhàn ẩm.
Nói rõ hơn, người ta dùng các mỹ nữ hầu rượu múa hát mua vui và tiếp rượu thực khách, còn uống trà nhất thiết không.
Lê Văn Kinh
(TCSH329/07-2016)