Không còn những hối hả của dòng người trên phố đông ngày cuối năm. Không còn nữa những vồn vã xô bồ của cuộc sống, những lo toan cho cái Tết đủ đầy. Có một Hà Nội Tết rất chậm, rất “thư thái” qua những thước ảnh phim.
Mỗi thước ảnh phim như là một cảnh quay chậm về cuộc sống của người Hà Thành những ngày giáp Tết. Nó rất khác với những chiều muộn của phố xá đông đúc người qua lại, khác với những trung tâm thương mại hiện đại và ồn ào, những khu chợ tấp nập người qua lại mua sắm đồ Tết. Hà Nội qua từng bức ảnh phim mang lại cảm gần gũi, thanh bình và có gì đó xưa cũ…có lẽ đó là những hoài niệm.
Từng hàng cây, góc phố, con người như vẫn in đậm những dấu ấn của thời gian, của một thời đã qua giữa những chuyển mình của thành phố năng động. Hà Nội những ngày giáp Tết, người người hối hả, nào là lo hoàn thành nốt công việc cuối năm, nào là lo chuẩn bị sắm sửa cho cái Tết đủ đầy… trăm thứ phải lo khiến con người ta trở nên quay cuồng với mọi thứ. Mấy ai có đủ “tĩnh”, đủ “nhẫn” để “chậm” và cảm nhận. Cảm nhận rằng Tết nay đã khác Tết xưa nhiều lắm, những gì còn lại trong ký ức nay đã dần mất đi. Cảm nhận rằng dòng chảy của thời gian thật xiết mạnh, nó sẽ cuốn trôi hết những gì đã có. Để rồi khi nhìn lại ta giật mình tiếc nuối, tiếc vì đã để những hoài niệm đẹp trôi đi quá nhanh.
Người ta yêu Hà Nội bởi cái vẻ điềm tĩnh, thư thái ẩn mình sau những ồn ã của cuộc sống. Như thiếu nữ tuổi mới lớn, Hà Nội với vẻ đẹp e thẹn, nép mình dành chỗ cho những đổi thay của thời đại. Không phải ai cũng có đủ tinh tế để chắt lọc được những vẻ đẹp đó khi nó đã và đang bị bão hòa dần bởi những xô bồ của cuộc sống. Không còn nữa những tràng pháo râm ran khắp các con phố, những thiếu nữ Hà Thành áo dài thướt tha đi du xuân. Nhưng sẽ vẫn còn đây những trái tim yêu, những trái tim si mê khi đã trót phải lòng với Hà Nội.
Hà Nội không vội được đâu!
Theo Nguyễn Trường, Mỹ Anh – Thể thao & Văn hóa