418115_578071322219091_314646102_n


Thiền không phải là thần học. Thiền là một tôn giáo – và một tôn giáo không thần học là một hiện tượng độc nhất vô nhị. Tất cả những tôn giáo khác đều hiện hữu chung quanh ý niệm về Thượng Ðế. Họ có những hệ thống thần học. Thượng Ðế là trung tâm, không phải là con người; con người không phải là cứu cánh, Thượng Ðế mới là cứu cánh. Thiền thì không như thế. Với Thiền, con người là mục tiêu, con người là cứu cánh cho chính mình. Thượng Ðế không bao giờ là một cái gì đó vượt lên trên con người, Thượng Ðế là cái gì đó ẩn tàng ở chính trong con người. Con người mang theo Thượng Ðế với mình như là một năng lực tiềm ẩn.

Thế nên không hề có ý niệm Thượng Ðế trong Thiền. Và nếu bạn muốn, bạn cũng có thể nói rằng ngay cả nó cũng không phải là một tôn giáo – bởi vì làm thế nào lại có một tôn giáo mà không mang ý niệm về Thượng Ðế? Chắc chắn là những người được nuôi dưỡng trong bầu khí Ki-tô, Hồi giáo, Ấn Ðộ giáo, hay Do Thái giáo sẽ không quan niệm nổi Thiền thuộc loại tôn giáo nào. Nếu không Thượng Ðế thì phải là phiếm thần. Nhưng không phải như thế. Thiền hữu thần ngay tự bản chất – nhưng không có mặt Thượng Ðế.

Ðây là điểm cơ bản đầu tiên cần phải được thông suốt. Hãy để cho ý niệm này thấm sâu vào lòng bạn, và rồi mọi việc sẽ sáng tỏ. Thiền cho rằng Thượng Ðế không hiện hữu ở ngoài tôn giáo mà là ở trong. Nó không ở một nơi nào đó mà ngay tại đây. Thật ra, đối với Thiền, không hề có ý niệm “ở đó”, tất cả đều hiện hữu ngay tại đây. Và Thượng Ðế cũng không bao giờ hiện hữu ở lúc đó mà là bây giờ – Thượng Ðế hiện hữu ngay lúc này, không phải ở một thời điểm nào khác. NGAY BÂY GIỜ và TẠI ÐÂY. Không có một không gian hay thời gian nào khác. Khoảnh khắc này là tất cả. Trong khoảnh khắc này tất cả hiện hữu đều tụ hội. Trong khoảnh khắc này tất cả đều có mặt. Nếu bạn không thấy được điều này không có nghĩa là chúng không có mặt – mà đơn giản là vì bạn không có thị kiến để nhìn thấy nó. Thượng Ðế không phải là cái gì đó để bạn tìm kiếm. Bạn chỉ cần mở rộng đôi mắt của mình ra. Thượng Ðế đã luôn sẵn ở đó.

Cầu nguyện cũng chẳng dính dấp gì đến Thiền – bạn cầu nguyện với ai? Không hề có một ông Thượng Ðế ngự sẵn ở một nơi nào đó ở trên Thiên Ðường và điều khiển cuộc sống con người. Không hề có một ông kiểm soát viên như thế. Dòng sống chuyển động một cách nhịp nhàng và hài hòa với chính nó. Không hề có ai đó ở bên ngoài để ra lệnh, chỉ huy. Khi có một thứ quyền lực ở bên ngoài như thế, lập tức nó tạo ra tình trạng nô lệ… những người Cơ Ðốc là những kẻ nô lệ. Những người Hồi giáo cũng thế. Khi có một vị Thượng Ðế đứng ở đâu đó chỉ huy, dứt khoát là bạn trở thành kẻ tôi tớ, hay tệ hại hơn, một tên nô lệ. Bạn mất hết tất cả phẩm cách.

Thiền không như thế. Thiền cho bạn phẩm cách con người. Không hề có một quyền lực nào ở bất cứ nơi đâu. Tự Do là hoàn toàn và tuyệt đối.

Nếu Frederick Nietzsche có đôi chút hiểu biết về Thiền có lẽ ông ta đã trở thành trầm mặc thay vì nổi điên. Ông ta đã rơi tỏm vào một sự thực vĩ đại: “Không hề có Thượng Ðế. Thượng Ðế đã chết. Con người được hoàn toàn tự do.” Ông đã rơi tỏm vào chân giá trị của tự do, nhưng điều này quả là quá mức đối với ông. Tâm của ông không chuyên chở nổi vì quá tải. Nó làm ông phát khùng, nổi điên.

Con người có thể có niềm tin tôn giáo mà không cần đến Thượng Ðế. Thực ra, vấn đề là làm sao con người tín ngưỡng được với một vị Thượng Ðế? Ðây là vấn nạn mà Thiền nêu ra, một vấn nạn khá nhức nhối. Làm sao con người có thể có niềm tin tôn giáo nếu có bóng dáng của Thượng Ðế? – Bởi vì Thượng Ðế sẽ hủy diệt tự do của bạn, Thượng Ðế sẽ thống trị bạn. Không tin ư? Hãy nhìn vào Cựu Ước và nghe Thượng Ðế phán: “Ta là một Thượng Ðế rất ganh tỵ và ta không thể khoan dung với bất cứ một Thượng Ðế nào khác. Những ai không theo ta là kẻ thù ta. Ta cũng là một Thượng Ðế rất bạo động và hung dữ và ta sẽ trừng phạt ngươi, sẽ quẳng ngươi vào hỏa ngục đời đời.” Làm sao con người có thể có được niềm tin tôn giáo với một vị Thượng Ðế như thế? Làm sao bạn có tự do và làm sao bạn có thể thăng hoa nhân cách? Không có tự do, dứt khoát không có nở hoa trí tuệ. Làm sao bạn có thể trở thành một con người thực với nhân cách toàn vẹn khi có một ông Thượng Ðế luôn ở bên cạnh giam hảm bạn, lên án bạn, buộc bạn phải làm điều này, điều kia và điều khiển bạn?

Thiền cho rằng với sự hiện hữu của Thượng Ðế, con người sẽ mãi mãi ở trong tình trạng nô lệ; với Thượng Ðế, con người mãi mãi chỉ là những kẻ chuyên môn qùy lạy; với Thượng Ðế con người luôn sống trong tình trạng sợ hãi. Làm sao đời sống của bạn sẽ nở hoa trong tình trạng sợ hãi? Bạn sẽ co rúm lại, bạn sẽ khô héo đi, và bạn sẽ chết dần chết mòn. Thiền cho rằng khi Thượng Ðế không còn có mặt, Tự Do sẽ chan hòa, sẽ không có một quyền lực hiện hữu. Từ đây sẽ lớn dậy trách nhiệm. Hãy nhìn kỹ đi… Nếu bạn bị kẻ khác thống trị, bạn sẽ không bao giờ có ý niệm trách nhiệm. Quyền lực thống trị tạo ra tinh thần vô trách nhiệm; quyền lực thống trị tạo ra chống đối, phản kháng, nổi loạn ở trong bạn – bạn muốn thủ tiêu Thượng Ðế. Ðó là ý nghĩa câu nói của Nietzsche, Thượng Ðế đã chết – không phải Thượng Ðế tự sát, mà là bị giết chết.

Thượng Ðế phải bị giết chết. Bởi vì với sự hiện hữu của Thượng Ðế, con người không hề được tự do – y phải bị loại trừ. Nhưng rồi sau đó thì Nietzsche kinh hoàng. Sống không Thượng Ðế con người phải rất can đảm; sống không Thượng Ðế đòi hỏi sự quán tưởng sâu xa; sống không Thượng Ðế con người cần tỉnh thức cao độ – tất cả những điều này đã chưa hề được chuẩn bị. Ðó là lý do tại sao tôi nói rằng Nietzsche bị rơi tỏm vào sự thực, ông ta không hề khám phá ra chân lý.

Ðối với Thiền, đây là sự khám phá. Ðây là một chân lý đã được thiết định: Thượng Ðế không hề hiện hữu. Con người chịu trách nhiệm với chính mình và với thế giới mà y đang sống. Nếu có khổ đau, bạn là người gánh chịu trách nhiệm, đừng có đổ lỗi cho ai khác. Bạn không thể chạy trốn trách nhiệm của mình. Nếu thế giới này xấu xa và đầy thống khổ, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm – mà không là ai khác. Nếu chúng ta không trưởng thành, chúng ta không thể quẳng gánh nặng trách nhiệm lên vai kẻ khác. Chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm.

Khi Thượng Ðế không còn hiện hữu, bạn được trả về nguyên vị. Bạn đã trưởng thành. Bạn buộc phải trưởng thành. Bạn phải gánh lấy trách nhiệm cuộc đời mình; bạn phải nắm lấy nó trong đôi tay mình. Bây giờ thì bạn đã trở thành chủ nhân ông của chính mình. Bạn trở nên cảnh giác hơn, tỉnh táo hơn, vì bất cứ điều gì xảy ra bạn sẽ là người hoàn toàn nhận chịu trách nhiệm. Bạn đã đón nhận một trọng trách. Khi một người bắt đầu cảnh giác hơn, tỉnh táo hơn, họ bắt đầu có một cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Họ sống tỉnh thức. Họ trở thành chứng nhân.

Và khi không còn gì ở ngoài tầm… Cái gì ở ngoài tầm cũng đang hiện hữu ở trong bạn, không có gì là xa xôi ở phía bên kia. Ðối với niềm tin Cơ Ðốc, cái ở phía bên kia đó luôn ở ngoài tầm; đối với Thiền nó ở bên trong. Thế nên bạn đâu có cần phải hướng đôi mắt của mình lên bầu trời để cầu khấn – một việc làm nhảm nhí, vô nghĩa; bạn đang cầu khấn với một khoảng không. Trong tâm tưởng, bầu trời kia còn thấp hơn là chính bạn.

Có một số người đứng khấn vái trước một cái cây. Không ít người Ấn Ðộ giáo khấn cầu với một cái cây, có rất nhiều những người Ấn Ðộ giáo khác tìm đến sông Hằng và khấn cầu với một giòng sông, có nhiều người lại cầu khấn với một tảng đá, có người cầu khấn với bầu trời, thậm chí với một ý niệm, một tư tưởng. Kẻ bề trên lại đi cầu khấn với kẻ dưới. Thật là một việc làm nhảm nhí vô nghĩa.

Thiền nói rằng: Chỉ có một con đường duy nhất là thiền quán. Bạn không còn phải qùy trước bất cứ ai. Hãy liệng bỏ thói quen nô lệ cũ. Bạn chỉ cần một chút lặng lẽ, yên tĩnh và quán chiếu nội tâm để tìm ra cái cốt lõi. Ðây cũng chính là cái cốt lõi của hiện hữu. Khi bạn đạt đến điểm rốt ráo tận cùng này ở trong bạn, thì đây cũng chính là cái rốt ráo tận cùng của hiện hữu. Ðó là Thượng Ðế ở trong Thiền. Nhưng người ta không gọi đó là Thượng Ðế. Quả là một điều may.

Như vậy, điều cần phải ghi nhớ đầu tiên, rằng Thiền không phải là thần học, nó là một tôn giáo – một tôn giáo hoàn toàn khác biệt với những tôn giáo khác. Hãy lấy một thí dụ. Nó không giống với Hồi giáo. Hồi giáo cần ba điều cơ bản: một Thượng Ðế, một cuốn thánh kinh và một nhà tiên tri. Thiền không cần Thượng Ðế, không cần thánh kinh, không cần nhà tiên tri. Hiện hữu toàn vẹn chính là lời tiên tri của Thượng Ðế. Hiện hữu toàn vẹn chính là thông điệp của Thượng Ðế.

Nên nhớ rằng Thượng Ðế không hề cách ly với chính thông điệp của mình. Thông điệp tự thân đã thiêng liêng. Nó không cần đến người trung gian – tất cả những điều nhảm nhí vô nghĩa này không có trong Thiền. Thần học được dựng lên bằng một cuốn sách. Nó cần đến một cuốn sách giả bộ như là thánh kinh, nó cần một cuốn sách tự nhận là rất đặc biệt – không hề giống với bất cứ một cuốn sách nào khác. Vì đây là lời Thượng Ðế, vì đây là Phúc Âm. Nó được mang tên là Bible. Nó được mang tên là Koran…

Thiền thì cho rằng tất cả mọi thứ đều nhiệm mầu, thiêng liêng, tại sao lại có cái này đặc biệt hơn cái khác? Tất cả đều đặc biệt như nhau. Không có gì là không đặc biệt thế nên không có gì cũng là đặc biệt. Mỗi cọng lá trên mỗi cành cây, mỗi viên sỏi trên từng bờ biển đều đặc biệt, nhất thể, thánh hoá. Không phải chỉ có Bible là thiêng liêng, cũng không phải chỉ có kinh Koran là thiêng liêng. Khi một tình nhân viết thư cho người mình yêu dấu, lá thư đó cũng là một thiêng liêng.

Thiền đem thiêng liêng mầu nhiệm đến với cuộc sống đời thường. Bokogu, một vị đại thiền sư, luôn luôn nói: “Thật là tuyệt vời! Thật là mầu nhiệm! Tôi đang khiêng dầu, tôi đang gánh nước.” “Thật là tuyệt vời! Thật là mầu nhiệm!” Việc khiêng dầu và gánh nước từ giếng lên được ông tán thán “Thật là mầu nhiệm!” Ðó chính là tinh thần của Thiền. Nó chuyển hoá cái bình thường thành phi thường. Nó chuyển hoá cái ô trọc thành thiêng liêng. Nó xóa nhòa biên giới giữa phàm và thánh. Ðó cũng là lý do tại sao tôi nói rằng Thiền không phải là thần học. Thần học làm nhiễm độc tôn giáo. Trên bình diện tôn giáo, sẽ không có gì khác nhau giữa một người Hồi giáo, Cơ Ðốc hay Ấn Ðộ giáo, nhưng trên bình diện thần học là cả một sự cách biệt lớn lao. Họ được xây dựng trên những nền tảng thần học khác nhau. Và rồi con người đánh nhau cũng chỉ vì thần học.

Tôn giáo chỉ có một mà thần học thì đủ thứ. Thần học bao hàm triết học về Thượng Ðế, luận lý về Thượng Ðế… tất cả đều nhảm nhí vô nghĩa bởi vì không có cách gì chứng minh có Thượng Ðế – cũng như không có Thượng Ðế. Tranh cãi những điều chẳng dính dấp vào đâu cả. Vâng, người ta có thể nói có những điều chỉ có thể thực chứng mà không thể chứng minh – và đó là điều mà thần học tiếp tục làm những công việc ngu xuẩn – chẻ sợi tóc ra làm tư. Khi bạn là người khách quan đứng ở xa nhìn vào, bạn sẽ không khỏi bật cười. Sao mà lại có chuyện lố bịch như thế.

Trong thời đại Trung Cổ, các nhà thần học Cơ Ðốc đã vô cùng quan tâm, vô cùng lo lắng, vô cùng hoang mang với những vấn nạn mà xem ra sẽ chẳng bao giờ là vấn nạn của bạn cả. Thí dụ như, có bao nhiêu thiên thần có thể cùng đứng được trên một mũi kim? Ðã có không biết bao nhiêu sách vở luận bàn về đề tài này – đã nổ ra một cuộc tranh luận khá lớn lao.

Mulla Nasrudin, chủ nhân của hai con chim vẹt xanh, một hôm mang chim đến cho một vị bác sĩ thú y nhờ chăm sóc: “Tôi lo quá, những con chim của tôi không đi cầu cả tuần nay rồi.”

Nhà thú y sĩ nhìn vào lồng và hỏi, “Ông luôn luôn lót lồng chim với những tấm bản đồ thế giới?”

“Không,» Mulla Nasrudin trả lời, “Tôi chỉ mới thay nó vào hôm thứ Bảy vừa rồi vì hết cả giấy báo.”

“Ðấy là lý do!” nhà thú y sĩ trả lời. “Vẹt xanh là giống vật rất nhạy cảm. Nó nín đi cầu vì sợ rằng trái đất này sẽ lấy hết phân mà nó có thể bài tiết nổi!”

Thần học là thứ cặn bả phế thải. Tôn giáo đã bị đầu độc bởi thần học. Một người có tín ngưỡng đích thực không hề biết đến thần học. Vâng, y sẽ thực chứng, sẽ đạt đến chân lý, đến điểm linh quang mà không cần đến thần học. Nhưng thần học lại giúp ích cho các nhà học giả, bác học, những người được gọi là trí thức. Nó còn cần thiết hơn nữa cho giới tu sĩ, các ông giáo hoàng, các Shankaracharyas. Nó mang lại mối lợi lớn cho họ. Toàn bộ cái dịch vụ làm ăn của họ đều nương tựa vào đây.

Thiền thì khác, nó cắt đứt tất cả mọi gốc rễ. Nó hủy diệt cái dịch vụ cơ bản nhất của giới tu sĩ. Và đây cũng là cái dịch vụ tồi tệ nhất trên thế giới vì được đặt trên sự dối gạt lớn lao. Nhà tu sĩ không hề biết gì cả nhưng lại tiếp tục đi rao giảng; nhà thần học không hề biết gì cả nhưng lại tiếp tục đi nói chuyện huyên thuyên về học thuyết. Ðương sự cũng dốt nát như bao nhiêu người khác – có khi còn dốt nát hơn nữa là khác, nhưng là một sự dốt nát rất có lớp lang bài bản, được tô vẽ bởi nhiều thứ – tô vẽ bởi kinh sách, tô vẽ bởi học thuyết; tô vẽ một cách xảo quyệt và thông minh khiến người ta khó mà tìm ra được kẻ hở. Thần học như thế chẳng có ích lợi gì cho nhân loại, nhưng chắc chắn là nó giúp ích cho một số người: những tu sĩ. Từ đó nhân danh những học thuyết xuẩn động, họ khai thác con người.

Hai nhà phân tâm học gặp gỡ nhau tại một nhà hàng đông khách và bắt đầu nói chuyện. Một người khoe là mình đang chữa trị một ca phân sinh nhân cách khá thích thú. Người kia chặn họng: “Phân sinh nhân cách có gì mà đặc biệt? Những trường hợp này xảy ra thông thường quá mà!”

“Thích thú ở chỗ là tớ được cả hai người trả tiền!”

Những nhà thần học cũng sống như thế. Thần học là chính trị. Nó chia rẽ con người. Chia để trị là thủ thuật muôn đời.

Thiền không thế, nó nhìn nhân loại không bằng ánh mắt phân chia – nó không chia rẽ. Nó có một cái nhìn toàn diện. Ðó là lý do tại sao tôi hay nói rằng Thiền là tôn giáo của tương lai. Nhân loại ngày càng trưởng thành dần trong tỉnh thức lúc đó thần học sẽ bị loại trừ và tôn giáo sẽ được chấp nhận một cách thuần khiết như là một thực chứng tâm linh.

Nhật Bản có một từ ngữ đặc biệt để diễn tả điều này. Họ gọi đó là konomama hay sonomama – “Cái Ðây là” của hiện hữu. Một chữ Ðây viết hoa- không là cái gì khác. Chính cái như thị này của đời sống mới là Thượng Ðế, không là cái gì khác. Chính cái như thị trong khoảnh khắc này đây mới thánh hóa, thiêng liêng: cái như thị của một cành cây, cái như thị của một hòn đá, cái như thị của một người nam, cái như thị của một người nữ, cái như thị của một đứa trẻ. Và cái như thị đó không hề được định nghĩa, không thể được định nghĩa. Bạn có thể tan biến vào đó, thể nhập vào đó, nếm được hương vị của nó. “Thật là tuyệt vời! Thật là mầu nhiệm!”

Vâng, bạn không thể định nghĩa được nó, không thể phân tích nó một cách luận lý, không thể đóng khung nó vào một ý niệm dứt khoát, rõ ràng. Nó sẽ bị giết chết bởi ý niệm. Nó sẽ không còn là như thị nữa mà là một sản phẩm cấu trúc của tâm. Cái danh từ “Thượng Ðế” không phải là Thượng Ðế, cái ý niệm về Thượng Ðế không phải là Thượng Ðế.Cũng vậy ý niệm về “tình yêu” không phải là tình yêu, ý niệm về “thực phẩm” không phải là thực phẩm. Thiền đã nói ra điều này một cách rất đơn giản: Hãy nên nhớ rằng thực đơn không phải là món ăn. Bạn đừng có xơi luôn thực đơn nhé. Nhưng đó là điều mà người ta đã làm hàng bao thế kỷ qua: xơi luôn cả thực đơn!

Thế thì bạn đừng ngạc nhiên khi thấy con người ốm đói, con người không thể thăng hoa, con người không sống động, con người không sống một cách trọn vẹn; dĩ nhiên thôi, ai cũng có thể thấy trước điều này. Họ không hề sống bằng thực phẩm thực. Họ nói quá nhiều về thực phẩm đến độ quên mất đi thực phẩm là cái gì. Thượng Ðế phải được ăn, Thượng Ðế phải được nếm, Thượng Ðế phải được sống với – không phải là để tranh luận về.

Cái tiến trình “nói về” này chính là thần học. Cái “nói về” này dẫn ta đi lòng vòng, chẳng bao giờ đưa ta đến cái đích thực. Ðây là cái vòng luẩn quẩn. Luận lý chỉ là cái vòng lẩn quẩn. Và Thiền chính là những nỗ lực nhằm đưa ta thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.

Tại sao luận lý là cái vòng lẩn quẩn? Bởi vì chính trong tiền đề đã hàm chứa kết luận. Kết luận chẳng có gì là mới mẻ, nó đã được chứa sẵn trong tiền đề. Và rồi trong kết luận, tiền đề được chứa sẵn. Cũng chẳng khác gì một cái hạt: cái cây được chứa sẵn trong cái hạt, rồi cái cây sản sinh ra vô số hạt, rồi trong những hạt này sẽ lại ươm mầm những cái cây. Cái vòng lẩn quẩn là như thế. Hạt, rồi cây, rồi hạt. Tiếp tục như thế mãi. Cũng giống như trứng, rồi gà, rồi trứng, rồi gà, rồi trứng… tiếp tục không ngừng. Một cái vòng bất tận.

Thiền là tất cả những gì nhằm bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn này – tâm của bạn sẽ không còn tiếp tục lang thang qua những ngôn từ và ý niệm mà trực nhập ngay vào hiện hữu của tự thân.

Nanin, một vị đại thiền sư đang đốn củi ở trong rừng. Một vị giáo sư đại học tìm đến thăm. Nghĩ rằng gã tiều phu này chắc biết Nanin đang sống ở đâu trong vùng núi non này, ông ta liền hỏi thăm. Gã tiều phu nâng cái búa lên và nói: “Ta phải trả giá cái này đắt lắm đấy.”

Dĩ nhiên vị giáo sư đâu có hỏi về cái búa. Ông muốn tìm hỏi xem Nanin đang ở đâu; ông muốn biết Nanin có đang ở trong chùa hay không để ông đến gặp. Gã tiều phu lại nâng cái búa lên và nói: “Nhìn đây này. Ta phải trả giá cái búa này đắt lắm đấy.” Vị giáo sư hơi hoang mang và trước khi kịp tháo lui thì người tiều phu đã tiến sát đến gần hơn, đưa lưỡi búa hạ xuống ngay sát trên đỉnh đầu ông. Vị giáo sư hoảng hồn đứng run lên thì người tiều phu nói tiếp: “Cái búa này bén lắm đó.” Ðến đây thì vị giáo sư bỏ chạy.

Sau đó, khi tìm được đến chùa, ông mới biết được rằng gã tiều phu kia không ai khác hơn là Nanin. Ông mới hỏi, “Bộ ông ấy điên hả?”

“Không,” người đệ tử trả lời. “Khi ngài hỏi rằng Nanin có ở trong đó không thì ông ta trả lời rằng có bằng cách chỉ cho ngài thấy cái “ở trong” và cái “như thị” của ông ấy. Trong khoảnh khắc đó, Nanin là gã tiều phu; trong khoảnh khắc đó, cái búa ở trong tay ông ta, ông ta hoàn toàn thể nhập vào sự sắc bén của cái búa. Ông ta đã trả lời ‘Tôi đang ở trong’ bằng cái hiện sinh lập tức và toàn vẹn của mình ngay chính trong khoảnh khắc hiện tại đó. Ngài đã không lãnh hội được ý nghĩa này. Ông ta đã chỉ cho ngài thấy cái phẩm chất của Thiền.”

Thiền là vô niệm và vô trí – không hề là sản phẩm của ý niệm, và trí tuệ. Ðây là tôn giáo duy nhất trên thế giới rao giảng về trực nhận tức thời; trực nhận tức thời trong từng khoảnh khắc, trực nhận tức thời trong từng sát na; hiện hữu ngay trong chính hiện tại, không quá khứ, không tương lai.

Thế nhưng con người bị bao quanh bởi thần học. Những lý thuyết thần học này giữ họ mãi trong tình trạng ấu trỉ, không cho phép họ trưởng thành. Bạn không thể nào trưởng thành được khi bị giam hảm ở trong hàng rào thần học, khoác lên người chiếc áo Ky tô hữu, hay Ấn Ðộ giáo, hay Hồi giáo, và ngay cả Phật tử. Bạn không thể trưởng thành. Bạn không đủ chỗ để lớn dậy. Bạn bị giam hảm quá kỹ, trong một không gian nhỏ hẹp; bạn đang bị bỏ tù.

Một vị mục sư trẻ thụt két một trăm ngàn đô-la của qũy nhà thờ và đem nướng hết vào thị trường chứng khoán. Rồi bà vợ trẻ đẹp của ông ta cũng chán ngán bỏ đi. Quá đổi tuyệt vọng, ông ta tìm đến một dòng sông và sắp sửa buông mình ra khỏi chiếc cầu để tự tử thì bị chặn lại bởi một người đàn bà trong chiếc áo khoác dài đen, khuôn mặt nhăn nheo, mái tóc quăn queo màu muối tiêu.

“Ðừng nhảy”, người đàn bà với giọng the thé, “Ta là mụ phù thủy đây, và ta sẽ ban cho ngươi ba điều ước nếu ngươi làm cho ta một việc!»

“Không ai có thể giúp tôi được nữa,” ông ta trả lời.

“Này, đừng có ngớ ngẩn như thế,” bà ta đọc thần chú, “Alakazam! Tiền bị mất sẽ trở lại hộp an toàn của nhà thờ! Alakazam! Vợ ngươi hiện đang ở nhà chờ ngươi với tình yêu say đắm nhất. Alakazam! hai trăm ngàn đô la hiện ở trong nhà băng của ngươi!”

“Thật là tuyệt…tuyệt…tuyệt vời,” vị mục sư lắp bắp, “bây giờ thì tôi phải làm điều gì cho bàđây?”

“Ngủ và làm tình với ta trong đêm nay.”

Cái ý tưởng phải ăn nằm với một mụ già không răng xấu như ma đã bị đẩy lùi vì quả tình nó rất đáng giá, thế rồi họ ngủ lại qua đêm với nhau tại một khách sạn cạnh đó. Buổi sáng, sau khi màn trao đổi ghê tởm kết thúc, vị mục sư đang sửa soạn bận áo quần để về nhà thì có tiếng nói vọng lên từ trên giường: “Này con trai cưng, bao nhiêu tuổi rồi vậy?”

“Bốn mươi hai! Có chuyện gì không?”

“Có phải ngươi chưa đủ già để tin rằng chuyện phù thủy là có thực?”

Ðó là những gì đang xảy ra. Nếu bạn tin tưởng vào Thượng Ðế bạn cũng có thể tin tưởng vào chuyện phù thủy, cũng cùng một loại thôi. Nếu bạn tin tưởng vào một chuyện nhảm nhí vô nghĩa, bạn có thể tin tưởng vào tất cả những chuyện nhảm nhí vô nghĩa khác. Thế là bạn không bao giờ trưởng thành. Bạn vẫn luôn là trẻ con dễ bị dối gạt.

Thiền có nghĩa là chín chắn. Thiền có nghĩa là loại bỏ tất cả những mụ phù thủy hoang đường để nhìn thẳng vào vấn đề. Ðừng mang những giấc mộng của bạn vào thực tại. Hãy chùi sạch đôi mắt mơ ngủ của mình để nhìn rõ thực tại. Cái như thị đó được gọi là konomama hay sonomama. Kono hay sonomama có nghĩa là cái như thị của một sự vật – cái thực tướng trong cái như thị của nó. Tất cả mọi ý hệ đều ngăn chặn tầm nhìn của bạn. Những ý hệ là những chiếc khăn bịt mắt cản trở thị kiến của bạn. Một người Ky tô hữu không thể thấy được cái gì cả, người Ấn Ðộ giáo cũng thế, kể cả người Hồi giáo. Bởi vì bạn bị chiếm ngự bởi những ý tưởng của riêng mình nên bạn chỉ trông thấy những gì muốn trông thấy, cái thực tại không hề xuất hiện, bạn đang phóng chiếu, bạn đang diễn dịch, bạn đang tạo ra một thực tại riêng tư của chính bạn vốn không hề hiện hữu ở đó. Ðiều này tạo ra một sự phá sản tâm linh. Trong số một trăm người được gọi là ông thánh của bạn, có đến chín mươi chín người là kẻ mất trí.

Thiền mang lại sự lành mạnh tinh thần cho thế giới, một sự lành mạnh hoàn toàn. Nó giải trừ tất cả mọi giáo điều, ý hệ, khi nói: “Hãy trở nên trống rỗng. Hãy nhìn bằng đôi mắt vô niệm. Nhìn thẳng vào bản tánh của vạn pháp, mà không khởi lên một ý niệm, không thiên kiến, không giả định.” Không nên để bị nhồi nhét trước, đó là một trong những điều cơ bản nhất. Thế nên thần học phải bị loại trừ, nếu không bạn sẽ vẫn mãi bị nhồi nhét bởi những thiên kiến.

Bạn đã thấy được trọng tâm của vấn đề chưa? Khi bạn đã mang sẵn một ý tưởng ở trong đầu, thường một điều chắc chắn là bạn sẽ tìm thấy nó ở trong thực tế – bởi vì tâm rất là sáng tạo. Dĩ nhiên cái sáng tạo này chỉ thuần là tưởng tượng. Nếu bạn đang tìm kiếm Christ, có thể bạn sẽ thấy những ảo ảnh về Jesus Christ, và tất cả đều là hư huyễn. Nếu bạn đang tìm kiếm Krisna, bạn có thể bắt đầu thấy Krisna, và tất cả cũng chỉ là hư huyễn.

Thiền rất mực thực tế. Nó cho rằng những gì là ảo tưởng cần phải được loại trừ. Ảo tưởng đến từ quá khứ. Từ thuở ấu thơ bạn đã bị điều kiện hoá bởi một số ý tưởng. Từ thuở ấu thơ bạn đã được đưa đến nhà thờ, đưa đến chùa, đưa đến thánh đường Hồi giáo; bạn đã được dẫn đến các nhà học giả, các nhà thông thái, các nhà tu sĩ; bạn đã bị buộc phải lắng nghe những bài thuyết pháp – đủ mọi thứ chuyện được nhét vào tâm trí của bạn. Với gánh nặng chồng chất như thế, bạn chớ vội đi tìm chân lý – vì nếu không, bạn sẽ không bao giờ biết rõ được chân lý là cái gì.

Phải cởi bỏ cái gánh nặng đó. Cởi bỏ cái gánh nặng đó tức là Thiền.

Một vị mục sư đang rao giảng Phúc Âm trong một bệnh viện tâm thần cho những người mất trí. Bài giảng của ông ta nửa chừng đột nhiên bị cắt đứt bởi tiếng ré lớn: “Này, nghe tôi nói đây này, chúng ta có nên lắng nghe những chuyện vớ vẩn này không?”

Vị mục sư hơi ngạc nhiên và bối rối hỏi người canh giữ: “Tôi có nên ngưng nói không?”

Người gác trả lời: “Không, không, hãy cứ tiếp tục. Chuyện này tôi bảo đảm là sẽ không xảy ra nữa đâu, ít nhất là bảy năm nữa. Cái tên điên này cứ bảy năm mới được tỉnh táo một lần đó mà.”

Quả thật là rất khó khăn để tỉnh táo trong một thế giới đang điên loạn.

Thiền dễ nhưng mà khó. Thiền như ta được biết là những gì đơn giản – rất mực đơn giản, đơn giản nhất, bởi vì đây là sự tự phát- nhưng lại rất khó khăn, bởi vì tâm của ta đã bị điều kiện hóa, bởi vì cái thế giới khùng điên mà chúng ta đang sống, chúng ta được nuôi dưỡng lớn khôn, nó làm cho chúng ta hư hỏng.

Vấn đề thứ hai: Thiền không phải triết lý, nó là thi ca. Nó không hề đề xuất mà một cách đơn giản, nó chỉ thuyết phục. Nó không hề tranh cãi mà chỉ hát lên khúc nhạc của chính mình. Tự bản chất, Thiền là thẩm mỹ học, không phải là một lối tu khổ hạnh. Nó không tin vào sự kiêu mạn, gây hấn, hướng về thực tại, nó tin vào sự yêu thương. Nó tin một điều rằng, nếu ta thể nhập với thực tại, thực tại sẽ mở ra những bí mật của nó cho chúng ta. Nó tạo ra cái ý thức tham dự. Thiền là thơ, thi ca tinh ròng – cũng giống như tôn giáo tinh ròng.

Thiền đặc biệt quan tâm đến Mỹ – không bận tâm nhiều đến Chân, nhưng nghiêng nhiều hơn về Mỹ. Tại sao như thế? Vì Chân là một biểu tượng khô khan. Tự thân nó đã khô khan mà những ai quá quan tâm đến nó cũng trở nên khô khan luôn. Họ bắt đầu chết dần chết mòn. Trái tim của họ thu nhỏ lại, những dòng suối ngọt ngào không chảy nữa. Họ trở nên khô héo không còn biết thương yêu, họ trở thành bạo động, và bắt đầu chạy đuổi theo những ý tưởng lung tung ở trong đầu.

Thiền không phải là chuyện của cái đầu mà là của cái toàn thể. Không có nghĩa là cái đầu bị chối bỏ, nhưng nó được đặt vào đúng vị trí. Nó sẽ không còn đóng vai trò chủ đạo mà chỉ làm tròn chức năng của mình trong cái toàn thể. Trong cái toàn thể này thì ruột cũng quan trọng như đầu, cái chân, trái tim cũng quan trọng như thế. Ðó là cả một cơ cấu vận hành, không có cái nào chế ngự cái nào.

Triết học thì thiên về cái đầu; thi ca nghiêng về cái toàn thể hơn. Thi ca là giòng chảy sinh động. Nó quan tâm đến Mỹ – đến cái đẹp. Mà cái đẹp thì không bao giờ bạo động, nó đồng nghĩa với yêu thương, với nhân ái, từ bi.

Thiền giả nhìn sâu vào thực tại để tìm ra cái đẹp… trong tiếng chim hót, trong cỏ cây, trong điệu múa của loài công, trong đám mây, trong làn chớp, trong biển cả, trong cát mịn… Ðó là một nỗ lực đi tìm cái đẹp.

Một cách hết sức tự nhiên, đi tìm cái đẹp có một tác động hoàn toàn khác biệt. Khi bạn đi tìm kiếm chân lý, bạn rất là dương tính; khi bạn đi tìm kiếm cái đẹp bạn âm tính hơn. Khi đi tìm kiếm chân lý, bạn thiên về luận lý hơn. Khi đi tìm kiếm cái đẹp, bạn nghiêng nhiều hơn về trực giác. Thiền là âm. Thi ca là âm. Triết lý rất là dương, rất năng động.

Thiền là thụ động- đó là lý do tại sao đối với Thiền, ngồi trở nên một trong những phương cách hành thiền quan trọng nhất. Chỉ việc ngồi yên – ta gọi là tọa thiền. Thiền gia cho rằng nếu bạn ngồi yên không vọng động, rồi mọi chuyện sẽ xảy ra. Mọi chuyện sẽ tự nó xảy ra; bạn không cần phải theo đuổi, bạn không cần phải tìm kiếm. Chúng sẽ đến. Bạn chỉ việc ngồi yên, đơn giản thế thôi. Và nếu bạn có thể ngồi trong tĩnh lặng, rơi vào một trạng thái hoàn toàn yên nghỉ, nếu bạn có thể tự buông xả, nếu bạn có thể giải trừ mọi áp lực để trở thành một cái hồ năng lực đầy tĩnh lặng, không đến không đi, không tìm kiếm. Suối nguồn Thượng Ðế sẽ bắt đầu tuôn chảy vào bạn. Năng lực Thượng Ðế sẽ đổ dồn đến bạn từ khắp mọi hướng. Hãy ngồi yên lặng, vô tác, như mùa xuân đến và cây cỏ tự nở hoa.

Và hãy nhớ kỹ một điều, khi Thiền nói rằng ‘chỉ ngồi yên’ có nghĩa là bạn chỉ ngồi yên – không làm gì hết, ngay cả đọc thần chú. Nếu bạn niệm thần chú, bạn lại rơi vào những chuyện vớ vẩn nữa rồi, tâm bạn lại bắt đầu lung tung. Nếu bạn ở trong tình trạng vô tác… Những dòng tư tưởng sẽ đến, những dòng tư tưởng sẽ trôi đi – nếu chúng đến, tốt; nếu chúng không đến, cũng tốt thôi. Bạn sẽ không còn quan tâm về những gì đang xảy đến, bạn chỉ ngồi đó, lặng yên. Nếu bạn cảm thấy mệt, cứ việc nằm dài ra. Nếu bạn cảm thấy đôi chân căng thẳng, cứ việc duỗi nó ra. Hoàn toàn ở trong trạng thái tự nhiên. Không cả nhìn ngắm. Không cố gắng về bất cứ chuyện gì. Ðó là cái mà người ta gọi là tọa thiền. Hãy ngồi yên và rồi nó sẽ xảy đến.

Thiền là một sự tiếp cận đầy nữ tính, và tôn giáo trên căn bản, cũng thế. Khoa học, triết lý là dương – tôn giáo là âm. Tất cả những gì tươi đẹp trên thế gian này – thi ca, hội họa, khiêu vũ- đều xuất phát từ tâm hồn nữ tính.

Có thể là nó đã không xuất phát từ phụ nữ vì phụ nữ chưa được hoàn toàn giải phóng để sáng tạo. Nhưng thời điểm của họ đang đến. Khi Thiền ngày càng trở nên khởi sắc và có ý nghĩa hơn trong thế giới này, tâm hồn nữ tính sẽ bột phát, đó sẽ là một bùng nổ lớn.

Mọi sự chuyển động trong mối tương quan cùng nhau. Thời đại quá khứ là thời đại trọng nam – thế nên ta có Hồi giáo, Cơ Ðốc, Ấn Ðộ giáo. Tương lai sẽ mang màu sắc nữ tính hơn, dịu dàng hơn, thụ động hơn, thoải mái hơn, thẩm mỹ hơn, thi ca hơn. Và trong cái thế giới thơ mộng đó Thiền sẽ trở nên một sự việc có ý nghĩa nhất trong thế giới này.

Triết học là luận lý; thi ca là tình yêu. Triết học là mổ xẻ, phân tích; thi ca là tổng hợp, nối kết sự việc cùng nhau. Triết học cơ bản là hủy diệt; thi ca là đời sống hiến dâng. Phân tích là phưong pháp của triết học – và cũng là phương pháp của khoa học, của những nhà phân tâm học. Không sớm thì muộn khoa phân tâm học phải được thay thế bằng tổng tâm học. Assagioli (1) đã có lý hơn Sigmund Freud (2) bởi vì tổng hợp gần với chân lý hơn. Thế giới này là một. Ðó là một thể thống nhất – nhất thể. Không có gì chia cách. Tất cả đều cùng chung một nhịp đập của trái tim. Chúng ta đều nối kết, liên hệ cùng nhau. Toàn bộ đời sống là một mạng lưới. Ngay cả một cọng lá nhỏ chung quang giảng đường Trang Tử này cũng được kết nối với một vì sao xa nhất. Nếu chuyện gì xảy ra cho cọng lá này thì cũng sẽ xảy đến với vì sao xa thẳm đó. Mọi việc đều liên hệ cùng nhau, trong mối tương quan với nhau. Tất cả hiện hữu đều chung một mái nhà.

Thiền nói rằng, đừng mổ xẻ, đừng phân tích.

Một nông dân ở Vermont chứng kiến một tai nạn xe lửa, người ta đã hỏi đầu đuôi câu chuyện và ông đã kể về tai nạn xảy ra như sau: “Ồ, tôi và Jake đang đi dọc theo đường rầy xe lửa, rồi thì tôi nghe một tiếng còi, tôi nhảy qua một bên đường và chiếc xe lửa chạy ngang qua, rồi tôi bước lên trên đường rầy trở lại và không thấy Jake đâu cả. Nhưng mới đi một chút thì tôi thấy chiếc nón của Jake, tôi đi tiếp và thấy một cái chân của Jake, rồi một cánh tay của Jake, rồi thì một cái chân khác, rồi một nữa cái đầu của Jake, và tôi nói với mình, ‘Trời đất! Chắc là phải có chuyện gì xảy đến cho Jake rồi!’”

Ðó là những gì hiện đang xảy ra cho nhân loại. Ðã và đang xảy ra. Con người bị cắt ra thành từng mảnh. Chúng ta có vô số những nhà chuyên khoa: có những ông chuyên trị về mắt, có những ông chuyên trị về tim, có những ông chuyên trị về đầu, và có những ông chuyên lo về những cái khác. Con người đã bị chia cắt.

Thiền nói rằng con người là một tổng thể, một cấu trúc hữu cơ.

Trong khoa học hiện đại có một khái niệm mới hiện đang được nói đến gọi là lưỡng tính (androgeny). Buckminster Fuller (3) đã định nghĩa lưỡng tính như là sắc thái đặc biệt của một hệ thống toàn bộ, một cấu trúc hữu cơ. Một cấu trúc hữu cơ không phải chỉ là một tổng hợp đơn thuần của những bộ phận. Nó là một cộng thể (synergetic) – đó không phải chỉ gồm những bộ phận được ráp lại với nhau. Khi mà những bộ phận này kết hợp lại và vận hành như một nhất thể trong một trật tự ổn cố, cái cộng thể này xuất hiện – với cái tín hiệu sống, như tiếng ‘tíc-tắc’ của đồng hồ. Bây giờ nếu bạn mở cái đồng hồ ra và tháo rời từng bộ phận, tiếng ‘tíc-tắc’ này biến mất. Khi bạn lắp ráp chúng lại trong một trật tự vận hành – tiếng ‘tíc-tắc’ xuất hiện trở lại. Cái tín hiệu sống này hoàn toàn mới. Nó ở đâu ra vậy? Không một bộ phận riêng rẻ nào trong cái cộng thể đó trách nhiệm về nó. Không một bộ phận cá thể nào chứa nó. Chính cái toàn bộ, cái tổng thể đã phát ra cái tín hiệu đó.

Cái tín hiệu sống đó là cái hồn. Nếu bạn tách lìa tay tôi ra, nếu bạn tách lìa chân tôi ra, nếu bạn tách lìa đầu tôi ra, cái tín hiệu đó biến mất. Ðó là linh hồn của sự sống, nó chỉ tồn tại trong một cơ thể hợp nhất.

Thượng Ðế chính là cái tín hiệu sống trong hiện hữu nhất thể. Bạn không thể tìm ra Thượng Ðế bằng cách mổ xẻ ra từng bộ phận. Thượng Ðế chỉ hiện hữu trong cái nhìn đầy thơ mộng của sự hợp nhất. Thượng Ðế là một kinh nghiệm cộng thể. Khoa học không thể nào tìm ra, Triết học không thể nào đến gần – mà chỉ có thể tiếp cận một cách thơ mộng, một cách rất thụ động, rất dễ thương. Khi bạn thể nhập làm một với hiện hữu, khi bạn không còn tách rời ra như một người đi tìm kiếm, khi bạn không còn tách rời ra như một kẻ đứng nhìn, khi bạn không còn tách rời ra như một người quan sát, khi bạn đánh mất mình vào trong đó, hoàn toàn tan biến vào trong đó – thì nó, cái tín hiệu sống, xuất hiện.

Thứ ba: Thiền không phải là khoa học mà là phép lạ. Nhưng đây không phải là phép lạ của những nhà ảo thuật gia, mà là cách thế ta nhìn vào đời sống như một phép lạ. Khoa học là trí óc. Ðó là nỗ lực để hủy diệt sự huyền nhiệm của đời sống. Nó giết chết điều kỳ diệu. Nó đối nghịch với nhiệm mầu. Thiền trái lại, nó là tất cả cho sự nhiệm mầu, cho huyền nhiệm.

Ðời sống huyền nhiệm không phải để cho người ta đi tìm lời giải đáp mà là để sống, bởi vì bạn sẽ không bao giờ tìm ra lời giải đáp. Bạn phải thể nhập vào đó với trọn vẹn yêu thương. Quả là một hạnh phúc lớn khi đời sống là một huyền nhiệm. Hãy cùng nhau chúc mừng cho sự huyền nhiệm này.

Thiền là phép lạ. Nó cho bạn chìa khoá để mở vào những cánh cửa nhiệm mầu. Và sự nhiệm mầu đó ở ngay trong chính bạn, cái chìa khoá đó cũng ở ngay trong bạn.

Khi bạn tìm đến một Thiền sư, ông ta chỉ là người giúp cho bạn đi vào tỉnh lặng để tìm ra cái chìa khóa mà bạn đang mang theo trong suốt đời mình, cùng với cánh cửa – luôn luôn sẵn ở đó- đi vào ngôi đền của riêng bạn ở tận trong đáy tâm hồn.

Và đây là điểm cơ bản cuối cùng: Thiền không phải là đạo đức, nó là thẩm mỹ. Nó không hề áp đặt một tiêu chuẩn đạo đức, không đưa ra bất cứ một điều răn nào: Phải làm cái này, không được làm cái kia. Một cách đơn giản, nó làm cho bạn nhạy cảm hơn về cái đẹp, và cái tính nhạy cảm này trở thành nền tảng đạo đức của bạn. Thế rồi nó sẽ vượt qua khỏi bạn, ý thức của bạn. Ðừng nghĩ rằng nó sẽ ban cho bạn một mớ lương tâm nhằm phản kháng lại ý thức; không, nó chỉ giúp cho bạn trở nên ý thức, tỉnh giác hơn và sự phong phú ý thức này lại sẽ trở thành lương tâm của bạn. Như thế, điều răn không phải đến từ ông Moses, không phải đến từ Bible, từ Koran hay kinh Vệ Ðà… Nó không hề đến từ bên ngoài. Nó đến từ chính trong sâu thẳm tận cùng của bạn. Và khi phát xuất từ đây, ta không còn nô lệ nữa. Ta hoàn toàn tự do. Khi phát xuất từ đây ta sẽ không còn làm việc một cách miễn cưỡng như là bổn phận. Bạn làm việc trong tuyệt vời hạnh phúc và yêu thương.

Ðó là những điều cơ bản. Và bây giờ hãy lắng nghe một lời kinh sâu sắc.

Như một bầu trời rỗng không, nó không hề có ranh giới

Nó ở ngay tại đây, thẳm sâu và trong suốt như chưa bao giờ

Chỉ việc thay chữ “nó” bằng “Thượng Ðế” là bạn sẽ hiểu ngay lập tức – thế nhưng Thiền giả không bao giờ dùng chữ “Thượng Ðế” mà gọi bằng “nó”.

Như một bầu trời rỗng không, nó không hề có ranh giới

Nó ở ngay tại đây, thẳm sâu và trong suốt như chưa bao giờ

Nếu bạn nhìn thẳng vào bầu trời bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nó. Nếu bạn bắt đầu cố gắng thật sự tìm kiếm, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy bầu trời. Ở đâu bạn có thể tìm thấy được bầu trời? Bầu trời không hề ở một nơi nào đó, nó ở khắp nơi và bởi vì nó ở khắp nơi nên bạn không thể tìm kiếm được. Bạn không thể xác định vị trí của nó; bạn không thể nói rằng nó ở phía Bắc, nó ở phía Nam, nó ở đây, nó ở đó – bởi vì nó ở khắp nơi. Là khắp nơi nên không thể được tìm thấy ở một nơi nào. Và rồi bạn sẽ tìm kiếm nó ở đâu? Chạy đi đâu cũng là bầu trời. Ở ngay đây, ở nơi đó. Tất cả đều là bầu trời. Thượng Ðế cũng giống như bầu trời, một bầu trời rỗng không.

Nó không có biên giới nên nó không thể được xác định. Bạn không thể nói nó bắt đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu. Nó là vĩnh cửu, vô tận – nhưng mà cũng ngay tại đây, trước mắt bạn. Nếu bạn buông xả, nó xuất hiện; nếu bạn căng quá, nó biến mất.

Một vị Thiền sư có lần nói, “Nó quá rõ ràng nên rất khó thấy. Có lần một tên khờ xách chiếc đèn lồng đã thắp đi kiếm lửa. Nếu y sớm biết lửa ở đâu thì đã nấu chín nồi cơm tự hồi nào rồi”.

Bạn cũng thế, bạn là người đang xách chiếc đèn lồng đã thắp đi kiếm lửa mà không hề biết rằng mình luôn luôn mang lửa ở trên tay. Vâng, vị Thiền sư nói rất đúng: Nếu y sớm biết lửa ở đâu thì đã nấu chín nồi cơm tự hồi nào rồi. Và nồi cơm của bạn cũng thế, cũng chín tự hồi nào. Thế mà bạn phải chịu đói. Bạn đã và đang đói hàng bao nhiêu thế kỷ qua, cơn đói bất tận. Bởi vì bạn đang đi kiếm lửa với chiếc đèn lồng đã thắp trên chính tay mình.

Con người loay hoay chạy đi tìm kiếm Thượng Ðế mà không biết rằng Thượng Ðế đang ở trước mắt mình. Thượng Ðế đang ở chung quanh bạn. Thượng Ðế đang ở trong, Thượng Ðế đang ở ngoài bởi vì chỉ có một Thượng Ðế. Thiền giả không gọi cái này bằng Thượng Ðế mà gọi là “nó” để bạn không bị rơi vào cạm bẩy của ngôn từ.

Khi bạn đi tìm để biết nó, bạn không thể gặp nó.

Tại sao? Bởi vì khi bạn muốn biết, cái sự rất muốn biết đó trở thành một tình trạng căng thẳng. Bạn trở thành thu hẹp lại. Bạn tập trung quá sức. Khi bạn đi tìm để biết nó, bạn không thể gặp nó. Bạn sẽ không thấy – bởi vì bạn chỉ gặp được nó khi bạn hoàn toàn thư giản, khi bạn mở lòng ra khắp mọi hướng, khi tâm bạn không tập trung cao độ.

Hãy nghe kỹ điều này. Những người không hiểu biết gì hết về Thiền thường viết rằng Thiền là sự tập trung tư tưởng. Bạn có thể tìm thấy hàng ngàn cuốn sách trong đó có những câu tương tự như vậy, những câu cực kỳ ngu xuẩn – rằng thiền là sự tập trung. Thiền không hề là sự tập trung – đây có thể là việc cuối cùng. Nhưng thực ra, tập trung hoàn toàn trái ngược với Thiền. Trong tình trạng tập trung, bạn rất căng, bạn quy chiếu, bạn dồn nỗ lực tìm kiếm một cái gì đó. Vâng, có thể tập trung cần thiết cho bạn khi tìm kiếm những vật rất nhỏ. Tìm một con kiến chẳng hạn, tập trung rất tốt – nhưng tìm kiếm Thượng Ðế thì không. Thượng Ðế rất bao la, vô cùng bao la. Thế nên khi bạn tập trung để tìm, bạn chỉ tìm thấy con kiến chứ không thể tìm thấy Thượng Ðế. Ðối với Thượng Ðế, bạn phải hoàn toàn mở, mở ra khắp mọi hướng, không tập trung, không tìm, không kiếm. Ý thức của bạn hoàn toàn buông xả, đó chính là Thiền – một trạng thái ý thức hoàn toàn buông xả.

Bạn đốt lên một ngọn đèn nhỏ. Ánh sáng không hề quy chiếu, nó tỏa ra khắp mọi hướng. Nó không đi đến một nơi nào cả, nó tỏa lan ra. Tất cả mọi hướng đều tràn ngập ánh sáng. Bây giờ hãy nhìn một cây đuốc. Cây đuốc giống như một sự tập trung. Ánh sáng của nó được quy chiếu vào một nơi. Khi bạn muốn trông thấy Thượng Ðế, cây đuốc không giúp ích gì được cho bạn cả – cây đèn là tốt nhất. Nếu bạn đang kiếm một con kiến, tốt lắm; nếu bạn đang kiếm một con chuột, rất tốt – cây đuốc rất được việc cho bạn. Ðối với chuyện nhỏ, người ta cần sự tập trung ý thức.

Ðối với khoa học, sự tập trung là cần thiết. Khoa học không thể tồn tại nếu thiếu sự tập trung – nó tìm kiếm những cái chi li, những cái rất nhỏ, rồi những cái nhỏ hơn. Nó đi từ cái nhỏ hơn đến cái nhỏ hơn nữa đến cái nhỏ nhất – nó đang tìm kiếm tế bào, rồi nguyên tử, rồi điện tử, rồi nơ-tron. Nó lại tiếp tục đi tìm kiếm những cái nhỏ hơn nữa, tất cả công trình tìm kiếm đều nhắm vào những cái nhỏ hơn. Khoa học, như thế, ngày càng trở nên tập trung, và quy chiếu.

Tôn giáo thì trái ngược – buông xả, phóng khoáng, mở ra khắp mọi hướng, đón nhận những ngọn gió đến từ muôn phương. Các cánh cửa lớn, cửa sổ đều được mở ra, những bức tường ngăn cách được xoá bỏ; cửa lòng của bạn cũng mở ra bát ngát.

Khi bạn đi tìm để biết nó, bạn không thể gặp nó.

Thế nên cái nỗ lực để thấy nó, cái lòng khát khao muốn thấy nó trở thành những chướng ngại. Không nên tìm kiếm Thượng Ðế. Không nên tìm kiếm chân lý. Mà tốt hơn cả là tạo nên một trạng huống hoàn toàn buông xả, lúc đó Thượng Ðế sẽ đến với bạn, nó sẽ đến, chắc chắn. Nó đang có mặt ở đó.

Có một giai thoại rất nổi tiếng nói về một trong những người phụ nữ hiếm hoi nhất trên thế giới, có tên là Rabiya.

Hussan, một nhà huyền môn Sufi – một ông đồng cốt đạo Hồi- đang sống với đạo sư Rabiya. Chắc thế nào ông ta cũng đã có lần nghe qua câu nói của Jesus Christ, “Hãy gõ, cửa sẽ mở. Hãy hỏi, sẽ được cho. Hãy tìm, sẽ gặp.” Thế nên hàng ngày trong các buổi cầu nguyện buổi sáng, trong các buổi cầu nguyện buổi trưa, trong các buổi cầu nguyện buổi chiều, trong các buổi cầu nguyện buổi tối – người Hồi giáo cầu nguyện đến năm lần mỗi ngày- và cứ hàng ngày năm lần như thế anh ta không ngớt cầu khẩn với Thượng Ðế, “Tôi đang gõ, hỡi Thượng Ðế vĩ đại, tôi đang gõ thật nhiều. Tại sao đến bây giờ nó vẫn chưa mở? Tôi đập đầu tôi vào cánh cửa của Ngài, Thượng Ðế nhân từ. Xin hãy mở cửa.”

Rabiya nghe lời cầu nguyện này trong một ngày. Rabiya nghe lời cầu nguyện này trong ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba, và cuối cùng bảo Hussan: “Này Hussan, lúc nào thì ông mới chịu nhìn? Cánh cửa đang mở, trong khi ông cứ tiếp tục nói những câu nhảm nhí – “Tôi đang gõ, Tôi đang gõ”- Coi kỹ đi. Cánh cửa luôn luôn mở mà. Bởi vì ông chỉ chú tâm đến gõ, đến hỏi, đến tìm, đến muốn nên mới không thấy. Cánh cửa đang rộng mở mà”.

Ðiều Rabiya nói còn đúng hơn cả điều chúa Jesus Christ nói. Câu nói của Jesus Christ chỉ dành cho những kẻ có trình độ thấp. Ðúng như vậy, nó dành cho những người chưa cả bắt đầu đi tìm kiếm, cho những học sinh lớp mẫu giáo. Ðối với họ chỉ nên bảo “Kiếm, tìm, gỏ cửa” và đối với họ cũng nên kèm theo lời hứa bảo đảm, nếu không họ sẽ không chịu đi tìm đâu – lời hứa bảo đảm rằng “Hãy gõ, cửa sẽ mở. Hãy hỏi, sẽ được cho”.

Rabiya rất Thiền khi nói, “Này, bạn khùng quá đi, cửa đang mở, nó luôn luôn rộng mở. Khi mà bạn cứ không ngừng hỏi, không ngừng lải nhải, bạn đang nhắm đôi mắt của bạn lại. Vấn đề chỉ là mở con mắt của bạn ra – cánh cửa luôn luôn mở rộng mà.”

Thượng Ðế luôn luôn có ở đó cho bạn. Không hề đòi hỏi một điều kiện nào.

Khi bạn đi tìm để biết nó, bạn không thể gặp nó.

Bạn không thể ôm giữ nó,

Và bạn cũng không thể đánh mất nó.

Hãy xem cái câu tuyệt vời này. Bạn không thể ôm giữ nó. Ðúng như thế, bạn sẽ không bao giờ chiếm hữu được Thượng Ðế. Thượng Ðế không thể bị chiếm hữu.

Không ai chiếm hữu được những cái gì to tát vĩ đại – nhưng đây là một trong những điều điên rồ nhất mà con người hiện đang làm. Chúng ta chỉ muốn chiếm hữu. Khi bạn yêu một người thế là bạn muốn chiếm hữu, nhưng sự chiếm hữu đã hủy diệt tình yêu. Tình yêu là phẩm chất của Thượng Ðế. Jesus đã nói một câu rất đúng, “Tình yêu là Thượng Ðế”. Nếu bạn thật sự muốn yêu thương, đừng cố gắng chiếm hữu nó. Bằng chiếm hữu, bạn đã giết chết nó, bạn đã đầu độc nó. Bạn rất là nhỏ bé mà tình yêu thì lại rất lớn lao, làm sao bạn có thể chiếm hữu được? Bạn có thể bị nó chiếm hữu – đúng như thế- nhưng bạn không thể chiếm hữu nó.Cái nhỏ hơn không thể chiếm hữu được cái lớn hơn. Ðó là một điều thật giản đơn, nhưng cũng rất khó khăn để cho người ta chịu hiểu.

Khi yêu ai ta muốn chiếm hữu trọn vẹn tình yêu, ta muốn chiếm hữu sự dấu yêu, người tình của ta, ta muốn hoàn toàn chiếm lĩnh vì sợ rằng người khác sẽ lấy đi mất. Thế nhưng trước khi bị ai đó lấy mất, nó đã thực sự tan biến. Nó không còn hiện hữu nữa. Ngay khoảnh khắc bạn bắt đầu nghĩ đến sự chiếm hữu, bạn đã thực sự giết chết tình yêu. Bây giờ những gì còn lại chỉ là một cái xác chết, một thây ma. Sự sống đã tan biến.

Ðời sống cũng không thể được chiếm hữu vì đời sống là Thượng Ðế. Hiện hữu không thể bị chiếm hữu vì hiện hữu là Thượng Ðế.

Bạn trông thấy một bông hoa tuyệt đẹp – một đóa hồng – trên một bụi cây và bạn lập tức ngắt nó ra khỏi bụi hồng. Bạn muốn chiếm hữu nó. Và thế là bạn đã giết nó. Bây giờ bạn cài nó vào khuy áo của bạn. – nó trở thành một bông hoa chết, một tử thi, không còn là một đóa hồng xinh đẹp nữa. Một cái xác chết thì chắc chắn là không đẹp rồi, phải không? Nó sẽ trở thành một hồi ức và mau chóng bị xóa nhoà. Ðoá hồng kia sống động, xinh đẹp biết bao khi còn ở trên cành. Nó thật tươi trẻ, thật hạnh phúc, trong nó là cả một khúc luân vũ của sự sống, sự hòa điệu nhịp nhàng của muôn vàn thanh âm vây quanh. Bạn đã giết chết tất cả. Và bây giờ bạn đang mang một bông hoa chết trên khuy áo của bạn.

Ðó là điều mà chúng ta đang hành xử trong mọi việc. Cái đẹp, tình yêu, Thượng Ðế. Chúng ta chỉ muốn chiếm hữu.

Bạn không thể ôm giữ nó,

-Hãy nhớ cho-

Và bạn cũng không thể đánh mất nó.

Thật là tuyệt. Vâng, bạn không thể chiếm hữu nó, nhưng cũng không thể nào làm mất được nó. Nó ở đó. Nó luôn có mặt ở đó. Nếu bạn tĩnh lặng, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy nó. Bạn phải hòa điệu cùng nó. Bạn phải trở nên tĩnh lặng để có thể lắng nghe. Bạn phải trở nên tĩnh lặng để vũ điệu của Thượng Ðế có thể đi sâu vào lòng, để Thượng Ðế cùng rung động, cùng chung một nhịp đập với trái tim bạn. Bạn phải liệng bỏ cái tật vội vàng, cái tật hối hả, cả cái tâm viên ý mã,muốn đạt đến cái này, trở thành cái nọ, lúc thế này, lúc thế kia. Hãy chấm dứt, đừng trở nên một cái gì cả. Và thế là nó ở đó, bạn không bao giờ có thể mất nó.

Cái gì không thể lấy, bạn sẽ được.

Cái gì không thể lấy, bạn sẽ được. Ngay từ khoảnh khắc hiểu được rằng bạn không thể nào chiếm hữu được nó, bạn liệng bỏ cái ý hướng chiếm hữu, thế là nó có mặt ở đó – và bạn được nó. Ngay từ khoảnh khắc bạn hiểu được rằng tình yêu không thể được chiếm hữu, một mối cảm thông sâu sắc òa vỡ trong bạn. Và bây giờ bạn sẽ có nó, vĩnh viễn. Bạn không bao giờ mất.

Tuy nhiên bạn chỉ sở hữu được nó khi nào bạn nhận ra một điều rằng nó không thể nào bị chiếm hữu, rằng không có cách gì bạn sẽ chiếm được nó.

Ðây là nghịch lý của Thiền. Thiền là con đường của nghịch lý. Nó nói rằng nếu bạn muốn chiếm hữu Thượng Ðế, xin làm ơn bỏ ý nghĩ đó đi – và rồi bạn có Thượng Ðế. Nếu bạn muốn chiếm hữu tình yêu, đừng làm thế, và tình yêu sẽ có mặt, sẽ mãi là của bạn. Bạn không thể đánh mất nó; không cách gì mất được nó.

Khi bạn yên lặng, nó nói ra;

Khi bạn nói ra, nó yên lặng.

Dĩ nhiên cả hai không thể nói cùng một lúc. Martin Buber đã làm cho từ “đối thoại” thấm đậm nhiều ý nghĩa trong xã hội phương Tây. Nhưng đây chỉ mới là tuệ giác chứ chưa phải là đỉnh cao của Thiền. Martin Buber nói rằng cầu nguyện là một sự đối thoại. Trong cuộc đối thoại này bạn nói chuyện với Thượng Ðế và Thượng Ðế nói chuyện với bạn. Dĩ nhiên, đối thoại là một mối tương quan “Anh – Tôi”. Ðối thoại là phải có hai người. Ðó là mối liên hệ song phương. Có bạn ở trong đó.

Thiền cho rằng không thể có chuyện như vậy. Nếu bạn nói, Thượng Ðế im lặng. Khi bạn đang nói cũng có nghĩa là đang gây ra những náo động ở trong đầu bạn, Thượng Ðế sẽ tan biến – tiếng nói của người rất là mỏng manh, rất là yên lắng và bạn chỉ có thể nghe được trong một không khí hoàn toàn yên lặng. Ðó không phải là một cuộc đối thoại. Ðó là một sự thụ động lắng nghe.

Chỉ có thể có một trong hai trường hợp, hoặc bạn nói và Thượng Ðế vắng mặt, hay Thượng Ðế lên tiếng và không hề có bạn ở đó. Chỉ khi nào bạn thể nhập, tan biến vào cùng với Thượng Ðế bạn mới có thể nghe được tiếng nói của người. Ðó là lúc tiếng nói này vọng lên khắp nơi – trong từng tiếng hót líu lo của loài chim, trong từng tiếng róc rách của dòng suối, trong từng tiếng thì thào của ngọn gió thoảng qua cánh rừng thông. Thượng Ðế ở khắp mọi nơi – chỉ khi nào bạn chìm vào trong tĩnh lặng.

Khi bạn yên lặng, nó nói ra;

Khi bạn nói ra, nó yên lặng.

Cánh cổng lớn rộng mở cho những kẻ khất sĩ không nhà

Không một đám đông nào cản lối.

Không có chuyện cạnh tranh, không ai cản lối bạn, không có đối thủ tranh đua. Bạn không cần phải hấp tấp. Bạn không cần phải cố gắng để chụp giựt. Không có ai cạnh tranh với bạn, cũng không có ai đứng chặn trước bạn – ngoài Thượng Ðế, chỉ có Thượng Ðế. Bây giờ thì bạn có thể thư giản. Bạn không bao giờ còn lo sợ bị nhỡ nhàng. Bạn không thể mất vì nó luôn ở trong bản thể rốt ráo của muôn vật. Bạn không thể đánh mất Thượng Ðế. Hãy thư giản.

Tất cả những điều này được nói ra nhằm giúp bạn thư giản. Thượng Ðế không thể bị mất – thư giản. Không có ai ngăn đường chặn lối bạn – thư giản. Không có gì phải hấp tấp vì Thượng Ðế không hề buộc bạn phải đúng giờ – thư giản. Không cần phải đi đến nơi đâu vì Thượng Ðế không hề cách xa ta hàng tinh cầu – thư giản. Bạn không thể mất vì nó luôn ở trong bản thể rốt ráo của muôn vật – thư giản.

Toàn bộ thông điệp của tất cả những điều nghịch lý này là – thư giản. Nó có thể được cô đọng lại trong một chữ – thư giản. Ðừng tìm, đừng kiếm, đừng hỏi, đừng gõ, đừng đòi hỏi nữa – thư giản. Nếu bạn thư giản, nó sẽ đến. Nếu bạn thư giản, nó có mặt. Nếu bạn thư giản, bạn bắt đầu rung động cùng một nhịp điệu với nó.

Ðó là điều mà nhà Thiền gọi là hoát nhiên đạt ngộ… một trạng thái hiện sinh hoàn toàn thư giản, một trạng thái an nhiên tự tại không còn ý thức trở thành một cái gì đó tồn tại trong tâm; khi bạn không còn là người vươn đến thành tựu; không còn nơi chốn để đi đến; không còn mục tiêu để đạt; khi tất cả mọi mục tiêu đều tan biến, mọi mục đích đều bỏ lại đàng sau; khi bạn là chính bạn, bản lai diện mục, như thị. Trong cái khoảnh khắc của như thị đó bạn hoàn toàn tan biến, thể nhập vào cùng với nhất thể và cái tín hiệu sống mới mẻ – chưa từng hề có trong bạn- nổ bùng ra. Cái tín hiệu sống đó được gọi là hoát nhiên đạt ngộ, là đại định tam muội, là giác ngộ.

Nó có thể xảy ra trong mọi tình huống – bất cứ lúc nào bạn hoà điệu với nhất thể.

Và điều cuối cùng. Thiền không mang một khuôn mặt nghiêm trọng. Nó không thiếu những khôi hài ý nhị. Không có tôn giáo nào tiến bộ đến mức cho khôi hài có một chỗ đứng. Chỉ ở trong Thiền mới có tiếng cười. Thiền là một ngày hội. Tinh thần của Thiền là thực hiện cái lễ hội tươi vui đó.

Những tôn giáo khác đều tỏ ra rất nghiêm trọng – làm như việc vươn đến Thượng Ðế là một đại sự, làm như có ai đó đang giựt Thượng Ðế ra khỏi tay họ, làm như Thượng Ðế đang tìm cách ẩn trốn chúng ta, làm như Thượng Ðế tạo ra rất nhiều chướng ngại một cách cố tình; làm như là có một sự tranh đua lớn và không có đủ Thượng Ðế cho hết thảy mọi người; làm như Thượng Ðế là tiền bạc và chẳng bao giờ đủ cho tất cả. Thế nên nếu như bạn không chụp giựt Thượng Ðế ngay tức khắc trước những kẻ khác, những người khác sẽ chụp giựt mất. Ðây là những người rất nghiêm trang, những người chỉ biết đến tiền, những người có mục tiêu để nhắm đến – nhưng thực sự không phải là những con người tín ngưỡng.

Thượng Ðế rất đổi lớn lao, rất đổi bao la, rất đổi vĩ đại. Ðây là nhất thể của vạn hữu – làm sao ai có thể làm tiêu mòn đi được? Thế nên không có nhu cầu phải sợ rằng ai đó sẽ tranh chiếm mất Thượng Ðế trước bạn, và rồi bạn sẽ không biết phải làm gì, bạn sẽ bị mất Thượng Ðế vĩnh viễn. Thế nên cũng không cần phải chiến đấu, tranh đua. Và bạn cũng có cả một khoảng thời gian vô tận dành cho bạn. Bạn không cần phải hấp tấp, không cần phải quá nghiêm trọng.

Những bộ mặt chảy dài nghiêm trọng không phải là những bộ mặt tôn giáo. Chúng cho ta thấy một điều là họ không hề hiểu biết gì cả – khi hiểu được chắc là họ sẽ có một nụ cười. Thiền là tôn giáo duy nhất có tiếng cười thế nên tôi nói rằng Thiền là tôn giáo có trình độ cao nhất từ trước đến nay. Nó không làm cho đời bạn trở nên xấu xí, nó không làm bạn trở thành kẻ tàn tật – nó làm cho đời bạn trở thành một vũ điệu, vui sống.

Một chú bé lần đầu tiên được mẹ dẫn đi xem cuộc triển lãm những hình nhân nổi tiếng thế giới bằng sáp của Madam Tussaud tại London. Cậu bé có vẻ rất xuống tinh thần khi xem qua toàn bộ khung cảnh. Bà mẹ khích lệ con:

“Con biết không, những người này toàn là những danh nhân sống trước đây rất lâu. Tất cả họ nay đã chết hết rồi.”

Cậu bé lại càng u ám rầu rĩ hơn, lẩm bẩm: “Thì ra thiên đàng là thế!”

Ðiều nguy hiểm là vậy. Nếu bạn đi thăm viếng một thiên đàng Cơ Ðốc giáo bạn sẽ gặp một khung cảnh tương tự như thế. Và thật quả là một ác mộng kinh hoàng khi sống chung với những vị thánh Cơ Ðốc.

Có người hỏi một vị Thiền sư tại sao chúng ta không có nhiều vị thánh ở trên trái đất này. Ông ta cười và trả lời: “Thiên đàng là nơi tốt nhất cho họ bởi vì chúng ta rất khó mà sống chung với họ. Ðiều may mắn cho chúng ta là họ không ở trên trái đất này. Hãy để họ sống ở trên thiên đàng.”

Tốt nên là như thế. Hãy tưởng tượng bạn đang sống với một vị thánh. Có lẽ bạn phải tự tử mất.

Thiền mang nụ cười và làn gió mới vào tôn giáo. Ngay cả chế nhạo tôn giáo. Ðây là một phương cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt – lành mạnh hơn, tự nhiên hơn.

Ðấy là những điều cơ bản. Có thể là tôi đã đi quá nhanh.

Hãy lắng nghe câu chuyện sau đây.

‘Pop’ Gabardine, huấn luyện viên của đội bóng đá Midwestern, chứng kiến cảnh những cầu thủ của mình bị đè bẹp liên tiếp trong tám buổi chiều thứ Bảy thi đấu, lần cuối cùng với một tỉ số thê thảm: 52/0.

Khi đội bóng tụ họp lại vào sáng Thứ Hai hôm sau, Pop tuyên bố một cách cay đắng: “Trận thi đấu cuối cùng của mùa này đã qua rồi, chúng ta có thể đã quên tất cả những mánh khoé thi đấu mà tôi đã cố gắng dạy cho những kẻ đần độn như các bạn. Bây giờ chúng ta trở lại những bài học căn bản. Hãy bắt đầu. Bài học thứ nhất: Cái vật mà tôi đang cầm trên tay này được gọi là trái bóng. Bài học thứ hai…

Ðến đây nhà huấn luyện viên Gabrine bị ngắt lời bởi một anh hậu vệ mặt đầy lo lắng đứng ở hàng đầu, thỉnh cầu, ‘Này, Pop, đừng có đi quá nhanh.’

Có lẽ tôi đã đi quá nhanh nhưng hy vọng các bạn ở đây không ai đần độn cả. Tôi tin vào sự thông minh của các bạn.

Osho – Theo Book Hunter Club –