“Đồ original!”. Tính cuốn hút của mỹ từ này nói lên rất nhiều điều. Nhờ những lời giải nghĩa được chú dẫn trong các từ điển chuyên ngành, khiến chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn để nhận định: “Đúng là đồ original!”. Nhưng đó cũng chỉ là những điều giải thích quá chung chung cho những ai muốn bỏ ra cả một “núi” tiền cho một tác phẩm nghệ thuật nào đó, thông thường ai cũng muốn có một sự khẳng định chắc chắn cho sản phẩm original mà mình sắp mua.
Trên thế giới cũng như trong nước, không ít những người bỏ ra cả “núi’ tiền để mong muốn sở hữu một tác phẩm nghệ thuật hội họa đích thực của người họa sĩ mà họ yêu mến, ngưỡng mộ. Thế nhưng, kết quả họ đã bị ăn quả lừa do mua phải tranh rởm. Thực trạng này thật đáng lên án.
Bằng chứng của tranh original
Ta hãy lấy bức tranh của nhà danh họa người Pháp Auguste Renoir (1841-1919) vẽ một phụ nữ đang chơi đàn dương cầm chẳng hạn. Tác phẩm thể hiện đúng phong thái của Renoir. Một điều còn hơn thế nữa: Đây là mảng đề tài ưa thích của người họa sĩ, và hơn cả là có chữ ký của tác giả “lù lù” phía dưới.
Một chi tiết nữa cần nói thêm, rằng người ngồi làm mẫu cho A.Renoir vẽ chính là bà nội của nhà sưu tập sở hữu bức tranh bất hủ kiêm người đang muốn bán tranh. Ngoài ra các hậu duệ trực hệ còn trưng ra tờ biên lai cổ, ghi nhận là Renoir đã trả công cho người làm mẫu 5.000 đồng quan vàng. Phía sau khung ảnh còn có dấu bảo niêm của một nhà buôn tranh mà Renoir có mối quan hệ mật thiết.
Vốn là một tay kinh doanh lọc lõi, ông này thường thay đổi các ký hiệu bảo niêm của mình mỗi năm, có thể cho thấy bức họa được mua lại vào năm 1877 – tương ứng với mốc thời gian mà người họa sĩ hoàn thành tác phẩm.
Cuộc giám định kỹ thuật được thực hiện trong phòng thí nghiệm của Bảo tàng Louvre không đưa ra một điều nghi vấn nào, ngoài một vết sửa nhỏ trên cánh tay phải của người chơi đàn. Cuối cùng các chuyên viên thuộc phòng thí nghiệm khẳng định, rằng lối pha màu hiển nhiên là của nhà cầm cọ lỗi lạc A.Renoir.
Phát hiện bức tranh bản sao Mona Lisa đầu tiên trên thế giới
Các chuyên viên tạo hình nghệ thuật có uy tín khác cũng đồng nhất với quan điểm đó, rằng chân dung của người phụ nữ xinh đẹp đang đánh piano là một sản phẩm original. Một sự miễn bàn cãi về “tính original” của tác phẩm. Một ví dụ đặc trưng về sự “original tuyệt đối!”. Nhưng trong thế giới nghệ thuật không phải mọi sự đều diễn ra đơn giản và mạch lạc như vậy.
Khi đồ trang trí tố giác…
Trong một lần dừng chân tại Tây Ban Nha, một nhà sưu tập người Pháp đam mê nghệ thuật chợt phát hiện ra một bức chân dung cổ vẽ một người đàn ông rất điển trai. Tuy bức tranh không được ở trạng thái hoàn hảo cho lắm, nhưng ông ta vẫn quyết định mua. Khi trở về nước, nhà sưu tầm trình hóa đơn với giới chức hải quan Pháp, bởi giá mua không cao lắm nên bức tranh được phép mang vào miễn thuế.
Người mà nhà sưu tập nhờ giám định vốn ít kinh nghiệm, ông này cho rằng việc phục chế bức họa còn tốn kém hơn cả giá tiền mua nó nữa. Nhưng ít ngày sau một chuyên gia thuộc Bảo tàng Louvre chợt khám phá ra bức tranh và quyết định mua lại với giá cao gấp bội.
Rồi viên giám đốc viện bảo tàng trứ danh này cho đăng tải trên một ấn phẩm tạo hình nghệ thuật định kỳ, với hàng tít lớn “Kiệt tác của danh họa Tây Ban Nha Bartolome Esteban Murillo được phát hiện ngay giữa trung tâm Paris”, rồi các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng khác cũng nhanh chóng phụ họa theo… Nhưng các cuộc thẩm định tỉ mỉ sau đó đã cho thấy, rằng món đồ trang sức đeo trên cổ người đàn ông trong tranh thực ra được vẽ vào thời kỳ sau khi B.Murillo đã mất.
Hiện trong một thư viện tại thành phố Madrid còn lưu giữ bức họa của riêng sợi dây chuyền ấy và nó được vẽ ra sau cái chết của B.Murillo tới… 30 năm. Ngoài ra người đàn ông trong bức chân dung mặc thứ trang phục phổ biến ở Tây Ban Nha rất nhiều năm sau thời B.Murillo. Rồi nhiều chuyên gia lên tiếng phê phán những nét vẽ thô thiển, và một điều còn tệ hơn nữa là cũng trong tháng ấy tại một bảo tàng ở bờ biển phía đông nước Mỹ, người ta phát hiện ra trong kho lưu trữ bức chân dung y hệt người đàn ông nói trên và cùng có tên là “Ngư phủ ở Arcos De Silensio”.
Giới bảo tàng Pháp bắt đầu tấn công kẻ đã bán bức tranh cho họ. “Đồ rởm?! Nhưng các ngài nằng nặc muốn có bức họa ấy kia mà, ngoài ra trong hợp đồng không ai đề cập tới cái tên Esteban Murillo cả!”, người bán quả quyết(!).
Khi đồ original có nhóm tác giả
Rất nhiều người chuyên tâm tới việc nghiên cứu các sáng tạo của danh họa Hà Lan đại tài này. Trong đó có 5 người đặc biệt lưu ý tới giai đoạn từ năm 1625-1633, nghĩa là thời kỳ tương ứng với độ tuổi từ 19-27 của Rembrandt Harmenszoon van Rijn (1606-1669). Kết quả thật đáng ngại: Trong 94 bức họa được 5 vị chuyên gia nói trên miệt mài xem xét và phân tích tỉ mỉ trong nhiều năm ròng, thì có tới 44 bức được coi là không phải do Rembrandt vẽ, còn 7 bức khác đang trong vòng tranh luận…
Bức “Người phụ nữ đánh dương cầm” của A.Renoir.
Rồi người ta đi tới sự đồng nhất, rằng trong cái thời xa xưa ấy, ý tưởng “nổi danh” chưa tồn tại, cả về phương diện “bản quyền” cũng vậy – nên thật khó mà xác định đúng bức tranh nào là của nhà đại danh họa, và những bức nào là của những người thuộc đám bạn bè thường cùng vẽ với ông? Tại Leiden (Hà Lan) trong giai đoạn từ năm 1624-1630, Rembrandt và họa sĩ Jan Lievens (1607-1674) thường cùng vẽ bên nhau trước một hình mẫu duy nhất. Họ còn “đổi” tranh cho nhau, thậm chí còn cho phép người này sửa giúp lại tranh cho người kia nữa.
Và như vậy bức kiệt tác “Hiện tượng trong giáo đường” vẽ năm 1632 có thể là tác phẩm của Rembrandt, mà có thể là của Lievens cũng được. Hay như cho tới thời gian gần đây những bức họa của Govert Flinck (1615-1660), người thường “vẽ thêm” vào những bản họa của Rembrandt vẫn mặc nhiên tồn tại dưới tên tuổi của Rembrandt đại tài, mặc dù ai cũng biết họa sĩ G.Flinck chỉ là những người “vẽ theo trường phái Rembrandt” mà thôi.
Nỗi oan của tranh original khi tác giả lãng quên chính tác phẩm của mình
Và như vậy, cùng với thời gian, mọi điều trong nghệ thuật đều có thể bị xem xét lại dưới “bản chất original” thực sự. Ví như dạo đầu thập niên 50 thế kỷ trước, một nhà sưu tập muốn bán bức “Phong cảnh tuyết” của họa sĩ người Pháp Maurice de Vlaminck (1876 -1958).
Các chuyên viên đưa ra kết luận, rằng tuy bức tranh không phải trong trạng thái hoàn hảo nhất, nhưng đó là “của thật”. Khi bức tranh có mặt trong cuốn catalog nghệ thuật về các sản phẩm đang được rao bán, thì đích thân người họa sĩ xuất hiện. Ông cho biết: “Đây là một sản phẩm bắt chước ngờ nghệch! Do những kẻ làm giả thiện nghệ chế ra! Cần phải sửa ngay!”. Người ta bắt buộc phải báo cho vị chủ nhân. “Tranh tôi là đồ rởm! Một chuyện nực cười! Chính cá nhân Vlaminck bán cho tôi cách đây 15 năm, kèm cả hóa đơn cùng giấy bảo chứng hẳn hoi!”.
Đến lượt người họa sĩ muốn xem lại bức tranh. Té ra ông đã nhầm, thực ra trong quá khứ khi vẽ xong bức tranh ấy, ông nửa muốn sửa lại, nửa lại muốn hủy đi, bất ngờ người mua xuất hiện và Vlaminck… bán luôn. Trong trường hợp này, do thiếu sự thận trọng, một bức original có thể bị nghi oan.
Nỗi sợ bị… lừa
Một điều hiển nhiên là đôi khi những niềm say mê nghệ thuật của ai đó bỗng biến thành nạn nhân của sự lừa đảo. Nỗi sợ mua phải “đồ rởm” luôn tồn tại khắp nơi. Bọn “lang băm nghệ thuật” không từ một thủ đoạn nào để kiếm được tiền, trong khi xu hướng thưởng thức nghệ thuật cũng đổi khác. Nhưng chúng ta cần phải đặt niềm tin vào các chuyên viên am hiểu, số phận của một kiệt tác nghệ thuật nằm trong tay những ai hiểu biết tường tận về nó.
Theo Thu Hường – Văn nghệ công an (dịch từ Burlington Magazine)