Nguyễn Hội
Sông Trăng đổ nước vào Việt Nam tại huyện Tân Hưng, Long An. Đây là một dòng chảy tự nhiên, dòng cong mềm mại.
Ở thượng nguồn, tuy nhỏ nhưng sông Trăng vẫn mang đầy đủ những đặc tính của sông nước miền Tây, hiền hòa, chậm rãi, chở nặng cá tôm và phù sa châu thổ.
Tìm lại thời gian dòng chảy
Theo các nhà nghiên cứu, vùng Đồng Tháp Mười có nguồn gốc từ xa xưa là vùng vịnh biển rộng lớn. Trải qua hàng ngàn năm, lớp lớp phù sa bồi đắp, tôn tạo thành một vùng đầm lầy, trũng thấp với bạt ngàn rừng tràm, mù u, trôm, khuynh diệp, năng, lác, sen, súng, lúa trời… trải rộng khoảng 700.000ha, trên địa bàn ba tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và Long An ngày nay.
Nơi đây, dưới lớp thổ nhưỡng mịn màng, nâu đỏ chứa nhiều dưỡng chất là một nền trầm tích với các vật liệu phù sa cổ mà đất và cát là những nguyên tố chính. Di chỉ khảo cổ học ở Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Chùa (Long An) cho thấy, vật liệu xây dựng được phát hiện sớm nhất trên vùng đất này là gạch đất nung và gốm sứ. Chất liệu đá chỉ được sử dụng rất ít với các chế tác tượng, đồ dùng sinh hoạt.
Đồn Biên phòng sông Trăng của chúng tôi nằm giữa mênh mông đồng nước, đồng lúa, đồng sen, vùng Đồng Tháp Mười. Điểm đóng quân chính của đơn vị ở đầu ngọn kênh sông Trăng nên tên đồn được đặt tên theo địa danh đó. Trải bao nhiêu năm chiến tranh loạn lạc, ly tán, những người trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ mảnh đất này phần nhiều đã ra đi hoặc không còn ở tại địa phương. Người còn ở lại thì tuổi cao, sức yếu, trí tuệ không còn minh mẫn nên cũng chẳng ai biết chính xác nghĩa của hai từ “sông Trăng”.
Người thì giải thích, hồi kháng chiến chống Mỹ, một đơn vị bộ đội miền bắc hành quân từ căn cứ bên kia biên giới về tấn công đồn địch. Đoàn quân đi trong đêm tối, từ những cánh rừng thâm u trên đất nước chùa Tháp. Khi vừa chạm chân đến biên giới, bỗng họ bắt gặp ánh trăng sáng vằng vặc đang lấp lánh trên con kênh chảy vào đất Việt. Người chỉ huy cao nhất trong đoàn quân bỗng lóe lên ý nghĩ và quyết định cho đơn vị dừng lại, vừa để củng cố lực lượng vừa cho bộ đội tận hưởng giây phút thư thái hiếm hoi trước giờ nổ súng, đi vào sinh tử. Và trận đánh đồn địch năm ấy, đoàn quân đại thắng. Kể từ ấy, điểm dừng chân được gọi với cái tên thơ mộng “ngọn sông Trăng” và con kênh cũng được gọi một cách mỹ miều như vậy.
Nhưng cũng có nhiều người giải thích khác. Họ bảo, hồi xa xưa lắm, ở đầu ngọn con kênh này, những đêm cuối tháng, tối trời, người ta nghe tiếng nước réo oàm oạp. Những người gan lỳ ra tận nơi để coi thì thấy từng bầy trăn nối đuôi nhau bơi về. Cũng có người lại giải thích, con kênh này ngoằn ngoèo, khúc khuỷu như hình dáng con trăn đang bò. Sông Trăn, lâu ngày đọc trại đi thành sông Trăng vì lẽ đó. Dù giải thích theo ý kiến nào thì sông Trăng vẫn gợi cho người nghe một cảm giác yên bình và thơ mộng như chính mảnh đất và con người nơi đây.
Và dòng không soi… trăng
Vào mùa khô, lục bình đặc kín dưới lòng kênh khiến xuồng ghe khó bề qua lại. Cọng lá lục bình mọc dày sát vào nhau, từng cuống thon dài, khi phơi khô sẽ là nguyên liệu cho những món đồ thủ công mỹ nghệ. Đây là nguồn thu nhập chính của bà con hai bên bờ kênh, mỗi độ nông nhàn. Bông lục bình tím biếc, không chỉ tạo nên một nét tranh quê thanh bình, yên ả mà còn là món thực phẩm đặc trưng cho người dân miền sông nước. Dưới những thảm lục bình chẳng dễ gì phá vỡ ấy là điều kiện thuận lợi để các loài thủy sản sinh sống. Chúng cư ngụ thành từng bầy trong các “đống chà” được ngư dân khéo léo sắp sẵn.
Đến mùa nước nổi, dưới sức ép của dòng xoáy, những khóm lục bình lần lượt tan ra. Chúng cùng những con nước phù sa ngầu đỏ, xuôi theo hướng Đông Nam tạo thành một vùng đồng nước mênh mông, bát ngát, trước khi hòa vào dòng sông Vàm Cỏ Tây rộng lớn. Cũng vào mùa này, cá tôm, cua ốc đua nhau sinh nở và trưởng thành. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con cải thiện cuộc sống gia đình và giữ gìn nghề truyền thống.
Anh em cán bộ trong đồn phần đông là người từ miền bắc vào nam công tác, nhiều đồng chí lập nghiệp ở đây luôn. Trong trái tim và khối óc, họ luôn tâm niệm ngoài việc giữ yên bờ cõi còn có trọng trách phải góp phần đưa đời sống vùng biên phát triển ngang bằng những vùng trong nội địa.
Giờ đang vào mùa nước nổi, con kênh sông Trăng đầy lên ăm ắp. Những cánh lục bình đã trôi dạt cuối chân trời xa thẳm. Dòng sông hiền hòa, lại chở nặng phù sa cho mùa vàng bất tận. Những đêm trăng tròn đầy, ánh sáng lấp lánh diệu kỳ lung linh trên mặt nước, từ biên giới xuôi theo dòng sông vào sâu trong nội địa. Trong ánh trăng, ngọn núi và tảng đá vẫn sừng sững uy nghiêm dưới bầu trời biên ải.
Đồn Biên phòng Sông Trăng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 17,2km chiều dài biên giới qua địa bàn ba xã: Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Bài viết này do Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng - Trung tá Nguyễn Văn Hội (bút danh Nguyễn Hội) viết tháng 11/2022, tặng Chính trị viên Nguyễn Xuân Linh và đồng đội sông Trăng.
Nguồn: Báo Nhân Dân