Trang phục đẹp, sân khấu rực rỡ và những làn điệu chèo lẫn… tiếng tụng kinh được khai thác cùng nhiều bài hát hiện đại tạo nên một vở nhạc kịch Tấm Cám giàu màu sắc trong mùa kịch tết năm nay.
Diễn viên trẻ Hạnh Thảo (Tấm) và Hoàng Quân (hoàng tử) trong nhạc kịch Tấm Cám Ảnh: Gia Tiến |
Trước khi vở Tấm Cám ra mắt, nhóm kịch Buffalo được khán giả biết đến với những bản dựng nhạc kịch mang phong cách Broadway như Chicago, Vũ nữ, High school musical... Có những bản dựng thành công, tạo được cảm tình nơi khán giả.
Nhưng chừng ấy là chưa đủ nếu một nhóm kịch chỉ diễn kịch nước ngoài. Đạo diễn trẻ Khắc Duy – linh hồn của nhóm Buffalo – tâm sự:
“Có nhiều người nói rằng tại sao chúng tôi chỉ dựng kịch Broadway mà không dựng kịch Việt Nam. Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi làm vở nhạc kịchTấm Cám lần này!”.
Vở nhạc kịch Tấm Cám, theo nhận định của Duy, là một vở kịch mang phong cách Broadway với một câu chuyện cổ tích Việt Nam.
Sân khấu mở ra với làng quê Việt Nam có cây đa, những hồ sen, con sông, bầu trời sao lung linh.
Từ những con vật quen thuộc hằng ngày của làng quê như con nghé, con chó giữ nhà đến những chi tiết quen thuộc trong Tấm Cám như ông Bụt, cá bống, khung dệt cửi…, vở không bỏ qua một chi tiết nào.
Sẽ không thỏa mãn cho ai đó muốn tìm một góc nhìn khác hay một cái kết bất ngờ cho bản dựng này. Nhưng như đạo diễn Khắc Duy thừa nhận anh giữ nguyên câu chuyện gốc của Tấm Cám, phần còn lại là sự trình diễn của âm nhạc và một thông điệp về tình thương yêu gia đình.
Một cảnh đẹp trong vở nhạc kịch. |
Dàn diễn viên trẻ của nhóm Buffalo như Hoàng Quân, Mỹ Hạnh, Hạnh Thảo… đã tạo nên hình ảnh hoàng tử, Tấm, Cám xinh đẹp, trẻ trung trong câu chuyện cổ tích. Bên cạnh là diễn xuất dày dạn của diễn viên Cát Tường trong vai dì ghẻ. Không có những đoạn đặc tả cái ác hay sự trả thù thâm hiểm của câu chuyện.
Chúng được hoàn toàn làm nhẹ đi, thay vào đó là những bài hát, những điệu vũ nhiệt tình, trẻ trung của các diễn viên với thông điệp tha thứ và đoàn viên. Âm nhạc và những bước nhảy của họ cùng với một sân khấu rực rỡ được đầu tư kỹ lưỡng thật sự truyền được niềm vui cho khán giả.
Sau vở diễn, đã có những khán giả hỏi thăm về những ca khúc trong vở diễn có ra đĩa không, mua ở đâu? Đó cũng là một niềm vui cho êkip vở diễn. Điều thú vị còn lại là xen giữa những ca khúc hiện đại, đoạn dì ghẻ (Cát Tường) dặn dò Tấm (Hạnh Thảo) được thể hiện bằng một… tràng tụng kinh.
Sử dụng tiếng tụng kinh ngân nga như tiếng nhạc để hàm ý về dì ghẻ “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” là một ý hay của đạo diễn.
Hay đoạn Cám (Mỹ Hạnh) hát trong ngày giỗ cha, giọng điệu thì đầy thê lương tha thiết nhưng khán giả thích thú vì “Cám Nam bộ” này đang hát… chèo. Những xử lý đó của vở diễn được khán giả vỗ tay tán thưởng.
Khoảng 5.000 lượt khán giả đến rạp ngày tết quả là một con số khả quan cho vở nhạc kịch Tấm Cám. Diễn viên trẻ Hoàng Quân, người cùng “hùn hạp” với Cát Tường làm bầu vở này, vui vẻ cho biết: “Lúc đầu nhóm nghĩ rằng khả năng thu hồi vốn chỉ… phân nửa.
Nhưng với gần 5.000 lượt khách thì cũng… gần gỡ vốn được rồi. Vui lắm, vì từ trước đến giờ Buffalo chỉ đầu tư làm vở vì tình yêu nhạc kịch chứ… chưa có lời!”.
Được khích lệ, đạo diễn Khắc Duy đang theo đuổi một ý tưởng về một sân khấu phục vụ gia đình mỗi dịp tết:
“Thường thì tết ai cũng dựng vở kịch người lớn mà quên đối tượng thiếu nhi. Tại sao không có những vở diễn mà cha mẹ và trẻ em cũng xem được trong không khí sum họp gia đình đầu năm?
Chúng tôi dự định mỗi năm sẽ dựng một vở kịch như vậy với sự đầu tư công phu và sáng tạo thật sự. Khán giả giờ đây đang đòi hỏi những vở diễn có đầu tư chiều sâu về nội dung và hình thức”.
*Hình ảnh một số diễn viên:
Cát Tường vai dì ghẻ |
Mỹ Hạnh vai Cám |
Hạnh Thảo vai Tấm |
Poster nhạc kịch Tấm Cám. |