“Miss Saigon” – vở nhạc kịch đã thành công suốt hơn hai thập kỷ qua tại những sân khấu kịch lớn nhất thế giới – giờ đây đang đứng trước vận hội được chuyển thể thành phim điện ảnh. Nhà sản xuất của “Miss Saigon” bày tỏ kỳ vọng bộ phim sẽ được quay tại Việt Nam.

Một dự án điện ảnh đang được khởi động

Danny Boyle – vị đạo diễn tài danh người Anh – vốn nổi tiếng với những phim như “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột – 2008) hay “Steve Jobs” (2015) hiện đang thương thảo về kế hoạch làm phim ca nhạc “Miss Saigon”.

Danny Boyle là một vị đạo diễn có phong cách làm phim tràn đầy năng lượng và ngập chất thơ, nhờ vậy, người xem luôn được thưởng thức những bộ phim hấp dẫn và hiếm khi có một giây phút nào cảm thấy nhàn chán.

Điều khiến ông càng thu hút sự chú ý là trước nay, Danny Boyle chưa từng đạo diễn phim ca nhạc, với sự thử sức đầy mới mẻ này, người ta hồi hộp chờ đợi xem tài năng của ông sẽ được trưng trổ ra sao với một vở nhạc kịch vốn đã quá quen thuộc.

Một chi tiết đắt giá cần phải nhắc đến trong sự nghiệp của Danny Boyle là ông đã 3 lần được đề cử tại giải Oscar và từng một lần giành giải cho Đạo diễn xuất sắc với “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột – 2008).

Hiện tại, nhiều tờ tin tức cho biết Danny Boyle đang trong quá trình thương lượng để chuyển thể vở nhạc kịch danh tiếng “Miss Saigon” lên màn bạc. Bản thân vở nhạc kịch nổi tiếng nhiều thập kỷ này cũng là một sự chuyển thể thành công từ vở opera “Madame Butterfly” của nhà soạn nhạc người Ý Giacomo Puccini.

Vở nhạc kịch “Miss Saigon” xoay quanh mối tình bi đát giữa một người lính Mỹ và một cô gái người Việt làm việc ở quán bar trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh Việt Nam. Vở nhạc kịch lần đầu được trình diễn trên sân khấu nhạc kịch Broadway (New York, Mỹ) năm 1991, và ngay lập tức giành được 10 đề cử tại giải Tony (giải thưởng được ví như Oscar của sân khấu của Mỹ).

Hiện tại, “Miss Saigon” đang nắm giữ kỷ lục tại khu kịch nghệ Broadway là một trong 13 vở nhạc kịch được trình diễn lâu nhất tại đây.

Nhà sản xuất danh tiếng của những vở nhạc kịch đình đám tại sân khấu kịch nghệ West End (London, Anh) – ông Cameron Mackintosh – cũng chính là nhà sản xuất đứng sau dự án làm phim “Miss Saigon”.

Thông tin về một “Miss Saigon” phiên bản điện ảnh đã được lên ý tưởng từ cuối năm 2009. Khi đó, nhà sản xuất của vở nhạc kịch “Miss Saigon” tại West End (Anh) – ông Cameron Mackintosh – đã chia sẻ những thông tin ban đầu về ý tưởng dựng phim, rằng nếu kế hoạch thuận lợi, địa điểm quay phim được nhà sản xuất kỳ vọng sẽ là ở Campuchia và TPHCM.

Khi đó, ông Cameron Mackintosh nói rằng việc có thực hiện được phim “Miss Saigon” hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc phiên bản điện ảnh “Les Misérables” (Những người khốn khổ – 2012) có thành công hay không.

Và quả thực, “Les Misérables” đã thành công, xét trên cả phương diện doanh thu (đầu tư: 61 triệu đô, thu về: 442 triệu đô) và nghệ thuật (được đề cử 8 giải Oscar và giành về 3 giải, những đề cử quan trọng gồm có Phim/Nam chính/Nữ phụ xuất sắc).

“Les Misérables” trước đó cũng là một vở nhạc kịch đình đám, thành bại của phim sẽ phần nào dự đoán số phận của “Miss Saigon” phiên bản điện ảnh. Năm 2012, “Les Misérables” thậm chí được xem là một trong những phim hay nhất năm. Trước thành công đầy hứa hẹn ấy, dự án điện ảnh “Miss Saigon” càng có cơ sở để thực hiện.

Cho đến cuối tháng 2 vừa qua, trong đêm diễn cuối cùng của vở “Miss Saigon” tại West End (Anh), sau hai năm vở diễn liên tục sáng đèn, nhà sản xuất Cameron Mackintosh đã chia sẻ đầy hàm ý rằng kế hoạch làm phim “Miss Saigon” đã không còn “chỉ ở trong ý tưởng”.

Trước mắt, đạo diễn Danny Boyle đang phải xúc tiến thực hiện bộ phim “Trainspotting 2” (2017), nếu kế hoạch làm phim “Miss Saigon” diễn ra “thuận buồm xuôi gió” thì đây sẽ là dự án điện ảnh tiếp theo của ông.

Tuy vậy, kế hoạch này được cho là không nên “dền dứ” quá lâu bởi hiện tại ở Anh, vở nhạc kịch đang gây được sự quan tâm lớn, rất có thể nhà sản xuất sẽ tranh thủ thời điểm này mà nhanh chóng “phi nước đại” trước khi Danny Boyle kịp rảnh tay khỏi dự án phim “Trainspotting 2”.

“Miss Saigon” và sức hấp dẫn bền bỉ của tình mẫu tử

Trong thế giới phương Tây có hai sân khấu kịch lớn là Broadway (ở New York, Mỹ) và West End (ở London, Anh), “Miss Saigon” đã thành công trên cả hai sân khấu ấy. Vở nhạc kịch này lần đầu tiên được trình diễn là trên sân khấu West End (Anh) hồi năm 1989.

Thành công lớn của “Miss Saigon” tại Anh đã được nối dài khi vở nhạc kịch gây tiếng vang tại Broadway (Mỹ) năm 1991. Trong năm 2014, vở nhạc kịch đã được làm mới lại để tiếp tục chinh phục khán giả Anh và ngay lập tức tạo nên cơn sốt mới.

Giải thưởng do khán giả bình chọn dành cho các tác phẩm sân khấu xuất sắc nhất của Anh – WhatsOnStage 2015 – đã chứng kiến “cơn mưa giải” dành cho “Miss Saigon” khi vở diễn giành về 9 giải trong 12 đề cử. Thành công lớn này đã “gây choáng” với cả báo giới Anh.

Các tờ báo Anh đều đưa tin về “cơn mưa giải” mà “Miss Saigon” đã nhận được, một thành công chứng tỏ sự yêu mến rất lớn mà khán giả Anh dành cho vở kịch đã ra mắt từ hơn 25 năm trước. Giải thưởng quan trọng nhất của WhatsOnStage là “Vở kịch xuất sắc nhất West End” cũng gọi tên “Miss Saigon”.

Giải thưởng WhatsOnStage được mở ra hàng năm và trao giải hoàn toàn dựa trên sự bỏ phiếu của người xem. “Miss Saigon” nhận được 12 đề cử và rinh về 9 giải, gồm giải cho Nam chính/Nữ chính/Nam phụ/Nữ phụ/Đạo diễn/Biên đạo múa/Vở nhạc kịch phục dựng/Thiết kế sân khấu/Vở kịch West End xuất sắc nhất.

Trong năm 2014, “Miss Saigon” đã có nhiều hoạt động kỷ niệm nhân 25 năm ngày vở kịch ra đời tại Anh, những diễn viên thuộc nhiều thế hệ từng tham gia diễn xuất trong vở “Miss Saigon” đã cùng tụ hội trên sân khấu để giao lưu với khán giả.

Khi trở lại sân khấu với diện mạo mới, đêm đầu tiên sáng đèn của vở “Miss Saigon” đã lập nên kỷ lục ở West End khi trở thành vở kịch có số lượng vé bán ra cao nhất trong ngày đầu tiên khai vở, thu về 4,4 triệu bảng (140 tỉ đồng).

“Miss Saigon” xoay quanh tình yêu giữa Chris, một lính Mỹ đồn trú tại Sài Gòn và Kim, cô gái mồ côi cha mẹ vì chiến tranh, buộc phải đến làm thuê tại một quán bar ở Sài Gòn.

Chris và Kim gặp nhau tại quán bar và yêu nhau ngay từ lần đầu gặp mặt. Khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, Chris trở về Mỹ nhưng vẫn luôn nhớ về Kim. Anh không hề biết rằng ở Việt Nam, Kim đã sinh một cậu con trai, đó chính là con của Chris. Sau này, Chris, Kim và Tâm (con trai của Chris và Kim) đã có một cuộc đoàn viên ngắn ngủi.

Biết rằng sau khi trở về Mỹ, Chris đã lập gia đình, Kim không hề có ý định muốn giành lại tình yêu, cô chỉ mong Tâm, con trai cô, có được một cuộc sống tốt hơn khi ở bên cha, vì vậy, Kim đã chọn cho mình một kết cục bi thảm.

Vở kịch “Miss Saigon” nhấn mạnh vào hình ảnh người mẹ. Sự hy sinh của Kim được coi là sự hy sinh tối thượng, luôn gây xúc động đối với khán giả.

 

Theo Bích Ngọc (tổng hợp) – Dân trí