Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung chủ trì tiến hành nghi lễ tế đàn Xã Tắc.
Với quyết tâm phục hồi cơ bản Lễ tế Xã Tắc, rạng sáng 22-3 (tức 25-2 Đinh Dậu), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tế Xã Tắc tại đàn Xã Tắc nằm ở phía tây nam Hoàng Thành (phường Thuận Hòa, TP Huế), nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân được no ấm.
Đại điện lãnh đạo tỉnh Tỉnh ủy, UBND tỉnh TT-Huế và hàng nghìn du khách cùng nhân dân ở thành phố Huế tham dự.
Đàn Xã Tắc, nơi tế thần đất (xã) và thần lúa (tắc) của triều Nguyễn, được xây dựng vào tháng 3 năm Gia Long thứ 5 (1806), do các thành dinh trấn trên cả nước đóng góp đất sạch về Huế để xây đắp nên. Đàn được tổ chức tế lễ mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu. Lễ tế đàn Xã Tắc được xếp vào hàng “đại tự”, cách ba năm (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đích thân nhà vua đến làm lễ. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng nên khi xây dựng đàn, triều đình Nhà Nguyễn đã buộc 28 dinh trấn trong cả nước nộp đất sạch về để đắp nên công trình này.
Bắt đầu từ năm 2008, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khôi phục lại đàn Xã Tắc cũng như nghiên cứu phục dựng lại lễ tế quan trọng này. Lễ tế Xã Tắc lần hai tổ chức vào năm 2009, tiến đến bước chuẩn xác hơn bằng việc tổ chức đúng vào tháng hai âm lịch, gồm lễ xuất cung và lễ tế với đầy đủ các nghi tiết. Và từ năm 2010, đàn Xã Tắc được khôi phục lại với diện mạo cơ bản như xưa thì lễ tế Xã Tắc mới được phục dựng gần với nguyên bản và chuẩn xác với lộ trình đoàn Ngự đạo xuất quân vào đàn bằng cổng chính ở hướng Nam để làm lễ tế, các trang phục, lễ phục cũng thực hiện chuẩn xác hơn, đặc biệt là trang phục của đội nhã nhạc và vũ công Bát dật được phục dựng nguyên bản.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, là một trong những lễ hội cung đình truyền thống tiêu biểu, Lễ tế Xã Tắc mang đậm tính nhân văn với những đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam. Nghi lễ tế Xã tắc có từ thời tiền Lê và được duy trì qua các đời Lý, Trần, Nguyễn, được tổ chức vào tháng hai âm lịch hàng năm nhằm để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tuy nhiên, hiện nay chỉ duy nhất tại Huế còn bảo tồn được Đàn Xã Tắc cùng những tư liệu liên quan đến Lễ tế Xã Tắc. Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của Huế, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành. Lễ tế Xã Tắc, tế Thần Đất và Thần Lúa, cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự).
Vật phẩm dâng tế có đủ tam sinh, gạo, hoa quả…
Lễ tế Xã Tắc năm nay được tái hiện phần lễ tế chính tại đàn tế, được phục dựng theo quy cách xưa. Nghi thức lễ tế có đầy đủ long đình, ngự liễn, ngự kỷ, các đội nhạc lễ cung đình, các loại cờ truyền thống… Lễ tế tại đàn Xã Tắc được phục dựng có 2 phần: phần một là phần phục dựng các trình thức nghi lễ (có tính chất trình diễn); phần hai là phần dành cho mọi người dâng hương. Lực lượng tham gia hơn 200 người, đều mặc trang phục truyền thống với đầy đủ áo quần, hài hia mũ mão theo quy định dưới thời Nguyễn. Đặc biệt, lễ tế năm nay có sự tham gia của các bô lão đến từ các địa phương trong tỉnh, thể hiện ý nghĩa đại diện cho trăm họ (bách tính). Vật phẩm dâng tế có đủ tam sinh, ngọc lụa, gạo, hoa quả…
Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết: Lễ tế đàn Xã Tắc tập trung khai thác các yếu tố truyền thống tốt đẹp từ Lễ tế Xã Tắc của Việt Nam đã từng diễn ra trong lịch sử, đặc biệt là dưới thời Nguyễn ở Huế. Lễ tế đề cao những giá trị nhân văn, chủ yếu là hình thức gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên; tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà; biểu thị khát vọng cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, đoàn kết, đổi mới, phát triển.
CÔNG HẬU