Vi Thùy Linh
Mới đây, triển lãm Nét (Stroke) như dấu ấn mạnh mẽ, một khẳng định độc đáo về phong cách Lưu Công Nhân (1931 – 2007) được tổ chức sau 10 năm họa sĩ từ trần. Nét cũng là triển lãm cá nhân quy mô đầu tiên sau rất nhiều năm ông không trưng bày tranh tại Hà Nội. |
56 tác phẩm đa dạng về chủ đề, chất liệu được trưng bày tại không gian 2.000 m2 của Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA (Vincom Royal City, Hà Nội); mở cửa tự do trong thời gian một tháng; là sự kiện đầu tiên thuộc dòng Triển lãm Giáo dục (Public Exhibition) đem tới cho công chúng cơ hội tìm hiểu về các nghệ sĩ bậc thầy, thành danh hoặc triển vọng của hội họa Việt Nam. Đáng chú ý, 52 trong số 56 tác phẩm được chọn từ hơn 400 bức thuộc bộ sưu tập tranh Lưu Công Nhân lớn nhất hiện nay của nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng (TP Hồ Chí Minh). Để chuẩn bị, suốt nửa năm qua, họa sĩ Lê Thiết Cương – giám tuyển triển lãm đã bỏ nhiều công sức đi về giữa hai nơi; cẩn thận trong từng việc đo kích thước tác phẩm, đặt làm bo và khung. Trong bộ sưu tập này, công chúng sẽ được thưởng lãm một trong các tác phẩm nổi tiếng nhất của Lưu Công Nhân thời trẻ là bức sơn dầu Bình dân học vụ ông vẽ năm 1955. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp xuất hiện hiếm hoi của tác phẩm Những cô gái công trường thuộc bộ sưu tập Apricot (của Ngô Tấn Trọng Nghĩa, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Nguyễn Mai Lan) cùng những tác phẩm tiêu biểu, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Một buổi cày (sơn dầu, 1960), Hành quân (sơn dầu, 1950), Cổng nhà mẹ (giấy điệp, 1995). Mảng chính của triển lãm là 29 bức tranh nude – sở trường của Lưu Công Nhân. Người nghệ sĩ đào hoa, duy mỹ ấy đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tôn vinh phái đẹp lên đến đỉnh cao. Sự cởi mở, tự tin ở chính mình và tư duy nghệ thuật cập nhật của một tinh thần sống trẻ trung, tha thiết với đời khiến Lưu Công Nhân, bằng cây cọ, đã làm nên “phép tiên”; khiến cho người xem thấy nhân vật trong tranh ông như đang thở, đang đối diện, đang ùa ra thế giới này. Được cho là chịu ảnh hưởng từ họa sĩ người Pháp Ô-guýt-xtơ Rơ-noa (Auguste Renoir 1841 -1919) về phong cách thể hiện, luôn đề cao vẻ đẹp tự nhiên, nhất là vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ, song Lưu Công Nhân – một “tài tử” tài hoa – không bao giờ là bản sao của bất cứ ai. Tôi đã gặp tranh Lưu Công Nhân trong khách sạn Faifo cửa ga Đà Nẵng, tại nhà thi sĩ Thi Hoàng (Hải Phòng); nơi phòng khách gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng bên sông Hồng. Lưu Công Nhân đi, vẽ nhiều và hào phóng tặng tranh cho bạn bè; người mộ điệu lẫn kẻ ngoại đạo đều được thấy tác phẩm của ông, được đến gần hội họa không chỉ qua các phòng triển lãm. Tranh Lưu Công Nhân dù vẽ hiện thực vẫn đầy chất thơ, sự khoáng hoạt và chứa đựng đối lập giữa giản dị, chân quê và sang trọng, gợi cảm. Bên những hình ảnh thiếu nữ còn có chân dung người vợ của ông – dược sĩ Trần Thị Phi Phụng. Tranh tĩnh vật trông rất châu Âu mà vẫn Á Đông. Nét thoáng, bố cục và hình ảnh chặt mà vẫn gợi mở. Bút pháp hiện đại làm nên một thế giới đầy bay bổng, tràn sức sống. Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật khóa kháng chiến tại Việt Bắc (1950-1953), Lưu Công Nhân là một trong các học trò xuất sắc nhất của danh họa Tô Ngọc Vân (Hiệu trưởng trường). Ông từng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật (đợt I, năm 2002); góp phần định hình nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trên bản đồ mỹ thuật thế giới bằng nhiều giải thưởng tại các triển lãm quốc tế. Giới thiệu về danh họa bậc thầy, họa sĩ Lê Thiết Cương viết: “Trong những bức tranh vẽ bằng mầu nước và mực nho, thậm chí chỉ là bút sắt, chì than trên giấy, tài hoa của Lưu Công Nhân lộ ra rất rõ. Những cặp đối lập của Nét ấy là cuộc sống, là đời, chính là cõi đời, cõi người; là được – mất, mất – được, vui – buồn, hạnh phúc – bất hạnh, cho – nhận, nhận – cho… luôn đắp đổi giao hòa; điều này có vì điều kia có, điều này luôn có trong điều kia. Vẻ đẹp trong Nét của Lưu Công Nhân gợi nhớ đến thư pháp, thảo thư Á Đông – kiểu nét chỉ một lần duy nhất rồi thôi, không tô đi dạm lại…”. Chết không bao giờ là kết thúc với những tài danh, khi toàn bộ tâm hồn, trái tim, khối óc của họ dồn vào tác phẩm để đời, sáng tạo kiệt tác bất hủ. Lưu Công Nhân ra đi đã mười năm nay, nhưng nhịp tim ông, đôi mắt đẫm tình của ông vẫn thức trong tranh, trong đời. Mãi còn đó, sự khẳng định cũng là tuyên ngôn nghệ thuật qua bút tích của ông trưng bày tại triển lãm: Hội họa đích thực không cần sự hùng biện. Họa sĩ đích thực vẽ bằng tình yêu. Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |