NGUYỄN HỒNG

Nghệ nhân thi tạc tượng ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðác Lắc.

Tượng gỗ dân gian là một loại hình văn hóa khá độc đáo liên quan nhiều đến nghi lễ và lễ hội của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Những nghệ nhân đã đưa sử thi của dân tộc mình vào nét điêu khắc gỗ, tạo nên các hình khối nhiều cảm xúc.

Tượng gỗ dân gian có mặt trong đời sống của hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên như: Ê Ðê, M’nông, Gia Rai, Xê Ðăng… nét tương đồng của các dân tộc này là dùng khúc gỗ để tạc những bức tượng về con người, chim, muông thú… rồi dựng ở nhà mồ trong lễ bỏ mả với ý nghĩa những bức tượng gỗ sẽ mang linh hồn thay thế người sống chăm sóc, bảo vệ người đã khuất.

Sau lễ bỏ mả, họ không quay lại nơi chôn người chết nữa và họ quan niệm, sau lễ bỏ mả, người chết sẽ có cuộc sống khác.

Theo đó, để chuẩn bị cho lễ bỏ mả, họ tổ chức vào rừng tìm kiếm những loại cây có thể tạc tượng và có lễ cúng trước khi đốn cây. Khi có cây, họ nhờ các nghệ nhân về tạc tượng và tùy theo gia cảnh, cuộc sống của người trước khi chết để tạc những bức tượng cho phù hợp. Những bức tượng này sẽ được dựng ở nhà mồ sau lễ bỏ mả, thường thì ở bốn góc của ngôi mộ.

Chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Y Rốt Niê, tên thường gọi là Ea Bi Tơ, sống ở buôn Bu, xã Ea Knếch, huyện Krông Pách, tỉnh Ðác Lắc. Ông đang đục đẽo khúc gỗ thành một bức tượng với chủ đề một chiếc nồi đồng ở trên, phía dưới là cối và chày. Theo Y Rốt, nồi đồng là vật gần gũi với con người khi còn sống và thể hiện người đó khá sung túc. Cây cối và chày là vật dụng gắn bó với con người khi còn sống và khi chết họ cũng cần những vật dụng đó. Y Rốt bảo: “Chỉ có người lớn khi chết đi mới được làm tượng đặt ở nhà mồ, còn trẻ em thì không và người Ê Ðê tạc tượng gỗ chỉ để phục vụ cho lễ bỏ mả”.

Trong dịp tham gia một lễ hội ở tỉnh Ðác Lắc, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều nghệ nhân tạc tượng của các dân tộc khác nhau như Ba Na, Gia Rai… Theo các nghệ nhân này, người Ba Na có thể đặt những bức tượng ở nhà mồ và cũng có thể đặt ở nhà rông, nhà sàn như vật trang trí… tùy theo hình thù của các bức tượng.

Qua tìm hiểu ở huyện Cư M’ga, tỉnh Ðác Lắc, người Xê Ðăng cũng có nhóm tộc người như Ca Nôn, Ha Lăng đặt tượng gỗ ở nhà mồ, còn người Xê Ðăng gốc thì không đặt ở nhà mồ mà đặt ở nhà rông mỗi khi có lễ hội lớn của buôn làng. Ngoài ra, họ có thể đặt ở ngoài hay trong nhà như một vật trang trí. Nghệ nhân Y BLôi, sinh sống ở buôn Con H’Ring, xã Ea H’Ðin, huyện Cư M’ga, tỉnh Ðác Lắc nói: Trước khi lấy gỗ hay trước khi tạc tượng người Xê Ðăng không phải làm lễ cúng như các dân tộc khác, vì vậy tượng của người Xê Ðăng không nhất thiết chỉ dựng ở nhà mồ mà trải rộng ra trong các không gian khác.

Khi tạc tượng, người các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường dùng rìu và thường tạc theo mảng, khối. Theo các nghệ nhân, tạc tượng không trau chuốt tỉ mỉ, mà tạc theo hình khối tạo hình, vì vậy tượng mang sức gợi hơn là tả thực và tuân thủ những nguyên tắc nguyên khối chứ không lắp ghép thêm các khối gỗ khác.

Về cơ bản, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có phong tục tín ngưỡng giống nhau cho nên việc tạo nên những bức tượng dân gian cũng mang ý nghĩa như nhau. Chỉ có một số khác biệt nho nhỏ mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Phó Trưởng phòng nghiệp vụ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðác Lắc) Y Ko Niê cho biết: Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên là một phần của phong tục tập quán, một phần của đời sống các tộc người ở đây từ nghìn xưa. Ngày nay, tín ngưỡng của một số dân tộc có thay đổi cho nên việc tạc tượng cũng có khác. Ðể duy trì và phát huy tính sáng tạo của các nghệ nhân và nhằm bảo tồn nghề tạc tượng, các ngành chức năng ở Tây Nguyên thường tổ chức cho các nghệ nhân thi tạc tượng để họ trau dồi kỹ năng. Những dịp này các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời duy trì nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ dân gian của Tây Nguyên khỏi bị mai một, đi vào lãng quên.

Thế hệ trẻ có khả năng tiếp nối cha anh, nhưng có các quan niệm khác biệt so với thế hệ trước. Họ tạc tượng mang tính trưng bày hơn là phục vụ cho tín ngưỡng và tâm linh.

Gặp Y Se Krông, một nghệ nhân trẻ ở buôn Tăng Dú (xã Ea Cao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðác Lắc), đang tạc bức tượng với chủ đề “Ðôi chân trần và tình anh em”. Y Se dừng tay bảo: “Tác phẩm đôi chân trần, em lấy ý tưởng từ bài hát của nhạc sĩ Y Phôn Kso. Những tượng em tạc thường để trang trí”.

Những người trẻ tham gia tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng người tham gia, nhưng đã có nhiều tác phẩm ấn tượng.

Từ chỗ chỉ đặt ở nhà mồ, tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên nay có hướng đi linh hoạt hơn và nhiều đề tài hơn, làm thi vị thêm cho cuộc sống.

Những bức tượng gỗ của lớp trẻ ngày nay cũng là một phần trong đời sống văn hóa của người Tây Nguyên. Họ đã và đang tạo nên nhận thức mới, tượng gỗ không chỉ đặt ở nhà mồ mà còn trang trí tại nhà sàn, nhà rông ở các buôn làng.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài