Khán giả Việt Nam đang chờ đợi, đòi hỏi những tác phẩm sân khấu ở mức độ cao cấp hơn, đòi hỏi kỹ năng xử lý âm thanh – ánh sáng tốt hơn, kỹ năng đưa các vấn đề được dư luận quan tâm lên sân khấu có đủ độ nóng không, có tính dự báo không, có trúng vào điều mà họ đang quan tâm, chờ đợi hoặc mơ ước hay không?
Gian nan tìm đường xuất ngoại
Nguyệt Hà
Trong các ngày từ 23 đến 27-3-2016, Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu với các du học sinh Việt và biểu diễn vở kịch “Hamlet” – một vở kịch kinh điển đặc sắc đã gây được tiếng vang khi biểu diễn trong nước.
Đêm 25-3-2016, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ có đêm diễn đặc biệt tại Nhà hát Victoria – nhà hát lớn nhất quốc đảo Singapore. Trong buổi gặp gỡ báo chí thông tin trước chuyến đi, tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam vô cùng hào hứng, tâm huyết.
“Hamlet” phiên bản Việt liệu có gây được tiếng vang ở Singapore?
Ông Nguyễn Thế Vinh – Giám đốc nhà hát cho biết: “Mọi chi phí cho chuyến đi này đều do tập đoàn Tân Hiệp Phát tài trợ. Chỉ riêng tiền thuê Nhà hát Victoria trong một đêm, kinh phí đã là hơn 400 triệu đồng, chưa kể tiền đi lại, ăn ở khách sạn… Vé xem chương trình sẽ hoàn toàn được phát… miễn phí cho du học sinh, kiều bào và một nửa số vé mời sẽ dành để mời các nghệ sĩ, những người làm văn hóa, ngoại giao của Singapore.
Sau chuyến đi lưu diễn tại Singapore, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tiếp tục đem “Hamlet” đi diễn ở một số nước khác trên thế giới, trong đó đích tới của “Hamlet” phiên bản Việt sẽ là Vương quốc Anh – quê hương của đại văn hào Wiliam Shakespeare – nhằm hưởng ứng năm Shakespeare toàn cầu 2016″.
Khẳng định vai trò to lớn của nhà tài trợ trong việc đưa “Hamlet” đi “xuất ngoại”, ông Nguyễn Thế Vinh không ngần ngại phát biểu: “Sự đóng góp quý báu của những nhà tài trợ – những người đồng hành đáng trân trọng của nghệ thuật như Dr. Thanh sẽ gó phần đưa đến cho khán giả yêu sân khấu kịch trong và ngoài nước những món ăn tinh thần đạt tới nghệ thuật đỉnh cao…”.
Có thể nói, nếu không có cái “bắt tay” với doanh nghiệp, ắt hẳn việc Nhà hát Kịch Việt Nam mang “Hamlet” đi công diễn ở nước ngoài là điều… không tưởng. Bởi ngoài dàn diễn viên tham gia vở diễn rất đông, cảnh trí lớn, việc đưa một vở kịch như “Hamlet” đi công diễn ở nước ngoài thực sự là một bài toán quá khó đối với bất cứ một đơn vị nghệ thuật nào nếu phải đối mặt với áp lực doanh thu.
Trước đó, hầu hết các vở kịch, các chương trình nghệ thuật của Việt Nam có điều kiện đi biểu diễn ở nước ngoài là do nhận được lời mời và đài thọ kinh phí từ phía các chính phủ, các quỹ văn hóa hoặc nhận được kinh phí từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để tham gia các liên hoan nghệ thuật ở các nước, khu vực. Năm ngoái, Đoàn kịch nói Công an nhân dân đã đưa vở kịch “Đông du” đi lưu diễn ở Nhật theo lời mời của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến đi, Đoàn kịch nói Công an nhân dân đã có 3 suất diễn, trong đó có 1 suất diễn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản và 2 suất diễn phục vụ khán giả Nhật (chủ yếu là khách mời) ở Thủ đô Tokyo. Theo chia sẻ của Đại tá – NSƯT Nguyễn Công Bảy, Trưởng đoàn kịch nói Công an nhân dân: “Chuyến đi này đã đem đến cho bản thân tôi và anh chị em nghệ sĩ trong đoàn những trải nghiệm thú vị. Qua đó đã học hỏi được rất nhiều điều về tác phong làm việc chuyên nghiệp, tư duy nghệ thuật cũng như cách người Nhật bảo tồn văn hóa.
Đoàn kịch nói Công an nhân dân mong muốn sẽ có thêm những chuyến đi biểu diễn như thế này nhưng trong điều kiện không tìm được nguồn kinh phí thì việc đi biểu diễn ở nước ngoài quả là điều… viển vông. Quả là phải ra với biển lớn thì mới thấy mình quá bé nhỏ và cần cố gắng rất nhiều!”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài lĩnh vực ca nhạc – lĩnh vực mà các ca sĩ thường xuyên có những chuyến “bay sô” theo lời mời của các bầu sô hải ngoại, các chương trình của các nhà hát mang đi biểu diễn ở nước ngoài đều có tính chất “tạp kỹ” (thường là ca nhạc kết hợp với tấu hài), và khán giả chủ yếu là kiều bào ở châu Âu, Nga, Mỹ vào dịp Tết âm lịch. Việc đem một chương trình nghệ thuật, vở kịch hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam như xiếc, rối… đều không dễ.
Nếu “đem chuông đi đánh xứ người” mà phải bỏ tiền túi ra để đầu tư cho chuyến đi và tính toán lời – lỗ thì các nhà hát đều rất dè chừng. Những năm qua, vẫn là các đơn vị làm sân khấu xã hội hóa ở phía Nam đi đầu trong việc bỏ tiền túi ra mang những vở kịch dài được dàn dựng ở trong nước sang Mỹ biểu diễn. Năm 2015, vở “Hợp đồng mãnh thú” của sân khấu IDECAF đã có chuyến đi biểu diễn phục vụ kiều bào ở Mỹ rất thành công, gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng hải ngoại.
Trước đó, một số vở kịch dài được nghệ sĩ Việt đưa sang Mỹ biểu diễn như “Ông vú bà vú” của Sân khấu Nụ cười mới (2008); đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc hợp tác với Nhà hát Pan Asian Repertoryđưa hai vở kịch “Người đàn bà thất lạc” và “Chúng tôi là” đi biểu diễn ở sân khấu kịch Off – Off Broadway (New York) lần lượt vào các năm 2009 và 2011…
Ngoài việc biểu diễn phục vụ một bộ phận khá đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, việc các bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt xuất ngoại cũng đem đến một “phép thử” tương đối chính xác: cái hay, cái đẹp, cái lạ, cái mang màu sắc văn hóa – tâm lý Việt Nam đặc trưng nhất thường được khán giả nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Điều đó giải thích vì sao chương trình biểu diễn xiếc đương đại “Làng tôi” hay các chương trình biểu diễn rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long lại được thế giới đón nhận nhiệt tình đến thế.
Tất nhiên, sự so sánh nào cũng là khập khiễng, song điều đó cũng cho thấy rằng, bất kỳ môn nghệ thuật nào của một quốc gia, nếu muốn tạo được sức ảnh hưởng ở ngoài biên ải, chắc hẳn phải mang màu sắc đặc trưng nhất của nước đó. Đây cũng chính là điều người ta đang kỳ vọng ở “Hamlet” phiên bản Việt Nam đang trên hành trình chinh phục khán giả Singapore.
Đạo diễn Bùi Như Lai – Trưởng đoàn Kịch 1 (Nhà hát Tuổi trẻ): Không thể đóng cửa khen nhau
Hà Anh
– Thưa đạo diễn Bùi Như Lai, là nghệ sĩ có nhiều chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài từ khi còn là diễn viên cho đến nay trong vai trò là đạo diễn – người tổ chức, anh đánh giá thế nào về hiệu quả thu được từ các chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài?
+ Theo quan sát của tôi, cách để nghệ thuật truyền thống Việt Nam có cơ hội xuất ngoại thường là để giao lưu, học tập và cùng hợp tác để sản xuất một chương trình biểu diễn nào đó. Phải khẳng định ngay rằng, những người đi biểu diễn ở nước ngoài trước hết là những người “được”.
Cái được đầu tiên đó là được nhìn thấy một phong cách làm việc mới mẻ, chuyên nghiệp mà ở đây chữ chuyên nghiệp trong nghệ thuật đã được nâng lên thành một nền công nghiệp giải trí. Ở tất cả các khâu từ chuẩn bị, sản xuất, marketing, đến khâu cuối cùng là đón tiếp khán giả đến thưởng thức tác phẩm nghệ thuật đều được làm cực kỳ chuyên nghiệp. Đối với Châu Âu hoặc Nhật Bản là những nơi tôi đã đến, khâu tổ chức của họ làm rất tốt. Việc bán vé một đêm trình diễn nghệ thuật thường diễn ra trước cả năm trời, vì thế vở diễn của họ luôn đông khách, luôn chật kín chỗ. Đó cũng là cách khán giả nước họ lên kế hoạch cho việc thưởng thức nghệ thuật của mình.
Ví dụ, hiện giờ là tháng 3, họ đã biết trước đến tháng 9 này có thể xem tác phẩm nghệ thuật mới nào. Nhưng dân mình thì lại không thế. Khán giả Việt vẫn chỉ quen với việc cuối tuần này xem gì, thậm chí là tối nay, tối mai xem gì? Ngoài ra, những thứ liên quan trực tiếp đến nghệ thuật cũng có tác động rất mạnh đối với nghệ sĩ như: sân khấu của Nhật Bản hay châu Âu đều có thể thay đại cảnh trong vòng 5 giây, mặt sàn sân khấu có thể kéo thụt xuống hoặc đẩy lên cao đến 50m, các hệ thống kỹ thuật có sự hỗ trợ tối đa cho sự sáng tạo của nghệ sĩ.
Lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến điều này, tôi thực sự cảm thấy bị choáng ngợp. Ngoài ra, về tinh thần làm việc, họ có thể làm việc từ 10h sáng đến tận đêm mà chỉ nghỉ một quãng thời gian rất ngắn để ăn nhẹ và nói chuyện, trao đổi với nhau về công việc. Khi đã vào việc là họ bỏ hết mọi thứ ngoài lề ra để tập trung vào công việc chuyên môn. Thực sự đây là những điều mà nghệ sĩ Việt cần phải học hỏi, thay đổi.
– Có phải anh định nói rằng, việc sân khấu Việt có cơ hội “xuất ngoại” càng nhiều thì tương lai của bộ môn nghệ thuật sân khấu nước nhà càng tươi sáng hơn?
+ Chính xác là như thế. Tôi nghĩ rằng, đó là đường hướng lâu dài để có một nền sân khấu không bị tụt hậu và cũng là cách thổi lên niềm đam mê của nghệ sĩ. Từ kinh nghiệm có được từ các chuyến đi, các chuyến công tác, học tập ở nước ngoài, tôi thấy rõ rằng, nếu chúng ta cứ đóng cửa làm với nhau, đóng cửa khen nhau thì sân khấu không thể phát triển được.
Ngoài việc mở cửa, nghệ sĩ Việt Nam cũng cần phải xâm nhập với đời sống nghệ thuật của nước ngoài, xem người ta tiếp cận, xây dựng một tác phẩm nghệ thuật thế nào và cách họ mang tác phẩm ấy đến với công chúng thế nào. Và công chúng mới là người quyết định tác phẩm ấy tồn tại hay không tồn tại chứ không phải những người làm ra chúng.
Tôi cũng có cảm giác rằng, khán giả Việt Nam cũng đang chờ đợi, đòi hỏi những tác phẩm sân khấu ở mức độ cao cấp hơn, đòi hỏi kỹ năng xử lý âm thanh – ánh sáng tốt hơn, kỹ năng đưa các vấn đề được dư luận quan tâm lên sân khấu có đủ độ nóng không, có tính dự báo không, có trúng vào điều mà họ đang quan tâm, chờ đợi hoặc mơ ước hay không?
– Qua những chuyến đi lưu diễn ở nước ngoài, bản thân anh thấy mình thay đổi như thế nào trong cách tiếp cận và đưa lên sân khấu các vấn đề mà con người hay xã hội đang phải đối mặt?
+ Thực ra, tôi thấy mình bị tác động và thay đổi rất nhiều sau các chuyến đi. Song khi tham gia lớp học “Nâng cao năng lực sáng tạo của con người” cho nghệ sĩ trẻ Việt Nam do Nhà hát David Glass (Anh) phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, tôi mới thấy quan điểm làm nghệ thuật của mình thay đổi triệt để.
Cùng với việc được đi ra nước ngoài nhiều, nhìn thấy thế giới phát triển, tôi đã định hình rõ vai trò nghệ sĩ của mình khi luôn mong muốn trả lời câu hỏi: “Là nghệ sĩ anh đã đóng góp được gì cho xã hội ngoài tính giải trí?”. Quá trình thay đổi suy nghĩ ấy khiến tôi quan tâm nhiều đến các vấn đề bên ngoài xã hội hơn. Sau đấy tôi bắt đầu dàn dựng các tác phẩm liên quan tới xã hội như cuộc sống của người có HIV/AIDS, cuộc sống của người đồng tính, cuộc sống của trẻ em lang thang, vấn đề bạo hành giới, bạo hành gia đình…
Tôi đã nỗ lực hết sức cho việc “bê” những tác phẩm nóng lên sân khấu và giải quyết vấn đề đó như thế nào. Tôi thích những cái kết mở mang tính dự báo cho xã hội.
– Xem ra, ngoài việc sân khấu Việt đang đối mặt với nhiều vấn đề của chính nó thì nó vẫn luôn nhỏ bé, lọt thỏm trong không gian nghệ thuật sân khấu của thế giới. Khi tham gia cuộc chơi cùng với các “đồng nghiệp đại gia”, anh có cảm thấy mặc cảm, tự ti không?
+ Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển và như vậy toàn bộ các mặt của một đất nước ấy như kinh tế – văn hóa – xã hội cũng ở mức đang định hình và đặt ra những bài toán cho những người hoạch định chính sách về phát triển nghệ thuật. Vì thế, theo tôi là chúng ta không nên tự ti và tôi cũng không bao giờ tự ti, mà phải đặt vấn đề trong mối tương quan của nó. Nhưng tự tin không có nghĩa là mặc kệ cho thế giới phát triển còn mình muốn đi đến đâu thì đi. Nhìn họ, nhìn mình, thay đổi mình để phát triển mới là điều thực sự quan trọng.
Hiện nay, nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ luôn rất chủ động trong việc tìm kiếm khán giả. Tôi nghĩ sự thay đổi này là đặc biệt quan trọng và nó quyết định tương lai cho con đường mà chúng tôi đang đi.
– Xin cảm ơn đạo diễn Bùi Như Lai!
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Thọ – Trưởng nhóm xiếc “Làng tôi”: Đừng để “Làng tôi” chết trên chính quê hương mình
Gia Nguyễn (ghi)
Rất nhiều người đã hỏi tôi cùng một câu hỏi, sao chương trình xiếc “Làng tôi” đã đi chu du khắp châu Âu với mấy trăm đêm diễn, nhưng khi về đến quê nhà lại bị… xếp xó. Điều ấy cũng làm tôi và các đồng nghiệp của mình buồn bã, chán nản, nhụt chí mất đến 2 năm. Và chúng tôi có cảm giác mình bị “cô lập”, bởi nhiều người cho rằng đến với xiếc đương đại “Làng tôi” đồng nghĩa với việc chúng tôi rời xa xiếc truyền thống.
Từ khi hết hợp đồng lưu diễn nước ngoài trở về Việt Nam, ngày nào 14 anh chị em nghệ sĩ diễn viên chúng tôi cũng vẫn tập luyện dù không được diễn. Trong suốt gần 3 năm trời, chúng tôi chỉ có 3 buổi diễn tại chương trình “Duyên dáng Việt Nam” và 6 buổi diễn tại Nhà hát Lớn mà đều là nhờ có sự “can thiệp” của nhóm biên đạo – dàn dựng Nhất Lý – Nguyễn Lân – Tuấn Lê.
Tôi cho rằng, chương trình xiếc “Làng tôi” sở dĩ được khán giả nước ngoài đón nhận nồng nhiệt và gây được tiếng vang như vậy là vì nó đem đến những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam, đã chạm được vào trái tim khán giả với những cảm xúc sân khấu rất chân thật của diễn viên. Khi chúng tôi quyết định rời Liên đoàn Xiếc Việt Nam với nhiều lý do được đưa ra trên giấy tờ là khác nhau, nhưng tất cả đều chỉ có chung một nguyện vọng, đó là mong cho “Làng tôi” tiếp tục được “sống” trên chính quê hương đã khai sinh ra nó.
Phải rời Liên đoàn Xiếc tôi cảm thấy rất buồn, tiếc nuối nhưng ở lại thì đồng nghĩa với việc chương trình xiếc “Làng tôi” sẽ “chết”. Trước mắt, nhóm chúng tôi đang thuê một nơi để tiếp tục tập “Làng tôi” hàng ngày, sau đó sẽ bắt đầu nghĩ tới việc dàn dựng một chương trình mới cũng mang màu sắc văn hóa Việt Nam đậm nét. Rất may mắn, trong năm 2016 này chúng tôi đã có hợp đồng với một công ty để biểu diễn “Làng tôi” trong 3 tháng liên tục.
Điều này khiến anh chị em nghệ sĩ chúng tôi rất phấn khởi. Tôi tin rằng khán giả Việt sẽ không thờ ơ với “Làng tôi” nếu chúng tôi tìm được cách “tiếp thị” nó đến với khán giả. Hiện tại, các đối tác của chúng tôi tiếp tục nhắm tới và quảng bá sản phẩm “Làng tôi” vào thị trường Nhật và Canada. Tôi hi vọng chương trình xiếc “Làng tôi” sẽ tiếp tục được đi lưu diễn nước ngoài cũng như được phục vụ khán giả Việt nhiều hơn nữa.
NSND Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long:Chỉ “xuất ngoại” khi được… miễn phí
Cẩm Linh (thực hiện)
– Thưa NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, là nghệ sĩ gắn bó lâu năm với nghệ thuật rối nước, xin ông cho biết vì sao rối nước của Việt Nam luôn tạo được ấn tượng đặc biệt đối với khán giả quốc tế?
+ Có thể nói, rối nước là bộ môn nghệ thuật có một không hai trên thế giới. Được ghi nhận đã có từ thế kỷ XI, khán giả quốc tế luôn rất tò mò và ngạc nhiên trước sự sáng tạo độc đáo của người Việt. Vì thế, bạn bè quốc tế đến với Việt Nam cũng như khi nhà hát đưa các tiết mục đi trình diễn, đi tham gia các liên hoan sân khấu, rối nước đều được khán giả chào đón, thích thú.
– Xin ông cho biết công tác quảng bá – tiếp thị cho bộ môn nghệ thuật đặc biệt này ở nước ngoài hiện nay ra sao?
+ Năm 2015 chúng tôi đã có các chuyến lưu diễn ở Nauy, Australia, Nhật Bản, Mỹ… rất thành công, được khán giả nhiệt liệt hưởng ứng. Hầu hết các chuyến đi, đoàn chúng tôi được mời và miễn phí toàn bộ kinh phí, trong khi các đoàn khác chỉ được miễn phí ăn ở, đã thể hiện tấm thịnh tình của bạn bè quốc tế đối với nghệ thuật rối nước của Việt Nam. Thực sự là cũng chỉ có những liên hoan được đài thọ toàn bộ kinh phí chúng tôi mới có thể tham gia.
– Một bộ môn nghệ thuật truyền thống được khán giả quốc tế quan tâm, yêu thích như vậy, sao nhà hát lại không tổ chức hoặc phối hợp với các bầu sô ở nước ngoài để tổ chức các chuyến lưu diễn dài hơi như cách nhóm xiếc “Làng tôi” đã làm trước đây?
+ Với các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung và rối nước nói riêng, để kinh doanh có lãi ở môi trường quốc tế là rất khó. Thông thường, chúng tôi đi biểu diễn đều là do được các tổ chức, quỹ phát triển văn hóa tài trợ, việc bán vé chỉ làm “thêm nếm” chứ không phải là nguồn thu chính. Việc đưa dàn diễn viên, đạo cụ vô cùng cồng kềnh như thế này đi lưu diễn là điều vô cùng khó khăn, tốn kém. Và dù nó là bộ môn nghệ thuật được nhiều người yêu mến, song nếu biểu diễn để bán vé lấy thu bù chi thì lỗ vốn là điều cầm chắc trong tay.
Sở dĩ chương trình xiếc “Làng tôi” thành công được như vậy là do họ mang tư duy của người nước ngoài vào xây dựng tác phẩm chứ không phải do người Việt mình làm. Hơn nữa, làm sô với nước ngoài phải có kế hoạch chi tiết trước cả năm. Trong khi đó, với một nhà hát vẫn còn nửa bao cấp, nửa tự lập như chúng tôi, kế hoạch làm việc, phục vụ các nhiệm vụ chính trị chỉ có trong tháng, trong quý mà vẫn thay đổi xoành xoạch thì không thể đáp ứng được. Nếu mình vi phạm hợp đồng, sẽ bị phạt rất nặng. Vì thế, chúng tôi không thể làm được.
-Xin cảm ơn NSND Nguyễn Hoàng Tuấn!
Theo PV – Văn nghệ công an