Lê Thị Thu Nguyệt
Ba năm qua, mỗi độ thu về, “Không gian nghệ thuật trong rừng – AIF” (Art In The Forest) lại được khai trương tại Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc). Đây là kết quả chương trình lưu trú sáng tác quốc tế được tổ chức hằng năm, với sự tham gia của nhiều nhà điêu khắc và họa sĩ có tên tuổi của Việt Nam và các nước. |
Không gian nghệ thuật trong rừng – AIF với Tuần lễ nghệ thuật AIF được tổ chức lần đầu tại Flamingo Đại Lải vào năm 2015, đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận và giới nghệ sĩ. Đến lần tổ chức thứ hai năm 2016, AIF đã trở thành một sự kiện văn hóa – mỹ thuật tầm cỡ quốc gia, khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn vào tốp năm sự kiện mỹ thuật tiêu biểu toàn quốc trong năm. Chương trình AIF năm nay diễn ra sau khi Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Flamingo Đại Lải là khu resort có không gian nghệ thuật bên hồ lớn nhất Việt Nam. Với uy tín và sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo dựng được từ hai lần tổ chức trước, chương trình lưu trú sáng tác cho Không gian nghệ thuật trong rừng – AIF 2017 đã quy tụ nhiều nhà điêu khắc, họa sĩ đương đại xuất sắc. Ở lĩnh vực điêu khắc, tham dự AIF năm nay có ba nhà điêu khắc đương đại Việt Nam khá tiêu biểu là: Bùi Hải Sơn, Nguyễn Nguyên Hà, Vũ Bình Minh và bốn nhà điêu khắc quốc tế: Mu-cai Cát-xu-mi (Nhật Bản), Các-lốt An-be An-đrê (Tây Ban Nha), Ly Gia-ê Hy-ô (Hàn Quốc), Y-eo Chê Ki-ông (Xin-ga-po). Được sáng tác hoàn toàn tự do về chủ đề, các nghệ sĩ điêu khắc đã thể hiện vào tác phẩm những hình bóng và số phận của thiên nhiên, con người trong các mối liên kết của sự sinh tồn, phát triển. Mỗi tác phẩm như một tự truyện, đưa đến những thông điệp sâu lắng. Tiêu biểu là các tác phẩm: Gia đình bằng chất liệu gỗ tếch của nhà điêu khắc Mu-cai Cát-xu-mi cao 11 m, nặng hơn 20 tấn, thể hiện những cảm nhận và suy nghĩ về các nền văn hóa, mối quan hệ ràng buộc gia đình – xã hội; hay tác phẩm Espejo-Raíz của Các-lốt An-be An-đrê bằng chất liệu thép không gỉ như một khung cửa sổ sẵn sàng đón nhận những đối thoại hữu hình giữa con người với thời gian và suy nghĩ của họ trước thiên nhiên vĩnh hằng. Bên cạnh đó là các tác phẩm điêu khắc như: Mây mùa hạ bằng sắt hàn của Vũ Bình Minh, tác phẩm Bướm bằng chất liệu sắt sơn mầu của Nguyễn Nguyên Hà hay tác phẩm Sỏi đá cũng là vàng bằng gỗ xà cừ của Ly Gia-ê Hy-ô, Khải Huyền bằng gỗ, đồng, thủy tinh của Bùi Hải Sơn… Điểm nổi bật của chương trình AIF 2017 là sự tập trung vào mảng hội họa, với sự tham gia của tám họa sĩ mà tên tuổi và tác phẩm đã có vị trí nhất định trong làng mỹ thuật Việt Nam, như Nguyễn Xuân Tiệp, Mạc Hoàng Thượng, Hà Mạnh Thắng, Nguyễn Sơn, Tuấn Mami, Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Xuân Long…, nhất là sự tham gia của nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân. Bên cạnh những tác phẩm hội họa truyền thống trên, AIF lần này còn có một hình thức hội họa mới với các tác phẩm được trình bày bằng sơn mầu trên nền các thùng công-ten-nơ đã được cải tạo thành không gian sáng tạo phong phú dành cho hai họa sĩ Trịnh Minh Tiến và Phạm Tuấn Tú. Sau lễ khai trương Không gian nghệ thuật trong rừng, Tuần lễ nghệ thuật AIF 2017 diễn ra từ ngày 28-10 đến 6-11 có nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ cùng các tua tham quan tác phẩm điêu khắc ngoài trời và triển lãm tranh đặc sắc. Khách du lịch và những người yêu nghệ thuật có thể dự các lớp học và thi vẽ tranh, trang trí mặt nạ Halloween và trình diễn nghệ thuật ca múa, nhạc giao hưởng. Nguồn: Báo Nhân Dân Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |