Tối 20-5, tại Nhà hát Bến Thành quận 1, Công ty TNHH Sân khấu – Nghệ thuật Thái Dương (IDECAF) diễn suất đầu tiên chương trình Ngày xửa ngày xưa 29 – Bảo tàng quái vật (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn).


Vở nhạc kịch phục vụ khán giả nhỏ tuổi và quý phụ huynh 35 suất, từ ngày 20-5 đến 3-7 với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, NS Bạch Long, Đình Toàn, Đức Thịnh, Lê Khánh, Hoàng Trinh, Tuấn Khải, Thanh Vân, Don Nguyễn…


Giáo dục tình yêu thiên nhiên


Bảo tàng quái vật gửi gắm đến người xem câu chuyện giáo dục tình yêu thiên nhiên thật ý nghĩa, đầy kịch tính, với nhiều tình huống, tư duy, diễn biến hành động của từng nhân vật thật gần gũi với cuộc sống hiện tại. Từ đó bày tỏ sự lo lắng, sợ hãi của chú voi Ma Mút cuối cùng trên trái đất, tinh thần đoàn kết của các con thú quý hiếm và các em học sinh trong việc kêu gọi việc chung tay gìn giữ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài vật hoang dã quý hiếm, phê phán hành động săn bắn thú rừng, nạn phá rừng lấy gỗ, hành vi xả rác bừa bãi của những người thiếu ý thức…


Một cảnh trong chương trình Ngày xửa ngày xưa 29 – Bảo tàng quái vật


Vở nhạc kịch mang thông điệp giáo dục con trẻ, đồng thời nhắc nhở người lớn về vai trò và giá trị to lớn của môi trường sống đối với con người. Toàn bộ cảnh trí và không gian sân khấu chương trình Ngày xửa ngày xưa 29 được ê kíp thực hiện đầu tư dàn dựng công phu, quy mô, hoành tráng với cảnh bảo tàng, khu rừng, nghĩa địa voi… như thật, mang sắc màu lung linh, huyền ảo, kết hợp hài hòa giữa hai không gian quá khứ và hiện tại.


Cặp đôi tác giả và đạo diễn Quang Thảo – Đình Toàn cho biết: “Khi bắt tay sáng tác, dàn dựng, chúng tôi rất hồi hộp vì đây là kịch bản thiếu nhi hoàn toàn khác so với các chương trình Ngày xửa ngày xưa trước đây vì không có công chúa, hoàng tử, thần tiên hay phép thuật. Khán giả sẽ được dẫn dắt vào câu chuyện kể bằng một hành trình tham quan học tập, du khảo, khám phá thiên nhiên, hấp dẫn, lôi cuốn, vui tươi và cũng đầy kịch tính của một nhóm học trò và cô giáo chủ nhiệm. Chúng tôi rất hy vọng món ăn tinh thần mới lạ này sẽ làm hài lòng bất cứ khán giả nào từ trẻ em đến người lớn”.


Thị trường bỏ ngỏ


Năm nay, sân khấu kịch dành cho thiếu nhi bước vào mùa hè khá trầm lắng. Ngoại trừ chương trình Ngày xửa ngày xưa của IDECAF, chỉ có sân khấu kịch của “bà bầu” Hồng Vân đầu tư dàn dựng vở Chú heo con biết bay (tác giả và đạo diễn: NSƯT Đức Hải, cố vấn nghệ thuật: NSND Hồng Vân) và sân khấu kịch Hồng Hạc dựng vở Thiên thần nhỏ của tôi (nguyên tác: Nguyễn Nhật Ánh, biên kịch: Việt Linh, đạo diễn: Lan Phương).


Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Đã nhiều năm qua, thị trường sân khấu kịch thiếu nhi gần như bị bỏ trống, đó là điều đáng buồn và cần được cơ quan quản lý văn hóa TPHCM quan tâm hơn. Nhìn lại, trừ chương trình Ngày xửa ngày xưa của chúng tôi vẫn kiên trì tổ chức hàng năm thì rất hiếm hoi đơn vị nghệ thuật chịu làm, từ Nhà nước đến tư nhân. Dù rằng, chuyện làm sân khấu cho thiếu nhi không phải là trách nhiệm của riêng chúng tôi, nhưng tôi nghĩ, nếu mình không làm nữa thì cũng chẳng có ai làm kịch thiếu nhi cho các em xem, giải trí. Như thế, cứ từ từ rồi chúng ta sẽ mất dần một lực lượng khán giả tương lai của sân khấu kịch. Dù rằng mỗi năm, khi bắt tay thực hiện chương trình Ngày xửa ngày xưa, chúng tôi vẫn thường phải lấy thu bù chi. Riêng với anh em nghệ sĩ, khi cùng chung tay xây dựng và hoàn thành chương trình luôn có chung một tâm trạng: làm vì nặng lòng, nặng tình với những nụ cười trong veo, tươi vui của con trẻ”.


Giữa thời buổi sân khấu kịch người lớn còn gặp nhiều cái khó thì chuyện xây dựng các chương trình sân khấu kịch thiếu nhi càng thêm khó vạn lần: sự ảnh hưởng từ quỹ thời gian giải trí eo hẹp của các em cùng các trò tiêu khiển tại gia sẵn có như game điện tử, máy nghe nhạc, vi tính, điện thoại, internet, phụ huynh tất bật với vô vàn công việc, người viết kịch bản cho thiếu nhi khan hiếm (tác phẩm kịch thiếu nhi phải vừa mang tính văn học, giáo dục cao, lại vừa có tính giải trí, phù hợp tâm lý khán giả nhí), thêm nữa là việc dàn dựng kịch thiếu nhi đòi hỏi ê kíp đạo diễn – diễn viên phải có tay nghề, có tên tuổi, thu hút được sự quan tâm của cả khán giả nhỏ lẫn quý phụ huynh…


Từ thực tế cho thấy, hoạt động sân khấu kịch thiếu nhi của các sân khấu xã hội hóa vẫn ở một chừng mực nhất định, chưa thể phát huy hết khả năng đang có, vì vậy, cần thiết phải có sự hỗ trợ giúp đỡ cụ thể từ phía cơ quan quản lý văn hóa, nhằm giúp cho loại hình sân khấu kịch thiếu nhi có nhiều cơ hội hoạt động, phát triển.



Theo Thúy Bình – SGGP