Sau khi cuốn sách “Giữ lửa” (Nhà Xuất bản Văn học Hà Nội – 2014) được phát hành, tác giả – nhà báo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh được bạn bè, đồng nghiệp động viên xuất bản tiếp “Giữ lửa” tập 2, chọn lọc từ những bài xã luận, chuyên luận, bình luận đề cập đến nhiều vấn đề mà đông đảo bạn đọc quan tâm, được ông thể hiện từ năm 2014 đến nay. Nhân dịp cuốn “Giữ lửa” tập 2 ra mắt, Báo Hànộimới trân trọng gửi đến bạn đọc bài giới thiệu sách của nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Với đôi dòng cảm nhận bước đầu, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc “Giữ lửa” tập 2 của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh.
Nhiều bậc tài năng thời gian qua đã cùng góp sức mang lại trả lời cho câu hỏi, tuy nhiên quả bóng dường như vẫn còn kia, thách thức và đợi chờ hệ thống chính trị và xã hội ta vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Những bài viết trong tập sách này thể hiện rõ ý thức “vào cuộc” của tác giả nhằm góp sức tìm lời giải đáp đối với câu hỏi lớn nêu trên.
Cụm bài về đời sống văn hóa, tinh thần và lý luận, phê bình VHNT đề cập các vấn đề căn cốt được nhiều người quan tâm và cũng là trăn trở của các nhà lãnh đạo quốc gia và toàn xã hội: Vai trò của VHNT với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, Bằng cách nào sáng tạo nên nhiều tác phẩm VHNT xứng tầm với dân tộc, Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học, Sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử, âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay… cùng một số bài mang tính đặc thù: Bác Hồ với thơ Đường luật, Văn hóa – văn nghệ Sài Gòn – Gia Định hôm xưa và hôm nay, Văn hiến Hà Nam – truyền thống và hiện đại… Dưới nhiều dạng thức, như chuyên khảo, tham luận, đề dẫn hoặc tổng kết các bài hội thảo khoa học quốc gia, địa phương hay chuyên ngành, các bài viết của tác giả Nguyễn Hồng Vinh tùy bối cảnh và yêu cầu mà có cách thể hiện khác biệt, nhưng hầu như bài nào cũng ngồn ngộn thông tin, cho phép người đọc tiếp cận ý kiến nhiều chiều của nhiều nhà khoa học hôm qua và hôm nay, trước khi người viết bày tỏ chính kiến của mình. Các bài trong cụm tác phẩm này cùng nhằm góp phần xử lý nỗi trăn trở của rất nhiều người, mà hơn hai mươi năm trước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thốt lên từ trái tim qua tác phẩm súc tích của ông: “Văn hóa và Đổi mới” (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 1995), khi ta triển khai đổi mới và bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế: “… thuần phong mỹ tục của dân tộc mất dần, và thay vào đó không biết bao nhiêu thói hư tật xấu dần dần trỗi dậy hoặc xâm nhập từ ngoài”; từ đó, nhà văn hóa lớn nêu câu hỏi: “Nếu môi trường ô nhiễm theo hướng hiện nay thì mọi người chúng ta sẽ sống làm sao, sống với ai và sống để làm gì?”.
Trong mảng này, cụm bài đấu tranh trên mặt trận văn hóa, truyền thông, bài nào cũng phong phú thông tin. Tác giả nhìn thẳng vào sự thật, nêu chứng cứ cụ thể do một số người cố tình bịa đặt để nói xấu chế độ ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; từ đó phản bác có lý, có tình nhiều luận điệu sai trái với tinh thần chiến đấu và tính thuyết phục cao. Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, cảnh giác trước thủ đoạn, âm mưu của các thế lực cơ hội, thù địch, vì tự do ngôn luận, tự do báo chí đích thực…, có thể nói, bài nào cũng đầy thông tin cập nhật và có định hướng xử lý vấn đề sáng rõ.
Một điểm mới, gây ấn tượng của “Giữ lửa” tập 2 là mảng bài nghiên cứu về công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa và lý luận, phê bình VHNT. Tính về số lượng, số bài thuộc mảng này chiếm chưa tới một phần ba số cuốn sách, nhưng về chủ đề, cách nhìn, lập luận, phân tích và tổng hợp, kết nối xưa với nay, trước khi tác giả đi tới kết luận, dù với ngôn từ mạch lạc hoặc ẩn chìm đâu đó trong bài, là những công trình nghiên cứu công phu. Khi còn giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, có điều kiện tiếp cận nhiều thông tin không dễ ai cũng có được, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã cùng một số cộng sự là những nhà nghiên cứu chuyên sâu, đề cập nhiều vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội, văn hóa, tinh thần đan xen cơ hội và thách thức của đất nước ngày nay.
Cái khác của “Giữ lửa” tập 2 so với tập 1 là bên cạnh chuyên mục quen thuộc “Vấn đề hằng tháng” trên ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng, còn có chuyên mục “Vấn đề quan tâm” ở Tạp chí Tuyên giáo và một số bài viết đăng trên nhiều cơ quan thông tin, ngôn luận hàng đầu của nước ta. Do dung lượng mở rộng về số lượng từ, tạo điều kiện xử lý vấn đề thoải mái hơn, nên không ít bài trong số này thật sự là những chính luận có giá trị. Tác giả, thông qua đôi mắt của một nhà chỉ đạo chính trị, một nhà thơ “Thao thức dòng đời”, “Lãng quên thì thầm”, nhìn thẳng vào quá khứ và hiện tại, chỉ rõ thành công và thất bại; dùng nhiều tư liệu, số liệu cụ thể chứng minh lập luận của mình, mà không gây cảm giác khô khan, tránh được lối mòn; từ đó định hướng suy nghĩ. Đảng và Mùa xuân, Tuyên ngôn Độc lập, Khí phách Điện Biên, Biên cương cùng hải đảo, Bản lĩnh Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga, Văn hóa và văn hiến, Văn hóa lễ hội, Tự do ngôn luận qua cái tâm, cái tầm của người làm báo…, nhiều chủ đề đồ sộ được Nguyễn Hồng Vinh lan tỏa qua cái nhìn của một nhà báo, nhà thơ luôn cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn, tôi tin rồi không ít bài sẽ tồn tại, vượt qua ác nghiệt thời gian.
Đặc sắc của cây bút Nguyễn Hồng Vinh tại chuyên mục này, theo tôi, vẫn là ở điểm sáng ấy trong ngọn lửa bền. Nhiều đồng nghiệp nể trọng ông ở sức đọc, sức viết trong điều kiện vừa làm trọn công tác quản lý của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương, vừa trực tiếp tham gia sáng tạo tác phẩm báo chí và văn hóa, văn nghệ.
“Giữ lửa” tập 2, như tên gọi của nó, kế tục ngọn lửa của tập 1 từng lan tỏa và gây được tiếng vang trong bạn đọc. Vẫn trên chuyên mục xã luận tại trang đầu Báo “Nhân Dân hằng tháng”, được nhà báo Nguyễn Hồng Vinh duy trì trong nhiều năm với tư cách Tổng Biên tập, rồi cả một thời gian dài cho đến hôm nay, khi đã tạm biệt khuôn viên Cây đa ở Báo Nhân Dân, số 71 phố Hàng Trống để đi nhận những trọng trách khác, ông cứ đều đều tiếp nguồn lửa. Vẫn khuôn khổ ngắn gọn, không bài nào vượt quá 600 – 700 từ, nhiều lần đề cập những chủ đề hằng năm “đến hẹn lại lên”, như các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, ngày truyền thống của các ngành nhưng ông vẫn chọn được điểm nhấn đắt giá, phù hợp tình hình thời cuộc vào đúng thời điểm ấy, từ đó khơi gợi cảm nhận của độc giả, góp phần vào việc định hướng công tác tư tưởng.