Thần thoại Hy Lạp “sửa sai” bằng cách luôn sáng tạo hình tượng phụ nữ với những điều tốt đẹp, hơn nữa là những ý tưởng gắn liền với tương lai của nhân loại. Trước hết là mùa xuân…

Gương mặt phụ nữ nhìn nghiêng trong tranh họa sĩ Mỹ

Ảnh: Richard S. Johnson

Ngày nay nhiều nền văn hóa lấy mùa xuân là biểu tượng cho sự sống, sức sống, niềm tin và hy vọng, là có mẫu gốc từ thần thoại Péc-xê-phôn. Chuyện kể rằng Péc-xê-phôn là con của nữ thần Lúa mì Đê-mê-te, một hôm đang chơi trong rừng hoa không may bị rơi xuống vực. Thần Đê-mê-te đi tìm, đi mãi, đi mãi mà vẫn không thấy. Được thần Mặt trời cho biết con của mình đã bị thần Ha-đéc cai quản âm phủ bắt cóc làm vợ, nhưng vì uy quyền của Ha-đéc quá to lớn nên thần Đê-mê-te đành xin với Dớt – vua của các vị thần, cho phép con mình một năm về sống với mẹ ba tháng. Thế là từ đó mỗi khi Péc-xê-phôn từ âm phủ trở về sống với mẹ thì trên mặt đất cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi. Ba tháng này là mùa xuân, mùa của hạnh phúc ấm áp sum vầy…

Nhưng phụ nữ không chỉ là Mùa xuân niềm tin và hy vọng. Phụ nữ còn là Trí tuệ và Tình yêu. Cả thế giới Ô-lanh-pơ thần thánh đều xin thần Dớt trao vương miện của trí tuệ cho một người phụ nữ là A-tê-na và vương miện của sắc đẹp, tình yêu cho thần Vệ nữ. Hai vị thần này cai quản vương quốc trí tuệ và tình yêu của loài người.

Phụ nữ là một nửa của nhân loại, mọi công việc từ nhỏ đến lớn họ đều tham gia, mọi việc tranh chấp kiện tụng, nếu không có họ sẽ khó được giải quyết. Nhất là những khi tranh cãi nảy lửa nơi thiên giới, có khi Dớt còn bất lực thì lại được các vị thần nữ phân xử một cách hòa bình, làm cho các nam thần nóng nảy và hiếu thắng cũng phải tâm phục khẩu phục. Cần phải có một thần Công lý và tất cả các thần thánh đều đồng tình việc này thì phụ nữ làm là hợp lý, hợp tình nhất. Nữ thần Tê-mít vinh dự được trao trách nhiệm nặng nề và vẻ vang ấy. Từ đó về sau, biểu trưng cho công lý là một phụ nữ nét mặt nghiêm minh, một tay cầm cân biểu trưng cho lẽ công bằng, một tay cầm thanh kiếm biểu tượng cho sự trừng phạt nghiêm khắc, mắt bịt một dải băng biểu trưng cho sự vô tư không thiên vị…

Như vậy, từ thời cổ xưa, phụ nữ đã được văn hóa nhân loại đánh giá đúng vai trò, vị trí và trao cho họ những danh vị xứng đáng nhất. Văn hóa Việt Nam cùng một mẫu số chung này khi đóng góp một tín ngưỡng đặc sắc là tục thờ Tứ bất tử (bốn vị thần không bao giờ chết) là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu (Liễu Hạnh). Thờ Tản Viên và Thánh Gióng tức tôn thờ những người anh hùng đuổi giặc giã giữ bờ cõi hòa bình. Thờ Chử Đồng Tử tức thờ Đạo Hiếu. Thờ Thánh Mẫu chứng tỏ người Việt rất tôn trọng phụ nữ cùng với những ước mong về một cuộc sống giản dị, hạnh phúc, tự do. Tương truyền Liễu Hạnh là công chúa con Trời nhưng nàng xin với cha xuống sống dưới trần gian để cùng mọi người lao động và dựng xây cuộc sống. Vậy nên nhân dân tôn nàng là Thánh Mẫu.

Thần thoại cũng như lịch sử đều ghi nhận và tôn sùng người phụ nữ. Đó là văn hóa, là công lý và cũng là chân lý! Hy vọng trong xã hội hiện đại ngày nay, người phụ nữ luôn có được sự bình đẳng.

 

Theo Nguyễn Thanh – QĐND