Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (ảnh nhỏ) – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam mang nhiều nỗi niềm của một người nặng lòng với nghệ thuật thứ bảy. Bà chia sẻ với Thời Nay về câu chuyện đề tài làm phim, mối quan tâm của những người làm phim tư nhân, phim nhà nước.

Phóng viên (PV): Hoạt động sản xuất phim Việt hiện nay rất phát triển. Có nhiều phim mới ra đời với nhiều thể loại khác nhau tạo nên sự đa dạng. Nhiều người nói đó là tín hiệu mừng. Bà có suy nghĩ gì về thực tế này?

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (NTHN): Xã hội hóa điện ảnh với hàng trăm hãng phim tư nhân đang hoạt động ở ta như hiện nay thì ai có tiền là làm được phim thôi, nhà nước chỉ duyệt đầu ra. Chính vì cơ chế thoáng như thế nên chúng ta rất mừng vì càng ngày càng có nhiều phim. Nhưng tôi nghĩ, nghệ thuật phải là phần “tinh” chứ không thể tính về số lượng được. Thực tế hiện nay có nhiều phim Việt ra rạp nhưng ít phim có chất lượng tốt. Đề tài và thể loại chủ yếu là hài, kinh dị, hành động, còn những phim đau đáu với cuộc sống đương đại, đề cập đến vấn đề nổi cộm trong xã hội, báo động sự thoái hóa về đạo đức, lối sống trong nền kinh tế thị trường chẳng hạn hầu như không có mà chỉ thuần túy giải trí. Giá như dung hòa được hai yếu tố này thì tốt hơn. Tức là ngoài cái mảng phim giải trí ra cần có phim nghệ thuật đạt tầm tư tưởng cao, có sự nhắn gửi của những người làm phim, những điều họ tâm huyết muốn chuyển tải thông qua tác phẩm tới người xem.

PV: Gần đây có một vài phim được xếp vào dòng phim nghệ thuật, là những tác phẩm mà người làm ra chúng rất tâm đắc như “Đảo của dân ngụ cư”, “Cha cõng con”, “Đập cánh giữa không trung”, “Bi, đừng sợ!”… Bà có điều gì muốn chia sẻ với những nhà làm phim đó?

NTHN: Trước hết phải nói đó là điều đáng quý! Tôi rất trân trọng và tôn trọng những người làm phim nói trên. Bởi, trong dòng chảy chung của điện ảnh vẫn có một vài đạo diễn nắm được đúng mục đích của điện ảnh và vượt lên tầm đại chúng, làm bật được cá tính của mình, họ thật sự rất dũng cảm. Họ dám dấn thân, dám làm cái gì đó của mình, cho ra đời tác phẩm mang cá tính sáng tạo, đi con đường riêng của họ. Và đấy mới là nghệ thuật, không giống với người khác, không giống với đại trà. Còn những phim giải trí ăn khách, tôi nghĩ đôi khi là vì yếu tố này, yếu tố kia chứ cũng không hoàn toàn là chất lượng khiến người làm nghề thán phục.

Cảnh phim “Cha cõng con”. Ảnh: INTERNET

PV: Hiện có nhiều nhà sản xuất, người làm phim mới đang rất chơi vơi trên con đường tìm kiếm hướng đi. Theo bà, họ cần phải bổ sung vào hành trang của mình những gì để có thể đi tiếp con đường của mình?

NTHN: Tôi nghĩ về mặt nghề nghiệp chắc là họ đã nắm vững, về quan hệ chắc là họ cũng có nhiều. Tuy nhiên, cái gốc của điện ảnh vẫn là văn học. Mọi người đừng quên điều đó. Dù anh làm đạo diễn, diễn viên, quay phim hay họa sĩ…, nếu anh thẩm thấu được chất văn học, biết xúc động trước những áng văn hay, câu chuyện đẹp, nỗi đau đớn thân phận như trong văn chương đã vạch ra thì trên cái nền văn học ấy anh mới có thể sáng tạo tiếp được trong lĩnh vực của anh là điện ảnh. Bằng cách nào ư? Phải đọc rất nhiều, phải có niềm say mê văn chương, cảm nhận được tính nhân văn trong văn chương.

PV: Trong câu chuyện dài của điện ảnh Việt Nam dĩ nhiên có câu chuyện của các hãng phim Nhà nước đang không biết số phận thế nào. Bà có cho rằng đó là điều đáng tiếc?

NTHN: Đến giờ phút này, các hãng phim vẫn chưa biết số phận được quyết định như thế nào? Có an cư thì mới lạc nghiệp được. Tôi tự hỏi là liệu nhà nước thấy thị trường phim hiện nay tương đối dồi dào, trung bình có từ 40 đến 50 phim/năm rồi, cần gì phải bỏ ngân sách làm phim cho tốn kém? Nhưng cần thấy rằng, cái lãi lớn nhất, không đo đếm được chính là đời sống tinh thần của nhân dân. Các hãng phim tư nhân thì không ai dại gì làm phim chiến tranh, vì khi họ thế chấp nhà để lấy tiền làm phim, họ phải tính toán kỹ lưỡng, không mạo hiểm bập vào đề tài rất khó xem như chiến tranh, lịch sử. Các nghệ sĩ có kinh nghiệm nếu đi làm thuê cho hãng tư nhân thì cũng phải vo mình, nhào nặn mình theo yêu cầu họ, không được làm những cái ngoài yêu cầu của họ.

PV: Xin cảm ơn bà

Thảo Nguyên Thực hiện

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài