Bấy lâu nay, chúng ta vẫn thường nói với nhau về việc tại sao phim Hàn Quốc, Trung Quốc, rồi Ấn Độ tràn ngập trên màn ảnh truyền hình Việt Nam và kèm theo đó là thắc mắc tại sao phim truyền hình nội địa lại kém ăn khách và lép vế đến thế.
Rất nhiều lý giải được đặt ra đối với phim nội, từ chuyện chất lượng kịch bản, biên kịch cho tới chất lượng sản xuất, diễn viên, nhưng cho dù lý giải cách nào đi chăng nữa, thực ra chúng ta mới chỉ nhìn thấy được bề mặt của vấn đề mà thôi. Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến phim nội kém chất lượng so với phim ngoại lại nằm ở khâu quản lý, từ đó dẫn tới việc tồn tại một chủ nghĩa trung bình trong cách làm phim truyền hình Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện gần đây với người viết, giám đốc một hãng sản xuất phim truyền hình cho biết, tình trạng chung của ngành công nghiệp giải trí truyền hình là việc các nhà sản xuất luôn bị bó hẹp ngân sách làm phim. Mỗi tập phim truyền hình chỉ được đầu tư trên dưới 150 triệu đồng, một mức đầu tư không đủ để tạo ra các sản phẩm chất lượng về biên kịch, đạo diễn, diễn viên và chất lượng hình ảnh.
Ở khoảng ngân sách teo tóp đó, biên kịch buộc không được sử dụng bối cảnh quá phức tạp cho phim (trừ phi tìm được tài trợ bối cảnh) và với sự hữu hạn trong không gian sáng tạo như thế, người biên kịch buộc phải thỏa hiệp với ngân sách eo hẹp kia, để cho ra những sản phẩm ở mức trung bình.
Trong khi đó, nhà sản xuất cũng không thể sử dụng những trang thiết bị hiện đại, tân tiến để phim sáng nước hơn về hình ảnh và do đó, khi đứng chung với phim ngoại, phim Việt trở nên kém long lanh hơn. Ai cũng cho rằng việc đó tồn tại bởi tay nghề của chúng ta yếu kém nhưng thực sự không phải vậy.
Ngành công nghiệp điện ảnh Việt tuy non trẻ hơn các cường quốc điện ảnh trong khu vực và châu lục nhưng không phải ở mức độ quá thấp kém về năng lực con người so với họ. Chúng ta vẫn có những quay phim tốt, những DOP (Giám đốc hình ảnh) giỏi, thậm chí lớp trẻ ngày càng giỏi hơn do cập nhật tốt hơn nhưng nói chung, họ không thể làm ra món xôi gà nếu chỉ có mỗi một con chim cút trong tay.
Và bởi vậy, họ cũng sa vào chủ nghĩa trung bình, đưa ra những sản phẩm ở chất lượng trung bình. Bên cạnh đó, diễn viên cũng được lựa chọn theo ngân sách nên nhiều khi nhà sản xuất muốn có diễn viên giỏi, hạng sao nhưng cũng đành phải ngậm ngùi chọn người vừa vặn túi tiền, nhàn nhạt thậm chí còn phải nề vì cả những quan hệ khác ngoài chuyên môn.
Nếu cắn răng dùng ngôi sao, mức chi trả thù lao cho nghệ sỹ cũng thấp (hạng cao nhất hiện nay lương cũng chỉ khoảng 10 triệu/ tập phim; trung bình thì 4-5 triệu/ tập) nên chắc chắn, nghệ sỹ không toàn tâm vào công việc mà thay vào đó sẽ dàn trải vào các công việc khác để kiếm tiền. Từ đó dẫn đến cảnh nhiều diễn viên ra trường quay mà vẫn không hề thuộc kịch bản. Họ diễn với mức độ trung bình và bản thân nhà sản xuất cũng phải chấp nhận sự trung bình đó bởi tự biết rằng thù lao mình chi trả khó có quyền khiến mình đòi hỏi nhiều.
Nói chung, tất cả cùng sa chân vào chủ nghĩa trung bình với một điệp khúc thanh minh rất chung là “tiền vậy thì làm vậy ổn rồi”.
“Cũng là gạo tấm, nấu cơm tấm, thêm miếng sườn nướng, bán ở vỉa hè giá bán khác bán ở trong tiệm lớn. Tiệm lớn thì bài trí đĩa cơm đẹp, bắt mắt. Vỉa hè thì đĩa nhựa quăn quéo, chẳng cần bài trí gì cho đĩa cơm cả.
Đấy chúng ta làm phim kiểu đấy. Miệng thì muốn phim như đĩa cơm trong tiệm nhưng đầu tư thì chỉ bằng đĩa cơm vỉa hè. Thế là ào ào làm phim kiểu cơm tấm vỉa hè”. Đó chính là tâm sự của người giám đốc hãng phim nói trên. Và anh lắc đầu chia sẻ thêm: “Ngân sách thế nhưng vẫn còn bị doạ cắt nữa, vì đầu tư làm 1 tập phim Việt và mua 1 tập phim ngoại thì ai cũng sẽ chọn phương án mua phim, vừa rẻ hơn, lại vừa không mất thời gian chờ đợi sản xuất”.
Rõ ràng, với việc phim ngoại nhập chỉ vài chục triệu đồng cho mỗi tập, phim nội địa không có cửa cạnh tranh khi các nhà đài đều hoạt động như những doanh nghiệp giải trí truyền hình đúng nghĩa. Và với thước đo là giá nhập phim ngoại, ngân sách cho phim Việt teo tóp là điều không có gì phải bàn cãi.
Như vậy, nên chăng đã đến lúc phải có mức thuế nhập phim truyền hình thực sự cao, để bảo hộ cho ngành sản xuất phim nội địa? Thêm vào đó, cũng nên cấp hạn ngạch sóng cho phim ngoại, để phim nội có đất sống thực sự, được đầu tư nghiêm túc thực sự?
Văn Đoàn – Văn nghệ công an