Kén khán giả, khó xem, không có ngôi sao ăn khách… là những mường tượng ban đầu của người hâm mộ về dòng phim nghệ thuật đã và đang được trình chiếu tại Việt Nam. Trong xu thế phát triển của thị trường điện ảnh Việt, dẫu khó khăn nhưng với “gu” thưởng thức ngày càng văn minh, dòng phim này bước đầu được đón nhận.
Cô gái Đan Mạch – bộ phim nghệ thuật thế giới thành công nhất tại thị trường Việt tính đến thời điểm này
Đỉnh cao nhưng khó ăn khách
The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) ra mắt khán giả Việt từ ngày 15-1 tại các rạp chiếu trên toàn quốc. Bộ phim với 4 đề cử Oscar 2016 nhận được nhiều bình luận tích cực. “Ít thích xem phim kiểu tình cảm tâm lý nhưng với The Danish Girl có điều gì đó thôi thúc là phải đến rạp từ khi mới được xem teaser. Câu chuyện về một con người đi tìm bản ngã của mình, để rồi dù có chết cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong chính con người mà mình mong muốn trở thành. Một bộ phim đáng để đi xem lại nhiều nhiều lần”, Nguyễn Anh Tuấn, một khán giả chia sẻ cảm xúc sau khi xem phim. Trên khắp cộng đồng mạng và các diễn đàn phim ảnh, hầu hết khán giả sau khi xem phim cùng có chung cảm xúc đó. Trước đây, một số phim như: The Theory of Everything, Boyhood, The Artist, Triệu phú ổ chuột, Thiên nga đen… cũng nhận được phản hồi tương tự. Tuy nhiên, để tạo thành cơn sốt và ăn khách ở phòng vé là câu chuyện khác.
Không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới, để đưa những bộ phim này đến với đông đảo công chúng cũng là bài toán khó. Vì các phim này chỉ xuất hiện ở vài chục rạp chiếu so với con số vài ngàn rạp của các bộ phim bom tấn. Cô gái Đan Mạch được phát hành tại Mỹ ngày 27-11-2015 với 4 rạp chiếu tại Los Angeles và New York, dù ở tuần mở màn phim có doanh thu trung bình rất cao (hơn 46.000USD/rạp chiếu). The Theory of Everything ban đầu cũng chỉ được phát hành tại 5 rạp chiếu ở Bắc Mỹ trong khi The Silver Lining Playbook may mắn hơn khi có mặt ở 16 rạp chiếu trong tuần đầu tiên. Một số ít phim có thành công về doanh thu phòng vé là nhờ phản ứng dây chuyền, sau khi phim nhận được các giải thưởng danh giá.
“Trong số các bộ phim nghệ thuật của thế giới đã được trình chiếu tại Việt Nam, các phim như Thiên nga đen, Triệu phú ổ chuột rất được khán giả yêu mến. Thiên nga đen là bộ phim tạo ra sự bứt phá so với các bộ phim được đưa về trước thời điểm đó với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Các bộ phim khác doanh thu đều khá hạn chế”, bà Nguyễn Thùy Vân, đại diện nhà phát hành CGV tiết lộ. Nhiều bộ phim kém may mắn hơn rơi vào tình trạng bị khán giả “ghẻ lạnh”. Thích khách nhiếp ẩn nương – tác phẩm giúp đạo diễn Hầu Hiếu Hiền nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2015 hay Tree Of Life – Phim xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2011 khi về Việt Nam đều nhanh chóng bị “văng” ra khỏi các rạp chiếu bởi sự thưa vắng khán giả. Một số phim nghệ thuật Việt được đánh giá cao, có giải thưởng quốc tế thời gian qua: Người trở về, Những đứa con của làng, Những người viết huyền thoại, Chơi vơi, Đập cánh giữa không trung… cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Ươm mầm những hy vọng
Việc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt doanh thu 80 tỷ đồng và Em là bà nội của anh hiện cán mốc 90 tỷ đồng hay thành công bất ngờ của những bộ phim tài liệu như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân… là những tín hiệu lạc quan đối với dòng phim nghệ thuật Việt. Cô gái Đan Mạch trở thành phim nghệ thuật thế giới phát hành thành công nhất tại Việt Nam, bởi sau tuần đầu tiên đã thu về hơn 4 tỷ đồng, mặc dù phim không được nhận chiếu rộng rãi ở nhiều rạp và không có nhiều suất chiếu như các phim thương mại khác. Những bộ phim tưởng chừng kén khán giả khi không có những yếu tố câu khách, các diễn viên ngôi sao… lại thành công đầy bất ngờ. Điều đáng nói là, ngoài con số doanh thu, những bộ phim này đã tạo ra được cơn sốt chia sẻ cảm xúc, thông tin một cách đầy nhân văn trên báo chí và mạng xã hội. Hàng ngàn bình luận tích cực khiến các nhà phát hành thêm niềm tin về một thị trường với gu thưởng thức văn minh hơn trong tương lai gần.
Sau gần 10 năm đưa các phim nghệ thuật về Việt Nam, bà Thùy Vân nhấn mạnh những tác phẩm này giống như viên ngọc quý của nghệ thuật thứ 7 và việc phát hành không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của bộ phận nhỏ khán giả thực sự mộ điệu mà còn giúp nâng cao thẩm mỹ và thị hiếu của thị trường. Việc làm này giống như gieo hạt cho ngày mai nên cần sự kiên nhẫn với rất nhiều tình yêu dành cho các tác phẩm xứng đáng được ra rạp. The Green Media, đơn vị vừa hợp tác với Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội (TECO) để đưa bộ phim Thích khách Nhiếp ẩn nương về chiếu tại Việt Nam cũng cho biết ưu tiên hàng đầu của họ là giới thiệu đến khán giả những tác phẩm hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao.
Hai trong số các phim gây chú ý tại Oscar 2016 là The Revenant và Joy tiếp tục ra mắt khán giả Việt. “Với sự phát triển mạnh mẽ hơn của hệ thống rạp phim và các phương tiện quảng bá trong thời gian tới, với sự đầu tư công phu hơn về chiến lược truyền thông cho các bộ phim này và thị hiếu khán giả đang ngày một được nâng lên qua những tín hiệu vui gần đây, tôi lạc quan khi nghĩ về sức sống cho các bộ phim nghệ thuật”, đại diện CGV cho biết.
Theo Văn Tuấn – Sài Gòn giải phóng