HẢI ĐĂNG

Đời tư của người nghệ sĩ vẫn luôn là chủ đề thu hút sự hiếu kỳ của đại bộ phận độc giả không kém những tác phẩm mà “cha đẻ” của chúng đã mất cả cuộc đời để “thai nghén” nên hình hài. Tuy nhiên vì nhiều lý do, người nghệ sĩ thường hoãn đi hoãn lại thời điểm công bố những “truyện tôi” của mình và Jean-Paul Sartre cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Năm 1954, ở độ tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, J. P. Sartre đã có tất cả mọi thứ mà một triết gia hằng ao ước – chứng kiến sự lan tỏa từ mạch nguồn tư tưởng và tác phẩm của mình trên toàn thế giới. Trước công luận, J. P. Sartre bận rộn đến mức không còn đời tư. Thật vậy, cuộc sống của ông gần như luôn được phơi bày chật kín trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ý tưởng ban đầu của Sartre về cuốn hồi ký của mình cũng phản ánh điều đó khi ông tuyên bố đây sẽ là một tác phẩm có tính chất chính trị và xã hội về quá trình phát triển tư tưởng của những người đương thời hơn là một tự truyện cá nhân. Thế nhưng sau mười năm thai nghén, nội dung cuốn tự truyện mà Sartre từng hé lộ với báo giới đã không bao giờ ra đời. Thay vào đó, trước mặt người đọc là một cuốn tự truyện mỏng và giản dị như nhan đề của nó: “Ngôn từ”.

Được ví như “Tự thú” (Les confession) của Russeau, “Ngôn từ” của J.P. Sartre thật sự khiến người đọc bất ngờ vì nội dung và thông điệp mà cuốn sách truyền tải. Đó là lần đầu tiên, Sartre kể về thời ấu thơ của mình dưới ngòi bút lạnh lùng, mổ xẻ mọi góc cạnh của quá khứ. Trong “Ngôn từ”, Sartre tự thừa nhận ông là “một kẻ phản bội” khi đã phủ nhận ký ức và từng tự hào vì là kẻ “không có cha mẹ và tuổi thơ”, coi thời niên thiếu của mình như một Chế độ cũ phải xóa bỏ. Xuyên suốt hai chương Đọc (lire) và Viết (Écrire), Sartre lần lượt thừa nhận những tội lỗi của mình: tình yêu mẹ mang đậm mầu sắc Oedip, lòng căm ghét người cha quá cố, cho đến thói cao thượng giả dối chỉ để làm vừa lòng những người thân. Nhưng trên hết, Sartre cảm thấy tội lỗi vì đã thấm nhuần thứ văn chương “trưởng giả” và trở thành một “cỗ máy sản xuất những cuốn sách”. Ông đau khổ và mâu thuẫn với chính mình vì đã khóc cho những tiểu thuyết lãng mạn thay vì sống như những nhà văn dấn thân vào con đường cách mạng như A. Chémier hay Byron.

Được nhà Galimar xuất bản năm 1964, “Ngôn từ” có mặt đúng thời điểm J.P.Sartre từ chối nhận giải Nobel văn chương cho những cống hiến của mình. Bởi vậy, dù ngẫu nhiên hay cố ý, cuốn tự truyện bỗng chốc đã trở thành tâm điểm dư luận trong suốt một thời gian dài. Song có vẻ như J.P. Sartre đã không mấy bận tâm đến những lời phê bình quanh cuốn sách. Như ca từ của bài hát “The sound of silence” (âm thanh của sự im lặng) của Simon và Gunfulkel, Sartre đã đối mặt với quá khứ – bóng đêm mà ông từng sợ hãi trong suốt nửa cuộc đời như một người bạn cũ thân thiết bấy lâu.

(“Ngôn từ” (Les Mots), J. P. Sartre, NXB Văn học 2017, Thuận và Lê Ngọc Mai dịch). Trích Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài