Sơn mài Việt Nam đang đứng trước cơ hội được Unesco ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Tuy nhiên, với PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo (nguyên Chủ tịch hội Mỹ thuật Hà Nội), người dành tình yêu lớn cho sơn mài, thì danh hiệu không phải là mối quan tâm duy nhất.


rong cuộc trò chuyện với phóng viên QĐND Online, nhà phê bình mỹ thuật lão thành chia sẻ nhiều ý kiến quý giá quanh vấn đề: Làm thế nào để bảo tồn sơn mài?

Phóng viên (PV): Nếu cùng Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc (dự kiến) lập hồ sơ đa quốc gia đề nghị Unesco ghi danh sơn mài là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” thì cũng có nghĩa chúng ta thừa nhận, sơn mài không chỉ là “đặc sản” của Việt Nam. Những người chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ cần làm gì để khẳng định nét độc đáo, thậm chí là vị thế “riêng có” của  tranh sơn mài Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo: Lịch sử sơn mài Việt Nam có bề dày mấy nghìn năm hình thành, phát triển, điều này được chứng minh qua công tác khảo cổ học. Tại nhiều hố khai quật, cùng với đồ đồng, các chuyên gia đã tìm thấy đồ sơn mài và các chất liệu được sử dụng để làm sơn mài, trong đó, có những màu cơ bản của sơn mài truyền thống. Tuy thế, ngoài Việt Nam, nhiều nước châu Á khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… cũng trồng cây sơn và dùng nhựa của cây sơn để vẽ tranh. Riêng các họa sĩ Nhật Bản lại không quá lệ thuộc vào nhựa của cây sơn (ta vẫn gọi là sơn ta) bởi họ có thêm sơn hóa học. Loại sơn này hiện cũng rất phổ biến ở Việt Nam với tên gọi sơn Nhật hay sơn công nghiệp.

PGS.TS – Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo. Ảnh tư liệu.

Tức là, khá nhiều nước châu Á cùng sở hữu một dạng tranh, tôi gọi là “tranh sơn” với màu vẽ được chế xuất từ nhựa của cây sơn sống. Trong quá trình làm tranh sơn, mỗi quốc gia lại có những kỹ thuật riêng. Việt Nam vốn mạnh về những thao tác nhỏ, tỉ mỉ và đầy sáng tạo. Chẳng hạn, với nguyên liệu vàng, các họa sĩ Việt Nam có thể dán cả miếng hoặc dán không khép kín thành những ô vuông, hay tán mịn rồi rây lên mặt tranh, tạo nên hiệu ứng thị giác sống động.


Nếu dừng ở mức độ đó thì tranh sơn của Việt Nam và tranh sơn của các quốc gia châu Á khác đều giống nhau, chỉ là tranh mỹ nghệ chứ không thể gọi là tranh sơn mài. Nhưng, khác hẳn với các nước bạn, tranh sơn của Việt Nam còn có thêm công đoạn mài được lặp lại nhiều lần sau mỗi lớp màu, một cách công phu, cẩn trọng. Chính nhờ thao tác mài mà tranh sơn mài Việt Nam có được chiều sâu vời vợi không tranh sơn của nước nào có được. Đây chính là điểm độc đáo nhất, điểm riêng biệt của sơn mài Việt Nam mà các nhà xây dựng hồ sơ cần nhấn mạnh, đề cao. Tôi rất mong những người chịu trách nhiệm lập hồ sơ hãy tìm hiểu kỹ đặc trưng của sơn mài truyền thống và phải “gần gũi” với các họa sĩ chuyên sơn mài để có thể thấu hiểu về sơn mài Việt.


PV: Khi có thông tin Hàn Quốc đề nghị Việt Nam cùng lập hồ sơ đa quốc gia, giới mỹ thuật không ít người bi quan, chúng ta cố gắng có được danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” cho sơn mài để làm gì khi mà trên thực tế, sơn mài truyền thống đang mai một từng ngày. Riêng ông đón nhận tin quan trọng này với tâm trạng nào?

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo: Tôi nghĩ, di sản văn hóa nào của chúng ta có được danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” thì cũng đáng quý, đáng tự hào. Bên cạnh đó, sự đánh giá và công nhận khách quan của quốc tế sẽ giúp mỗi một người Việt Nam nhận thức rõ hơn giá trị của di sản mình đang nắm giữ. Nếu sơn mài Việt Nam được Unesco ghi danh, tôi cũng hy vọng đó là “cú hích” để các nhà quản lý văn hóa sớm triển khai kế hoạch bảo tồn tranh sơn mài.


PV: Với các di sản đã được Unesco công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” trước đây như: Quan họ, cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, nhã nhạc…, hậu ghi danh chính là bài toán chúng ta chưa giải quyết thấu đáo. Nếu sơn mài trở thành di sản tiếp theo được công nhận thì kế sách bảo tồn sơn mài truyền thống cần phải bắt đầu từ đâu và đặt trọng tâm vào vấn đề gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo: Nên bắt đầu từ việc xây dựng một viện nghiên cứu sơn mài! Chúng ta phải có tầm nhìn xa và thực tế. Với thực trạng này, sơn mài không thể trở lại thời hưng thịnh trong nay mai mà có khi cần đến mấy chục năm nỗ lực bảo tồn mới hy vọng có kết quả. Sẽ có người thắc mắc: Thành lập viện nghiên cứu sơn mài để làm gì? Để tiến hành ngay những nghiên cứu chắc chắn hỗ trợ đắc lực cho các họa sĩ chuyên sơn mài. Một, là nghiên cứu về lịch sử của sơn mài truyền thống. Hai, là nghiên cứu về kỹ thuật làm sơn mài, đặc biệt là kỹ thuật pha chế sơn, đánh sơn, làm thế nào để giữ được màu sơn bền lâu… Ai vẽ sơn mài đều biết, sơn ta vô cùng đỏng đảnh. Chỉ qua một đêm, màu sơn đã có thể biến đổi khôn lường khiến các họa sĩ khá vất vả.

“Thiếu nữ trong vườn” – tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh tư liệu.


Ngoài ra, cũng cần tiến hành định vị chất liệu, nói cho dễ hiểu là đánh số màu. Lâu nay, các họa sĩ làm sơn mài đều pha chế màu dựa trên kinh nghiệm cá nhân và sự linh cảm về màu sắc. Chính vì thao tác hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cá nhân nên không ai có thể dám chắc màu bền trong bao lâu. Sơn mài ngoài màu cơ bản còn có màu bổ túc và mỗi một màu bổ túc lại có các sắc thái từ đậm đến nhạt. Tất cả đều cần được định vị gần như dạng các tuýp sơn có đánh số. Tôi muốn nói thêm là sơn dầu đã được định vị màu từ lâu, kỹ càng đến độ có những chỉ dẫn rõ ràng, loại sơn nào chỉ được dùng làm sơn lót, loại sơn nào không được trộn quá hai màu. Sơn mài cũng cần được định vị chất liệu như vậy, mà muốn tiến hành định vị rất cần có một cơ quan nghiên cứu về hóa chất cùng nhiều khoa học kỹ thuật phụ trợ.


Theo tôi biết, không ít quốc gia châu Á đã thành lập viện nghiên cứu tranh sơn từ lâu, Trung Quốc là một ví dụ. Dù việc sử dụng màu trong tranh sơn Trung Quốc không phức tạp, không vẽ nhiều lớp và cũng không phải mài tranh như sơn mài Việt Nam nhưng nước bạn đã xây dựng viện nghiên cứu tranh sơn. Viện này chuyên nghiên cứu về hóa – việc định vị các chất liệu, định vị các nhóm sơn và kỹ thuật thực hiện – chứ không phải về các họa sĩ sáng tác, thế nhưng, hoạt động sáng tác lại phụ thuộc không nhỏ vào việc này. Hàn Quốc cũng có nhiều trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ nghệ sĩ làm tranh sơn. Đó là điều mà sơn mài Việt Nam chưa “bắt kịp” các nước trong khu vực.

Thực ra trước đây, chúng ta đã từng có viện nghiên cứu sơn mài được gọi là viện Mỹ nghệ, hai Viện trưởng đầu tiên là họa sĩ Hoàng Tích Chù và họa sĩ Đinh Minh. Tuy nhiên, sau khi hai ông nghỉ hưu thì không rõ vì lý do gì, viện đổi tên và chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Từ đó đến nay, các nghiên cứu về sơn mài, nếu có, cũng đều là lẻ tẻ và tự phát. Một số họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung… đều tự lập xưởng nghiên cứu sơn mài nhưng đấy chỉ là những nghiên cứu, thử nghiệm mang tính cá nhân và khi các cụ mất đi thì thành quả nghiên cứu cũng đi theo. Thế nên, tuy chúng ta đề cao sơn mài nhưng lại chưa hề nghiên cứu hay có kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa quý báu này.


PV: Bên cạnh tầm nhìn xa thì ở tầm nhìn gần, ai cũng thấy, vùng trồng cây sơn đang bị thu hẹp và giá sơn ta đang tăng chóng mặt, tỉ lệ nghịch với chất lượng. Một trong những việc cần làm ngay phải chăng là cứu cây sơn, bảo tồn sơn ta – chất liệu không thể thiếu của sơn mài, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo: Muốn cứu cây sơn cũng cần phải có tầm nhìn xa! Cây sơn qua 10 năm tuổi mới có thể cho sơn. Vậy, trong 10 năm ấy, người trồng cây sơn sống bằng gì? Đó là lý do có một dạo, nông dân đua nhau chặt phá cây sơn, thay thế bằng các giống cây có thể sớm thu hoạch. Mà vứt bỏ cây sơn tức là họa sĩ không có sơn ta để vẽ sơn mài.

Ngoài ra, từ xưa đến nay, việc trồng cây sơn cũng hoàn toàn tự phát. Chúng ta chưa hề có một cơ quan nghiên cứu về thực vật để chọn ra những cây giống tốt. Chính vì thế, người trồng cây sơn nếu không chú ý hoặc thiếu cái tâm thì không những họ trồng “non”, lấy sơn “non” mà còn trồng cả những cây giống không đạt “chuẩn”, ảnh hưởng đến chất lượng sơn. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh, cứu cây sơn hay một làng trồng cây sơn không đủ để bảo tồn sơn mài, mà phải bảo tồn cả hệ thống sáng tạo dưới sự hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước.

Tôi nhớ những năm tháng gian khó do chiến tranh, chúng ta vẫn “thu hoạch” nhiều tác phẩm “đỉnh cao”, chẳng hạn, bức tranh khổng lồ Xô Viết Nghệ Tĩnh do Nhà nước đầu tư, có sự góp sức của 7 danh họa đều được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh mới có thể hoàn thành. Nói thế để biết, làm một bức tranh sơn mài khổ lớn thôi đã phức tạp, công phu thế nào, còn đây lại là việc “cứu” cả một hệ thống sáng tạo sơn mài truyền thống hay nhắm đến cái đích xa hơn là định vị thương hiệu sơn mài Việt, chắc chắn, phải mất hàng chục năm và cần đến sự bảo trợ của Nhà nước. Muốn bảo tồn sơn mài truyền thống, không phải không có cách, nhưng cứ… hô khẩu hiểu như bấy lâu chúng ta vẫn làm thì chẳng bao giờ có kết quả.


PV: Xin cảm ơn ông!


HƯƠNG LAN (thực hiện) – QĐND