HẠNH NGUYÊN

Liveshow tối 27-10 này sẽ là “cuộc chuyển giao thế hệ”.

Nghệ sĩ Ưu tú Quyền Văn Minh nói, ông muốn chuyển giao cho những người trẻ, jazz Việt cần một thủ lĩnh mới, một sức sống mới để vươn ra thế giới. Trong tâm hồn người nghệ sĩ cả cuộc đời gắn bó với jazz ấy, tình yêu vẫn còn sôi sục lắm.

Có lúc nản, nhưng không từ bỏ

– Tôi nhớ ông bắt đầu với âm nhạc từ cây đàn ghi-ta chứ không phải kèn saxophone. Định mệnh nào đưa ông đến với jazz để rồi gắn bó cả cuộc đời với thứ âm nhạc mới mẻ này?

– Tôi học nhạc năm 13 tuổi, bắt đầu bằng cây đàn ghi-ta. Mẹ tôi hồi đó hát rất hay, nhưng vì bốn đứa con, bà hy sinh cuộc đời làm nghệ thuật chuyên nghiệp của mình. Bà muốn tôi chơi kèn. Tôi nhớ mãi câu nói của mẹ: “Mẹ thích con thổi kèn, mẹ chỉ cần con thổi kèn hay thôi. Con thổi được một đồng mẹ quý hơn một tỷ người khác cho mẹ”. 13 tuổi tôi làm sao biết mệnh giá một tỷ. Mẹ tôi mất lâu rồi cho nên mọi sự phấn đấu trong cuộc đời của tôi đều vì mẹ. Những lúc khó khăn nhất, gian nan nhất, tôi đều nghĩ về mẹ để vượt qua. Năm 1968, tôi tìm mọi cách đi học, vì âm nhạc đỉnh cao mà không học thì không làm được. Hồi đó xin đi học rất khó, nhà lại không có tiền, hằng ngày tôi đạp xe đến cửa trường nhạc, nghe họ thổi gì thì bắt chước. Rồi nghe qua loa, thỉnh thoảng có những buổi nhạc cổ điển và giở kèn ra chơi, cứ mày mò như thế.

– Khó khăn để tiếp cận với âm nhạc như thế, nhưng ông vẫn đi tìm thứ thuộc về mình, cuộc gặp của ông với nhạc jazz hẳn rất thú vị?

– Tôi cứ mày mò như thế, nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Tôi nghĩ đến radio quốc tế, đêm về trốn vào chăn, dò đài quốc tế nghe nhạc. Và tình cờ tôi nghe được nhạc jazz, có biết là jazz đâu, chỉ thấy họ chơi rất khủng khiếp. Lúc đó tôi nghĩ, nếu mình chơi được loại này, mình sẽ không sợ bất cứ ai trên đời. Tôi tự thề với mình, dứt khoát phải chơi loại nhạc này, dù không biết đó là nhạc gì. Nghe trộm được ba lần thì bố tôi bắt quả tang, ngay hôm sau ông bán luôn cái đài đó. Tất cả những gì tôi nghe được, tôi chọn lựa đưa vào những bản nhạc mình chơi. Có lần một người quen nghe tôi chơi nhạc, thấy lạ, ông đưa cho tôi xem đĩa nhạc ông có, lần đầu tiên tôi nhìn thấy chữ “jazz”. Sau đó tôi xin đến nhà nghe và ghi ra. Ngồi kỳ cạch cả buổi, ghi được một bài. Nhưng phải đến năm 1976, đi biểu diễn với thành đoàn Hà Nội ở Sài Gòn, trong túi có 10 đồng, tôi mua được một đĩa nhạc jazz và một cái đài. Tôi giấu kỹ không dám cho ai mượn vì sợ bị hỏng, về ngồi một mình nghe và ghi lại. Ghi xong 10 bài thì cái băng cũng nát. Khi đã có lưng vốn về jazz, tôi mua được cái máy đĩa và nghe nhiều đĩa mang từ châu Âu, Nga về.

– Và ông nuôi giấc mơ đưa nhạc jazz lên sân khấu, vào đời sống. Bình Minh jazz club được mở ra cũng vì giấc mơ đó, mặc dù rất gian nan và nhiều thăng trầm?

– Năm 1997, tôi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, tôi nghĩ sẽ tổ chức một đêm biểu diễn để kỷ niệm, nhưng rồi lại nghĩ, cũng bỏ ra một số tiền như thế thà mình mở một câu lạc bộ nhạc jazz. Năm 1996, khi tôi diễn ở Paris, có đi thăm một vài jazz club và tôi nghĩ rằng, phải có một jazz club như thế ở Việt Nam, có một chỗ hằng tối các nghệ sĩ được chơi thì lúc đó chúng ta mới có thể gây dựng được một thế hệ chơi nhạc jazz bài bản, có trình độ. Năm 1997 mở ra, ba tháng sau đóng cửa. Số tiền 300 triệu năm 1997 rất lớn, đi vèo. Cả Tết năm đó tôi không dám đi đâu cả, buồn và không hiểu tại sao lại có những câu chuyện như thế xảy ra. Nhưng rồi tôi lại đi tìm địa điểm tiếp, không từ bỏ, quán chuyển về 16 Lê Thái Tổ, rồi sang Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, về Trấn Vũ, Quán Sứ và bây giờ là số 1 Tràng Tiền. Sáu lần dịch chuyển, sự không ổn định về địa điểm đã khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn… Có lúc tôi nản nhưng từ bỏ thì không.

– Bởi những tiếng nói mới mẻ thường là những tiếng nói đơn độc?

– Tôi đã vượt qua nhiều thứ rồi, mỗi lần đưa ra một cái mới, thất bại nhiều hơn thành công. Tôi biết mình là người đơn độc, ngay cả trong một dàn nhạc, tôi cũng là người cô độc, nhưng phải vượt qua thôi. Những thời điểm khó khăn trong cuộc đời, gà trống nuôi con, ở trên một cái lều ở phố cổ, tôi được phân một căn hộ ở Nghĩa Đô. Cuối năm có lịch đi biểu diễn, họ bảo tôi nhường đi biểu diễn cho người khác vì tôi đã được phân nhà. Tôi thẳng thắn, đời nghệ sĩ là phải được đi biểu diễn, tôi sẵn sàng trả nhà để được đi biểu diễn. Cuộc sống là thế, mình phải vượt qua những thứ đó như thế nào, nếu vượt qua bằng sự hằn học thì không thành nghệ sĩ được.

Tôi còn nhiều mong muốn lắm

– Đêm diễn 27-10 được ông coi là đêm chuyển giao thế hệ. Vì sao ông lựa chọn thời điểm này để trao sứ mệnh của mình cho những người trẻ?

– 20 năm qua, tôi cùng với Bình Minh jazz club đã gây dựng nên một lực lượng những người trẻ chơi nhạc jazz. Dấu mốc này rất có ý nghĩa, khi Quyền Thiện Đắc cũng đủ chín chắn, trưởng thành và tôi thì đã già rồi. Tôi muốn người thuyền trưởng mới táo bạo hơn, quyết liệt hơn. Đêm nhạc mang đến 20 tác phẩm gồm những bản nhạc jazz kinh điển và những sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam. Toàn bộ không gian âm nhạc còn lại do các nghệ sĩ trẻ thể hiện, trong đó có những cây kèn còn nhỏ tuổi như Tuệ Anh (9 tuổi), Bảo Lâm (11 tuổi), Minh Phú (13 tuổi). Khán giả sẽ thấy thú vị bởi những mới lạ, phần trình diễn mở đầu là bản hòa tấu của Big Band với 50 cây kèn. Ngoài ra, là một số tác phẩm jazz Việt và jazz quốc tế do các nghệ sĩ đang tạo dựng danh tiếng như Hồng Kiên, Bảo Long, Hùng Sơn, Xuân Hòa, Nguyễn Hoàng An, Lê Duy Mạnh. Tôi sẽ không xuất hiện nhiều trong chương trình, chỉ chơi tác phẩm “Vũ điệu Ponka” và “Hội làng” ở phần kết.

– Một lực lượng trẻ khá hùng hậu, hẳn ông đã hoàn toàn yên tâm với cuộc chuyển giao này?

– Tôi muốn người thuyền trưởng mới sẽ có phong cách mới, đừng đặt tôi như một con đường không thay đổi được. Chúng ta đã có một lực lượng những người trẻ nhưng đẳng cấp thì chưa có. Hiện nay họ vẫn thụ động trong việc tự tổ chức chương trình và biểu diễn, vẫn trông chờ khi nào có lịch đi nước ngoài mới tập, còn không thì thôi, các bản nhạc sáng tác đều trong tình trạng xếp xó. Tôi muốn thế hệ trẻ phải vượt ra khỏi biên giới, ra nước ngoài biểu diễn bằng chính những sản phẩm của mình. Tôi ước mơ có một album mà tôi đứng ra sản xuất trong đó có chín bài mà chín người chơi viết các màu sắc khác nhau để chứng minh với thế giới rằng Việt Nam có một lực lượng các nghệ sĩ chơi jazz, sáng tác.

– Ông là người tâm huyết với jazz Việt và đã sáng tác khá nhiều những bản nhạc jazz mang âm hưởng văn hóa dân gian Việt Nam. Tôi nhớ ông nói rằng, ông muốn mang jazz Việt ra thế giới. Đến bây giờ, hành trình đó của ông đã đi đến đâu?

– Mỗi lần ra nước ngoài biểu diễn, tôi đều đưa thêm vào những bản jazz Việt do tôi sáng tác. Có thể đó không phải là những tác phẩm hay nhất nhưng nó mang bản sắc của Việt Nam. Nhưng tất cả mới chỉ như vậy thôi. Tôi muốn nhiều hơn thế. Bởi họ nghe mới chỉ thấy kỳ lạ và ngạc nhiên. Bao giờ có một nhạc sĩ nước ngoài gọi điện cho tôi bảo rằng muốn được chơi bài này và trả bản quyền, lúc đó jazz Việt mới có thể ngẩng cao đầu. Điều đó phải có thời gian. Tham vọng về jazz trong tôi vẫn rất sôi sục, nhưng đưa bài mới ra thế nào, kêu gọi người chơi ra sao thì còn phải bàn. Phát triển nhạc jazz ở Việt Nam, phát triển để chữ Jazz ở Việt Nam có một đẳng cấp cao hơn, đó là mong muốn của tôi.

– Sau 50 năm gắn bó với âm nhạc, ông đã thật sự thảnh thơi?

– Tôi chỉ thảnh thơi để làm những việc mình thích thôi. Đó là sẽ làm một album tuyển chọn những bản nhạc mình tâm đắc và ra một đĩa than. Còn tình yêu với jazz trong tôi vẫn còn sôi sục lắm, có lẽ cho đến khi nào tôi không còn trên cuộc đời này nữa.

– Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài