TUỆ MINH

Hồ Hoàn Kiếm một ngày cuối tuần. Hàng xúc xích nướng luôn tay vì khách khá đông. Bếp nướng để khuất sau lùm cây, nhỏ gọn và cơ động khi lực lượng chức năng đến gần. Các hàng hoa quả trộn, nước ngọt, trà đá bán rong cũng nhộn nhịp. Rác vẫn xả ra. Công nhân môi trường luôn tay chẳng kém người bán hàng.

Người Hà Nội gần đây chuộng nuôi những loài chó lạ. Chó đủ loại tung tăng đi dạo bên hồ. Có cả những cô chó, chú chó lông cắt tỉa cầu kỳ, móng sơn đỏ chói. Từng dấy lên cuộc tranh luận về rọ mõm chó ở không gian đi bộ quanh hồ. Rồi chìm rất nhanh. Phần nhiều ông bà chủ “quên” rọ mõm chó ở nhà. Chẳng ai phạt. Nhiều người cởi xích cho chú chó tìm chỗ “giải quyết nỗi buồn”. Đôi khi, cũng gặp cảnh người quay mặt vào gốc cây với mục đích tương tự khi bóng tối buông…

Dù lực lượng bảo đảm trật tự cho hoạt động của phố đi bộ đã có nhiều cố gắng, nhưng những gì xảy ra quanh hồ Hoàn Kiếm khiến người ta nhớ về cái tên mà người phương Tây gọi Thăng Long một thời – Kẻ Chợ; hay cụm từ một số nhà khoa học nói về Thăng Long – Hà Nội: Siêu làng.

Hà Nội là một đô thị lâu năm, nhưng chủ thể của nó là ai? Thực trạng hiện nay, khó có thể nói đó là những người đô thị, hay những thị dân. Cách ứng xử của cư dân, phần nhiều vẫn mang dáng dấp những nông dân sống ở thành phố.

Chủ thể của nông thôn là nông dân. Chủ thể của đô thị, tất nhiên là thị dân, chẳng cần bàn cãi. Vậy mà có điều lạ là khá lâu rồi chúng ta ít dùng từ “thị dân”, ít đề cập “văn hóa thị dân”. Hoặc nếu sử dụng, cũng thường gắn cho nó cái nhìn tiêu cực. Hạ tầng, kết cấu xã hội, nghề nghiệp sinh sống nông thôn và đô thị là khác nhau. Từ đó, hình thành nên nếp sống khác.

Hành vi ứng xử ở nông thôn thường tuân theo “lệ”. Người ta hay nói “lệ làng”. Đô thị lại khác. Nó bị chi phối bởi những quy định, thường là có chế tài. Nhiều quốc gia đặt ra hẳn bộ luật riêng cho đô thị, với cảnh sát đô thị để bảo đảm trật tự đô thị. Văn hóa thị dân hình thành khi người ta thích nghi, ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội phù hợp với môi trường đô thị.

Nếp sống, không gì hơn, chính là văn hóa. Văn hóa nông thôn – văn hóa đô thị, cái nào cũng có mặt hay, mặt dở. Sẽ bất ổn, nếu đem nếp sống đô thị về nông thôn. Chuyện những cô gái thành phố về nhà chồng ở nông thôn bị cả họ chê bai là có lối sống “kiểu cách” đầy rẫy. Không hoàn toàn bởi cách cư xử của cô ấy có vấn đề. Mà là sự khác biệt về văn hóa. Cô gái ấy giữ nếp sống đô thị khi về làng.

Nhưng có một điều lạ nữa: Người ta coi là chuyện bình thường, khi đem văn hóa nông thôn về đô thị. Đã bao năm rồi, Hà Nội “vật vã” với chuyện hàng rong – sản phẩm đặc trưng của những đô thị thoát thai từ nông thôn. Hàng rong gây ảnh hưởng giao thông đô thị, gây mất vệ sinh môi trường, không quản được về an toàn thực phẩm, hàng rong cũng gắn liền với nạn “chặt chém” khách du lịch…

Song, nếu nói cấm hàng rong, lại vô vàn tiếng nói phản đối. Vì phần nhiều những người sống ở đô thị này vốn quen lối sống tùy tiện – một đặc thù của xã hội nông nghiệp tiểu nông – hàng rong phục vụ cho nhu cầu tùy tiện ấy. Tùy tiện còn thể hiện trong xả rác, trong lấn chiếm vỉa hè, trong tham gia giao thông… Biết là có quy định cấm, nhưng vẫn làm trái. Càng hăng hái khi không thấy nguy cơ bị phạt.

Với một quốc gia đi lên từ nông nghiệp như Việt Nam, văn hóa nông thôn tồn tại ở đô thị là điều không tránh khỏi. Văn hóa nông thôn có nhiều ưu điểm. Nhưng nó không phù hợp ở đô thị. Liệu chúng ta có dám đối mặt thực tế, hay cứ luyến tiếc mãi cái nếp sống đã ăn sâu?

Hà Nội xây dựng những Quy tắc ứng xử. Nhưng việc tuyên truyền là không đủ, nhất là với những người hôm trước, hôm sau đã là “người thành phố”, hay với người mới nhập cư. Tôi nhớ trong tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, có hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa, chuyên đạp xe khắp đi các phố phạt tội… đái bậy, cãi nhau, tội để nhà cửa mất vệ sinh, chó thả rông… Độc giả thường mải mê với giọng trào phúng của “ông vua phóng sự đất Bắc” mà ít để ý rằng chính sự phạt nặng mà: “Bây giờ đến cả thằng phu xe cũng biết luật! Chả bao giờ chúng quên đèn! Chả mấy khi chúng đứng giữa đường nghênh ngang!..” và viên cảnh sát “mỗi ngày bốn lượt đạp 16 phố mà cấm gặp sự gì đáng biên phạt”. “Số đỏ” là chuyện hư cấu. Nhưng chuyện cảnh sát đi phạt như thế, một thời là có thật ở Hà Nội.

Hà Nội có thể sẽ trở thành “đô thị thông minh”, với công nghệ được áp dụng ngày một nhiều hơn. Nhưng sống trong đô thị ấy, sẽ là ai? Câu hỏi không dễ trả lời.

Xây dựng hạ tầng, đường sá, đèn điện không khó. Cái khó là “đô thị hóa con người”. Nếu không thẩm thấu được văn hóa đô thị, văn hóa thị dân, sẽ mãi là những nông dân sống lâu năm ở Hà Nội.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Hàng rong – một điển hình của nếp sống “nông dân trong lòng đô thị”.

 Hà Nội đang xây dựng hạ tầng để trở thành một “đô thị thông minh”. Nhiều người hy vọng, Hà Nội sẽ đỡ nạn vứt rác, đỡ nạn hàng rong, đỡ nạn lấn chiếm vỉa hè… Nhưng thực ra, xây dựng hạ tầng, đường sá, đèn điện… không khó. Cái khó là “đô thị hóa con người”. Nếu không thẩm thấu được văn hóa đô thị, văn hóa thị dân, sẽ mãi là những nông dân sống lâu năm ở Hà Nội.