LỤC HƯỜNG

Ngày càng ít người trẻ theo đuổi nghiệp xiếc. Ảnh: LÊ MINH
Với nghề xiếc, người nghệ sĩ phải lao mình vào với đam mê, cống hiến từ khi tuổi chỉ lên 9, lên 10, nhưng không phải ai cũng đón nhận được vinh quang do nghề nghiệp mang lại…
Nước mắt từ sàn tập

Phòng tập của Liên đoàn Xiếc Việt Nam một ngày trời lạnh như cắt, nhưng ai cũng mặc độc một bộ đồ tập, mỏng, bó sát và ướt đẫm mồ hôi. Một nhóm tập uốn dẻo, một nhóm tập patin, một nhóm thì tập những tiết mục trên cao…

Chỉ có một người phụ nữ tầm 40 tuổi thì lặng lẽ ngắm nhìn đồng nghiệp. Chị ngày nào cũng đến phòng tập trên chiếc xe lăn, bởi cách đây hai năm chị đã bị tai nạn khi tập luyện, giờ đây chị chỉ có thể nhìn những đồng nghiệp của mình luyện tập để bớt nhớ nghề. Người nghệ sĩ khi bước vào nghiệp xiếc, đã xác định có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào, nhưng thật xót xa, với những trường hợp như chị khi mất đi khả năng làm mẹ, mất khả năng đi lại…

Có những nghệ sĩ bước vào xiếc khi vừa 14 tuổi, và đến nay đã hơn 10 năm, hằng ngày vẫn tập luyện một tiết mục, vẫn chưa có cơ hội để biểu diễn. Từ trước đến nay câu chuyện nghịch lý tuổi đời – tuổi nghề trong xiếc vẫn luôn tồn tại. Như NSƯT Đỗ Hùng của Liên đoàn chia sẻ: “Chúng tôi phải luyện hằng ngày thì các cơ mới quen với mọi động tác. Chỉ khi trẻ chúng tôi mới duy trì được phong độ, còn chỉ cần bước vào tuổi 40 thôi, là nhiều động tác đã rất khó khăn, nỗ lực của chúng tôi trong nghề nhiều khi rất khắc nghiệt, nhưng không phải ai cũng đạt được vinh quang ở đúng độ tuổi chín nhất trong nghề xiếc, bởi thiếu cơ hội, và thù lao với nghệ sĩ xiếc dù lãnh đạo cố gắng đến đâu vẫn đang rất khó khăn. Nhiều nghệ sĩ nữ bỏ qua nhiều cơ hội trong sinh con, trong việc lập gia đình, nhưng điều họ đánh đổi vẫn là những giọt nước mắt”.

Nghịch lý tuổi nghề

Để trình diễn, người nghệ sĩ có thể phải dành đến 20 năm để luyện tập. NSƯT Trần Quốc Đông cũng vậy dù bây giờ anh mới chỉ ở tuổi ngoài 30, tức là tuổi đỉnh cao trong biểu diễn xiếc, với 20 năm miệt mài cho một tiết mục, không phải ai cũng may mắn như Đông khi tiết mục của anh đạt giải cao trong liên hoan xiếc quốc tế. Nhưng anh vẫn có những tâm sự thật nặng lòng: “Luyện tập tiết mục này hơn 20 năm, rất vất vả, nhiều khi tôi cũng nản lắm, nhưng nghỉ vài ngày lại nhớ, lại quay lại tập. Nhiều khi có ý định chuyển nghề lắm, nhưng quen rồi. Có một điều khó trong xiếc chính là tuổi nghề, vì có thể tiết mục này tôi cũng không diễn được lâu nữa, khi sức khỏe không cho phép”.

Còn NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì trăn trở: “Chúng tôi cũng rất băn khoăn, vì như diễn hề có thể tuổi nghề sẽ lâu hơn, còn với các tiết mục như nhào lộn, đu dây trên cao, nữ chỉ biểu diễn đến 35 tuổi, còn nam là ngoài 40. Chúng tôi cũng rất trăn trở vì không thể vắt chanh bỏ vỏ, tức là phải liên tục tuyển đội ngũ diễn viên trẻ, nhưng cũng phải bảo đảm quyền lợi cho những người khác”.

Có lẽ những gian khó đó đã làm cho ngành xiếc có thời gian không thu hút được nhiều bạn trẻ, có những thời điểm các lớp học chỉ có vài người. Trăn trở về việc làm sao để thế hệ trẻ Việt Nam có nhiều tiết mục xiếc hấp dẫn hơn nữa, tạo được dấu ấn với bạn bè thế giới, vẫn gặp nhiều trở ngại.
NSND Tâm Chính, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: “Tôi luôn nghĩ làm sao để xiếc giữ được nhân tài, bồi dưỡng được nhân tài và trả được công xứng đáng cho các nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ không có nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi trong nước cũng như quốc tế. Nhiều nghệ sĩ xiếc trong nghề ai cũng biết, nhưng nhắc với công chúng thì không ai hay. Tôi nghĩ còn rất nhiều khó khăn để có thể đưa xiếc gần hơn với khán giả, thành công hơn. Nếu những nhà quản lý làm không tốt, có lẽ xiếc của chúng ta khó có được một thế hệ trẻ say đắm với nghề”.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài