Phim ‘Quả tim máu’, một thành công từ chuyển thể kịch nói.
Bộ phim Thần tiên cũng nổi điên chiếu tại các rạp hiện tại đang khiến khán giả… nổi điên, khi bị ca thán rất nhiều về chất lượng phim như kịch quay ngoại cảnh.
Điều này dấy lên không ít nỗi lo kịch hóa điện ảnh khi điện ảnh Việt gần đây rầm rộ xuất hiện trào lưu phim chuyển thể từ các vở kịch ăn khách.
Ồ ạt chuyển thể kịch ăn khách lên màn ảnh rộng
Khán giả – BTV thể thao của kênh VTV3 Thùy Dung sau khi ra rạp xem phim Thần tiên cũng nổi điên (đạo diễn Cao Tấn Lộc), chia sẻ: “Đây là một bộ phim hài mà “khán giả xem cũng phát điên” khi ngay từ những phút đầu thôi đã thấy mọi thứ gượng ép đến kệch cỡm. Phim quay thì xấu, thoại lủng củng, hài nhưng chẳng ai cười nổi, mặc dù diễn viên đã cố chọc cười khán giả bằng cách họ tự cười bò lê bò toài, cười gằn lên từng tràng…”.
Phiên bản điện ảnh của vở kịch Thần tiên cũng nổi điên từng ăn khách của sân khấu Thế giới trẻ, diễn được 1.000 suất sau 2 năm, đang chiếu rạp rõ ràng quá sân khấu, cách diễn cường điệu, mảng miếng hài không đủ sức khiến người xem bật cười. Khi thông tin vở kịch này được chuyển thể lên màn ảnh rộng, nhiều người chờ đợi một bất ngờ như Quả tim máu từng có được, nhưng bộ phim chỉ như một vở kịch được ghi hình rồi chiếu trên màn ảnh rộng. Việc giữ trọn nội dung kịch sang điện ảnh khiến phim thiếu sáng tạo. Các diễn viên Lê Khánh, Chí Tài, Thu Trang, Đại Nghĩa, Hải Triều… đều diễn nặng tính sân khấu, cường điệu, lên gân phù hợp bên kịch nhưng không hợp trên màn ảnh rộng.
Không phải đến khi bộ phim Quả tim máu dựa trên vở kịch ăn khách của diễn viên Thái Hòa tại sân khấu Kịch Phú Nhuận được ra mắt khán giả trên màn ảnh rộng vào tết 2014, điện ảnh Việt mới xuất hiện kiểu phim “hóa phép” từ sân khấu kịch. Trước đó các phim của Phước Sang như Khi đàn ông có bầu, Hello cô Ba… cũng là những bộ phim được chuyển thể từ các vở kịch ăn khách của sân khấu. Phải nói cú bắt tay thành công lớn giữa sân khấu và điện ảnh của Quả tim máu với doanh thu 85 tỉ đồng kỷ lục thời điểm đó đã khiến nhiều nhà sản xuất chú ý nhiều đến các vở ăn khách trên sân khấu kịch.
Khi kịch bản hay đang ngày càng thiếu thì chuyện kịch lên màn ảnh rộng cũng là một giải pháp. Như bà Bích Liên – Giám đốc hãng phim Sóng Vàng cho biết lý do khi làm phim Năm sau con lại về (đạo diễn Trần Ngọc Giàu) chuyển thể từ vở kịch Đón con về là do… “bí mới làm” khi không tìm được một kịch bản khả dĩ nào khác.
Theo nhận định của các đạo diễn, thời gian tới, giới làm phim sẽ tiếp tục “săn tìm” các kịch bản sân khấu ăn khách để chuyển thể đưa lên màn ảnh. Vở kịch có thâm niên hơn 20 năm Dạ cổ hoài lang kể về cuộc sống và nỗi niềm của hai ông già người Việt trên đất Mỹ của sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần cũng đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dựng xong thành phim, sắp sửa ra rạp với vai chính được dành cho Hoài Linh, Chí Tài… Vở Hợp đồng mãnh thú nức tiếng của sân khấu Kịch IDECAF cũng đã được đạo diễn Lê Hoàng quay xong. Tháng 10 tới đây, đạo diễn Ngọc Hùng của sân khấu Kịch Thế giới trẻ cũng sẽ bắt đầu quay hình, đưa vở kịch Ma nữ si tình lên phim. Sau đó, đạo diễn trẻ này còn đưa ra rạp thêm hai vở kịch nổi tiếng của sân khấu này là Cõng mẹ đi chơi và Chuyện tình Băng-Cốc.
“Làm phim giống y như kịch là chết chắc!”
Nhà sản xuất của các phim Nhà có 5 nàng tiên, Tía tui là cao thủ cho biết: “Nếu có chọn kịch bản làm phim từ các vở kịch thì phải chọn đúng kịch bản thật hay, khán giả vô cùng yêu thích. Khi chọn đúng kịch bản rồi thì chỉ nên lấy cái sườn từ kịch. Chết là cái chắc, nếu đạo diễn hay nhà sản xuất giữ y nguyên 100% vở kịch mà không viết lại kịch bản thành phim điện ảnh với những yếu tố mà sân khấu không làm được, như cảnh quay, diễn xuất nội tâm, kỹ xảo, hậu kỳ…”.
Đạo diễn Victor Vũ cho biết: “Chuyển thể một vở kịch thành một bộ phim điều quan trọng nhất là phải có sự sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh để phá bỏ ngôn ngữ ước lệ của sân khấu và mỗi đạo diễn phải nghĩ ra những cách của riêng mình để không bị ảnh hưởng từ sân khấu”. Thực tế, với phim Quả tim máu, đạo diễn Victor Vũ đã làm nên một phiên bản điện ảnh mới lạ so với những gì khán giả đã được thưởng thức trên sân khấu kịch. Vẫn dựa trên những yếu tố căn bản của kịch, nhưng phim Quả tim máu vẫn có những nút thắt – mở mới, những nét ly kỳ và khác biệt trong câu chuyện, lời thoại súc tích, cộng thêm tiết tấu nhanh, bất ngờ khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình để theo dõi diễn tiến của câu chuyện.
Đạo diễn Ngọc Hùng chia sẻ lý do vì sao chọn kịch bản sân khấu để dựng thành phim: “Vì nhà đầu tư thích vở kịch đó, họ bỏ tiền cho tôi làm, và nghĩ với sự ăn khách của vở kịch sẽ đáp ứng thị hiếu của khán giả khi lên phim. Họ cũng yêu cầu rất khắt khe ở việc phải kết cấu lại kịch bản cho ra phim, và không muốn dựng như một vở kịch ghi hình. Với các phim làm từ kịch mà tôi chuẩn bị bấm máy như Ma nữ si tình, Cõng mẹ đi chơi…, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương sẽ viết lại kịch bản, chú trọng thay những trường đoạn trên sân khấu dài bằng những phân đoạn ngắn trong kịch bản điện ảnh với nhiều bối cảnh”.
Chất sân khấu mà khán giả cũng như giới chuyên môn ngán nhất khi xem phim từ kịch chính là cách diễn xuất cường điệu, phô diễn của một vài diễn viên, bởi nhiều phim bê nguyên dàn diễn viên từ sân khấu kịch qua phim như Thần tiên cũng nổi điên đã phạm phải. Trong phim Cõng mẹ đi chơi sắp quay, đạo diễn cho biết sẽ chú trọng điều này, dàn diễn viên trên sân khấu kịch gồm Đàm Loan, La Thành, Quang Tuấn, Thu Trang… sẽ được thay thế bằng Kim Xuân, Huỳnh Đông, Ngọc Thuận, Thúy Nga…
Dù có nhiều lợi thế khi làm phim từ vở diễn đã được yêu thích, nhưng với thực tế dưới mức trung bình của các phim từ kịch ra rạp gần đây, quả thật nỗi lo “kịch hóa điện ảnh” của nhiều người là không thừa, bởi để mang đến cho bộ phim một diện mạo mới với đúng ngôn ngữ điện ảnh quả thật không phải chuyện dễ dàng. Chuyển thể từ kịch sang phim vẫn có thể làm hay, thắng doanh thu nếu biết sáng tạo, làm mới và chuyển thể thành ngôn ngữ điện ảnh thật sự chứ không phải bê nguyên xi kịch vào phim!
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Cả vở kịch Dạ cổ hoài lang chỉ có một cảnh, một màn, tính ước lệ sân khấu cao, để lại dấu ấn sâu sắc với khán giả nhờ vào lời thoại, diễn xuất của diễn viên là chính. Khi chuyển nội dung kịch lên màn ảnh rộng, tôi ý thức ngôn ngữ điện ảnh phải rõ ràng, chi tiết và tình tiết phải nhiều hơn. Phim của tôi vẫn sử dụng kịch bản gốc do nghệ sĩ Thanh Hoàng viết. Nhưng tôi có mời cô Thái Hà – một biên kịch người Việt ở Mỹ – biên tập lại. Sau đó, tôi biên tập thêm để phần nội dung phù hợp điện ảnh. Đây là một phim có thể loại rất khác so với những phim trước đây tôi thực hiện, đòi hỏi sự tả thực rất nhiều. Khi casting diễn viên vào vai ông Tư già của Dạ cổ hoài lang, Hoài Linh là người tôi nghĩ đến đầu tiên. Sau nghệ sĩ Thành Lộc, Hoài Linh từng diễn vai ông Tư già trong kịch và được khán giả rất yêu quý. Ở Hoài Linh có nét mộc mạc, chân quê của một ông già Nam bộ mà theo tôi là rất phù hợp với vai diễn. Anh lại là Việt kiều, từng trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống nơi đất khách quê người nên giúp ích rất nhiều trong việc khắc họa nhân vật”.
|
Phan Cao Tùng – Thanh niên