Vì nhiều lý do ở một vài địa danh trên thế giới, giới quan chức thành phố đã đưa ra quy định không cho phép người dân được chết. Điều này được thể hiện bằng việc không có hình phạt tử hình cũng như quy mô của các nghĩa trang không có sự thay đổi trong thời gian dài.
Sellia, Ý
Vào tháng 8, một lãnh đạo của thị trấn phía Nam nước Ý này đã ra một đạo luật, trong đó quy định việc ốm đau của cư dân sẽ bị cấm hoàn toàn. Với dân số 537 người và chủ yếu là người già trên 65 tuổi, việc quá nhiều người qua đời sẽ làm thị trấn này suy tàn dần. Do vậy, lệnh cấm này, tuy không bắt buộc, sẽ có ý nghĩa khuyến khích người dân sống lành mạnh và biết chăm sóc bản thân. Ở đây bất cứ ai nếu không đi khám định kỳ hàng năm sẽ bị phạt.
Cugnaux, Pháp
Năm 2007, Cugnaux có hai nghĩa trang với chỉ 17 chỗ trống. Do tình hình nước biển dâng cao, khu vực duy nhất để mở rộng nghĩa trang lại nằm trên một sân bay quân sự gần đó. Khi bộ quốc phòng quyết định không cho thị trấn chôn người chết ở đó, thị trưởng Philippe Guerin đã ra đạo luật cấm người dân chết nếu chưa có sẵn khu mộ cho mình. Việc phản đối đạo luật này của người dân đã khiến bộ quốc phòng buộc phải nhượng bộ.
Longyearbyen, Na Uy
Thị trấn với dân số 2000 người này là nơi sinh sống gần gần với Cực Bắc nhất. Các hoạt động chủ yếu ở đây là khai mỏ. Vào năm 1950, nhận thấy việc xác người trong nghĩa trang địa phương không phân hủy được, chính quyền thị trấn quyết định cấm việc chôn cất người mới qua đời. Những xác người được chôn dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu này còn nguyên vẹn tới mức các nhà khoa học có thể nghiên cứu đại dịch cúm năm 1918, vì virus vẫn được bảo quản trong người nạn nhân. Các chế độ chăm sóc y tế của Na Uy không tới được đây nên khi bị ốm đau, cư dân sẽ phải tìm nơi khác để được chữa trị.
Biritiba Mirim, Brazil
Năm 2005, khi phải đối mặt với việc thiếu đất chôn, thị trưởng thành phố này đã cấm cư dân chết. Việc hỏa táng bị nhà thờ cấm đoán, trong khi không còn đất trống để chôn người chết. Cộng đồng nông dân, những người cung cấp rau quả cho Sao Paulo, không thể mở rộng nghĩa trang vì điều luật 2003 đã kiểm soát những khu vực có mạch nước ngầm hay khu bảo tồn đặc biệt. Một nghĩa trang mới đã được mở vào năm 2010 để giúp người dân có thể được qua đời. Tuy nhiên không ai dám chắc nó còn đủ chỗ trống trong bao lâu.
Lanjaron, Tây Ban Nha
Năm 1999, thành phố Lanjaron của Tây Ban Nha đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đất chôn. Để đáp lại, thị trưởng đã cấm người dân chết, cho tới khi hội đồng thành phố tìm được chỗ xây dựng nghĩa trang mới. Điều luật khi đó ra lệnh cho cư dân chú ý tới sức khỏe của mình, bảo đảm họ không chết cho tới khi thị trấn thực hiện những bước cần thiết để tìm ra mảnh đất chôn cất hợp lý cho người dân.
Theo Phan Hạnh – Dân trí (dịch từ Mentafloss)