Nhiều năm nay, những dòng tranh dân gian Việt Nam như tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng… gần như biến mất hoặc đã cận kề với nguy cơ thất truyền.

Việc phục hồi dòng tranh này tưởng như một “nhiệm vụ bất khả thi” nhưng nhờ nỗ lực của những người tâm huyết với nghệ thuật, những tác phẩm mang hồn cốt dân gian này lại có dịp tái ngộ công chúng.

Xót xa một dòng tranh thất truyền

“Tranh Kim Hoàng đã không còn nữa rồi” – chị Nguyễn Thị Thu Hòa, nhà sưu tập tranh, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội trải lòng khi nói về dòng tranh dân gian nức tiếng một thời. Dòng tranh đỏ đặc trưng của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội từng trải qua thời kỳ đỉnh cao vào giai đoạn thế kỷ 19. Đây cũng là 1 trong 3 dòng tranh dân gian lâu đời sau tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Thu Hòa, sau trận lụt vào năm 1915, gần như toàn bộ ván in của làng tranh bị cuốn trôi. Đến năm 1945, dòng tranh dân gian này của Việt Nam đã ngừng sản xuất hoàn toàn. Bởi vậy, để tìm lại những bức tranh Kim Hoàng không phải đơn giản.

nhung nguoi ra suc

nhung nguoi ra suc

Những tác phẩm tranh Đông Hồ độc nhất vô nhị được tìm thấy ở gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp

Chia sẻ về những tháng ngày lặn lội tìm “tung tích” của dòng tranh dân gian này, chị tâm sự: “Tôi đã nhiều lần về làng Kim Hoàng hỏi nhưng cũng không ai nhớ gì về tranh Kim Hoàng cũng như kỹ thuật làm tranh, kể cả những cụ cao niên trong làng. Chỉ duy có một lần tôi gặp được một bác tầm 70 tuổi. Bác cho biết, đến năm 1947 vẫn còn đi bán tranh, nhưng chỉ bán chung với tranh Đông Hồ vì tranh Kim Hoàng lúc ấy đã qua thời kỳ đỉnh cao. Và bác ấy cũng chỉ bán được 1, 2 phiên rồi nghỉ”.

Xót xa trước cảnh dòng tranh truyền thống bị xóa sổ, chị đã phải nhờ đến những người có chuyên môn như ông Nguyễn Đăng Chế – nghệ nhân tranh Đông Hồ và nhà nghiên cứu, họa sỹ đồ họa Nguyễn Đức Hòa để làm lại những bản khắc của tranh Kim Hoàng. Nhưng việc này cũng rất khó khăn vì tranh Kim Hoàng có đặc điểm rất riêng như đường nét rất mảnh, tỉ mỉ… trong khi tranh Đông Hồ đường nét rất tròn, đầy đặn, nếu không làm cẩn thận thì rất dễ bị “chênh”.

Những tác phẩm “độc nhất vô nhị”

Phục dựng những bản khắc tranh Kim Hoàng chỉ là một trong những nỗ lực của chị Thu Hòa cũng như những đồng nghiệp của chị nhằm khôi phục những dòng tranh dân gian truyền thống. Nhiếp ảnh gia Lê Bích, người đi cùng chị trong hành trình gian nan nhằm cứu vãn những giá trị hội họa truyền thống kể cho chúng tôi một câu chuyện thú vị. Đó là trong một lần tìm đến nhà ông Nguyễn Đăng Giáp, một nghệ nhân tranh Đông Hồ, anh đã phát hiện ra một bộ tranh “độc nhất vô nhị” do cụ thân sinh ra ông Giáp là nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm sáng tác.

nhung nguoi ra suc

Nghề làm tranh Kim Hoàng đã thất truyền từ nhiều năm nay

Khác với những tác phẩm nổi tiếng đã trở thành thương hiệu của tranh Đông Hồ như những bức lợn, gà, đám cưới chuột…  kho tàng tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp có một số lượng lớn tranh theo trường phái cổ động, ca ngợi chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, động viên bà con nhân dân tăng gia sản xuất… So với những đề tài đã quá quen thuộc trên,  loạt tranh này ít người biết đến. Tuy nhiên, giá trị của chúng  ở chỗ không phải in khắc gỗ như thông thường mà đều được sáng tác bằng tay, rất tỉ mỉ, trau chuốt. Việc tranh Đông Hồ hiện nay gần như đã được đưa vào sản xuất đại trà, do đó, để tìm được những tuyệt phẩm mang dấu ấn tài hoa của nghệ nhân như vậy đúng như là “mò kim đáy bể”.

Với tranh làng Sình – dòng tranh dân gian đặc trưng của cố đô Huế  lại là một câu chuyện khác. Đã có một thời gian tranh làng Sình trải qua biến động khi bị cho là sản phẩm mê tín, dị đoan nên toàn bộ các bản gỗ đều bị đốt, tiêu hủy. Nhiều lần tìm vào xứ Huế, anh Lê Bích được nghe câu chuyện các nghệ nhân vì xót xa trước sự tàn lụi của dòng tranh này nên giấu diếm bọc nilon, chôn xuống đất. Đến bây giờ, tranh làng Sình ước tính chỉ còn tồn tại khoảng 20 ván được cho là cổ.

Ngoài những bản mộc tìm thấy ở nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người có công hồi sinh tranh làng Sình ở Huế,  theo chị Thu Hòa, hiện khá nhiều bản mộc của dòng tranh này đang lưu lạc trong khu vực miền Nam. Chị Thu Hòa cho biết: “Tôi đã từng tìm thấy 10 bản mộc tranh làng Sình từ một vị cha xứ ở Đồng Nai. Tôi rất ngạc nhiên vì độ tinh xảo cũng như giá trị thẩm mỹ của nó.

Tranh dân gian có giá trị phần nhiều nằm ở bản mộc, vì không có bản mộc nào giống bản mộc nào, trừ khi được làm mới. Nó cũng là công cụ để xác định bản quyền và là những tác phẩm gửi gắm rất nhiều ước vọng, tâm tư của người xưa. Rất tiếc là hiện nay rất nhiều những bản mộc đã bị phá hủy hoặc trôi nổi trên thị trường”.

Theo Mai Anh – An ninh Thủ đô