The Art Of Horror: An Illustrated History (Nghệ thuật của sợ hãi: Một lịch sử được minh họa) là cuốn sách tập hợp hình ảnh các nhân vật đáng sợ nhất từng được sáng tạo ra trong nghệ thuật, gồm ma cà rồng, người sói, kẻ giết người hàng loạt, quỷ quái khổng lồ…
Cuốn sách dày 250 trang, của các tác giả Clive Barker, Neil Gaiman (viết đề từ) và Stephen Jones (biên tập viên) vừa ra mắt nhân lễ Halloween.
Không chỉ là tranh vẽ, sách còn có các áp phích phim, tranh minh họa sách và bưu ảnh, từ tranh sơn dầu đến các bức ký họa bút chì và những tranh vẽ kỹ thuật số ngày nay. Dưới đây là những hình ảnh tiêu biểu nhất.
Tranh “Cái đầu của Medusa”
Bức tranh sơn dầu này do danh họa Paul Rubens (thế kỷ 17) vẽ, lấy cảm hứng từ cái chết của Medusa, nữ quái có mái đầu rắn gớm ghiếc. Trong tranh, đôi mắt của Medusa trợn trừng và những con rắn muôn hình vạn trạng nên đầu tỏa theo các hướng khác nhau. Có con đang cố nuốt sống một con khác, có con đang sinh nở… Từ các giọt máu của Medusa, những con rắn nhỏ đỏ hỏn đang thành hình.
Bức tranh tạo nên một cảm giác ghê rợn.
Ghost Stories (Chuyện ma), 1926
Đó là những chuyện ma “có thật” đăng trong loạt Chuyện huyền bí, ma quỷ, rợn người trên một tạp chí lá cải của Mỹ, suốt 64 số. Nội dung do các cây bút của tạp chí này viết ra theo phong cách “tự bạch” như chuyện có thật, khiến người đọc ám ảnh không nguôi.
Áp phích phim “Người sói ở London”, 1935
Bức áp phích này do họa sĩ vẽ áp phích nổi tiếng J. Poissonnié thực hiện. Bức tranh vẽ nhà khoa học Yogami và nhân vật nữ Valerie Hobson run sợ trước cái bóng của người sói mang gương mặt Satan, trong phim Werewolf Of London.
Tranh Ma cà rồng Croglin của Les Edwards, 1984
Bức tranh mang tên The Croglin Vampire, được cho là dựa trên chuyện có thật, vẽ một con ma cà rồng đang trườn vào cửa sổ một ngôi nhà với đôi mắt long sòng sọc, chiếc mũi nhọn hoắt và cái miệng đang cười nham nhở.
Về sau, tranh được sử dụng minh họa cho rất nhiều truyện siêu nhiên kinh dị, làm bìa đĩa Best New Horror, bìa đĩa Alive And Screaming của Krokus.
Gorgzilicus, 1997
Tên bức tranh này của họa sĩ Mỹ Bob Eggleton chỉ một con quái vật kết hợp giữa 3 quái vật nổi tiếng là Gorgo, Godzilla và Reptilicus. Tranh được vẽ để làm ảnh bìa cho cuốn sách lưu niệm Secret City: Strange Tales Of London (Thành phố bí ẩn: Những câu chuyện kỳ lạ của London).
Sách nằm trong bộ sưu tập World Fantasy Convention (Chuyện tưởng tượng thế giới), 1997.
H.P. Lovecraft, 1999
Đây là bức chân dung bằng bút mực của Mike Mignola, làm ảnh bìa cho cuốn sách tranh Codex Arcana: A Tribute To H.P. Lovecraft. Trước Lovecraft, hầu hết các chuyện kinh dị đều kể chuyện người tốt chống lại ác quỷ. Các câu chuyện của Lovecraft không kể về quỷ, mà về việc nhân loại đã chống lại vũ trụ.
The Resurrection Of Christopher Carrion (Christopher Carrion hồi sinh)
Tranh sơn dầu của nhà văn kiêm họa sĩ người Anh Clive Barker vẽ các phù thủy, nhân vật phản diện chính trong bộ sách dành cho giới trẻ của chính tác giả.
“Christopher Carrion là một người đàn ông tự ăn sống các cơn ác mộng của mình” – Barker giải thích – “Anh ta khao khát được cứu rỗi khỏi tội lỗi, nhưng không biết làm thế nào”.
Descent into Madness (Rơi vào sự điên loạn)
Họa sĩ người Mỹ NC. Winters đã vẽ bức tranh cho cuộc triển lãm nghệ thuật đại chúng Crazy 4 Cult vào năm 1988.
Anh giải thích: “Tôi là người hâm mộ cuồng nhiệt phim kinh dị The Shining. Tôi muốn lột tả quá trình rơi vào điên loạn chậm rãi và mãnh liệt của nhân vật Jack Torrance, được tài tử Jack Nicholson thể hiện quá xuất sắc”.
Bride Of Frankenstein (Cô dâu của Frankenstein, 2013)
Họa sĩ Anh Dave McKean thực hiện tác phẩm bằng acrylic và cắt dán ảnh. “Mỗi năm tôi đều vẽ vài bức ký họa cho người hâm mộ ở lễ hội truyện tranh quốc tế Comic-Con tại San Diego. Đó là khi tác phẩm này được tạo ra” – McKean chia sẻ.
Shaun Of The Dead You’ve Got Red On You (2013)
Tác phẩm lấy cảm hứng từ bộ phim hài Anh Shaun Of The Dead, do họa sĩ kiêm nhà thiết kế thời tranh người Mỹ Anthony Petrie thực hiện.