Những gương mặt cá tính
Điều thú vị, đây không phải là triển lãm đầu tiên của nhóm nữ họa sĩ ba miền, mà đã là triển lãm lần thứ 9. Một thú vị khác, nhóm cũng không chốt danh sách cố định, mà hoạt động theo hướng mở. Với mỗi triển lãm, họ lại có thêm những cá tính hội họa mới.
Các tác giả dự triển lãm.
Họa sĩ Bùi Mai Hiên chia sẻ rằng, triển lãm “Sắc màu” ra đời từ năm 2010 với niềm khao khát có một sân chơi bổ ích cho những nữ họa sĩ có niềm đam mê cháy bỏng và cá tính sáng tạo nổi trội. Bởi trên thực tế chưa có một triển lãm toàn quốc dành riêng cho phụ nữ. “Tuy rằng, sân chơi của chúng tôi với khuôn khổ nhỏ, kinh phí đều do chị em tự túc, nhưng chúng tôi tự hào vì đã mang lại niềm vui cho một nhóm nữ họa sĩ có chung niềm đam mê và sự dấn thân. Chúng tôi chọn chất lượng sáng tác chứ không đi theo phong trào. Từ đó chúng tôi tiếp lửa, nâng đỡ nhau trong cuộc sống và sự sáng tạo”, Mai Hiên nhấn mạnh.
Triển lãm “Sắc màu” lần thứ 9 có bảy họa sĩ tại Hà Nội, bốn họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh, hai họa sĩ ở Huế và một họa sĩ ở Đắc Lắc. Mỗi họa sĩ đều có cá tính sáng tạo độc đáo, phong cách riêng, trong đó có cả dòng tranh cắt vải, tranh trúc chỉ.
Họa sĩ Thanh Thục và bức “Hà Nội mùa thay lá”.
Người lớn tuổi nhất trong triển lãm lần này là họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, năm nay đã 81 tuổi, quê gốc ở Tiền Giang. Bà là người làm việc cẩn trọng và có những kế hoạch cụ thể cho cả cuộc đời. Khi lập gia đình, bà xác định sẽ bỏ ra 10 năm để sinh con, lo cho gia đình. Khi con út của bà học hết tiểu học, ngấp nghé tuổi 40, bà đầu tư nhiều thời gian cho sáng tác. Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Tôi yêu sen và dành nhiều thời gian để vẽ sen trên tranh lụa và sơn dầu. Không chỉ dừng ở mô tả, sen trong tranh tôi đa dạng sắc màu phô vẻ đẹp thanh cao của người quân tử từ hình thái đến phẩm chất, từ khi hoa còn nhú trong búp non xanh cho đến lúc cánh hoa nở trọn đủ đầy “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn””.
Người trẻ nhất tham gia triển lãm là họa sĩ Ngô Đình Bảo Vy, sinh năm 1979, sinh ra và lớn lên tại Huế. Chị được biết đến là một họa sĩ dòng tranh ứng dụng, nhưng đam mê tranh trúc chỉ và đã góp phần khôi phục dòng tranh này ở Huế. Trúc chỉ là giấy được làm từ tre. Tre sau khi lấy về được luộc, ngâm mềm, bỏ vào máy xay, cho bột vào nước, lên khung, đem phơi. Tuy nhiên điều đặc biệt ở đây là mỗi sản phẩm giấy trúc chỉ không có sản phẩm thứ hai nào giống nhau. Một cá tính khác là họa sĩ Trần Thùy Linh, một người mô tả cận cảnh những cánh hoa, biến những cánh hoa nhỏ trở nên vĩ đại, hết sức ấn tượng, đồng thời đã làm nên một “cõi hoa” của riêng chị. Lần này, Thùy Linh tham gia triển lãm với những bức tranh phong cảnh. Đó là những tác phẩm được thực hiện trong những ngày tháng lăn lộn, thực tế để thu lượm vốn sống.
Tĩnh vật hoa của Tào Hương.
Một nữ họa sĩ cũng còn rất trẻ, sinh năm 1977, đến từ Huế là Nguyễn Thị Huệ. Chị đem đến triển lãm những bức tranh về cầu Tràng Tiền, được vẽ theo trường phái ước lệ. Người xem nhìn vào, thấy cầu và thấy cả những giấc mơ huyền hoặc, uyên thâm của đất cố đô đầy trầm mặc. Gần hai chục năm cầm cọ, chị không muốn dừng lại ở những nguyên lý tạo hình tranh lụa đã trở thành mẫu mực, hàn lâm lâu nay. Chị luôn tìm tòi và say mê biểu tả, tạo dựng không gian mới lạ, nghiên cứu về chiều sâu biểu cảm của loại tranh truyền thống đặc thù này.
Một mình một cõi, họa sĩ Trần Thanh Thục đi theo dòng tranh cắt vải, với những sắc màu quen mà lạ bằng cái nhìn tinh tế thấm đẫm trong từng bức tranh về đề tài phố sá và thiên nhiên. Chị là người đàn bà đẹp, sở hữu đôi bàn tay khéo léo và đức tính cần mẫn. Để có mỗi bức tranh, chị phải “vá” bằng hàng nghìn chi tiết nhỏ bé. Giới chuyên môn nhận xét, tranh của Thanh Thục có chất gợi.
Không đề cao lợi nhuận
Họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, thành viên của nhóm đã khẳng định như vậy. Chị và nhiều nữ họa sĩ bè bạn không đặt mục tiêu kinh tế, hay phải bán được bao nhiêu bức tranh. Cũng bởi các chị có tình yêu với tác phẩm, đứa con tinh thần của mình. Các chị không quan tâm đến chuyện sau mỗi triển lãm thì phải bán được bao nhiêu bức tranh. Đó là cái duyên. Mà đã là cái duyên thì cứ để tự đến. Nó đến thì vui, không đến cũng cứ an yên. Phải chăng đó cũng là một trong những nét cá tính của các chị, là sức mạnh sáng tạo từ trong nội tâm, chứ không phải là nhu cầu vật chất?
Bức “Hoa quỳnh” của họa sĩ Lan Hương.
Họa sĩ Bùi Mai Hiên, một lần nữa khẳng định điều đó hoàn toàn đúng. Bởi cứ đặt nặng chuyện kinh tế, lợi nhuận sẽ chẳng thể nào duy trì được dòng cảm xúc để vẽ, để đi theo cuộc chơi nghệ thuật và cao hơn nữa là dấn thân.
15 họa sĩ là 15 phong cách, 15 cá tính hội họa. Họ đều là những họa sĩ với những bút pháp khác nhau, nhưng nói như họa sĩ Hà Khanh, tất cả đều chung một niềm đam mê mãnh liệt với hội họa, vẽ bằng tâm tư tình cảm của mình với những rung động chung quanh để tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và đất nước.
Theo Báo Nhân Dân
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài