Nhiều người từng gọi âm nhạc là “bà mối mát tay” bởi chính âm nhạc đã se duyên cho nhiều cặp nghệ sĩ nên vợ nên chồng. Và cũng nhờ mối duyên âm nhạc này mà nhiều cặp nghệ sĩ đã trở thành những “hiện tượng” trong lòng công chúng bởi sự cộng hưởng mà họ mang lại. Sự cộng hưởng đó chính là sự thấu hiểu và đồng cảm của hai tâm hồn nghệ sĩ qua những tác phẩm âm nhạc họ dành cho nhau.

Vì thế bao năm qua, chẳng ai cố công đi tìm một lời giải thích thật thỏa đáng cho việc vì sao ca sĩ Lê Uyên, Mỹ Linh, Bảo Yến, Mai Hoa, Cẩm Ly… lại hát nhạc do chồng mình sáng tác hay đến vậy. Và càng không ai có thể hiểu vì sao Lê Uyên lại hát nhạc Lê Uyên Phương thật và tình đến thế!

Tìm đến cái chết để được yêu nhau

Danh ca Lê Uyên (tên thật Lâm Phúc Anh) vốn là “cành vàng lá ngọc” của một gia đình thương gia người Hoa giàu có nức tiếng vùng Chợ Lớn (Sài Gòn). Vì gia đình có điều kiện nên cô sớm được cho theo học tại trường Virgo Maria (Đà Lạt) – một ngồi trường Tây học sang trọng dành cho con em của các gia đình quyền quý thời bấy giờ. Chính tại ngôi trường này, cô đã gặp rồi yêu ông thầy dạy Triết và Việt Văn lớn hơn mình 11 tuổi có tên Lê Văn Lộc (tức Lê Uyên Phương sau này).

Lê Uyên và Phương thời rong ruổi du ca với cây đàn guitar.

Lê Uyên kể, lúc lên Đà Lạt học bà ở cách nhà thầy giáo đúng một căn. Trước khi hai người gặp nhau ông Lộc không có ý định lập gia đình vì có một khối u ở ngón tay, ngón chân… (mọi người cho rằng ông bị ung thư xương) có thể ra đi bất cứ lúc nào và ông không muốn để lại khổ đau cho người bạn đời khi mình chết sớm. Tuy nhiên, duyên phận đã đưa đẩy cho họ gặp nhau khi một lần Lê Uyên cùng bạn học đến lữ quán Thanh Niên xem hòa nhạc và bà đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy người nhạc công đang say sưa kéo violon đó chính là người đàn ông có ánh mắt “ám ảnh” bà đã gặp trước đó. Buổi đó họ quen biết nhau và những ngày tháng yêu đương bắt đầu.

Gia đình biết chuyện đã tìm mọi cách cấm Lê Uyên đến với thầy giáo nhưng bà đã tìm cách phản ứng lại bằng việc uống thuốc ngủ để tự tử nhưng gia đình vẫn bắt bà về Sài Gòn khi đang học dở chương trình. Vì không chịu nổi sự sự nhớ nhung nên thầy giáo Lê Văn Lộc thường âm thầm xuống Sài Gòn để gặp người yêu. Đây chính là khoảng thời gian ông sáng tác ca khúc Khi loài thú xa nhau. Sau này, nhất quyết phải đến được với nhau nên Lê Uyên đã chọn cách “có bầu” trước để buộc gia đình bà phải đồng ý cho họ thành đôi.

Những năm của thập niên 70, sau khi đã thành vợ chồng, cặp đôi này lấy nghệ danh Lê Uyên và Phương và trở thành một cặp song ca tình nhân nổi tiếng. Có người miêu tả: “Những năm đầu thập niên 1970, người đời biết đến một cặp song ca với hình ảnh nàng là cô tiểu thư kiêu kỳ với đôi mắt sắc sảo và giọng ca làm cho người nghe như đang nếm cái vị lâng lâng của thuốc phiện. Chàng là lãng tử cao gầy với mái tóc dài nghệ sĩ. Họ xuất hiện cùng nhau trong những chương trình văn nghệ ở các phân khoa đại học Sài Gòn. Đó là Lê Uyên và Phương”.

Đây cũng chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất của cặp đôi này. Nhiều bản tình ca nổi tiếng đã ra đời trong thời điểm này như: Chiều phi trườngKhông nhìn nhau lần cuốiLời gọi chân mâyHãy ngồi xuống đâyVũng lầy của chúng taCòn nắng trên đồiDạ khúc cho tình nhân… Và người hát những ca khúc này đầu tiên không ai khác chính là Lê Uyên và Phương.

Từ tiểu thư đài các thành nữ du ca, danh ca

Lê Uyên chia sẻ, chồng bà sáng tác âm nhạc vì sở thích và tình yêu dành cho nhau. Vì thế, tất cả các tác phẩm âm nhạc ông sáng tác bà thường cảm được rất nhanh. Và chính những tác phẩm âm nhạc của ông đã làm thay đổi cuộc đời bà, biến bà từ một cô tiểu thư đài các thành một nữ du ca sống cuộc đời du mục.

Lê Uyên kể, khi Lê Uyên Phương viết tặng bà bài Tình khúc cho em bà rất thích. Và ông đã chỉ cho bà cách hát và nhắc bà một điều mà đến tận bây giờ bà vẫn không thể nào quên: “Phải hát hết lòng, hát trung thực với chính mình. Thích thì hát, không thì thôi, không hát giả bộ”.

Những sáng tác sau này của Lê Uyên Phương, cứ hễ chồng viết đến đâu thì vợ hát đến đó: “Chúng tôi yêu, viết và hát hồn nhiên, để phục vụ cho tình yêu, cho đời sống thường nhật mà không bao giờ nghĩ rằng chúng tôi thành Lê Uyên & Phương sau này”.

Có người từng nhận xét, nhạc của Lê Uyên Phương kể cả viết về tình yêu thì cũng mang hơi thở lành lạnh của Đà Lạt, có vị cay cay của khói thuốc, có cả sự va chạm trần trụi mang đầy giới tính bản năng của loài người. Vì thế, tình ca của Lê Uyên Phương không ủy mị, trừu tượng và càng không mang vẻ đẹp của thiên tình sử trong đêm trăng, cũng không cao sang trừu tượng như nhạc Phạm Duy. Ca từ trong nhạc của ông khi trần trụi, khi mềm mại, khi nóng bỏng…

Còn Lê Uyên lại cho rằng, những bài hát của chồng bà được viết nên từ những câu chuyện, những tình yêu và những con người có thật. Cả cái cảm hứng mà ông tuôn trào trong bài hát của mình cũng rất thật, nó không hề mơ hồ hay ảo tưởng.

“Dù là những bài hát viết về sự chia phôi chia lìa nhưng trong đó có rất nhiều âm hưởng của sự chấp nhận. Chính vì sự chấp nhận những chuyện trắc trở đó mà trong nhạc cũng như trong đời sống chúng tôi đã sống trọn vẹn với nhau từng giây phút một”, Lê Uyên chia sẻ.

Lê Uyên cho rằng, lúc sinh thời bà và Lê Uyên Phương bên cạnh nhau 24/24 mà không hề thấy chán.

Vì lẽ đó, dù đã hát của rất nhiều nhạc sỹ nhưng chỉ có âm nhạc của Lê Uyên Phương giúp bà cảm nhận rõ nhất về những thứ xung quanh mà thôi. Bà gọi tên cái cảm giác ấy là sự cộng hưởng. Sự cộng hưởng của tình yêu lứa đôi và tình yêu âm nhạc. Sự cộng hưởng của hai tâm hồn tri kỷ suốt một thời gian dài chỉ lo mất nhau. Và nếu không có được sự cộng hưởng ấy có lẽ sự nghiệp âm nhạc của bà đã không kéo dài được đến tận hôm nay hay vươn tới những ánh sáng dài trên sân khấu.

Có người hỏi Lê Uyên: “Bà nghĩ sao khi nhiều người nhận định phần lớn các sáng tác của Lê Uyên Phương là dành cho bà?”, Lê Uyên hạnh phúc trả lời, bà cả thấy hãnh diện, hãnh diện từ ngày xưa. Bởi cứ hễ nói về dòng nhạc của Lê Uyên Phương người ta lại nhắc đến giọng hát của lê Uyên. Sự không tách rời ngoài đời sống lẫn trong âm nhạc đã giúp người yêu nhạc có được những bản tình ca ngọt ngào, say đắm và nồng nàn. Từ lời ca, giai điệu cho đến giọng hát như những giọt mật sóng sánh, có thể khiến cho con người lâm vào cơn “say” của những giấc mộng. Và đó cũng là lý do vì sao bài nào của vợ chồng Lê Uyên và Phương cũng khiến người thấy hay, thấy thích và muốn được nghe.

Lê Uyên trong một chương trình âm nhạc gần đây.

Bây giờ Lê Uyên Phương đã không còn nhưng mỗi khi hát lại các nhạc phẩm của chồng Lê Uyên đều vẹn nguyên sự xúc động. Bà nói: “Bây giờ, tất cả những bài hát của anh khi tôi hát một mình, tôi đều cố gắng hát làm sao để lấp vào khoảng trống còn lại… Khi anh mất đi, tôi khổ sở lắm. Có nhiều đêm 2, 3 giờ sáng tôi ngồi khóc ngon lành một mình. Sự mất mát đó quá lớn. Tôi nghĩ ở nơi nào đó anh không cho tôi đến, anh vẫn làm việc, vẫn sống với tôi. Trong tâm tưởng của tôi, anh vẫn sống để làm việc, để khích lệ mình”.

Thực tế là sau khi nhạc sỹ Lê Uyên Phương ra đi năm 1999 vì căn bệnh ung thư, Lê Uyên lại tìm đến uống thuốc ngủ để được theo chồng nhưng bất thành. Tuy nhiên, phải mất khá nhiều năm Lê Uyên mới đủ can đảm trở lại với sân khấu.

Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)