Phong cảnh Việt Nam nên thơ, hùng vĩ là chất liệu tuyệt vời cho các cảnh quay trong nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới như “Người Mỹ trầm lặng”, “Đông Dương”, bom tấn Hollywood “Pan và vùng đất Neverland” và sắp tới là “Kong: Skull Island”.
“Pan và vùng đất Neverland”
Phim bom tấn Hollywood của đạo diễn Joe Wright là một trong những bộ phim nổi tiếng quay tại Việt Nam. Từ năm 2004, đoàn làm phim đã đến Việt Nam quay định dạng 3D, chụp ảnh tại những địa danh như Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Tràng An (Ninh Bình) để làm tư liệu cho quá trình dựng phim ở hậu kỳ. Các diễn viên diễn xuất trên phông nền và sau đó ghép lại để tạo nên những cảnh phim hoàn chỉnh.
Cảnh nàng Tiger Lily ngồi hướng ra biển cả lấy bối cảnh ở Vịnh Hạ Long
Hang Én biến thành vùng đất Neverland kỳ ảo
Trong phim, cảnh sắc Việt Nam hiện lên thật kỳ ảo, hùng vĩ. Ruộng lúa xanh biếc với dòng sông uốn lượn bên sườn núi ở Tràng An được lấy làm bối cảnh đầm tiên cá trong phim. Những dãy núi đá vôi hùng vĩ của Vịnh Hạ Long chính là bối cảnh của thế giới thần tiên tại vùng đất Neverland. Đặc biệt, khung cảnh ở lối vào và bên trong Hang Én được sử dụng cho phân cảnh dài và quan trọng nhất của bộ phim đó là khi nhân vật chính tiến vào vùng đất mới.
“Pan và vùng đất Neverland” kể về cậu bé Peter 12 tuổi ở trại mồ côi tại London (Anh) bị bắt cóc và đưa tới thế giới kỳ ảo Neverland. Nơi đây chỉ có cướp biển, chiến binh, những nàng tiên và từ đây, Peter rơi vào cuộc phiêu lưu kỳ thú, phải chiến đấu với tên cướp biển Blackbeard để bảo vệ vùng đất. Cuộc chiến này giúp cậu tìm ra sứ mệnh của mình là trở thành một anh hùng.
“Kong: Skull Island”
Phần 2 của bộ phim King Kong sẽ là một trong những bộ phim bom tấn quay tại Việt Nam. Trong “Kong: Skull Island”, bối cảnh ở Việt Nam sẽ được dùng làm quê hương của loài vượn khổng lồ. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng của Việt Nam như hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long, Tràng An, Tam Cốc Bích Động, Khu du lịch sinh thái Đầm Vân Long (Ninh Bình).
Hang Sơn Đoòng sẽ là bối cảnh của bom tấn King Kong 2
“Kong: Skull Island” kể về một đoàn thám hiểm khám phá nơi sinh ra chúa tể các loài vượn khổng lồ, do đạo diễn Vogt-Roberts chỉ đạo và có sự tham gia của các diễn viên Tom Hiddleston, Brie Larson, John C. Reilly, Samuel L. Jackson và Toby Kebbell. Kinh phí sản xuất phim dự kiến 160 triệu USD và Việt Nam là một trong 3 địa điểm quay phim quan trọng nhất, sau khi đoàn đã quay tại Hawaii và Detroit (Mỹ). Hiện đoàn làm phim đã sang Việt Nam và bắt đầu thực hiện các cảnh quay cho “Kong: Skull Island”.
“Người Mỹ trầm lặng”
Bộ phim được đầu tư ngân sách gần 30 triệu đồng với hơn 50% số cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam. Trong phim, phố xá Việt Nam những năm 1950 từ Bắc vào Nam như Hội An, Ninh Bình, Hà Nội, Sài Gòn hiện lên vô cùng ấn tượng và chân thực.
Khung cảnh Việt Nam trong phim “Người Mỹ trầm lặng”
“Người Mỹ trầm lặng” kể về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam và dựng nên câu chuyện tình tay ba giữa một cô gái Việt Nam với hai người đàn ông Mỹ, Pháp. Phim có sự tham gia của diễn viên Michael Caine, Brendan Fraser và Đỗ Hải Yến. Ngay khi ra mắt vào năm 2002, phim được giới phê bình đánh giá cao và được Viện Điện ảnh Mỹ bầu chọn là một trong 10 phim đáng chú ý nhất năm đó. Tài tử Michael Caine được đề cử giải “Nam diễn viên chính xuất sắc” ở Oscar và BAFTA.
“Đông Dương”
Đây là một trong những bộ phim nổi tiếng quay tại Việt Nam lần đầu tiên đưa hình ảnh Vịnh Hạ Long đến với công chúng thế giới. Trong phim, Vịnh Hạ Long được lấy bối cảnh cho một trại lính. Phim còn được quay ở cung điện, lăng tẩm Hoàng thành Huế, tạo ấn tượng cho khán giả về một xứ Huế đẹp cổ kính, trầm mặc.
Nhân vật chính bước đi ở kinh thành Huế
Khung cảnh Vịnh Hạ Long trong phim
“Đông Dương” là tác phẩm của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier, lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp và kể về Éliane Devries, một bà chủ đồn điền cao su người Pháp với những sự kiện xảy ra khi bà sống ở Việt Nam. Phim có sự tham gia của diễn viên Catherine Deneuve, Vincent Perez, Phạm Linh Đan. “Đông Dương” từng giành giải Oscar năm 1992 cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”, còn Catherine Deneuve được đề cử giải “Diễn viên chính xuất sắc nhất”.
“Con gái ông chủ vườn thuốc”
Đây là tác phẩm của đạo diễn Đới Tư Kiệt, do Pháp và Canada sản xuất và được biết đến với tựa tiếng Anh “The Chinese Botanist’s Daughters”. Sau này, bộ phim trở thành một trong những tác phẩm về đồng tính nữ hay nhất đầu thế kỷ 21. Phim kể về mối tình đồng tính của hai cô gái trẻ mắc tội giết cha với bối cảnh là ở vùng núi Trung Quốc nhưng vì nói về chủ đề đồng tính nhạy cảm nên được quay hoàn toàn ở Việt Nam. Trong phim, khung cảnh thiên nhiên ở Sa Pa, Cúc Phương, Tam Cốc, Ba Vì hiện lên thật nên thơ và trở thành phông nền hữu tình cho mối tình đầy oan trái này.
Phim “Con gái ông chủ vườn thuốc” hoàn toàn được quay tại Việt Nam
“Người tình”
Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras kể về mối tình của bà hồi thiếu nữ với một thương gia người Hoa là Huỳnh Thủy Lê ở Nam Bộ Việt Nam cuối thập niên 1930. “Người tình” được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim và có đến 90% số cảnh quay của bộ phim nổi tiếng quay tại Việt Nam.
Hai nhân vật chính trong cảnh phim được quay tại Việt Nam
Miền Tây Nam Bộ hiện lên chân thực nhưng vẫn đầy chất thơ với những khuôn hình được thực hiện ở Sài Gòn, Sa Đéc, Đồng Tháp Mười, Hà Tiên. Phim có sự tham gia của các diễn viên như Jane March, Lương Gia Huy, Lisa Faulkner. “Người tình” được đánh giá rất cao về mặt âm nhạc với giải thưởng “Nhạc phim hay nhất” tại Giải thưởng điện ảnh Pháp Cesar năm 1993. Đặc biệt, nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ) – nơi diễn ra cuộc tình say đắm của hai nhân vật chính hiện nay thu hút rất nhiều du khách nước ngoài đến thăm quan.
Theo Lý Nam – Dân Việt