Trong giây phút xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đứng trên bục cao nhất của đấu trường quốc tế, nhận huy chương vàng Olimpic 2016, cờ Tổ quốc Viêt Nam được kéo lên và Quốc ca Việt Nam vang lên lần đầu tiên trên đấu trường vĩ đại này, tôi vừa nhìn màn hình, vừa rưng rưng nhớ Văn Cao – tác giả của giai điệu hùng khí này.
Văn Cao đến với âm nhạc từ năm 16 tuổi vơi “Buồn tàn thu” mang âm hưởng ca trù. Cũng năm đó, vừa là nhân viên bưu điện Hải Phòng ông vừa viết những phóng sự về đời thợ thuyền lam lũ của thành phố cảng. Những phóng sự của ông qua bàn tay biên tập của Vũ Bằng đã được in trên “Tiểu thuyết thứ bảy”. Chỉ một năm sau ông lại đến với thơ. Hai bài thơ đầu tiên là Ai về kinh Bắc” và “Đêm ngàn” cũng đã được giới thiệu trên báo chí thời đó và được tạp chí Văn ở Sài Gòn trước 30-4-1975 in lại trong một số đăc biệt về Văn Cao.
Cuộc tỏa mình vào luồng sáng nghệ thuật vẫn chưa đủ với Văn Cao. Sau khi người cha thân yêu qua đời, dẫn tới chuyến hành phương Nam với nhiều dằn vặt, ông trở về Hải Phòng với bài thơ “Một đêm lạnh trên sông Huế” và vụt sáng lên một trường ca “Thiên Thai” khi đi hát ca trù trên song Phi Liệt miền Thủy Nguyên lặng phắc những triền đá vôi. Chính lúc ấy ông lại tìm đến hội họa bằng việc lên học lớp dạy vẽ dự thính ở trường Cao đẳng Đông Dương. Chỉ vài năm sau, ông đã rực sáng trong làng văn nghệ Việt Nam với “Suối Mơ”, “Bến xuân” mà Phạm Duy mang đi gieo rắc suốt cuộc du ca xuyên Việt, với bức tranh “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” treo trong cuộc triển lãm mang tên “Duy nhất”, cùng với những bài thơ tìm tòi những ám ảnh siêu thực ấn hành đâu đó…
Nhưng rực sáng cũng chỉ để rực sáng. Cái đói vẫn ám ảnh hàng ngày trong đời thường. Cái đói chung của cả dân tộc nô lệ “một cổ hai tròng” thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chính trong lúc “cùng tắc biến” ấy, được sự giác ngộ của đồng chí Vũ Quý, Văn Cao đã đến với Cách mạng. Mùa đông năm 1944 giá buốt. Nạn đói đã bắt đầu liếm lan vào những làng quê nghèo nàn và rách rưới. Những đoàn người lem luốc lang thang, tha thủi lên Hà Nội, trong đó có cả gia đình họ hàng nhà Văn Cao. Khi đó, Văn Cao nhận được chỉ thị phải viết một hành khúc cho quân đội non trẻ của Mặt trận Việt Minh. Thực tế trên đã đập mạnh vào ý nghĩ và cảm xúc của Văn Cao. Và thế là “Tiến quân ca” đã ra đời trên căn gác nhỏ số 171 phố Mông-gơ-răng (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền-Hà Nội). Ngay sau đó, bản hành khúc đã được đưa lên chiến khu Việt Bắc.
Suốt từ đầu năm 1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Văn Cao hoạt động trong đội danh dự trừ gian. Sau vụ ám sát tên Việt gian thân Nhật là Đỗ Đức Phin nổi danh cả Hải Phòng, Văn Cao lại tiếp tục công việc của một “hiệp sĩ” trên các nẻo đường Hà Nội. Ông không hề biết trong Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn “Tiến quân ca” làm bài ca chính thức của mặt trận Việt Minh. Chiều 17-8-1945 tại Nhà hát lớn hà Nội, khi lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn được thả xuống từ trên nóc nhà, thì cũng là lúc giai điệu “Tiến quân ca” vang lên bởi tiếng đàn Ac-mo-ni-ca do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu trình tấu. Giai điệu đã như một quả bom bùng nổ được ném vào dinh lũy thực dân:
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc
Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…
Từ đấy, “Tiến quân ca” bắt đầu ngấm vào dân tộc để rồi biết đớn đau như da thịt, biết chảy xót xa như máu. Sau Cách mạng Tháng tám, chiều Tuyên Ngôn Độc Lập 2-9-1945, “Tiến quân ca” đã được dàn quân nhạc tấu lên hùng tráng dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên. Đầu năm 1946, trong khi Văn Cao cùng Hà Đăng Ấn đi tàu lửa áp tải tiền và vũ khí vào tiền phương của mặt trận Nam bộ ở Quảng Ngãi, cũng là khi Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhất trí chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam mới.
Trên đường kháng chiến, trước khi dành toàn tâm toàn ý cho văn nghệ, Văn Cao còn nhận chỉ thị lập ra quán “Biên thùy” ở Lào Cai làm tai mắt an ninh, đề phòng quân Tưởng thua trận tràn sang từ Trung Quốc. Làm văn nghệ, Văn Cao vẫn tỏa mình trong cả âm nhạc, thi ca và hội họa. Nếu ở âm nhạc lênh láng một trường ca “Sông Lô”, thì ở thi ca là bài thơ dài “Ngoại ô Hà Nội mùa đông 1946” như một sự nối tiếp của “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”. Còn ở hội họa là bức tranh lập thể về một cậu bé thổi sáo. Ông còn viêt cả tiểu thuyết và kịch. Rất tiếc những bản thảo này đã không được giữ lại. Đóng góp đáng kể của ông và những người đồng chí hướng là cuộc tranh luận “Thơ không vần” ở chiến khu Việt Bắc chính giữa lúc cuộc kháng chiến cam go nhất. Sau hành khúc dự báo cách mạng là “Tiến quân ca” lại đến hành khúc “Tiến về Hà Nội” của dự báo ngày toàn thắng, trở về tiếp quản Thủ đô: Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về… Năm của ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…
Từ khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Văn Cao cũng nhanh chóng vạch mặt những kẻ cơ hội trong hàng ngũ cách mạng trong trường ca “Những người trên cửa biển”. Sự thẳng thắn đó khiến tác giả Quốc ca Việt Nam bị rơi vào một tình thế bất lợi. Ông tìm đến âm nhạc không lời với các tác phẩm độc tấu dương cầm là “Sông tuyến”, “ Biển Đêm” và “Hàng dừa xa”. Bên cạnh đó là những bài thơ được viết chữ nhỏ li ti trong cuốn sổ tay bé tẹo. Ông viết nhạc cho kịch cho phim và vẽ minh họa, làm bìa sách… Ngọn lửa sáng tạo trong Văn Cao chưa bao giờ bị dập tắt. Nó vẫn âm ỉ ngày này qua tháng khác qua những câu thơ, nét vẽ. Và lại bập bùng lên trong bản giao hưởng viết cho phim tài liệu “Anh bộ đội cụ Hồ” của Xưởng phim Quân đội. Cũng thật tiếc do hạn chế của lưu trữ, chúng ta đã không còn nghe được bản giao hưởng này. Tất cả sự âm ỉ ấy đã dẫn ông tới sự rực cháy vào mùa xuân thống nhất năm 1976 qua ca khúc đậm chất nhân bản, tầm nhân loại “Mùa Xuân đầu tiên”: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn….
Ca từ của nhạc phẩm là một bài thơ hay đến se thắt. Có lẽ không hề quá lời khi ta khẳng định rằng, đây là bài hát luôn thức dậy trong hồn ta mỗi độ Tết đến xuân về, kèm theo đó là những bâng khuâng, day dứt về một thái độ sống sao cho xứng với những gì mà cả dân tộc đã phải mất bao nước mắt, máu xương mới giành lại được… Nhưng ca khúc này, sau khi ông qua đời nó mới thực sự được cả dân tộc biết đến, như từng biết “Tiến quân ca”, để rồi đi qua thời gian, càng ngày “Quốc ca Việt Nam” càng khẳng định vị thế của mình trong đời sống chính trị và trong tình cảm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Ngọn gió Đổi Mới đã mang đến một tinh thần mới trong đời sống văn học, nghệ thuật. Từ mùa xuân 1988 – năm Văn Cao 65 tuổi – những đêm nhạc Văn Cao tỏa sáng không gian âm nhạc Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tập thơ “Lá” gồm đa số những bài được ông viết trong thời kỳ “im lặng trắng” đã được Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới ấn hành. Vừa in nhạc, in thơ và minh họa của Văn Cao là tập “Thiên Thai” của Nhà xuất bản Trẻ. Chính trong ấn phẩm quý báu này, người đọc mới biết lý do vì sao Văn Cao viết “Tiến quân ca” qua đoạn hồi ký ngắn của ông.
Văn Cao đã xa cõi đời 21 năm. Nhưng năm nay lại là năm mà cái cụm từ “Quốc ca Việt Nam” bước vào tuổi “Nhân sinh thất thập” với sinh nhật của nó là ngày mà kỳ họp quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc: 6-1-1946. Nhân sự kiện này, gia đình ông gồm bà quả phụ Văn Cao và các con đã thống nhất hiến tặng cho Nhà nước bản quyền “Quốc Ca Việt Nam”. Ý nguyện trọng đại này cũng được tổ chức hết sức trọng đại. Đấy là một cử chỉ đẹp, một cử chỉ “rất Văn Cao” mà sinh thời ông luôn xử sự như thế. Quốc ca Việt Nam là bất tử như Quốc kỳ và Quốc huy. Đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam!
Nhà thơ, nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA