Đồng Nai, nơi các nhà văn Quân đội và Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai mới phối hợp tổ chức trại viết cho các nhà văn Khu vực miền Đông, không chỉ là một vùng đất nặng tình, cửa ngõ Chiến khu Đ Anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi diễn ra trận Xuân Lộc lịch sử mùa xuân năm 1975… mà còn là nơi sản sinh, gặp gỡ của nhiều thế hệ cầm bút tài danh.

Có dịp về đây, bạn sẽ được gặp và đọc lại một Lý Văn Sâm với những cánh rừng âm u, chim kêu vượn hót, cò trắng rừng xanh; một Huỳnh Văn Nghệ với những câu thơ bất hủ:

Ai về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Rồi nữa, là Bình Nguyên Lộc với Đò dọc, Hoàng Văn Bổn (trong ảnh) với Bông hường bông cúc, Tướng Lâm Kỳ Đạt…, trong đó những sự kiện, những cảnh, những người hiện lên một cách chân thực và sống động, đồng thời cũng… “rất Đồng Nai”!

Hoàng Văn Bổn tên khai sinh là Hoàng Văn Bản, sinh ngày 7-5-1930 tại Bình Lợi, xã Bình Long, huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Biên, nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và mất ngày 12-5-2006 tại thành phố Biên Hòa. Là cán bộ cao cấp của Quân đội, trưởng thành từ chiến sĩ, đi qua trọn hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, là nhà văn, nhà biên kịch tài năng và có “đẳng cấp” của văn học và điện ảnh cách mạng; ông thật sự là niềm hãnh diện của quê hương Đồng Nai.

Có một điều thú vị là, trong số những nhà văn mà tên tuổi và văn nghiệp gắn với miền đất này có rất nhiều những người đã từng công tác, từng là công dân một thời của “phố nhà binh” Lý Nam Đế, Hà Nội như: Thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi, nhạc sĩ liệt sĩ Hoàng Việt, nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn Nam Hà, nhà thơ Xuân Sách…

Hoàng Văn Bổn có hơn 50 năm cầm bút với hơn bốn chục cuốn sách. Trong đó có những tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật (năm 2007) như: Trên mảnh đất này, Mùa mưa, Hàm rồng; có nhiều bộ tiểu thuyết đồ sộ như: Bông hường bông cúc, Khắc nghiệt – 4 tập, Nước mắt giã biệt – 4 tập, Miền đất ven sông – 3 tập… và tập tiểu luận Lượm cái hoa rơi cùng nhiều cuốn khác được Giải thưởng văn học Hội Nhà văn, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng, Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.

Văn nghiệp của ông cũng như cuộc đời ông luôn luôn đi sát, đi liền với kháng chiến, với Quân đội và quê hương yêu dấu, nơi có con sông Đồng Nai vơi đầy thương nhớ, kỷ niệm với ông. Sẽ là không đầy đủ nếu nói về Hoàng Văn Bổn chỉ có thế, bởi ông còn là nhà văn nặng lòng và tha thiết với quê hương “Đồng Nai khoai củ”. Ông có câu thơ:

Ơi Đồng Nai quê hương ta đó

Đâu bốn mùa nước đỏ trào sôi

Còn đâu thuở mẹ ta ngồi

Đãi vàng trong cát

Lở, bồi tháng năm?

Đồng Nai sông hỡi sông hời!

Ông còn là nhà văn của các em, rất quen thuộc với tuổi nhỏ những năm 60, 70 của thế kỷ trước với những cuốn sách như Lũ chúng tôi, Tuổi thơ trong làng, Theo dấu chân người xưa và đặc biệt là Tướng Lâm Kỳ Đạt. Cho đến nay Tướng Lâm Kỳ Đạt đã được nhiều nhà xuất bản in đi in lại tới cả chục lần với hàng vạn bản. Cuốn sách này được nhà văn Hoàng Văn Bổn viết một cách thật ngẫu hứng. Hồi ấy, ông chơi thân với nhà văn Phù Thăng, cùng là “dân” phố nhà binh. Một hôm, Phù Thăng bảo: “Tôi thách ông viết một cái gì cho các em; phần tôi, tôi sẽ có Con nuôi trung đoàn!”. Hoàng Văn Bổn nhận lời và xin “giao ước thi đua” với bạn. Đúng bảy đêm sau, Tướng Lâm Kỳ Đạt hoàn thành, dày hơn trăm trang. Theo tác giả thì “tướng” Lâm Kỳ Đạt, nhân vật chính của cuốn sách là nhân vật có thật ở một trường tiểu học thuộc phân khu Tây – Nam Bộ những năm 1953-1954. Đó là một cậu bé 10-12 tuổi nghịch ngợm, gan lì và “khó trị” nhất của bộ phận liên lạc, giao thông mà ngay sau ngày tập kết ra bắc, tác giả còn gặp lại trong một quán cóc ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong truyện, Đạt được xây dựng khác hẳn với đời thường. Đó là một nhân vật “chỉ huy” nhỏ tuổi, gan góc, mưu lược nhưng cũng đầy tình thương bạn bè, quê hương.

Cũng như Lâm Kỳ Đạt, hầu hết các nhân vật nhỏ tuổi trong các cuốn Lũ chúng tôi, Theo dấu chân người xưaTuổi thơ trong làng, Tuổi thơ ngọt ngào, Quê nội xa xôi… đều là những nhân vật có thật hoặc gần như thật mà tác giả đã cùng vui chơi, cùng lao động, cùng chiến đấu và cùng học tập ở quê nhà, trong rừng U Minh những năm ông còn đang tuổi thiếu niên. Nói về Hoàng Văn Bổn, tìm hiểu văn nghiệp của ông, không thể không nhắc tới những đóng góp trong lĩnh vực điện ảnh. Bằng 25 kịch bản phim đã được dựng chiếu, trong đó có những: Trận đầu đánh thắng, Theo bước chân chiến sĩ, Trên mảnh đất miền Tây Tổ quốc, Chiến đấu giữ đảo quê hương, Trận địa bên sông Cấm, Hàm Rồng, Những cô gái C.3 Quân Giải phóng, Lịch sử không lặp lại, Chiến thắng Xuân 75 lịch sử (viết chung),… từng đoạt giải cao trong những liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Trong tác phẩm của mình, Hoàng Văn Bổn đã đưa bạn đọc về một vùng quê, xứ sở phương nam xa xôi nhưng kỳ diệu, về những năm tháng chiến tranh chưa xa. Bắt đầu từ một cái làng (làng Bình Long, tỉnh Đồng Nai) trù phú và yên ả nằm ngay sát con sông Đồng Nai nhưng cũng rất gần với rừng già, với miền đất Chiến khu Đ lừng danh với những sự tích và những chiến công anh hùng như câu ca dao mà có lẽ không mấy ai không biết:

Chiến khu Đ đi dễ khó về

Quân giặc đi mất mạng, tướng giặc về mất lon.

Hoàng Văn Bổn đã rất am hiểu tuổi trẻ thế hệ của ông, rất hiểu thời cuộc và thái độ nhập cuộc của một lớp người đi kháng chiến. Ông ví những cuộc “lên ngàn”, “nhảy núi” như là những cuộc lên chiến khu, những cuộc “Tây tiến” ngoài bắc.

Hôm nay đọc lại Hoàng Văn Bổn còn như thấy hơi thở nóng hổi của chiến tranh, ngồn ngộn chất sử thi, đâu đó thấy thấp thoáng một miền quê “gian lao và anh dũng”, thơ mộng mà rất đỗi anh hùng… Và cả bóng hình một nhà văn – chiến sĩ.

Theo Ngô Vĩnh Bình – Nhân dân

Exit mobile version