Nghe tên làng Quần Tín – cái nôi của nền văn nghệ kháng chiến đã lâu nhưng mãi tới đầu tháng 5 này tôi mới có dịp đến. Cũng may, trong chương trình hoạt động năm 2013 của nhóm hợp tác phát triển văn học, nghệ thuật kinh đô Việt Nam xưa và nay (gồm các hội VHNT các tỉnh thành là Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế) đến “phiên” hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa chủ trì, lãnh đạo hội này đã có sáng kiến đưa văn nghệ sỹ trong nhóm điền dã thực tế sáng tác về các di tích, địa chỉ kháng chiến của tỉnh. Ba ngày ròng rã thăm thú ngắm cảnh, ghi chép tư liệu, gặp gỡ nhân vật, qua năm, sáu huyện, mặc dù “cưỡi ngựa xem hoa” song chúng tôi ai cũng cảm thấy chuyến đi thật bổ ích, ý nghĩa và thiết thực. Đúng là một vùng đất truyền thống cách mạng và văn hóa.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đến Quần Tín. Ai cũng háo hức về nguồn, trở về cái nôi văn nghệ kháng chiến của mình. Trong đầu tôi tưởng tượng về nơi đây khá hoành tráng. Thì các địa chỉ di tích khác của xứ Thanh mà tôi đã qua mấy hôm nay đều thế cả mà. Đền tưởng niệm liệt sỹ đầu cầu Hàm Rồng, bia liệt sỹ và 1000 nữ sinh hy sinh trong trận máy bay Mỹ ném bom năm 1972 bên bờ sông Mã, căn cứ cách mạng cồn Ba Cây, khu khởi nghĩa Ba Đình, tượng đài các cụ dân quân bắn rơi máy bay mỹ ở Hoằng Trường, chiến khu Ngọc Trạo… Bề thế lắm. Quy mô lắm. Nơi nào đến tôi cũng rưng rưng xúc động, cảm xúc trào dâng trước quá khứ hào hùng của lớp lớp cha anh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, vĩ đại của dân tộc. Quần Tín là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nằm bên núi Ngàn Nưa (là huyệt đạo của quốc gia), cái nôi của văn nghệ kháng chiến, nơi sản sinh ra nhiều văn nghệ sỹ cùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng đi cùng năm tháng, chắc chắn sẽ phải hoành tráng rồi. Cứ mang cảm xúc ấy, người tôi lâng lâng trong một sớm đầu tháng năm nắng gió miền trung để về với Quần Tín.
Ngồi trên xe, vừa ngắm cảnh hai bên đường, tôi vừa tranh thủ xem tài liệu về Quần Tín. Đây là một làng thuộc xã Thọ Cường, huyện Triệu Xuân (trước kia là huyện Thọ Xuân). Cái tên Quần Tín có nghĩa là “nơi hội tụ của niềm tin”. Làng nằm ở vùng trung du, đồi núi thấp, xưa kia nơi đây là rừng nguyên sinh, có nhiều cây cổ thụ quý hiếm và nhiều muông thú. Rừng rộng hàng ngàn héc-ta bao la bát ngát cả một vùng rộng lớn miền tây Thanh Hóa. Quần Tín là vùng đất nóng bỏng trong chiến tranh Trịnh – Mạc ở thế kỷ XVII, sôi động với phong trào Cần Vương chống Pháp ở thế kỷ XIX, quật khởi trong cách mạng tháng Tám, 1945.
Đặc biệt, đây là nơi ở tản cư và hoạt động của các văn nghệ sỹ, các học giả nổi tiếng, là cái nôi của Hội Văn nghệ Việt Nam, là khu an toàn cho hoạt động của một số nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của đất nước thời kỳ 1947-1954. Trường văn hóa nghệ thuật đầu tiên được mở ở đây, đó là trường đại học Văn hóa khóa 1 và khóa 2 do thầy Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Các giảng viên tên tuổi như các nhà văn, nhà lý luận Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Hãi Triều, nhà văn Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tôn Quang Phiệt, giáo sư Đào Duy Anh. Các nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn tham gia giảng dạy như cụ Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Tố Hữu, “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn. Rồi các họa sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng như Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim… Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng như: “Màu tím hoa sim”, “Bài ca vỡ đất”, “Đêm nay Bác không ngủ”, “Phá đường”…. (văn học), “Tình quân dân”, Hạnh phúc”, “Du kích Cảnh Dương”…(mỹ thuật). Xưởng in ni-tô của bà Hằng Phương (vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan) đã hoạt động suốt ngày đêm để phục vụ văn nghệ sỹ, phục vụ kháng chiến.
Nhiều học viên của trường đã thành đạt, trở thành những người nổi tiếng trên các lĩnh vực khác nhau. Đó là: Phan Diễn – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Mạnh Cầm – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; giáo sư, họa sỹ Vũ Giáng Hương – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; nhà văn Vũ Tú Nam – Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; Hoàng Trung Thông – Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; Thanh Hương – Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam; các giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Trần Văn Giàu, cùng nhiều nhà văn nhà thơ như Minh Huệ, Cẩm Lai, Lưu Quý Kỳ, Vũ Huyền Sao, Việt Hùng, Việt Hải, Hồng Chương, Nguyễn Hữu Loan, Phan Văn Vịnh… và còn nhiều người nổi tiếng khác nữa. Nhiều gia đình văn nghệ sỹ (Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Thị Kim, Trương Tửu, Nguyễn Xuân Sanh…) đã sống ở Quần Tín. Đây thực sự là cái nôi ươm mầm tài năng cho chính trị, quân sự, văn học và nghệ thuật của đất nước. Đặc biệt, Quần Tín còn là nơi gia đình Hoàng Thân Xu-Va-Nu-Vông sống và làm việc từ tháng 2/1950 đến tháng 2/1951, cũng là nơi hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh – Bí thư Khu ủy khu IV (1948-1949).
Đình, đền, trường làng của Quần Tín trước kia đều là nơi làm việc, nơi ở, lớp học của các nhà văn, nhà thơ, các học giả, chính trị gia. Nhiều gia đình đã tự nguyện nhường nhà, nhường phòng, chở che, đùm bọc, tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ và các chính khách hoạt động. Một vùng đất như thế, chắc chắn những công trình văn hóa ghi dấu ấn lịch sử sẽ phải hoành tráng, ấn tượng rồi.
Thế mà khi đến nơi, tôi thật sự ngỡ ngàng trước cảnh làng quê nơi đây. Thanh bình, yên ả, bình dị như muôn vàn làng quê khác. Không hề có một công trình di tích nào cả. Lãnh đạo xã có mặt đông đủ tiếp đoàn (mặc dù là chủ nhật). Bên ngôi nhà nhỏ lợp ngói tuềnh toàng, tường vách bong tróc người ta dựng tạm một cái rạp như đám cưới, kê những bộ bàn ghế nhựa để đón đoàn. Ai cũng niềm nở, vồn vã đón khách. Nước chè xanh, đĩa trầu cau cùng những cái bắt tay thật chặt như đón người thân lâu lắm mới trở về. Chúng tôi ngồi tất cả trong ba gian nhà nhỏ, số còn lại ngồi ngoài rạp. Chuyện trò rôm rả. Đồng chí nữ bí thư đảng ủy xã giới thiệu đôi nét về Quần Tín. Sau đó, chị đưa chúng tôi thăm các gia đình đã từng chở che, chăm sóc văn nghệ sỹ và các nhà chính trị, học giả năm xưa. Những ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, khiêm tốn rộng cửa đón chào chúng tôi. Nhiều cụ già bồi hồi kể lại những câu chuyện thời văn nghệ kháng chiến. Mong lắm, nhớ lắm. Quần Tín vẫn như xưa.
Qua câu chuyện của nữ bí thư đảng ủy xã, tôi được biết chỉ trong 2 năm 2011-2012, nhân dân xã Thọ Cường, nhất là làng Quần Tín đã có 598 hộ hiến 38.160 mét vuông đất thổ cứ, 18.120 mét vuông tường rào xây, quán và nhà cấp 4 để làm đường xây dựng nông thôn mới, được chủ tịch tỉnh tặng Bằng khen. Địa điểm khu lưu niệm Hội Văn nghệ kháng chiến (làng Quần Tín) đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử cách mạng. Xã đã lập quy hoạch xây dựng nhà bia, khu văn hóa lưu niệm làng Quần Tín. Nhân dân địa phương đã sẵn sàng hiến tặng, đổi đất để xây dựng khu vực này.
Nhiều lãnh đạo, quản lý văn hóa, nhà văn nhà thơ đã trở về đây đã hứa hẹn, đã làm nổi bật vai trò, ý nghĩa của khu di tích lịch sử cách mạng Quần Tín. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Văn hóa tư tưởng trung ương (con đồng chí Hải Triều đã sống và làm việc tại Quần Tín) đã viết: “Quần Tín là địa danh lịch sử cách mạng nên Quần Tín có một nhà bia ghi dấu ấn, xứng đáng cho văn hóa cả nước, làm cơ sở về nguồn cho các thế hệ mai sau mà còn phải là địa chỉ đỏ, một địa chỉ quan trọng về văn hóa và lịch sử của văn hóa trong kháng chiến chống Pháp cần được ghi nhận và phát huy trong thời kỳ tới”. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cũng đã khẳng định: “Việc xây dựng nhà bia là vô cùng cần thiết. Chúng ta phải chung tay xây dựng một khu văn hóa kháng chiến xứng tầm để tri ân cho nhân dân Quần Tín đã nhường cơm, sẻ áo cưu mang các văn nghệ sỹ suốt 8 năm trời. Chúng ta chỉ làm bia lưu danh những người từng đến ở Quần Tín thì chưa ổn. Chúng ta phải nghĩ đến nhân dân, phải có nhà bia, nhà văn hóa xã, khuôn viên cây xanh, có nơi cho văn nghệ sỹ các thế hệ đi về lâu dài trở về cội nguồn của họ”.
Ấy vậy mà, đến bây giờ bia, nhà bia cũng không thấy đâu. Nhà văn hóa, khuôn viên cây xanh lại càng chẳng thấy. Tất cả khu di tích này vẫn ngôi nhà năm ấy, hàng cây năm ấy và con đường năm ấy… Khiêm nhường, lặng lẽ như thời gian trôi. Một địa chỉ văn nghệ kháng chiến bị bỏ quên chăng?
Chia tay chúng tôi, chủ tịch xã Thọ Cường, anh Phạm Xuân Kỷ bắt chặt tay mọi người nói: “Xin các đồng chí, các cấp có thẩm quyền, các ngành chức năng hãy tạo điều kiện cho xây dựng nhà bia lưu niệm, nhà văn hóa để niềm tin mong chờ của chúng tôi sớm trở thành sự thật. Đó cũng là sự thể hiện tấm lòng tri ân thủ đô văn hóa kháng chiến và cũng là niềm tin, niềm tự hào của nhân dân Quần Tín chúng tôi mãi mãi son sắt, thủy chung”.
Tôi và mọi người không ai nói được điều gì và cảm thấy mắc nợ vô cùng với Quần Tín. Đâu chỉ về rồi đi? Đâu chỉ trên những trang thơ, trang văn, bài báo? Hãy để lại Quần Tín niềm tin của hội tụ qua những công trình văn hóa ghi dấu ấn của cha anh – một thời đạn bom, một thời hào hùng đã xây dựng nên một nền văn nghệ kháng chiến, lịch sử cách mạng.
Nguồn: Văn nghệ Trẻ