Vốn có tâm hồn lãng mạn, tâm hồn ấy lại được tắm trong một vùng quê với bóng núi, hình cây, tiếng chim, lời suối, lại có nhiều năm sống ở Sài Gòn, Đồng Nai, chiến khu Đ, cộng với ảnh hưởng của văn học Pháp, Lý Văn Sâm thường có văn phong mượt mà, uyển chuyển trữ tình giàu chất thơ.

Từ phải sang: nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Nguyễn Văn Bổng

và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ở chiến trường Nam Bộ năm 1967

… Đó là: người chiến sĩ cách mạng, người quản lý văn nghệ và nhà văn. Làm quản lý văn nghệ, ông đã lên tới cái ghế quyền lực cao của ngành này: Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – nghệ thuật Việt Nam. ở địa phương là Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai. Là một chiến sĩ được cách mạng giác ngộ, ông đã tham gia treo cờ, rải truyền đơn trong nhà lồng chợ Biên Hòa. Từ năm 1947 đến năm 1950 nhà văn cộng sản Lý Văn Sâm viết văn viết báo ở Sài Gòn. Ông “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tinh thần quật khởi, đả phá chế độ tàn ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Sống vất vưởng rày đây mai đó bằng tiền nhuận bút. Chủ nhà báo, chủ nhà xuất bản nuôi. Chưa viết được thì ứng trước tiền, có nhuận bút thì trừ sau. Cơm dĩa, bánh mỳ, cà phê vợt, thuốc lá loại xoàng, ngủ trên bàn, trên chồng sách báo, ở gác xép… cứ thế sống lay lắt bốn năm trời ở “Hòn ngọc Viễn đông” xung quanh dày đặc, tua tủa bọn mật vụ, bọn lính, lũ phản bội… Nhân vật Grigori của Sô-lô-khốp chỉ ngủ một mắt, một mắt thức để coi chừng đời, Lý Văn Sâm ngủ phải mở cả hai mắt. Hễ động là vọt. Mỗi tuần lễ phải đổi chỗ ở không dưới ba lần, có đêm phải đổi chỗ ở hai lần. Với vóc người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn ông đã trườn trên mái tôn nóng hầm hập, luồn dưới ống cống ngập nước, chạy trong những con hẻm ngoắt ngoéo, lao vào đám đông để trà trộn, nhảy lên xe đò để tẩu thoát. Các bút danh thay đổi liên tục. Hơn chục cái bút danh, nhưng phải quên những bút danh, nếu không đang mơ màng bị bọn công an chìm quát tên bút danh tự nhận là tra tay vào còng số tám. Nhân đây cũng nói thêm một điều. Có nhà phê bình cho rằng Lý Văn Sâm lãng tử viết ra rồi vứt tác phẩm của mình ở đâu không biết, viết để trang trải tâm hồn mình rồi để… cho gió cuốn đi. Thực ra không phải vậy. Trong hoàn cảnh sống và viết ở vùng tạm chiếm không thể cất giữ tác phẩm được. Đang ở nhà này, gửi tác phẩm ở đó, nghe động là vọt. Chủ nhà cũng vọt theo, hoặc bị bắt giữ, thẩm vấn. Ai ở nhà mà giữ tác phẩm đã in, bản thảo chưa in. Việc thất lạc là lẽ đương nhiên. Cũng trong thời gian này ông trở thành cán bộ điệp báo khéo léo khai thác nhiều thông tin cho công cuộc kháng chiến, nhất là thông tin về các nhà văn nhà báo phản động. Năm 1950 Lý Văn Sâm vào chiến khu và sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 ông quay trở lại thành. Với dũng khí và tài năng của mình ông đã bắn một phát đại bác vào chế độ Ngô Đình Diệm bằng truyện ngắn Chuông rung trên tháp đổ. Bút danh Bách Thảo Sương của Lý Văn Sâm bị lộ, ông bị bắt giam ở bót Catina. Tên Chánh mật thám Đỗ Kiến Nhượng trợn mắt gầm lên:

– Một truyện ngắn nguy hiểm. Anh bị bắt vì cái truyện ngắn nguy hiểm đó. Anh biết không? Tại sao anh dám động đến tổng thống của chúng tôi? Anh ở tù rục xương, anh biết không?…

Lý Văn Sâm trở thành cái đinh nhọn đâm vào óc vào tim bọn chúng. Chúng muốn loại bỏ ông nhưng trước hết phải tra tấn dã man để bắt khai hết tổ chức hoạt động và các nhà văn nhà báo cộng sản nằm vùng. Nhà văn của chúng ta vốn vóc dáng mình hạc xương mai phải giơ hai bàn tay xương xẩu ra, thằng ác ôn cao to mập mạp lấy thước kẻ học trò dần xuống bàn tay. Mỗi lần trợn mắt lấy hết sức lực đập xuống hai bàn tay, nó lại nghiến răng đay nghiến: “Cho mày viết Chuông rung trên tháp đổ này. Cho mày viết Thèm một ngọn đèn này, cho mày viết Ngàn sau sông Dịch, Dịch, Dịch, Dịch… này…”. Hai bàn tay tóe máu, chỉ còn thấy trơ xương…

Từ bót Catina Lý Văn Sâm bị đưa về nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa). Đêm 2-12-1956 hơn năm trăm tù nhân nhà lao Tân Hiệp nổi dậy phá khám. Họ tuông chạy từng đám đông sau đó tõe ra từng nhóm. Có những người bị trúng đạn bắn từ tháp canh hy sinh ngay tại chỗ như nhà báo Dương Tử Giang, người bạn văn thân thiết của Lý Văn Sâm. Thuở ấy khu Phúc Hải, Tân Phong còn hoang vu lắm, nhà cửa thưa thớt. Những nhóm người xuyên qua cánh rừng cao su, xé màn đêm, băng qua những hàng rào dây thép gai. Có những chị bị thép gai cào tuột quần, mấy anh nam giới cởi quần dài cho mặc, mấy anh chỉ mặc quần xà lỏn mà chạy. Trên trời máy bay địch quần thảo, kêu gọi, hù dọa. Súng địch bắn xối xả. Những người thoát tù mang trong mình khát vọng tự do khẩn trương tìm đường về chiến khu. Tác giả Chuông rung trên tháp đổ tới mé sông Đồng Nai, khúc ngã ba Bình Ninh. Nhìn ra mặt sông thấy tàu giặc chạy lền sông, ngẩng lên trời từng bầy trực thăng phành phạch lên cao xuống thấp. Chúng sà xuống những dề lục bình rọi đèn săm soi tìm lũ tù nhân nổi loạn, gió xoáy xiết cả một vùng, sóng sông lừng lững nổi lên vỗ liên hồi vào mạn bờ. Trước lũ giặc điên cuồng không thể vượt qua sông được Lý Văn Sâm đành ngậm ngùi dẫn người bạn tù hướng về chiến khu Đ. Chuyến nổi dậy phá khám ấy là chuyến rời thành phố quê hương để rồi mười chín năm sau – năm 1975, Lý Văn Sâm mới trở về trong đoàn quân giải phóng trong cương vị là Tổng thư ký Hội văn nghệ giải phóng…


Nhà văn Lý Văn Sâm

Là con của một ông chủ hầm than, sau khi cha qua đời Lý Văn Sâm đã phải lo cai quản những hầm than do cha để lại. Nhưng ông lại không hào hứng gì trong việc làm ra nhiều than để đốt lên những ngọn lửa cho những xe chạy bằng than mà chỉ hứng thú với việc làm ra chữ nghĩa để đốt lên lòng yêu quê hương đất nước, khát vọng tự do độc lập trong người Việt. Trước cảnh nước mất, nhà tan, đời khổ thế ông cảm thấy bế tắc. “Tuy nhiên, quê hương vẫn nhiều hấp dẫn, con người bị đè nén nên vẫn âm ỉ một sự vùng dậy trong lòng. Sự vật chung quanh nhen nhúm và trang bị cho tôi một triết lý mới, không thể tồn tại như một thứ thảo mộc vô tri. Sống phải có suy nghĩ và hành động… Thế thì tôi làm báo, tôi viết văn. Bước vô cái nghề này coi mòi hợp với năng khiếu của tôi. Không gào thét căm phẫn được thì than thở ngậm ngùi cho vơi bớt những gì đè nặng tâm tư”. Trong bài viết: Truyện ngắn đầu tay của tôi (Báo Văn nghệ Đồng Nai số tháng 7- 1985) ông giãi bày con đường đến với văn chương như vậy. Trong văn chương nghệ thuật ông tự nhận mình “thảy cao đá lẹ”. Viết truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết, làm thơ, soạn cải lương, đóng kịch… ông đều trải qua, nhưng để lại cho ông tên tuổi là văn xuôi. Tác phẩm của Lý Văn Sâm co cụm ở ba mảng đề tài: truyện đường rừng, truyện vùng tạm bị chiếm và truyện kháng chiến. Lý Văn Sâm có hơn mười năm nở rộ tài năng, từ năm 1941 khi ông đăng truyện ngắn Cây nhị Sông Phố trên Tiểu thuyết thứ bảy đến năm 1956 với truyện ngắn Chuông rung trên tháp đổ đăng trên báo Xuân dân tộc. Giai đoạn cao vút trong sáng tác của ông là từ năm 1947 -1950. Thật lạ lùng trong bốn năm sống vất vưởng trong vòng vây bọc của kẻ thù thì tài năng của ông lại nở rộ nhất. Sau năm 1956, Lý Văn Sâm viết ít hẳn, chỉ có một số truyện kháng chiến và những kỷ niệm về bạn bè văn nghệ trong đó khá nhất là truyện Chuyện người thổi sáo ở Bến Xuân. Các sáng tác của Lý Văn Sâm đã hiện lên hình sông, dáng núi, cảnh rừng và nhất là con người miền Đông Nam bộ, đặc biệt là cảnh và người ở hai vùng đất Sài Gòn và Đồng Nai. ẩn dưới lớp vỏ chữ nghĩa là một trái tim của một nhà văn luôn thổn thức với số phận của quê hương, đất nước đang bị giày xéo, luôn lo lắng cho số phận những con người lầm than, bị chà đạp và cao hơn hết là khát vọng giành cho được cuộc sống Độc lập, Tự do, lẽ công bằng. Có lẽ cuộc sống lăn lộn với những người cùng khổ lại được ánh sáng của Đảng soi rọi đã làm trái tim ông giàu có và trong trẻo đến như vậy.

Là một nhà văn có năng khiếu, trải đời, nhiều năm xông pha trong trường văn trận bút Lý Văn Sâm có nhiều kinh nghiệm trong nghệ thuật kể chuyện. Cái tài kể chuyện của ông là chỉ với vài dòng mở đầu đã tạo dựng được không khí truyện, sau đó ông cuốn người đọc vào không khí ấy và diễn biến câu chuyện cùng sự phát triển tính cách nhân vật. Vốn có tâm hồn lãng mạn, tâm hồn ấy lại được tắm trong một vùng quê với bóng núi, hình cây, tiếng chim, lời suối, lại có nhiều năm sống ở Sài Gòn, Đồng Nai, chiến khu Đ, cộng với ảnh hưởng của văn học Pháp, Lý Văn Sâm thường có văn phong mượt mà, uyển chuyển trữ tình giàu chất thơ. Không hiểu sao mỗi lần đọc truyện của Lý Văn Sâm, tôi cứ liên tưởng tới tiếng sáo dìu dặt, bay bổng, âm vang chứa đựng tâm hồn cao đẹp của bác Năm Trừu. Nếu ví von một cách khập khiễng rằng văn học Việt Nam từ những năm 1930 của thế kỷ trước là một dàn nhạc giao hưởng, trong đó mỗi nhạc công chơi một loại nhạc cụ khác nhau, thì Lý Văn Sâm chính là người thổi sáo trong dàn nhạc ấy.

***

Năm 1979 nhà văn Lý Văn Sâm về Đồng Nai nhận chức Chủ tịch Hội văn nghệ Đồng Nai. Anh em nói đùa: “Ăn cơm nhà vác tù và quê hương”. Lương bổng thì ở Hội Văn nghệ thành phố, công việc ở quê hương Đồng Nai. Đến năm 1981 ông có thêm một cấp phó nữa là nhà văn Hoàng Văn Bổn. Hai ông già là cặp đôi hoàn hảo. Chú Hai Sâm thì ở chiến khu ra, chú Chín Bổn tập kết về. Chú Hai một thời oanh liệt, hoạt động tung hoành, tác phẩm gây tiếng vang lẫy lừng trong vòng vây kẻ thù. Chú Chín là người lính một đời xông pha trận mạc, ra hết kịch bản này đến tiểu thuyết, ký sự khác. Về Đồng Nai chú Chín vẫn hăng say”sản xuất” ra nhiều tiếu thuyết, truyện ngắn, bút ký. Chú Hai thì khó khăn hơn lâu lâu mới cho ra một truyện ngắn hoặc một kỷ niệm về bạn bè văn nghệ. Có điều hai ông già đều rất hiền lành, tốt bụng, đôi lúc đến mức cả tin, ngây thơ. Được sự cầm cân nảy mực của hai ông, hoạt động của Hội Văn nghệ khởi sắc thấy rõ. Có lần cao hứng chú Hai khoe: “Một đời người, một đời văn, hai đời vợ, bốn bận tù đày còn được như vầy là ngon rồi”. Còn khu vườn văn tài hoa đầy hương sắc thì ông phủ bằng một tấm vải có tên là Phù phiếm. Cuối đời ông tâm sự với nhà văn Hoàng Văn Bổn: “Tụi mình thật phù hoa và phù phiếm”. Thậm chí khi về hưu chú Hai còn triệt luôn cái danh xưng nhà văn bằng tấm Cac-vi-díc: Lý Văn Sâm. Đảng viên. Hưu trí

Mười ba năm làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai (1979 – 1993) mỗi tuần lên Hội vài ba ngày để giải quyết công việc, nhà văn Lý Văn Sâm ở lại trong căn phòng đơn sơ của Hội. Một cái bàn, một cái giường, vài ba bộ quần áo, dây mai-xo để đun nước là tài sản của chú Hai những ngày ở Hội. Ông ngại ngùng trước những buổi tiệc tùng sang trọng, xa lánh đám đông ồn ào, không thích đao to búa lớn, sống ẩn nhẫn chìm khuất giữa mọi người. Một đời đối mặt với bọn ác ôn, bọn cảnh sát chìm nổi, chịu bao ngón đòn tra tấn dã man, hứng bao nhiêu bom đạn chú Hai không hề run sợ, chỉ sợ những người hay nổ. Chú bảo: Lúc còn trẻ mình sợ nhứt là mấy thằng cha già hay nổ, trời ơi, có thằng nổ văng mạng mà không cần biết người ta có nghe mình nói hay không….

Những năm tháng tuổi già nhà văn Lý Văn Sâm viết rất nhọc nhằn, nhiều khi đến Hội thấy chú ngồi thừ một mình ngẫm nghĩ thấy mà thương. Viết về cái mới thì sao bằng lớp trẻ, viết về cái cũ cũng phải khác đi chứ cứ lối cũ ta về thì ai đọc. Cái thời chú phát tiết tinh hoa chữ nghĩa kéo dài hơn mười năm (1941 – 1956) nay còn đâu nữa. Viết ẩu để kiếm tiền thì tự nhận chìm tên tuổi. Là nhà văn tài hoa, lừng lẫy một thời ông có quan niệm nghiêm ngặt về văn chương và nhà văn. Ông nói với nhà văn trẻ Nguyễn Đức Thọ: “Văn chương có nhiều loại lắm nghe Thọ, văn chương chính đạo là thứ văn khó làm nhất nhưng đó mới chính là con đường nhà văn đeo đuổi. Bây giờ chú muốn viết mà không viết nổi, nghĩ cũng buồn… Đọc lại những cái mình viết trước đây, mắc cỡ thấy mẹ”…

Nét sinh hoạt của nhà văn Lý Văn Sâm mà anh em trong Hội thường gọi tên thân mật là chú Hai cũng có nhiều đặc biệt. Hầu như chú Hai không ăn thịt cá, rau đậu, chỉ ăn đọc món… bột Bích Chi. Năm 1991 đi trại sáng tác ở Long Hải chúng tôi ngồi quanh bàn ăn ê hề các món đặc sản biển, chờ mãi không thấy chú Hai xuống, tôi lần lên phòng thì thấy chú đang xúc bột Bích Chi ăn… như em bé. Quanh năm chú chỉ ăn thứ bột trẻ em ấy mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Giá mà ngày ấy hãng bột Bích Chi phát hiện ra khách hàng như nhà văn Lý Văn Sâm, đưa lên quảng cáo thì thu được lợi nhuận lớn. Chú Hai ghiền cà phê, mỗi ngày hai ba cữ, không kén chọn loại cà phê nào. Uống không nhâm nhi mà theo kiểu người lao động, ực một cái là hết. Chú uống cùng bạn bè kháng chiến, có khi cùng ông Chín Bổn liêu xiêu ra quán gần Hội uống, lúc thì với hội viên, các cháu văn phòng hội, còn thuốc thì gần như liên tục điếu này nối điếu khác, toàn loại thuốc nặng như Đà Lạt, Hoa Mai, những ngón tay xương xẩu ám vàng khói thuốc…

Sau cơn tai biến, nhà văn Lý Văn Sâm trở về thăm quê hương lần cuối trên chiếc xe lăn. Đài truyền hình thành phố làm bộ phim về ông. Người chỉ còn một dúm như chú bé lên mười, miệng méo xệch, ông ngồi trên chiếc xe lăn chầm chậm trôi trên đường phố Biên Hòa. Những con đường, những dãy phố đều in dấu kỷ niệm của một đời người, một đời văn. Phố chợ này là nơi anh Hai Sâm rải truyền đơn, những cánh truyền đơn làm xôn xao cả Biên Hòa. Tòa nhà cao ngất kia là nơi anh Hai Sâm xông vào cướp chính quyền trong niềm vui dâng trào. Ôi, trường tiểu học Nguyễn Du nơi cậu bé Sâm đã học những vần thơ đầu tiên khiến tâm hồn cậu càng bay bổng, lãng mạn. Và đây nữa, đường Cách mạng tháng Tám nơi anh Hai Sâm cùng nhà sử học Lương Văn Lựu mở hiệu sách Sông Phố lúc nào cũng tấp nập người ra vào, anh Hai Sâm vừa bán hàng vừa đọc sách. Là một người đào hoa, anh Hai Sâm có bao nhiêu mối tình giăng mắc trên thành phố này. Có người mê văn anh bỏ cả gia đình để theo, người đang sống bên trời Tây không lấy được anh chỉ mong lúc chết đi được chôn cạnh mộ anh… Xe ô tô đưa nhà văn về quê, chiếc xe lăn len lách giữa những hàng mộ chí để tìm ông cụ thân sinh của ông. Ông bỗng ân hận vì lúc ông cụ còn sống hai cha con hai chí hướng khác nhau nên ít tâm sự cùng nhau. Ô tô đưa ông tới sông Đồng Nai, khúc bến đò Bình Ninh, xe lăn được đẩy tới sát mép nước. Như nhận ra người con yêu của quê hương lâu ngày mới gặp sóng sông vồ vập vỗ vào bánh xe lăn. Ông rửa mặt bằng nước sông như những ngày thơ bé đã rửa. Nhìn đăm đăm về phía xa Lý Văn Sâm đã nhận ra cái làng của mình với vạt mía xanh rì, bắp trổ cờ phất phơ. Ông chợt thấy lạ lùng vì chỉ một khúc sông thôi mà có bốn nhà văn nhà thơ: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn. Bộ tứ văn chương Đồng Nai, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một vẻ. Nhìn xéo lên trên cái làng của mình là cánh rừng bạt ngàn, nơi ngày xưa anh Hai Sâm thường cưỡi ngựa đi thăm các hầm than. Sống giữa núi rừng thâm u, hoang vắng anh chỉ biết trút nỗi niềm vào cây viết và trang giấy. Lặng lẽ nhìn cảnh vật từ đôi mắt nhà văn ứa ra hai giọt nước mắt. Có phải ông đang xúc động hay đang thầm cảm ơn quê hương đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, một chiến sĩ gan góc, trung kiên, một nhà văn tài hoa?…

Dẫu danh xưng đó lúc sinh thời chẳng bao giờ ông chịu nhận.

Nhà văn Lý Văn Sâm sinh năm 1921. Quê quán: Bình Long, Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm nghề lâm sản viết báo, viết văn ở Sài Gòn. Sau 1945 làm cán bộ tuyên truyền tỉnh Biên Hoà. Cán bộ đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Sau 1954 tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn, thư ký toà soạn báo Văn nghệ Giải phóng. Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, ủy viên Đảng đoàn Bộ Văn hoá thông tin thuộc chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Sau 1975, Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 3, đại biểu Quốc hội khoá 6.

Tác phẩm đã xuất bản: Sương gió biên thuỳ (truyện ngắn, 1948); Mười năm hận sử (truyện vừa, 1948); Sau dãy Trường Sơn (truyện dài, 1949); Ngàn sen sông Địch (truyện ngắn, 1988); Tiểu thuyết Lý Văn Sâm (1992) cùng nhiều truyện ngắn khác.

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Nguồn: VĂN NGHỆ SỐ 4/2013

Exit mobile version