BÙI KIM ANH
Khi có Nhà hát nhân dân trên nền xưa của nhà Đấu Xảo Hà Nội, thì tôi là một cô bé quàng khăn đỏ. Tôi nhớ mãi về nhà hát mà tôi đã từng vào xem ngày thơ bé. Say mê lắm dù bị mưa, dù chênh vênh, dù không ít lần rơi dép guốc. |
1/ Khi có Nhà Đấu xảo thì đã có tôi đâu. Thời Pháp thuộc, nhà Đấu Xảo là một trung tâm triển lãm có quy mô lớn nhất ở Bắc Kỳ được người Pháp quy hoạch xây dựng ở Hà Nội từ năm 1887. Dấu vết còn lại của khu vực này hiện nay chỉ còn những bức hình. Từ năm 1902, nơi đây đã trưng bày các sản phẩm tự nhiên hoặc gia công của xứ Bắc Kỳ khi đó. Đấy là tôi nghe bà kể – mà bà kể nhiều vì bà cùng thời với nó. Đấy là tôi nghe mẹ kể – mẹ kể ít thôi nhưng hay hơn vì mẹ biết tiếng Pháp, mẹ biết nhiều chuyện. Sau này tôi đọc sách mà biết lơ mơ. Chỉ biết lúc xưa ấy với người Việt Nam mình thì nhà Đấu Xảo to lắm, lạ lắm… 2/ Rồi đến Nhà hát nhân dân. Ngày ấy phố Trần Quốc Toản chỉ tới phố Trần Bình Trọng là cắt ngang. Một bức tường cao che chắn thành một ngã ba và phía sau đó là Nhà hát nhân dân. Đấy là nhà hát của quần chúng đông đảo. Đấy là một sân khấu biểu diễn ngoài trời vào loại lớn nhất Thủ đô lúc bấy giờ. Vé đi xem ở nhà hát rẻ thôi. Ngày đó mẹ cho tiền ăn sáng chỉ 2 hào thôi, ăn xôi, vừa đi trên hè vắng vừa ăn thư thả tới trường. Đã nhịn ăn sáng, đã ăn ít đi chút – ăn 1 hào bánh vớ vẩn thôi là có thể gom tiền lại mua vé vào nhà hát. Có khi còn được người lớn cho giấy mời đi xem nữa. Nhiều lắm – các đoàn văn công trong nước, các đoàn nghệ thuật của các nước trong khối XHCN anh em sang và biểu diễn. Vé và giấy mời bao giờ cũng ghi – 1 người, không kèm trẻ em, khi đi nhớ mang theo áo mưa. Hay vậy đấy một thời gian khó! Nhà hát nhân dân ấy, đúng nghĩa của nó phục vụ cho quảng đại quần chúng. Toàn bộ phần ghế của khán giả là ngồi ngoài trời nên nếu trời mưa mà không mang áo mưa là chịu ướt. Vui lắm, đang xem mà mưa, nơi sân khấu cứ diễn còn khán giả chùm áo mưa xem. Mưa và gió phần phật. Có lúc, mấy đứa che chung manh nylon bị lật, túm vội vàng mà vẫn bị ướt. Kệ hết. Xem hay và vui chẳng lo ướt át. Có lúc mưa to quá buộc phải ngừng diễn. Người đi xem ào ào về, vui vẻ về chẳng ai kêu ca. Vậy mà thế hệ chúng tôi may mắn được xem những vở diễn kinh điển của nền sân khấu Việt Nam tại đây, như; “Chuông đồng hồ điện Kremli”, “Hòn đảo thần Vệ Nữ”… Những dãy ghế ngồi ở đây, có khu bằng xi-măng, có khu bằng ván gỗ và tạo ra các khoảng trống dưới gầm ghế dãy phía trước. Ngồi xem không cẩn thận mà đánh rơi dép, guốc thì chờ tan diễn rồi chui xuống mà mò. Mò chẳng được đành vứt bỏ, đi chân đất mà về. Những ngày năm ấy toàn đi dép lê, đi guốc là chính. Ra đường mà nhìn mấy chàng đi học nước ngoài về đi xe cuốc, giữa hè nóng bức đi giày đi tất cứ thấy là lạ, nhận ra ngay, thậm chí hơi buồn cười. Những tối đi qua phố Trần Bình Trọng đến đoạn nhà hát nghe vẳng ra tiếng hát, tiếng nhạc rộn ràng là thấy lòng nao nức. Cũng có thể những năm 60 của thế kỷ trước những năm thời chiến đồng nghĩa với việc thiếu vắng những ánh đèn mầu sân khấu ngoài trời, mọi người chỉ được nghe nhạc qua đài phát thanh nên khiến người ta khát khao ánh đèn và sự náo nức của sân khấu chăng ? Khan hiếm quá nên khao khát chăng? Nghĩ đến Nhà hát nhân dân là đến được với nghệ thuật, với âm nhạc hồn nhiên như tuổi thơ tôi. Nói kiểu bây giờ là được xem nhạc sống. 3/ Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô được Liên Xô trước đây giúp đỡ, xây dựng trên nền Nhà hát nhân dân cũ. Cổng chính của cung mặt phố Trần Hưng Đạo. Bây giờ phía ngoài cũng thường xuyên treo kín những tấm pa-nô quảng cáo các chương trình ca nhạc của hàng loạt các sao. Giờ đây, âm nhạc của những “ngôi sao” và sân khấu phải chăng trở nên “cao giá” với biết bao người dù là trí thức hay lao động chân tay? Nhiều chương trình âm nhạc, nghệ thuật dù ở Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, hay sang trọng như ở Nhà hát Lớn Hà Nội, hay rộng rãi như ở sân vận động Mỹ Đình là điều khó nghĩ tới trong nhu cầu sống của nhiều người. Nhà Đấu Xảo, Nhà hát nhân dân, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, cũng gọi là Cung văn hóa Hữu nghị – Hà Nội…, một công trình vật chất, chứng kiến cả một chặng dài đổi thay trên cái nền tảng đạo đức, lối sống. Thị hiếu và “gu” thẩm mỹ cũng đã đổi thay trong sự cảm thụ nghệ thuật, âm nhạc của vài thế hệ người Hà Nội… và đổi thay như tuổi tác mỗi con người. Biết thế rồi mà vẫn giá như – có ngày trở lại một Nhà hát nhân dân cho những ai yêu âm nhạc đều có thể vào thưởng thức… Nguồn: Báo Thời Nay Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |