VIỆT VĂN

Thung lũng Bắc Sơn của Vũ Kim Khoa – đoạt Cúp ảnh Asean 2017 (Triển lãm ảnh Đất nước, con người Asean).

Không thể phủ nhận, những khuôn hình đẹp như thơ đang chiếm ưu thế trong các sân chơi nhiếp ảnh hiện nay tỏ ra rất hiệu quả trong quảng bá du lịch và dễ hấp dẫn thị giác của số đông người xem. Nhưng cũng rất cần (nếu không muốn nói là vô cùng quan trọng) những tác phẩm phản ánh đời sống hiện thực, những đổi thay của đất nước trên nhiều lĩnh vực, mang tính nghệ thuật chứ không phải là tuyên truyền. Tiếc là những bức ảnh có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hàm lượng thông tin báo chí và hình thức thể hiện nghệ thuật còn khá hiếm ở ta.

Thừa ảnh du lịch “long lanh”

Tháng 8-2017, cuộc thi ảnh Việt Nam nhìn từ trên cao do Hội nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa công bố kết quả. Một Việt Nam long lanh và mầu sắc, với bố cục lạ lẫm và đa phần đẹp đến huyền ảo được các nhiếp ảnh gia thể hiện hầu hết bằng Flycam đã đoạt giải cao. Như Mũi Cà Mau của Nguyễn Vinh Hiển (Vĩnh Long, giải Nhất), Cánh đồng muối của Nguyễn Tiến Dũng (Bình Định, giải Nhì), Thu hoạch của Duy Bằng (Long An, giải Khuyến khích)… Trong liên hoan ảnh các khu vực cũng dễ thấy nhiều tác phẩm đoạt giải là nhờ Flycam. Ngay đến Festival nhiếp ảnh trẻ 2017 mới chấm xong cũng có tác phẩm chụp bằng Flycam khá ấn tượng và lọt vào giải. Trào lưu Flycam bùng nổ từ mấy năm trước và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi càng về sau, giá cả máy móc càng hạ và các nhiếp ảnh gia ngày càng thuần thục tay nghề hơn.

Có cơ hội thưởng thức những tác phẩm ảnh Việt Nam đoạt nhiều giải quốc tế ở các mức độ khác nhau, trong các cuộc thi khác nhau sẽ thấy phần lớn (trên 90%) thuộc dạng ảnh du lịch. Đúng như nhiều tay máy ngoại quốc khi đến nước ta đã nhận định: Việt Nam là đất nước sinh ra để chụp ảnh.

Mấy bà, mấy chị vá lưới với mầu sắc xanh đỏ từng được chọn cho cuộc thi ảnh môi trường Ciwem (Anh) của Tuyết Mai như một khởi đầu cho “nhà nhà” đi chụp vá lưới từ Phan Thiết đến Bạc Liêu… Rồi ảnh dạng này lại tung hoành ngang dọc, giành chiến thắng tại nhiều sân chơi ở Smithsonian (Mỹ), Priofy (Australia) và các cuộc thi của FIAP ở châu Âu… Hay như cảnh đánh cá trên hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) với mấy cái lưới mầu vàng in bóng mặt hồ, ngư dân chèo thuyền lững lờ chung quanh trong màn sương mù bảng lảng cứ ào ạt vào triển lãm, vào giải, đến độ có những bức ảnh giống hệt nhau như được “nhân bản”, gây xôn xao dư luận dạo nào. Ảnh ruộng bậc thang thì chưa bao giờ là cũ. Rồi ảnh đồng muối, từ gánh muối đến đổ muối, từ bình minh đến hoàng hôn nhiều năm nay vẫn cứ hiện diện.

Đẹp không? Đẹp lắm, lãng mạn lắm nhưng xem nhiều quá hóa nhàm. Nó chỉ ăn ở sự lạ, mà một trong những tiêu chí quan trọng của nhiều giám khảo quốc tế khi chấm giải là ghi nhận cho cái họ chưa nhìn thấy bao giờ. Trong các thể loại ảnh du lịch thì yếu tố “lạ” chính là sự khám phá một vùng đất mới. Ý nghĩa của nơi chốn, khả năng phát hiện và ghi lại những sinh hoạt văn hóa, nét đặc sắc trong cuộc sống người dân bản địa luôn được đặt lên hàng đầu. Càng mông muội, càng hoang sơ càng dễ gây chú ý. Và nhất là cái hoang sơ đó có nguy cơ biến mất vĩnh viễn trong thời đại công nghệ số thì lại càng đáng tôn vinh. Thế nên còn nhớ dạo nào, chân dung người dân tộc thiểu số ở vùng cao, ở Tây Nguyên, ở Tây Bắc trong trang phục dân tộc truyền thống, với nét hoang dã đầy bí ẩn và đôi mắt luôn mở to tròn giàu cảm xúc, đã trở thành một trào lưu “sáng tác” ảnh thời thượng.

“Bội thực” photoshop

Việc xử lý photoshop tràn lan đang là một vấn nạn trong nhiếp ảnh Việt. Có lẽ nỗi ám ảnh chạy theo vẻ đẹp hoàn hảo bằng mọi giá luôn khiến các nhiếp ảnh gia “ngứa ngáy”, từ đó hình thành thói quen can thiệp bằng công nghệ mọi nơi, mọi lúc.

Bao năm qua, cuộc thi nào cũng xuất hiện những tác phẩm tăng nét đến rạn ảnh, tăng mầu đẩy độ rực rỡ đến nhức mắt… Và buồn hơn, ngay trong một số cuộc thi cấm xử lý photoshop quá đà (như cắt ghép, thay phông nền, xóa bớt, thêm vào các chi tiết trong ảnh…) thì một số thí sinh vẫn cố tình vi phạm. Rất nhiều những bức ảnh chụp con thuyền đánh cá giữa cơn sóng dữ, giữa cơn bão lớn đều là bão photoshop, còn hình ảnh chụp thực lại là cảnh biển lặng, sóng yên. Thậm chí, họ còn xử lý ngày một tinh vi hơn, khiến mắt thường nhiều khi khó phát hiện ra.

Trong Festival nhiếp ảnh trẻ lần thứ 2-2017 (sẽ triển lãm vào tháng 10 tới đây), Ban tổ chức đã phải thẳng tay loại bỏ một số bức ảnh vì xử lý photoshop nặng nề khi thí sinh được yêu cầu nộp file gốc. Sự gian dối ở các tay máy trẻ là điều thật khó chấp nhận.

Còn với các tay máy có thâm niên thì chuyện xử lý photoshop cho ảnh đẹp hơn, lung linh hơn là đương nhiên. Có tay máy đi chụp luôn tính toán trước, để chụp mảng này ghép mảng kia, lắp cái này vào góc nọ, về xử lý ảnh mất cả tháng trời. Một năm chỉ cho ra lò mấy tác phẩm, nhưng hầu hết đem đi đâu thắng đó, dù chủ yếu là những cuộc thi ảnh quy mô nhỏ ở Hồng Công (Trung Quốc), Malaysia… Có những cuộc thi mà nhìn vào tác phẩm đoạt giải chợt nhận ra, đó không phải là sân chơi của những “photographer” mà là cuộc đấu của “photoshopgrapher”.

Giản đơn trong cách thể hiện

Sự phát triển cùng những thách thức của cuộc sống hôm nay được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: vấn đề phát triển và môi trường, vấn đề nông thôn mới, đô thị hóa hay sự bùng nổ của công nghệ dẫn tới hàng loạt thay đổi lớn lao, cuộc sống của người trẻ hôm nay với bao niềm vui, trăn trở…. Tiếc là tất cả những vấn đề thời sự đó hiếm khi xuất hiện trong các cuộc thi ảnh. Loanh quanh vẫn chỉ là những bức ảnh phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường đẹp, dễ thương nhưng nhiều khi xem xong là quên ngay.

Cũng có những tác giả âm thầm đi theo thực hiện những chuyên đề ảnh, dự án ảnh mang tính hiện thực báo chí mạnh mẽ nhưng số này không nhiều. Nhiều bức ảnh báo chí hiện thực xuất hiện trong các cuộc thi thì đa phần vừa thiếu thông tin, vừa chọn cách thể hiện còn giản đơn.

Việc dàn dựng – thế mạnh của nhiều tay máy Việt Nam nhiều khi lại trở thành con dao hai lưỡi, khi khả năng nhạy bén, phản xạ ảnh kịp thời để bắt lấy những khoảnh khắc đắt giá trong cuộc sống bị bào mòn. Cuộc thi ảnh báo chí quốc gia năm nay là một minh chứng, khi cả ảnh đơn và ảnh bộ đều thiếu những khoảnh khắc vàng ấn tượng. Và vì thế, quá thiếu những bức ảnh sống động, tự nhiên, được chụp rất nhanh và nắm bắt được khoảnh khắc quyết định.

Ngoài ra, ít tay máy có khả năng xây dựng những dự án ảnh dài hơi. Việc theo đuổi những dự án nhiếp ảnh kéo dài nhiều năm cũng chỉ dành cho số rất ít tác giả. Thậm chí, cách triển khai thực hiện bộ ảnh sao cho ấn tượng, đạt chất lượng cao là thách thức với nhiều nhiếp ảnh gia.

Từ thực tế nhiều sân chơi, có thể nhận thấy chất lượng ảnh bộ ở ta còn yếu. Yếu từ cách kể, cách kết cấu bộ ảnh sao cho mạch lạc, thống nhất (có ảnh dẫn dắt, rồi có ảnh “đinh” trong bộ). Phần nhiều ảnh bộ chỉ là những tác phẩm đơn rời rạc, lẻ tẻ được sắp xếp cơ học thành ra xem riêng còn được, để chung rất dở. Những góc chụp na ná nhau, xoay quanh một bố cục ít sáng tạo là hiện tượng thường gặp và vì thế, dấu ấn lẫn dư âm để lại là không có, chẳng khác gì ném một hòn sỏi xuống nước mà không tạo nên được những vòng tròn đồng tâm.

Một kỹ năng rất cần cho các nhiếp ảnh gia hôm nay là phải biết diễn đạt thành thạo, rành mạch ý tưởng của mình. Tiếc là việc viết chú thích, lời dẫn giải cho tác phẩm nhiều khi còn quá sơ sài, thậm chí cẩu thả, chung chung.

Mệnh đề “nhiếp ảnh Việt Nam thiếu vắng hơi thở đương đại”, vì thế vẫn là một câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết!

Nhà nhiếp ảnh lão thành Quang Phùng, người từng đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” (năm 2013) nói: “Tôi không quan tâm cái đẹp của nghệ thuật bằng cái thật của thân phận”. Theo nhiếp ảnh gia Duy Anh (Tiền Giang), thành viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: “Các tay máy trẻ chịu khó săn lùng, siêng năng leo trèo và hết mình với đam mê nhưng ý tưởng cùng sự độc đáo chưa thấy xuất hiện. Và điểm yếu vẫn là thiếu ý tưởng, thiếu sự đột phá trong ánh sáng trong bố cục… Rất nhiều ảnh đẹp, sắc sảo, đoạt nhiều giải trong nước và quốc tế nhưng có cảm giác quen quen như đã thấy đâu đó rồi”.

Nguồn: Báo Nhân Dân Hàng tháng

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài