Năm 2012, Tạp chí Teksty Drugie, dưới sự tài trợ của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan, đã xuất bản một ấn phẩm đặc biệt, bằng tiếng Anh, công bố những tiểu luận của giới nghiên cứu hàn lâm Ba Lan xoay quanh chuyên đề Nhân học trong nghiên cứu văn chương(Anthropology in literary studies)(1). Đây có thể coi là ví dụ điển hình cho thực tế đã có những chuyển hướng mạnh mẽ trong nghiên cứu văn chương mà tính chất liên ngành, hay cụ thể hơn, việc tìm hiểu văn học từ các tri thức nhân học, đã không còn quá xa lạ, thậm chí, đang trở nên rất phổ biến đối với các nhà khoa học nhân văn trên thế giới. Trong lời dẫn nhập, Grzegorz Grochowski, thành viên hội đồng biên tập, khẳng định: “Dĩ nhiên, mối liên hệ giữa hai lĩnh vực này (nhân học và nghiên cứu văn học đương đại) không phải là điều bất ngờ đặc biệt hay mới mẻ hoàn toàn”.

Bộ ba liên đới: nhân học, văn hóa và văn chương

Những căn nền mang tính nhân học trong phân tích văn học, theo G. Grochowski, đã thực sự sáng tỏ ở loạt khái niệm của M. Bakhtin, người thực hiện một sự diễn dịch rất rộng về văn chương, tìm kiếm chúng trên tất thảy các dấu vết của một tập hợp nhận thức về thế giới. Hầu hết các lĩnh vực trong trước tác của ông, từ phong cách, quan niệm về các thể loại của lời nói, những mô tả về cải trang hóa (carnivalisation), lí luận tiểu thuyết, đến triết luận về đối thoại, đều đồng dạng thức trường khái niệm về tính nhân văn và văn hóa, đều làm cho sáng hiểu và bổ sung đầy thêm với mỗi khái niệm khác. Truyền thống kết hợp văn chương và nhân học được duy trì khá thường xuyên ở Pháp, như G. Grochowski chỉ ra, thể hiện trong sự kết hợp từ lí thuyết ngôn ngữ, văn chương của Roman Jakobson và tri thức nhân học, dân tộc học của Claude-Lévi Strauss, hay về sau, trong những khám phá của René Girard, Roger Caillois, và Georges Bataille(2). Ngày nay, trong những phân tích về văn hóa đại chúng, các dữ nguồn nghe nhìn, sức hút du lịch hay các hoạt động biểu diễn, ta có thể thấy rất nhiều khía cạnh ở chúng đã được tham chiếu từ một phần trong tiểu luận của I. Lotman và các hình thức đời sống xã hội ở Nga, của R. Barthes về những huyền thoại của giai tầng tư sản Pháp hay của U. Eco về những móc nối dị biệt của nền giải trí Mĩ.

Mối liên đới giữa nhân học và văn chương không phải bỗng nhiên mà thành và trong quá trình tạo dựng sự nối kết hai lĩnh vực cũng đã có không ít những bất đồng về quan điểm. Ngay trong khái niệm nhân học (anthropology), theo nghĩa hẹp nhất, là khoa học về con người, đã kéo theo một lịch sử lâu dài nhiều hoạt động và lĩnh vực liên quan. Nhìn vào diễn giải của Bách khoa thư nhân học văn hóa và xã hội (Encyclopedia of social and cultural anthropology) thì anthropology liên quan chặt chẽ với khảo cổ học (archaeology), địa chí (geography), dân tộc chí (ethnography), xã hội học (sociology) tùy thuộc những mức độ, ngữ cảnh khác nhau. Chẳng hạn, với khảo cổ học, theo M. Dietler, đã từng có thời gian người ta cho nó là “thì quá khứ của nhân học văn hóa” nhưng trên thực tế, mối quan hệ giữa nó với nhân học văn hóa – xã hội là hết sức phức tạp và rộng lớn. Ở Mĩ, các trường đại học thường cho rằng khảo cổ học là một trong bốn ngành hoặc là ngành tương hỗ (cùng với nhân học văn hóa – xã hội, nhân học sinh thái – thể chất, nhân học ngôn ngữ) tạo nên khoa nhân học. Trong khi ở các trường đại học châu Âu, khảo cổ học lại tồn tại riêng rẽ trong các khoa, viện khảo cổ (hoặc sơ sử và tiền sử). Tuy nhiên, “sự đóng góp của nhân học văn hóa – xã hội đối với khảo cổ học là đa dạng và quan trọng”(3). Với dân tộc chí, nhân học sẽ dựa vào những ghi chép, mô tả và những kết quả điền dã của nó để tiến hành nghiên cứu một cách hàn lâm hơn đời sống con người trong những ngữ cảnh văn hóa – xã hội khác nhau. Với xã hội học, nhân học cùng chia sẻ một số tri thức chung của các bậc thầy, đặc biệt là K. Marx, M. Weber và E. Durkheim. Bằng cách liên đới như vậy, nhân học, từ chỗ chỉ bó hẹp ở những mô tả đặc điểm hình dạng con người tự nhiên, đã dần lấn sang các khám phá về bản chất con người trong các điều kiện sống dị biệt, nhằm thỏa mãn tham vọng miêu tả con người theo nghĩa rộng nhất. Các nhà nhân học, giờ đây, không loại trừ bất kể một chủ đề nghiên cứu nào, từ tôn giáo, nghệ thuật, giới, chiến tranh, sinh thái, quan hệ chủng tộc, thân tộc, ngôn ngữ, quốc gia và nhà nước, đến chơi đùa, chiến lược sinh kế, truyền thông, du lịch, lương bổng, đau ốm, bệnh tật, khoái cảm…(4) Diện nghiên cứu càng lớn, hay chính xác hơn, tính toàn diện (holistic) càng rõ thì nhân học, trong tư cách là kẻ trầm tư về những câu hỏi lớn của sự sống, cái chết, công lí, quyền lực…, càng chỉ ra rành rẽ và thông hiểu thấu suốt tính duy nhất và tính riêng biệt của con người.

Tính toàn diện của nhân học thể hiện trong việc dựa trên sự nghiên cứu tổng thể về thực trạng nhân sinh (human condition): quá khứ, hiện tại và tương lai; sinh học, xã hội, ngôn ngữ và văn hóa. Do đó, nhà nhân học cần đến sự tìm kiếm của nhiều lĩnh vực khác nhau để nghiên cứu con người, và cố gắng đưa ra một bức tranh hoàn thiện về đời sống nhân loại. Với tư cách là một yếu tố trong hệ thống, văn học đem lại chứng từ quan trọng để nhà nhân học tri nhận, cung cấp thêm cái nhìn đa chiều về con người. R. Barthes từng cho rằng nhân học là một chi nhánh của hệ hình tri thức, cùng họ hàng với văn chương tại những điểm cao nhất. Theo ông, giữa tất cả những diễn ngôn trong lịch sử, diễn ngôn nhân học gần gũi nhất với văn xuôi(5). Ở cấp độ khác, các lí thuyết nhân học có sự song hành rất chặt chẽ với các lí thuyết văn chương. Trong thế kỉ XX, lí thuyết khoa học nhân văn tự nó không co rút vào một biên giới thu hẹp. Càng về sau, mức độ giao thoa của lí thuyết càng lớn, hay chính xác hơn, như nhận định của nhà nhân học Roy Ellen rằng “đây chính là một thế giới mới đầy dũng cảm của sự tạp hôn lí thuyết”(6). Sự gần gũi, phóng chiếu lẫn nhau giữa các lí thuyết trong nhân học và văn chương dẫn đến việc phê bình văn chương là quá trình chia sẻ các khái niệm chung. Các lí thuyết phê bình văn học về “cổ mẫu”, “huyền thoại”, “nghi lễ”, “biểu tượng”…, theo J. Schlaeger, có thể coi là “khúc ngoặt nhân học” trong nghiên cứu văn chương(7). Một cái đọc mang tính nhân học, như vậy, là một khả thể đầy cám dỗ đối với giới học giả văn chương.

Nhân học văn hóa (cultural anthropology), một trong hai lĩnh vực chính của nhân học, tỏ ra đầy ưu thế tích hợp với khoa học văn chương. Từ chủ trương nghiên cứu văn hóa và xã hội của nhân loại, nhân học văn hóa hướng đến sự mô tả, phân tích, tường minh và giải thích sự tương đồng và dị biệt trong mỗi nền văn hóa, xã hội để có được sự miêu tả kĩ lưỡng con người. Với các nhà nhân học, văn hóa không hạn định ở giới tinh hoa hay một bộ phận xã hội riêng lẻ. Tất cả mọi người đều đạt đến văn hóa thông qua thâu nhập văn hóa (enculturation), một tiến trình cho phép văn hóa được truyền dạy (learned) và chuyển dịch (transmitted) qua nhiều thế hệ(8). Chính nhờ quan điểm rất nhân văn này mà nhân học văn hóa có thể huy động cùng lúc các tập hợp dữ liệu, từ kinh tế, chính trị, tôn giáo, ngôn ngữ, văn chương nghệ thuật để tìm hiểu tỉ mỉ con người trong tư cách một cá thể, một nhà sản xuất xã hội, một kẻ sáng tạo lịch sử và văn hóa. Ở đây, định nghĩa và diễn dịch văn hóa của C. Geertz, người có ảnh hưởng rất lớn đến giới nhân học, đã tác động trực tiếp vào các bộ môn chú giải học, kí hiệu học và phê bình văn cảnh. Theo Geertz, văn hóa là một hệ thống biểu tượng và mang nghĩa (meaning), “văn hóa của mỗi dân tộc là một tập hợp các văn bản”(9) nên một hành động đọc bao giờ cũng là một sự diễn dịch, giải thích những thông tin mà tác giả muốn hàm ý. Nghiên cứu văn học, trong cảm hứng đọc sâu, là nhu cầu phân tích các văn bản được gài cắm, hội thấu ở tác phẩm, nơi mỗi sự kiện văn hóa, xã hội được mô tả có thể nói lên bản chất ngữ cảnh sống của con người. Bởi vậy, một diễn giải văn hóa trong văn chương, khác với văn hóa học thiên về nghiên cứu sự đa dạng văn hóa (cultural diversity) và lấy các yếu tố và biểu hiện văn hóa làm trọng tâm, lại chủ yếu truy tìm các ý nghĩa văn hóa đã xây dựng con người thực sự trong tính duy nhất, riêng biệt. Về thực chất, sự diễn giải này có thể là một sự thu nhận những thu nhận khác, một sự đọc những cái đọc khác.

Mối quan hệ hai chiều giữa nhà văn và nhà nhân học (anthropologist) cũng là một lí do để nhân học văn hóa trở nên thuyết phục khi đi vào nghiên cứu văn chương. Trong nhiều bàn luận về “nhân học như là văn chương hay tính văn chương của nhân học”, “nhân học hóa về nghiên cứu văn chương” thì giả định nhà văn như là nhà nhân học, nhà nhân học như là nhà văn, nhà thơ thu hút được sự chú ý rất lớn(#10). Không phải ngẫu nhiên mà một số thể loại văn học như tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết du hành, tự truyện… hoàn toàn có thể coi là những ghi chép dân tộc chí vì tính chất hiện thực được thể hiện trong đó. Đương nhiên, nhà văn không bị ép phải dính chặt với chuẩn chân thật trong mô tả. Theo Erickson, “tinh thần hiện thực có thể là mục đích của nhiều nhà văn hư cấu nhưng nó không bao giờ ngang bằng với sự mô tả chính xác (của nhà nhân học)”(#11). Song trước một văn bản văn chương, câu hỏi “nhà văn đã nghiên cứu con người” như thế nào khiến người đọc có quyền đặt nhà văn vào vị trí kẻ quan sát/tham dự/diễn giải – nghĩa là vị trí của nhà nhân học.

Thực tế ở Việt Nam: kết quả và cơ hội phía trước

Tuy việc giới thiệu nhân học văn hóa như một lí thuyết có phần thiếu hệ thống, nhưng giới nghiên cứu văn học Việt Nam đã nhận thấy đây là một tiếng gọi mới mẻ, hấp dẫn. Tiếng gọi này trước hết được bắt nguồn trong xu hướng nghiên cứu văn học từ văn hóa, với mức độ phổ biến ngày càng tự giác cao và thu nhiều kết quả đáng kể, đang trở nên không thua kém so với các khuynh hướng nghiên cứu văn học từng tồn tại trước đó. Bên cạnh các lí thuyết cấu trúc, giải cấu trúc, tự sự học, hậu hiện đại, nữ quyền luận, diễn ngôn… vốn đã có vị thế vững chắc nhờ tập hợp được số đông theo đuổi triển khai, thì về cơ bản, từ giữa thập niên 1990 trở lại đây, nghiên cứu văn học từ văn hóa bắt đầu nổi lên như một quyền lực mới, tạo ra sự chuyển dịch rộng hơn trên bình diện lí thuyết phê bình văn học: đi từ tiếp cận bên trong văn bản, coi văn bản có độ tự trị khép kín cao (nội quan) đến đặt văn bản trong các hệ quy chiếu ngoài văn bản (ngoại quan). Điều này dẫn đến hệ quả là, tuy không gọi thẳng tên, nhưng các nghiên cứu văn học từ văn hóa đã bao hàm các thao tác, góc nhìn nhân học văn hóa mà ở đó, sự mờ nhòe nhất định giữa nhân học văn hóa và văn hóa học có thể hiểu là vì quan điểm về sự tương tác đa chiều của văn hóa đối với văn học, nơi các văn bản văn học hoàn toàn chấp nhận được giải mã bởi nhiều văn bản tri thức khác nhau, nhằm thông hiểu các lớp nghĩa văn bản thấu triệt nhất. Đặc điểm này có thể thấy trong các công trình Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995) của Trần Đình Hượu, Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam (1995) và Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ (2010) của Trần Ngọc Vương…

Có lẽ Đỗ Lai Thúy là người đầu tiên nhắc đến thuật ngữ và phần nào tiếp nhận tinh thần của nhân học văn hóa. Trong công trình Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực (1999), sau khi đề cập đến các phương pháp tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương đã từng tựu thành, Đỗ Lai Thúy đề ra “đường đến nhân học văn hóa”(12). Tuy không giải thích nội hàm cũng như bộ khung lí thuyết của nhân học văn hóa, nhưng qua những gì tác giả diễn giải, đặc biệt là mô hình tiếp cận (thơ Hồ Xuân Hương -> văn hóa dâm tục -> tục thờ cúng phồn thực -> tín ngưỡng phồn thực), có thể thấy đây là cách nghiên cứu văn học từ văn hóa trên nền tri thức dân tộc học, nhân học. Công trình này không chỉ mang lại một cách đọc mới về Bà chúa thơ Nôm mà còn cho thấy lợi thế của phương pháp liên ngành trong nghiên cứu văn học khi nó cho phép tác giả phục dựng được hồ sơ kí ức, tâm thức cộng đồng và đặt lên văn bản thơ ca để nhận ra hành trình sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ. Người thứ hai đề cập và dừng lại lâu hơn trong việc giới thiệu, ứng dụng nhân học văn hóa để khảo cứu văn chương là Trần Nho Thìn, với công trình Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa. Theo tác giả, văn hóa học “chủ yếu nghiên cứu những giá trị văn hóa đã được cả một cộng đồng nhất định thừa nhận, đã được đúc kết qua những châm ngôn, tục ngữ, những kinh sách, những tập tục khá phổ biến”, còn nhân học văn hóa “chủ yếu mô tả sự trình diễn, sự biểu hiện của các quan niệm văn hóa trong đời sống hiện thực với phương pháp khảo sát điền dã, quan sát thực địa hoặc thông qua các tài liệu khảo cổ học, thư tịch ghi chép có tính chất miêu tả thực địa”(13#). Những kiến giải về bi kịch tinh thần của nhà nho Việt Nam với tính cách là một nhân vật văn hóa hay xem xét thế giới nhân vật Truyện Kiều dưới phạm trù thân – tâm hoặc phát hiện “cái tôi” tác giả trong thơ trung đại…, nhìn chung, là tiêu biểu cho quá trình “dịch thuật” các ý nghĩa văn bản văn học trung đại khi tác giả vận dụng nhân học văn hóa.

65170 1313862203


Thiển nghĩ, dạng thức sơ khai của nhân học văn hóa trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam hẳn phải ra đời sớm hơn, từ trước 1945, trong các tiểu luận của Phạm Quỳnh mà nổi bật là Người nông dân Bắc Kì qua tiếng nói bình dân, viết bằng tiếng Pháp năm 1929, xuất bản năm 1943, hay công trình Kinh Thi Việt Nam (1940) của Trương Tửu, và xuất sắc, có tính kinh điển hơn cả là công trình Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam (1934) của Nguyễn Văn Huyên.

Là trí thức Tây học và có quãng thời gian làm thông ngôn Viện Viễn Đông bác cổ, Phạm Quỳnh tinh nhạy nắm được phương pháp nghiên cứu địa lí nhân văn để tìm hiểu lời ăn tiếng nói của người nông dân Bắc Kì, nơi vào thời điểm đó vẫn được coi là tiêu biểu cho tính cách Việt vì chưa bị văn hóa mới xâm thực. Coi ca dao, tục ngữ, dân ca là dữ kiện, Phạm Quỳnh đã cắt nghĩa rất tài tình các luật tục, lễ hội, và nhất là “tâm hồn người dân quê”(14). Cũng một cách làm tương tự nhưng thiên về phân tích khoa học, Trương Tửu đã đi xa hơn khi khảo đời sống xã hội và đời sống tâm lí người Việt được ẩn tàng trong ca dao, tục ngữ, thứ “thi ca bình dân” theo quan niệm của ông. Những phân tích dân tộc học về gia tộc phụ hệ (phần thứ Hai, chương III), về chống nam quyền (chương IV), về đời sống bản năng (chương VI)…, theo tôi, là hết sức quan trọng để nhận thức lại truyền thống. Kinh Thi Việt Nam đã “chứng thực cái tinh thần cốt yếu của dân Việt Nam” trong phong dao là “sự chống đối Nho giáo, chống đối nạn Trung Quốc hóa”(15). Có thể nói, tiểu luận của Phạm Quỳnh và Kinh Thi Việt Nam của Trương Tửu là những gợi dẫn sắc sảo, hấp dẫn và quan trọng, dù bị khuất lấp khá lâu nhưng vẫn đủ mới mẻ để có thể xếp vào xu hướng nhân học ngôn ngữ (linguistic anthropology) đang có sức hút ở nước ta gần đây.

Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, như tác giả thừa nhận, “vận dụng các phương pháp ngôn ngữ học và dân tộc học”. Nó cho phép người nghiên cứu “sử dụng nhiều phương tiện điều tra khác nhau, làm việc không có định kiến, giới hạn và soi sáng phạm vi nghiên cứu của mình”(16). Thông qua việc phân tích tỉ mỉ trên phương diện văn bản (lời bài hát), kết hợp các sự kiện xã hội (lễ hội) quan sát được, Nguyễn Văn Huyên không chỉ đưa ra những luận giải xuất sắc về sự ứng tác, về nhịp điệu, âm thanh của hát đối mà còn cung cấp những chi tiết về đời sống, tâm thái, tập quán của Việt Nam. Sẽ không quá lời khi cho rằng, với cuốn sách này, Nguyễn Văn Huyên vẫn luôn mới và hấp dẫn trong phương pháp, cách thức triển khai nhân học văn hóa ở Việt Nam.

Nhìn lại những công trình nêu trên, có thể thấy các tác giả thường tập trung vào một (vài) yếu tố trong hệ thống văn hóa (tôn giáo, đạo đức, chính trị, lịch sử…) và điểm thành công cơ bản cũng là giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố đó với văn học. Bởi thế văn hóa văn chương không nên hiểu là các thành tố tách rời, mà là các khả thể bao bọc nhau trong tiến trình lịch sử của dân tộc và cho phép một cách diễn dịch tương quan, tương giao: văn hóa của/trong văn chương và ngược lại. Khác với nhãn quan văn học sử tuyến tính về sự hình thành, phát triển của văn học, nghiên cứu văn chương từ văn hóa, nhân học văn hóa đi ngược chiều thời gian đã sắp sẵn, nhìn thấy văn học như sự hội tụ các kinh nghiệm văn hóa của cộng đồng, vì thế, nhìn thấy tính cách, số phận cộng đồng bảo lưu trong đó. Theo chiều hướng này, nhìn văn chương từ văn hóa, nhân học văn hóa là một cách lật lại hồ sơ dân tộc học, đặt vào đó những khả năng hiểu cặn kẽ con người, xã hội, dân tộc ở những thời điểm cụ thể.

Tuy nhiên, một thực tế hợp lí nhưng không khỏi gây ngỡ ngàng là phạm vi các công trình nêu trên đều tập trung vào mảng văn học Việt Nam trung cận đại, văn học dân gian. Nếu coi khoảng cách lịch sử và khoảng cách văn hóa là những trở ngại cần khắc phục trong việc tiếp nhận văn học trung cận đại khiến các nhà nghiên cứu sớm đi tìm phương pháp tiếp cận từ văn hóa, nhân học văn hóa thì cũng phải thấy rằng, sự đang vận động, đổi mới và phức tạp của văn học hiện đại, đương đại rất cần một động thái tương tự. Hiện nay, việc nghiên cứu văn học dường như đang rơi vào tình thế hoặc quá gò cho vừa khung lí thuyết phê bình (phương Tây) hoặc trở về lối bình giảng, phê điểm sơ lược. Trong khi sự xích lại gần nhau giữa các ngành xã hội nhân văn ngày một rõ trên thế giới thì nhiều nhà nghiên cứu văn học ở ta vẫn tự khép kín thao tác chuyên môn của mình. Xu thế này, không gì khác, là tự co hẹp mức độ ảnh hưởng, tiếng nói tri thức văn chương đối với đời sống tinh thần vốn phồn tạp và biến đổi mau chóng như gần đây. 

M.A.T

———
1. Teksty Drugie 2012, 2, Special Issue-English Edition: Anthropology in Literary Studies. Những tác giả tham gia chuyên đề này đều có chuyên môn sâu về văn chương, nhân học và văn hóa. Chẳng hạn, Edward Balcerzan là giáo sư Đại học Adam Mickiewicz; Anna Lebkowska là giáo sư Đại học Jagiellonian, chuyên về lĩnh vực nhân học văn chương và nghiên cứu văn hóa; Ryszard Nycz, giáo sư Đại học Jagiellonian, đồng thời làm việc tại Viện nghiên cứu văn học (Viện hàn lâm khoa học Ba Lan); Wojciech Burszta, giáo sư, trưởng khoa Nhân học văn hóa của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Warsaw; Michal Pawel Markowski, giáo sư Đại học Illinois ở Chicago, là người chuyển ngữ và xuất bản các tác phẩm của Roland Barthes.
2. Tham khảo một tác giả trong số này: Georges Bataille (2012), Văn học và cái ác, Ngân Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb Thế giới, Hà Nội.
3. Alan Barnard, Jonathan Spencer [ed] (1996), Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology, New York: Routledge, p.70 và 71-72 .
4. Mục Anthropological objects (những chủ đề nhân học) trong Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology có đến 101 mục từ, sự liệt kê của chúng tôi ở đây mang tính chất lựa chọn ngẫu nhiên.
5. R. Barthes, “From Science to Literature” in The Rustle of Language, translated by Richard Howard, University of California Press, 1989.
6. Roy Ellen, “Lí thuyết trong nhân học và lí thuyết mang tính nhân học”, Nguyễn Văn Sửu dịch, Nguồn: http://www.vnulib.edu.vn:8000/dspace/handle/123456789/4264.
7. Xem thêm: J. Schalaeger [ed] (1996), The Anthropological Turn in Literary Studies, Gunter Narr Verlag, Tubingen.
8. Conrad Phillip Kottak (2002), Cultural Anthropology, 9th ed, McGraw-Hill Education, p.21.
9. Clifford Geertz (1973), The Interpretation of Cultures, Basic Books, Inc. New York.
10. Xem thêm tổng thuật: Anna Lebkowska, “Between the Anthropology of Literature and Literary Anthropology” trong Teksty Drugie, số 2 (2012), tr.19-29.
11. Vicent. O. Erickson (1988), “Buddenbrooks” Thomas Mann and North German Social Class: An Application of Literary Anthropology” in F. Poyatos (ed), Literary Anthropology, Amsterdam: Benjamins, p.97.
12. Đỗ Lai Thúy (2010), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Nxb Văn học, H., tr.49.
13. Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, H., tr.15.
14. Xem thêm Phạm Quỳnh (2007), Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932, Nhiều người dịch, Nxb Tri thức, H., tr.65-112.
15. Trương Tửu (2014), Tuyển tập nghiên cứu văn hóa, Nxb Văn học, H., tr.774.
16. Nguyễn Văn Huyên (1995), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập I, Nxb Khoa học xã hội, H., tr.131-132.
Nguồn VNQĐ