HOÀNG ĐĂNG KHOA

Nhiều cây bút truyện ngắn trẻ sau khi thu được một số thành công đang có xu hướng rẽ sang viết tiểu thuyết. Phải chăng, truyện ngắn không còn đủ thỏa mãn bộ phận người đọc muốn được phiêu lưu dài hơi trong sự nghĩ, thưởng ngoạn thẩm mỹ? Hay những người viết văn trẻ đến với tiểu thuyết để thử sức, khẳng định nội lực, sức vóc văn chương?

Văn đàn Việt Nam đương đại đang chứng kiến sự xuất hiện khá ấn tượng của một thế hệ viết văn xuôi mới, thế hệ sinh năm 1980 trở lại đây – những cây bút được định danh là “trẻ”, xét về tuổi đời. Đó là những tác giả được vinh danh tại các cuộc so tài văn chương uy tín. Chẳng hạn, tại cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014, Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh năm 1984, Ninh Thuận) giành giải nhất với các tác phẩm Hương thôn dã, Đỉnh khói Thôi mùa cỏ cháy; Đinh Phương (sinh năm 1989, Hà Nội) giải nhì với Chiều kí ức phủ gaiChuyến trở về của cỏ; Hương Thị (sinh năm 1984, Hà Nội) đoạt giải khuyến khích với Nợ anh hùng; Cao Nguyệt Nguyên (sinh năm 1990, Hà Nội) đoạt giải khuyến khích với Trăng màu hổ phách. Tại cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5 (trao giải năm 2014), tác giả Nhật Phi (sinh năm 1991, TP Hồ Chí Minh) giành giải nhất với Người ngủ thuê; Lê Minh Nhựt (sinh năm 1981, Cà Mau) giải ba với Gia tộc ăn đất; Minh Moon (sinh năm 1986, TP Hồ Chí Minh) giải ba với Hạt hòa bình… Tại cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2007 – 2010, tác giả Chu Thanh Hương (sinh năm 1986, Lạng Sơn) giành giải nhất với tiểu thuyết Hoa bay, và cũng tại cuộc thi này được tổ chức năm 2012 – 2015, Chu Thanh Hương lại giành giải ba với tiểu thuyết Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn

Thường, tác phẩm văn xuôi của những người trẻ là những trang “chuyện đời tự kể”, bởi họ chưa nhiều vốn sống, trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, ngày nay các tác giả trẻ đang nỗ lực tự làm đầy vốn sống bằng tri thức sách vở, và nhất là bằng khả năng hư cấu, tưởng tượng (như trong các tác phẩm của Nhật Phi, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Tru Sa, Trần Băng Khuê…). Nhà văn trẻ Hoàng Công Danh chia sẻ: “Sức tưởng tượng như một lực hấp dẫn để người ta được phiêu lưu cùng/trong chữ, cả về phía người viết lẫn người đọc. Tuy nhiên, dù nhà văn có chuyên nghiệp đến đâu, trí tưởng tượng của anh ta có phong phú đến mức nào, thì sản phẩm tưởng tượng của anh ta cũng phải ít nhiều dựa trên những gì anh ta trải nghiệm, có thể là trải nghiệm trực tiếp từ thực tế, có thể là trải nghiệm gián tiếp qua sách báo. Bởi hư cấu khác với bịa đặt”.

Nhà văn trẻ Nhật Phi, thì cho rằng: “Rất nhiều mảnh vụn nguyên mẫu trong tác phẩm của tôi. Rất nhiều nhân vật, sự kiện, hiện tượng hay phát ngôn trong truyện được tôi “bê” vào từ ngoài đời thực, từ những con người mình đã tiếp xúc, từ những chuyện mắt thấy tai nghe. Trí tưởng tượng của tôi ở đây chỉ đóng vai trò kết nối”. Có nghĩa là, chẳng có hư cấu, tưởng tượng nào được bắt nguồn từ con số không.

Một cách tương đối, có thể thấy văn xuôi trẻ đang chuyển dịch theo ba hướng. Hướng thứ nhất, thiên về tìm tòi, thể nghiệm kỹ thuật tự sự, thiên về “vị nghệ thuật”, hướng đến đối tượng người đọc phi truyền thống, có tầm đón nhận cao (như các sáng tác của Nhật Phi, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Tru Sa, Trần Băng Khuê…). Hướng thứ hai, phát huy chức năng giải trí, hướng đến phục vụ đối tượng bạn đọc bình dân, phổ thông. Nhóm tác phẩm này thường từ đời sống mạng bước ra đời sống giấy, được định danh là “văn học đại chúng”, “ngôn tình” (như tác giả Anh Khang với các tập tản văn Buồn làm sao buông, Ngày trôi về phía cũ, Hamlet Trương với tập truyện ngắn Yêu đi rồi khóc, Phan Ý Yên với các tập truyện ngắn Người lớn cô đơn, Em là để yêu…). Hướng này có phần ồn ào, bởi mỗi tác giả sở hữu một lượng fan “khủng”, có chiến lược tiếp thị, quảng cáo chuyên nghiệp. Người thì cho tác phẩm của các tác giả này là “văn học thời trang” thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời, chỉ là sản phẩm “cận văn học”; người thì bảo hẳn phải “có cái gì” thì mới được giới trẻ đón nhận như thế… Hướng thứ ba, cân bằng, dung hòa giữa nội dung và hình thức, giữa cái được kể và cách kể, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bác học và bình dân…, làm phong phú tác phẩm của những tác giả còn lại, làm nên chủ lưu của văn xuôi trẻ.

Trong thời đại văn hóa vật chất, tiêu dùng lên ngôi, giới trẻ ngày càng “tỉnh táo”, sống lý trí và thực dụng hơn, “vội vàng” hơn…, thì sự xuất hiện và hăng hái dấn thân của một lực lượng đông đảo người viết văn trẻ là một tín hiệu đáng mừng. Họ biết tận dụng lợi thế của người trẻ để sáng tạo và bứt phá. Viết là cách để họ trình hiện tư cách công dân – nghệ sĩ của mình trước cuộc đời, để họ và những bạn đọc của họ cùng cảm nhận cái bí ẩn của tình yêu nghệ thuật, cùng thụ hưởng cái đẹp phi vật chất, cùng hướng đến kiến tạo một cuộc sống đẹp hơn.

Theo Báo Nhân Dân

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài