Âm nhạc là một nghệ thuật phục vụ cho đời sống tinh thần của con người. Khổng Tử nói một câu xanh dờn: “Nhạc thị đạo dã” – Âm nhạc chính là đạo lý vậy.
Các nhạc sĩ là con người sống trong đời thực nên họ đưa những vấn đề gần gũi với con người vào âm nhạc một cách kín đáo.
Cách đây trên 70 năm, nhạc sĩ Văn Cao viết bài Thiên thai, chợt nhớ (?) đến… nhạc sĩ Trần Hoàn – người sau này là bộ trưởng Bộ Văn hóa rồi trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương. Văn Cao đã trách Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán Minh đế ham chơi, lên được cõi tiên chỉ lo giỡn cợt với tiên nữ, quên mất nhạc sĩ Trần Hoàn tài hoa:
Đào nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn Cùng bầy tiên đàn ca bao năm.
Hai chữ Trần Hoàn – danh từ riêng, lại bị viết ra thành trần hoàn – danh từ chung. Có lẽ đó là sơ sót của người… sắp chữ nhà in thời ấy.
Năm 1968, tôi viết bài Thu, hát cho người. Thời điểm ấy, giá vàng Kim Sơn và Trái Núi loại hai miếng rưỡi, dẹp dẹp là 3.000 đồng một lượng. Tôi đã… tiên đoán thế nào giá vàng cũng lên; và hễ giá vàng lên thì sẽ có nhiều lứa đôi xa nhau vì… nghèo. Vì vậy cuối bài hát, tôi nhắc trước:
Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.
Quả nhiên 48 năm sau, giá vàng lên như bây giờ đó bạn!
Nhạc sĩ Phạm Duy còn ghê gớm hơn. Thời của ông viết nhạc, người phụ nữ ăn mặc rất kín đáo, hoàn toàn chưa có tình trạng “lộ hàng”, dù mức độ hay nguyên con. Thế nhưng Phạm Duy vẫn tiên đoán được thế nào việc “lộ hàng” cũng xảy ra; hoặc ở trong các địa phương miền núi xa vắng, hoặc ngay trong lòng thành phố phồn hoa. Trong bài Tiếng sáo Thiên thai, ông viết:
Hay theo đến bên người Tiên nga tắm sau đồi.
Trong bài Bên ni bên nớ, ông viết theo thơ của Cung Trầm Tưởng:
Bên ni thành phố tráng lệ Giai nhân nằm im lõa thể.
Tình trạng qui hoạch đô thị, nhất là qui hoạch treo nhiều năm khiến nhân dân vất vả, đã ảnh hưởng đến âm nhạc rất nhiều. Không phải đợi đến bây giờ mà từ mấy chục năm trước, hai ông Văn Cao và Phạm Duy từng rất… ớn chuyện qui hoạch. Họ viết chung ra bài Suối mơ – một dòng suối bên rừng thu vắng, hẹn nhau sẽ làm nhà ở nơi đó, tránh qui hoạch bất tử. Họ viết:
Từng hẹn ngày xưa cùng xây nhà bên suối Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi.
Tuy không giàu sang bằng ai nhưng nhạc sĩ vẫn có nhà có cửa, trong nhà vẫn có… chỗ ngủ đàng hoàng tử tế. Thế nhưng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thì không có được một chỗ ngủ nào. Trong bài Mùa xuân trên cao, ông thừa nhận mình vừa mới 30 tuổi nhưng phải ngủ… bên bìa rừng; nghĩa là chẳng có chỗ ngủ, giường chiếu chi hết:
Trời bây giờ trời đã sang xuân Anh và mai ngủ bên bìa rừng Chờ giấc ba mươi mộng ảo Mùa xuân vẫn đẹp vô cùng Nếu xuân này môi em còn hồng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng có khả năng tiên tri rất cừ khôi. Ông viết Người đi xây hồ Kẻ Gỗ năm 1976, trong đó có câu “Làng ta di động, thêm có đất mình cày”. Nếu bỏ cụm từ “Thêm có đất mình cày ra”, thì ông đã tiên đoán rất đúng về tình hình phát triển… điện thoại di động trên cả nước qua câu “Làng ta di động”. Quả thật ngày nay, người dân làng nào cũng có thể có cái điện thoại di động!
“Mần ăn chút đỉnh” là kiểu nói của nhà văn Sơn Nam khi nhận xét về tình yêu trong âm nhạc. Nhạc sĩ Trúc Phương viết những bài bolero vừa lãng mạn vừa thực tế khiến người nghe nghĩ hình như ông cũng muốn nói về chuyện “mần ăn chút đỉnh”. Trong bài Bông cỏ may, Trúc Phương viết:
Anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may Ở đây êm vắng thưa người Còn ta với trời.
Tuy nhiên ở đời, muôn sự là… của chung! Tình yêu cũng khó thoát ra khỏi khái niệm “của chung” ấy. Trúc Phương sợ tình hình của chung đó nên ông vừa dặn dò, vừa dọa dẫm người bạn gái:
Những ngày anh đi khỏi Xin em chớ đi lại vùng tình yêu lắm bẫy nhân gian.
Dặn vậy là phải; dặn vậy là đúng. Đời này còn rất nhiều thằng phải gió! Hắn bợ như chơi!
Theo Sao Biển – Tuổi Trẻ online