Là Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh, ngoài sáng tác khí nhạc, nhạc sĩ Duy Linh (trong ảnh) đã bén duyên một số dự án phim nghệ thuật với những giải thưởng uy tín. Đồng thời cũng tham gia gây dựng và ấp ủ nhiều sự kiện âm nhạc cổ điển cho công chúng thành phố, Duy Linh trò chuyện với Thời Nay.
Phóng viên (PV): Anh có nhận định gì về nghệ thuật cổ điển tại TP Hồ Chí Minh?
Nhạc sĩ Duy Linh (DL): Nền nghệ thuật cổ điển tại đây nói chung còn ở mức tiềm năng phát triển. Ở đây chỉ có duy nhất một nhà hát opera nhỏ có khán phòng có thể biểu diễn được nghệ thuật cổ điển, sân khấu và hậu trường sân khấu không đủ lớn, không đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng như không có hệ thống trang thiết bị hiện đại phù hợp cho những vở nhạc kịch, vũ kịch có quy mô lớn và hoành tráng.
Trong khi đó, Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch (HBSO) cũng là đơn vị biểu diễn nghệ thuật cổ điển chuyên nghiệp duy nhất tại thành phố, tập hợp cả ba lĩnh vực dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch. Mỗi lĩnh vực này có thể đứng riêng độc lập như một nhà hát, hay một tổ chức riêng biệt.
Từ năm 2011, HBSO đã tổ chức miễn phí chuỗi chương trình “Giai điệu trẻ” dành cho sinh viên, học sinh. Chương trình đang thể hiện hiệu quả rõ rệt, rất nhiều khán giả của chương trình đã trở thành lực lượng khán giả “nòng cốt” đều đặn mua vé thưởng thức các chương trình của HBSO.
Sắp tới, chúng tôi cố gắng tổ chức các buổi biểu diễn với quy mô nhỏ gọn, diễn giải đến đâu, biểu diễn đến đó những tác phẩm giao hưởng thính phòng ngay tại phòng tập của HBSO. Chúng tôi còn có Liên hoan Nghệ thuật “Giai điệu mùa thu”, ngày càng phát triển về quy mô tổ chức, số lượng và chất lượng chương trình biểu diễn, đón nhận đông đảo khán giả đến thưởng thức.
PV: Được biết anh cũng có sáng tác được biểu diễn trong liên hoan lần này?
DL: Liên hoan ra đời năm 2005 và năm nay 2017 là lần thứ 11. Với 10 chương trình biểu diễn, chúng tôi, gồm hàng chục nghệ sĩ khách mời quốc tế cùng những tên tuổi xuất sắc nhất Việt Nam về âm nhạc cổ điển, tổng cộng gần 200 nghệ sĩ, sẽ cống hiến cho khán giả một liên hoan đa sắc mầu về âm nhạc khắp nơi trên thế giới…
Tôi bắt đầu được mời đóng góp tác phẩm tham dự Liên hoan vào năm 2009; và liên tục suốt từ đó đến nay, mỗi kỳ tôi đều giới thiệu những sáng tác khí nhạc mới nhất của mình. Năm nay, tôi giới thiệu tác phẩm mới nhất: Tổ khúc Giao hưởng “Hồi tưởng” gồm năm chương, được viết trên thủ pháp tối giản với chất liệu chủ đề các chương được xây dựng dựa trên bốn nốt nhạc Sol, Si, Do và Mi.
PV: Lần đầu viết nhạc cho phim điện ảnh năm 2013, anh đã nhận được giải thưởng Cánh diều Vàng dành cho phần âm nhạc xuất sắc, đó là phim “Đường đua” do diễn viên Hồng Ánh làm nhà sản xuất. Anh có thể nói thêm về sự hợp tác này?
DL: Chúng tôi chỉ thật sự biết đến nhau khi hợp tác trong bộ phim điện ảnh “Đường đua” của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy mà Hồng Ánh lần đầu làm nhà sản xuất, còn tôi lần đầu viết nhạc cho một bộ phim điện ảnh. Ngay lập tức chúng tôi đã tìm được sự đồng cảm. Cơ duyên tái cộng tác lại đến khi Hồng Ánh lần đầu đạo diễn cho bộ phim điện ảnh mang tính nghệ thuật “Đảo của dân ngụ cư” và tôi được cô mời sáng tác âm nhạc cho bộ phim này.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được làm việc với một nghệ sĩ rất tâm huyết với nghề, luôn đòi hỏi cao trong công việc, trong chất lượng nghệ thuật và cầu toàn trong từng chi tiết nhỏ nhất. Chúng tôi rất vui vì những cố gắng của toàn bộ ê-kíp được đền đáp bằng hai giải thưởng: Phim Xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Đông – Nam Á tại Malaysia và Giải thưởng Đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Á – Âu tại Kazhakstan vừa qua.
PV: Anh cũng vừa thực hiện một workshop về sáng tác nhạc phim cùng nhạc sĩ nổi tiếng người Anh Michael Price. Anh đánh giá như thế nào về các nhạc sĩ trẻ tham gia workshop ấy?
DL: Đây là lần đầu tại Việt Nam có một khóa học ngắn hạn về nhạc phim. Cũng là lần đầu, những nhạc sĩ trẻ, những đạo diễn trẻ hay nhà sản xuất trẻ tại Việt Nam có cơ hội được kết nối thành một cộng đồng để có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và cộng tác với nhau, cùng tạo ra một bài thu hoạch về việc viết nhạc cho một đoạn phim ngắn chỉ trong ba ngày. Tôi nhận thấy sự đam mê với nghề, sự ham học hỏi và làm việc với tinh thần chuyên nghiệp qua những câu hỏi và giải đáp trong hai ngày diễn thuyết của nhạc sĩ Michael Price, của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và của tôi. Điều rất quan trọng để trở thành một nhạc sĩ viết nhạc phim, mà chúng tôi đã chia sẻ cùng nhạc sĩ Michael Price với các bạn trẻ, đó là sự lao động chăm chỉ đầy nhiệt huyết, luôn đặt mình là người kể câu chuyện phim bằng âm nhạc và viết nhạc bằng tất cả những cung bậc cảm xúc dao động theo một biên độ rộng để đặc tả cho cốt truyện, hình ảnh của phim.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!