VĂN HỌC THỰC HIỆN

Nhạc sĩ, họa sĩ Trần Ngọc, tác giả ca khúc “Em như chim câu trắng” – top 50 ca khúc hay nhất cho thiếu nhi thế kỷ 20 là người đa tài. Ở tuổi hơn 70 ông vẫn đều đặn sáng tác tranh, nhạc bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn thể loại múa và âm nhạc với hội họa.

Phóng viên (PV): Bè bạn và công chúng biết đến ông là một biên đạo múa, nhạc sĩ luôn bận rộn với các công việc sáng tạo và thiện nguyện. Ông sắp xếp thời gian thế nào cho việc vẽ tranh?

Nhạc sĩ, họa sĩ Trần Ngọc (TN): Năm 15 tuổi tôi có năng khiếu và thi đỗ cả ba trường họa, nhạc, múa. Nhưng tôi chọn trường Âm nhạc, bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia. Bởi tôi ước mơ sau này mình sẽ trở thành một nghệ sĩ sáng tác và chỉ huy âm nhạc. Tôi cũng nhận thấy, âm nhạc là thứ dễ tác động vào tình cảm con người nhất, gần gũi với cuộc sống và chỉ cần nghe là có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của người sáng tác. Còn múa hay họa thì phải tư duy lâu hơn. Sau này làm việc, tôi theo cả âm nhạc và múa. Chỉ có ít thời gian làm việc liên quan đến hội họa. Thế nhưng dường như năng khiếu hội họa từ nhỏ vẫn không tắt. Tôi đã cầm cọ được chừng hơn ba năm nay. Những chuyến thiện nguyện, điền dã hay các buổi dạy múa, hát cho trẻ em giúp tôi có cảm hứng vẽ tranh. Tôi vẽ bất kể lúc nào có thời gian trống bằng niềm say mê như một người vừa… tái xuân.

PV: Ông vừa chia sẻ là mình vừa bắt tay vào vẽ hơn ba năm qua. Như vậy, với một người hơn 70 tuổi, ông làm gì để tạo ra sự khác biệt?

TN: Việc sáng tạo nghệ thuật thì không kể tuổi tác. Cũng chưa bao giờ là muộn nếu có đam mê, tâm và tầm. Tôi vẽ theo cách của tôi và không chịu đi theo lối mòn. Tuy tôi đi sau nhưng tôi không bắt chước ai cả. Tranh của tôi là dòng ý tưởng. Nhưng ý tưởng dựa trên cái nền hiện thực, thông qua tư duy của một người đã trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống. Tranh của tôi ca ngợi cái đẹp và phê phán cái xấu. Ngoài ra, tôi vẽ tranh trên cái nền của thư pháp. Khi đó tôi kết hợp cả múa, âm nhạc vào trong hội họa để đạt được hiệu quả sâu hơn. Nói văn hoa một chút thì âm nhạc và nghệ thuật múa đã hiện diện trên toan, nhảy nhót trong tranh của tôi.

PV: Cụ thể hơn một chút, khi cả ba loại hình nghệ thuật cùng kết hợp, theo ông sẽ tạo hiệu ứng thế nào đối với người xem?

TN: Âm nhạc chảy trong tranh của tôi thông qua mầu sắc, bố cục và hình tượng. Mỗi bức tranh đều có tiết tấu, tĩnh đấy nhưng mà lại động. Vì thủ pháp hội họa trang trí, biểu hiện, kết hợp với thư pháp nên tranh khoáng đạt, thỏa sức diễn đạt ý tưởng. Người xem sẽ nhận ra ở đó sự hài hòa, đậm tính nhân văn, triết mỹ, chân lý sống. Đồng thời sống có luân lý, đạo đức, mở lòng ra với cõi đời, cõi người.

PV: Xem 49 họa phẩm của ông sẽ được triển lãm trong thời gian tới đây có tên “Vũ điệu những cây cọ”, người xem dễ nhận thấy sự chuyển động của mầu sắc rất rõ, nhất là những gam mầu sắc tươi tắn cùng những ý tưởng táo bạo khi ca ngợi cái đẹp. Điều gì khiến ông có thể làm được điều đó?

TN: Ý anh nói là ở người lớn tuổi như tôi, làm sao vẽ được thế chứ gì? Là nghiền ngẫm và tưởng tượng thôi. Khi cảm hứng dồi dào, sự nghiền ngẫm đã chín thì tôi cứ thế vẽ, cứ múa trên tranh theo cảm quan của mình. Thí dụ với bức “Tranh thư pháp”, tôi vẽ những dòng thơ: “Em tạo nên chữ hạnh, anh kết thành chữ phúc, con dệt nên chữ lộc”. Tôi vẽ ba cánh chim. Cánh chim tượng trưng cho người cha sải rộng, cánh chim người mẹ ấp ủ người con, tạo thành niềm hạnh phúc ấm cúng của một gia đình. Khi người vợ có chữ hạnh, người chồng có chữ phúc, con dệt chữ lộc thì gia đình sẽ không bao giờ tan vỡ.

PV: Hành trình nghệ thuật của Trần Ngọc những năm tới thế nào?

TN: Tôi sẽ vẫn sáng tác nhạc, vẽ tranh… Món quà lớn nhất mà người nghệ sĩ có được chính là có một hành trình nghệ thuật, là được sáng tạo. Đến lúc này tôi có thể kết luận rằng, khi kết hợp ba loại hình nghệ thuật, tôi đã tìm được thế mạnh của mình và “nói” được nhiều nhất về những khát vọng, về chân-thiện-mỹ!

PV: Xin cảm ơn và chúc ông dồi dào cảm hứng sáng tạo!
Nhạc sĩ, họa sĩ Trần Ngọc sinh năm 1942, là con của nhà viết kịch, viết nhạc Trần Côn. Sau ca khúc “Em như chim câu trắng”, Trần Ngọc có nhiều bài hát nổi tiếng khác là “Tình em xứ Quảng”, “Xót xa”, “Người mẹ sông Hồng”, “Con là hoa của mẹ”… Ông tâm niệm, nghệ thuật không phải là sao chép thực tế cuộc sống, nhưng từ thực tế sinh động, tạo nên những giá trị của tư duy và nghệ thuật.

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài