Liệu sân khấu nhạc kịch có phát triển được ở Việt Nam khi chúng ta thiếu chiến lược phát triển nguồn nhân lực?

Hai vở nhạc kịch Việt đang công diễn tại Nhà hát Bến Thành và Nhà hát Thế giới trẻ – “Tấm Cám” và “Trót yêu”- đã thu hút khán giả từ Tết đến nay. Một bên dựa theo câu chuyện cổ tích dân gian, một bên chọn đề tài tình yêu đương đại. Cả hai đã khơi mào cho dòng chảy nhạc kịch trên sân khấu Việt của năm 2016.


Nỗ lực trong điều kiện khó khăn

Nhiều năm qua, một vài sàn diễn đã mạnh dạn dàn dựng nhạc kịch, một thể loại sân khấu mới với khán giả Việt: “Chicago”, “Tuyết đỏ”, “Vũ nữ”…  Tuy chưa thành công vang dội về doanh thu như những vở kịch giải trí thương mại khác nhưng các vở nhạc kịch này đã tiếp cận ngày càng nhiều hơn với công chúng và thu hút một lượng khán giả yêu thích nhất định. Sau “Tấm Cám” của nhóm nhạc kịch Buffalo và “Trót yêu” của sân khấu Thế giới trẻ đang trình diễn, NSƯT Thành Lộc cũng đang ôm ấp đề tài nhạc kịch “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga”, mà theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF, sẽ là tác phẩm đỉnh cao của sàn diễn này trong năm nay.


Cảnh trong vở nhạc kịch “Tấm Cám” của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy

Ở Việt Nam, những bước đi tiên phong đáng trân trọng. NSƯT – đạo diễn Ca Lê Hồng nói: “Trân quý những bước đi khai phá để tạo thành một con đường. Thế nhưng, công chúng còn chưa quen lắm với nhạc kịch, vì thế cách làm vẫn còn pha tạp nhiều phong cách khiến nhạc kịch của Việt Nam chưa thuần nhất phong cách”.


Quả thật, nếu vở nhạc kịch “Tấm Cám” thu phần nhạc nền, diễn viên hát “sống” (live) xuyên suốt vở diễn thì vở nhạc kịch “Trót yêu” lại thu âm cả phần nhạc lẫn phần tiếng, diễn viên khi diễn “nhép” lời ca nên phần nào khiến khán giả hụt hẫng. Đạo diễn Ngọc Hùng – người chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật của Nhà hát Thế giới trẻ – cho biết: “Chúng tôi rất muốn để diễn viên hát bằng giọng thật nhưng khán phòng của sân khấu này không bảo đảm chất lượng âm thanh, nếu để cho các diễn viên hát live sẽ khó đạt hiệu quả nên chúng tôi chọn giải pháp an toàn là phải thu sẵn tiếng hát”.


Bên cạnh nhóm Nguyễn Khắc Duy và Nhà hát Thế giới trẻ, một số cá nhân đã chuyển thể các vở ngoại quốc ra Việt ngữ, như nhóm Hà Quang Minh với vở “Les Misérables”, nhóm Lê Bảo Trung với “Highschool Musical”. Sự thử nghiệm đó hoàn toàn đáng khích lệ song vì yếu về mặt doanh thu nên họ đã không theo đuổi đường dài.


Theo NSND Phạm Thị Thành, trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã có nền tảng vững vàng về nhạc kịch, ở Việt Nam, giới sân khấu vẫn đang mày mò làm nhạc kịch.


Cần một chiến lược

“Khác với opera thuộc về âm nhạc cổ điển, nhạc kịch phổ thông khai thác các yếu tố nghe nhìn đại chúng: sân khấu đẹp, cảnh trí thay đổi, âm thanh tốt, diễn viên hát hay diễn giỏi và kịch bản cuốn hút. Nhờ vào việc diễn live nên có những vở diễn đi diễn lại mấy tháng trời vẫn đông khách: khán giả thuộc lòng vở  nhưng vẫn muốn đi xem lại vì mỗi lần xem lại có cảm xúc mới” – nhạc sĩ Quốc Bảo phân tích.


Theo đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc: “Thực tế, chúng ta thiếu đào tạo đội ngũ diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ của loại hình nhạc kịch. Ngay Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM vẫn chưa có lớp dạy nhạc kịch. Vì thế, các đơn vị dựng loại hình này phải ép diễn viên hát, ép đạo diễn viết nhạc, ép đủ mọi khâu để làm nên nhạc kịch, thành phẩm bị kém, khán giả chưa thích thú là điều tất yếu”. Ngược lại, những chương trình nghệ thuật và giải trí “có yếu tố nhạc kịch” như “Đêm thần thoại” do nhạc sĩ Quốc Bảo chỉ đạo nghệ thuật tổ chức cách đây không lâu và nhiều chương trình ca nhạc truyền hình khác cài chất nhạc kịch có câu chuyện, có dàn dựng về mặt sân khấu và phối nhạc theo màu sắc musical đều được công chúng yêu thích đón nhận.



Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, từ đây trở đi, chúng ta tạm gọi dự án phát triển nhạc kịch Việt là “Broadway Việt” để phân biệt với ca kịch cổ điển (opera) hoặc ca kịch Trung Quốc (tuồng). Viết những kịch bản broadway hoàn chỉnh, hoàn toàn Việt, ca khúc sáng tác riêng cho từng vở, không phỏng theo hoặc đặt lời lại musical ngoại quốc. Hiện trong tay chúng tôi đã có 3 vở: “Lụa”, “Chử Đồng Tử” và “Những ánh hoa màu đen”. Bên cạnh đó, phải đào tạo, huấn luyện diễn viên để họ được trang bị đầy đủ kỹ năng broadway Việt cho việc hát, diễn, hoàn thiện khâu phục trang, đạo cụ và kỹ thuật vũ đạo. Tổ chức và nuôi dưỡng các nhạc công tốt cho một dàn nhạc chuyên broadway Việt. Quy tụ các nhân lực về vũ công, họa sĩ thiết kế cảnh trí, âm thanh ánh sáng, thiết kế phục trang cho Broadway Việt”.


Vậy để musical không hề là một loại hình âm nhạc sân khấu kinh viện (khác với opera) mà ngược lại, nó rất phổ thông, là món ăn tinh thần cho đại chúng, người làm nghề phải bằng phương thức nào để gầy dựng? Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng: “Phải có kế hoạch đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho loại hình này trong 10 năm, hết sức cụ thể, không thể nói chung chung”.


Xu hướng thời đại


Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, chúng ta đã có một loại hình sân khấu ca kịch truyền thống là cải lương mà nay gần như chết. Loại hình đó gần gũi với nhạc kịch (musical) ở nhiều mặt: sức thuyết phục của kịch bản, nơi thi thố tài nghệ của các diễn viên, sự “cuồng” của khán giả. Ngày nay, cải lương bị tụt hậu vì âm nhạc trong cải lương giậm chân tại chỗ, sân khấu xấu, ít đầu tư nhân lực. Tất cả các gánh hát giờ xem như đã rã đám. Thay thế cho cải lương, trong bối cảnh xã hội và trình độ thưởng ngoạn hiện đại, chính là nhạc kịch.


Nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng Việt Nam có tiềm năng hình thành và phát triển nhạc kịch theo phong cách Việt. Việc còn lại là cần sự hỗ trợ nguồn vốn một cách tích cực thì nhạc kịch Việt hoàn toàn khả thi và mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng: Việt Nam có nhạc kịch, có sân khấu chuyên diễn loại hình này, dấu ấn đẳng cấp văn hóa quốc gia mà sân khấu Việt cần hướng tới.

 


Bài và ảnh: Thanh Hiệp – Nguồn NLĐ