QUỲNH NGUYÊN

Lần đầu tiên vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde sẽ được công diễn tại Việt Nam, nơi tác giả – nhà soạn nhạc vĩ đại Camille Saint-Saëns hoàn thành tác phẩm này cách đây hơn một thế kỷ.

Các nghệ sĩ Pháp trong buổi tập tại TP.HCM, chuẩn bị ra mắt vở diễn Hoàng hậu Frédégonde vào ngày 20 và 21-10 tại Nhà hát TP – Ảnh: HBSO

Tôi tin rằng tính hiện đại trong ngôn ngữ âm nhạc thể hiện trong vở kịch này sẽ làm mọi người ngạc nhiên. Ngoài giọng ca, các nhạc cụ từ Âu sang Á còn có phần hợp xướng của trẻ em. Vậy nên đây sẽ là vở diễn dành cho tất cả mọi người

Nhạc trưởng Patrick Souillot

Tại buổi họp báo giới thiệu vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde chiều 12-10 ở TP.HCM, tổng lãnh sự Pháp Vincent Floreani gọi sự kiện này là một “kỳ tích nghệ thuật” và là sự kiện mang tính lịch sử trong trao đổi văn hóa giữa hai nước Pháp – Việt.

Ông nói: “Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt, vì vở kịch đã lần đầu được phục dựng sau lần trình diễn tại Pháp cách đây hơn 120 năm. Vở kịch cũng có một câu chuyện kỳ lạ khi được khơi nguồn sáng tác tại Pháp và hoàn thành tại Việt Nam…”.

Hành trình tìm kiếm của nhạc trưởng Trần Vương Thạch

Nhạc trưởng người Pháp Patrick Souillot – người sẽ chỉ huy vở diễn vào 20h ngày 20 và 21-10 tại Nhà hát TP – thổ lộ: “Đằng sau vở diễn này là câu chuyện cá nhân của tôi và nhạc trưởng Trần Vương Thạch, là sự bền chí vô cùng của ông Thạch. Nếu không có ông Thạch, có lẽ vở diễn đã mãi mãi bị chôn vùi và lãng quên tại Thư viện quốc gia Paris”.

Trả lời Tuổi Trẻ, nhạc trưởng Trần Vương Thạch – giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) – kể:

“Tôi biết đến vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde cách đây lâu lắm rồi, chắc cũng từ năm 1982-1983 khi còn là sinh viên.

Lúc đó, thầy tôi là nhạc sĩ Quang Hải đã kể với tôi rằng ông vừa có chuyến thăm Côn Đảo và thấy trên cửa Bảo tàng Côn Đảo có tấm bảng bằng đồng với dòng chữ nhà soạn nhạc Camille Saint-Saëns từng lưu trú tại đây.

Trong các tài liệu lịch sử có viết Camille Saint-Saëns đam mê khám phá, đặc biệt khi liên quan đến Á Đông. Theo nhà nghiên cứu Tim Doling, từ ngày 20-3 đến 19-4-1895, trong thời gian ở Côn Đảo, Saint-Saëns đã hoàn thiện vở opera Brunhilde còn dang dở của đồng nghiệp quá cố Ernest Guiraud (qua đời năm 1892).

Sau khi hoàn thành, Saint-Saëns đổi tên vở nhạc kịch thành Hoàng hậu Frédégonde. Vở nhạc kịch được công diễn tại Paris năm 1895 với 8 suất diễn. Từ đó tới nay, vở chưa từng được diễn lại. Khi tìm hiểu đến đây thì tôi đã ấp ủ chuyện phải tìm kiếm và phục dựng vở diễn này”.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch kể thêm khi có cơ hội đến Côn Đảo, ông đã tìm đến công quán (nhà khách của Chúa đảo ngày xưa, nay là Bảo tàng Côn Đảo) để tìm hiểu, nhưng tấm bảng bằng đồng gắn trên cửa công quán đã không còn.

Việc tìm kiếm, xác minh câu chuyện đã diễn ra suốt nhiều năm, bắt đầu có những tia hi vọng khi ông tìm thấy trong số tài liệu thời Pháp tại Cục Lưu trữ II có những tài liệu ghi chép tên những khách cập cảng Sài Gòn có tên Camille Saint-Saëns.

Từ đó, cũng đã có tên ông đi từ Sài Gòn ra Côn Đảo và qua những vùng lân cận khác.

Và trong một lần đi công tác ở châu Âu, nhạc trưởng Trần Vương Thạch đã ở lại Pháp một tuần để đến các bảo tàng của Pháp tìm kiếm những tư liệu về chuyến đi của Camille Saint-Saëns và vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde.

“Thư viện quốc gia Pháp có lưu giữ bản viết tay vở nhạc kịch này, nhưng bấy nhiêu cũng không đủ để phục dựng tác phẩm.

Người ta đã chỉ tôi qua Thư viện nhà hát opera ở Paris để tìm và thật may mắn khi nơi đây còn lưu giữ đầy đủ bản tổng phổ của vở kịch. Nhận 5 cuốn tổng phổ đầy đủ từng nhạc cụ, giọng hát còn nguyên vẹn, sạch sẽ, tôi thật sự xúc động” – ông Thạch kể.

Nhạc kịch Pháp “sống” tại nhà hát Việt Nam

Nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde sẽ gồm năm màn kịch được biểu diễn bằng tiếng Pháp, với sự tham gia của nhạc trưởng lừng danh Patrick Souillot, đạo diễn Caroline Blanpied, sáu ca sĩ hát solo, huấn luyện thanh nhạc, thiết kế phục trang và giám đốc kỹ thuật đến từ La Fabrique Opera (Pháp).

Bên cạnh đó là sự góp sức của các nghệ sĩ đoàn vũ kịch, đoàn nhạc kịch, Dàn nhạc giao hưởng HBSO cùng Hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc tại TP.HCM để mang đến một vở diễn hoàn chỉnh.

Hoàng hậu Frédégonde là câu chuyện về một giai đoạn lịch sử có thực của nước Pháp thời tiền Trung cổ, một giai đoạn lịch sử của nhiều biến động và giao tranh xoay quanh vương quyền. Giữa những xung đột ấy, những giá trị nhân bản nhất được bộc lộ qua những diễn biến tâm lý mãnh liệt.

Cuộc đấu tranh quyền lực giữa Hoàng hậu Brunhilda của Austrasia và Hoàng hậu Frédégonde của Neustria được khắc họa không chỉ thông qua lời thoại có tính chất của Shakespeare, mà còn qua hai cá tính âm nhạc của Ernest Guiraud và Saint-Saëns.

Nhạc trưởng Patrick Souillot chia sẻ thêm về tác phẩm: “Ảnh hưởng từ miền đất nhiều huyền bí và văn hóa Á Đông đặc trưng tại Côn Đảo, Camille Saint-Saëns đã để lại nhiều dấu ấn trong vở nhạc kịch với việc sử dụng các nhạc cụ như: chiêng lớn, tam-tam hoặc âm điệu từ kèn gỗ trong màn 5”.

Và trên hết, việc phục diễn vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde tại Việt Nam khiến khán giả và nghệ sĩ Việt Nam có thể tự hào, hạnh phúc về cơ hội được biểu diễn và thưởng thức một tác phẩm lớn mà không nhà hát nào trên thế giới thực hiện trong hàng trăm năm qua.

Hi vọng mang vở diễn đến Côn Đảo

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch thổ lộ: “Tôi rất cảm ơn phía Pháp đã nhiệt tình “chuyển giao công nghệ”, giúp chúng tôi phục dựng để vở diễn có thể ra mắt khán giả TP vào dịp này.

Rất hi vọng có thể mang tác phẩm này trình diễn tại TP Vũng Tàu và cả Côn Đảo trong tương lai.

Với tính chất của sự hợp tác, trao đổi văn hóa, tôi cũng mong HBSO có thể giữ vở diễn này như một vở diễn riêng của nhà hát, được diễn nhiều lần hơn nữa với một êkip hoàn toàn là các nghệ sĩ Việt Nam trong nhiều lần công diễn sau”.

Nguồn: Tuoitre.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài