Dự án nhạc kịch “HOPE” vừa chính thức phát hành vé “Hy Vọng” với mức giá đặc biệt – 99 nghìn đồng – nhằm hướng đến phân tầng khán giả đặc biệt – Những người chưa từng đặt chân, ít có cơ hội, hoặc không bao giờ có nhu cầu bước vào rạp xem biểu diễn nghệ thuật, do hoàn cảnh kinh tế không cho phép họ.
Đó là tầng lớp công chúng bình dân, người lao động nghèo như công nhân, người giúp việc, người quét rác, trẻ em lang thang mưu sinh đường phố… Đó có thể là một cậu bé đánh giày ngày ngày ngồi bên quán cafe vỉa hè, một cô bán rau cặm cụi mỗi buổi chiều muộn, một em chạy bàn nhỏ bé trong quán phở, một anh thợ xây đang mang trọng bệnh, một bác hàng xóm ngày ngày loanh quanh xó bếp nội trợ chẳng mấy khi diện bộ đồ đẹp để ra phố…
Bên cạnh đó, mục đích hướng đến đại chúng, cụ thể là 10.000 khán giả – “HOPE” cũng mở bán gói vé ưu đãi chỉ 199 nghìn đồng dành riêng cho đối tượng khán giả đang là học sinh, sinh viên trên khắp địa bàn Hà Nội.
Đặc biệt, trong tất cả 35 đêm diễn ở sân khấu L’Espace, mọi khán giả đến với không gian của “HOPE” dù là trí thức hay người bình dân lao động, học sinh sinh viên thì đều bình đẳng như nhau. Tất cả đều được quyền lựa chọn cho mình một chỗ ngồi lý tưởng nhất bằng cách đến sớm và đến đúng giờ.
Mở bán gói vé “Hy Vọng” 99 nghìn đồng ngoài mục đích hướng đến những đối tượng khán giả “đặc biệt” này, “HOPE” mong muốn thực hiện “mộng ước” sẽ kết nối con người lại với nhau bằng cách tác động đến những khán giả đang đọc được thông tin này – ngoài việc quan tâm và mua vé cho mình, họ sẽ là người mang lại “mộng ước” khi mua vé “Hy Vọng” để gửi tặng những nhân vật mà bạn biết như chúng tôi gợi ý phía trên.
Bạn nghĩ sao, cùng với “HOPE” bạn sẽ có cơ hội tặng chiếc chiếc vé “Hy Vọng” cho một anh bạn đánh giày quen nơi quán cà phê bạn ngồi mỗi ngày? Hay chính người giúp việc trong gia đình bạn? Người nội trợ hàng xóm? Anh công nhân bạn gặp? Và cuối cùng, bạn cùng họ cùng nhau bước vào rạp hát để xem nhạc kịch và nghĩ về mộng ước của chính mình.
Làm sao để khán giả mua vé “Hy Vọng” cho những người bạn đặc biệt của họ?
Rất đơn giản, các bạn chỉ cần tương tác với “HOPE” qua fanpage “Đêm Hè Sau Cuối” bằng cách gửi một câu chuyện về người mà bạn muốn mua tặng vé “Hy Vọng” với nội dung “Người đó là ai? Bạn gặp người đó ở đâu? Hoàn cảnh của họ như thế nào? Vì sao bạn muốn đi cùng họ đến “Đêm Hè Sau Cuối,” “Góc Phố Danh Vọng” hay “Mộng Ước Không Xa Vời” và gửi đến “HOPE” bằng cách điền vào đường link: http://tinyurl.com/veHyVong.
“HOPE” không giới hạn độ dài – ngắn cũng như sự hay – dở của câu chuyện mà bạn chia sẻ mà chỉ lựa chọn theo thứ tự thời gian gửi đến, từ khi bắt đầu mở form đến khi hết vé “Hy Vọng” của tất cả các đêm. Những câu chuyện được chọn sẽ được “HOPE” phản hồi về cách thức mua vé “Hy Vọng” qua Online bằng cách chuyển khoản trước và nhận vé cứng sau; hoặc mua Offline tại một địa điểm cố định do chúng tôi thông báo.
“HOPE” cũng cam kết sẽ lưu giữ những câu chuyện này như một món quà “để dành” hoàn toàn không đăng tải hoặc sử dụng cho mục đích nào khác mà chưa được sự đồng ý của bạn.
Hỏi về lý do mở bán gói vé “Hy Vọng” đặc biệt dành cho giới lao động nghèo và vé ưu đãi cho học sinh, sinh viên, Nguyễn Phi Phi Anh – Đạo diễn và là nhà sản xuất của dự án cho rằng: “Một trong những “Mộng Ước” của chúng tôi khi khởi động dự án HOPE chính là được nhìn thấy thật nhiều khán giả ở mọi tầng, mọi tuổi, mọi giới cùng nhau vào rạp hát, cùng ngồi xem nhạc kịch và cùng cảm nhận một niềm lạc quan ánh lên giữa những lo toan hàng ngày. Vé Hy Vọng ra đời nhằm hiện thực hóa “mộng ước” ấy, bởi chúng tôi tin rằng các khán giả đã biết tới chương trình sẽ đồng cảm và tham gia cùng chúng tôi vào chiến dịch nhỏ này. Chính vì vậy, chúng tôi luôn tin tưởng các khán giả của mình – những người gửi câu chuyện. Vé Hy Vọng là “mộng ước” tốt đẹp và chính đáng của dự án HOPE, nên chúng tôi tin rằng nó sẽ được hồi đáp bằng những tấm lòng trung thực.”/.
(Nguồn: Vov) – đăng lại từ Văn học quê nhà