“Biệt đội báo đen”, vở kịch do nhà văn Chu Lai chấp bút, vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng đã để lại ấn tượng cho người xem ngay từ lần đầu ra mắt. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
Nhân vật Sáu Thành là hiện thân cho những điều tốt đẹp
Đi tìm chân lý đích thực
– PV: Thưa nhà văn, hẳn là phải có dụng ý nào đó khi nhà văn pha chế nồng độ đậm đặc về sự gai góc, xù xì của người lính trong “Biệt đội báo đen”?
– Nhà văn Chu Lai: Viết về người lính và chiến tranh cách mạng nếu chỉ là chiến tranh, là súng nổ, chết chóc, hy sinh, dũng cảm… đơn thuần thì sao thuyết phục được người đọc mà buộc anh phải mượn cái hôm qua để nói cái hôm nay. Và ngay cả cái hôm qua cũng phải được cảm nhận khác, viết khác, nếu chỉ miêu tả là thất bại.
Tức là, tôi muốn giải đáp cái băn khoăn cho cuộc đời, đó là bản ngã, nhân cách con người Việt Nam xét đến cùng là cái gì? Dũng cảm trong trận mạc ư? Cần cù trong dựng xây ư? Hình như vẫn chưa đủ mà ẩn sâu bên trong nó còn thứ gì nữa thuộc góc tối như lòng tham, thói cơ hội, tính vị kỷ, mầm độc ác… chẳng hạn.
Những cái này được bắt nguồn từ ngay trong chiến tranh và nếu không tìm ra, nó sẽ tung phá ghê gớm trong hiện tại. Thực ra, linh hồn của “Biệt đội báo đen” là mượn chiến tranh, mượn hòa bình để mở cuộc đi tìm chân lý đích thực mà con người chúng ta đang còn khiếm khuyết.
– Và với “Biệt đội báo đen”, ông đã tìm thấy chân lý đích thực ấy chưa?
– Tôi đã viết “Biệt đội báo đen” dựa trên chất liệu được lấy từ phần trận mạc đã xông pha của bản thân và chất liệu sau chiến tranh, trong hòa bình. Và nói đúng ra là bằng sự trải nghiệm của cả một đời về cái thiện và cái ác, cái cao cả, cái thấp hèn làm nên cuộc tranh đấu thiên niên vạn đại. Có lúc cái thiện lên ngôi nhưng cũng có khi cái ác lại lộng hành. Trong đó, con người luôn mở một trận đánh với chính mình để khẳng định bản ngã, nhân cách.
Nhân cách một thời và muôn đời: Dám sống đúng mình, sống đúng với hơi thở, nhịp đập với nhân dân cần lao của mình. Nói cách khác, sống đúng mình là cách sống tốt đẹp nhất dù phải trả giá, biết trả giá mà vẫn dám sống đúng mình thì mới là bản ngã. Nhân vật chính trong vở kịch – Sáu Thành là người như thế và ông luôn bị trả giá nhưng cuối cùng còn lại là con người ông, hình ảnh ông được tạc vào trái tim nhân dân, tấm lòng đồng đội.
– Cuộc chiến giữa những người cùng chiến tuyến dường như căng thẳng, cam go và cần bản lĩnh “thép” hơn hẳn so với cuộc chiến chống lại quân xâm lược?
– Tất nhiên. Kẻ thù có hình khối, đường nét, có chiến tuyến rõ ràng còn những kẻ cùng chiến tuyến lại mơ hồ, trắng đen không phân định, xấu tốt đổ đồng… rất khó “nổ súng”. Ngay trong chiến tranh vẫn xảy ra hiện tượng: Địch làm khổ ta thì ít mà ta làm khổ ta thì nhiều.
Muốn thành công, cần quảng bá và nội lực
– Nhân vật Sáu Thành là hiện thân cho những điều tốt đẹp, một con người dám đấu tranh nhưng luôn chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Khi xây dựng nhân vật này, ông có gặp khó khăn nào không?
– Tất nhiên là khó nhưng không phải cái khó của “lưỡi kéo kiểm duyệt” mà cái khó lại nằm trong cảm nhận và thi pháp của mình. Miêu tả một tư tưởng, một cá tính xù xì, gai góc, rất khó chịu thì dễ vì cuộc sống hôm nay nhiều cái khó chịu, bức bối lắm, nhưng đặt nó trong hoàn cảnh nào, tình huống kịch nào để tôn được tính nhân văn, lòng tự trọng mang giá trị mỹ cảm thuyết phục của hình tượng thì lại không dễ dàng gì.
Giống như đi trên dây, nhân vật này quá đi một chút thì thành một thứ ngông nghênh phản cách mạng, nhưng mềm lại một chút thì lại hoá ra xu thời, nhu nhược. Một tính cách trung thực là một nhân cách luôn biết cân bằng giữa thị phi và xảo trá để đặt lợi ích cộng đồng, nhân phẩm con người lên trên tất cả.
– Là tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng rõ ràng “Biệt đội báo đen” không chỉ có tiếng bom đạn mà còn có nỗi trăn trở của con người đương thời. Đây có thể khẳng định cái tài của nhà văn Chu Lai trong viết kịch bản cho sân khấu?
– Thực ra cũng không hẳn là tài. Chỉ bởi lẽ, dòng văn học nghệ thuật viết về chiến tranh quá nhiều rồi, giờ mà mình không tìm được cách đi mới, cách nói mới, không bắc cầu được giữa quá khứ với hiện tại… thì sẽ nhàm chán, lặp lại, loãng lắm.
Hình tượng con người tích cực hay gọi là trung tâm ở đây là luôn biết biến cái không thể thành cái có thể, biết biến hoàn cảnh bất lợi nhất thành thuận lợi và trên hết là lòng vị tha vì con người, vì nhân sinh. Tất nhiên gài được cái phạm trù tham ô, tham nhũng, nhóm lợi ích vào một đề tài chiến trận không đơn giản.
Nếu khiên cưỡng nó sẽ thành sống sượng ngay, như cố nói, nói lấy được, nói theo thời thượng và như vậy khán giả sẽ lắc đầu bỏ về ngay. Ngược lại, nếu anh biết triển khai một cách nhuần nhuyễn, tinh tế, logic, chân thành thì cái sau sẽ bổ sung chủ đề, cảm xúc cho cái trước để rồi cả hai sẽ mở một cuộc hành trình dẫn dắt cảm xúc vỡ oà của người xem.
– Kịch bản của ông “đắt khách” khi được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng nhưng đường đến với khán giả còn gặp nhiều chông gai. Theo ông, đó là lỗi do phía các nhà hát không chịu quảng bá hay còn nguyên nhân nào khác?
-Tôi biết cũng vở này, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang do NSND Ngọc Giàu dàn dựng đã tạo được rất nhiều hiệu ứng số đông trong lòng khán giả. Và gần đây với bàn tay phù thủy và khát vọng tha thiết của NSND Anh Tú, Nhà hát kịch Việt Nam cũng đã chiếm được sự tin yêu, tán thưởng của rất nhiều tầng lớp nguời xem.
Như vậy, quảng bá là cần thiết, thậm chí là sống còn nhưng trên hết phải là nội lực kịch bản, nội lực của nhà hát, đạo diễn và diễn viên. Tôi nghĩ và tôi được biết “Biệt đội báo đen” chắc chắn sẽ ăn khách. Ăn khách không lệ thuộc vào gu thị hiếu nọ kia mà bằng chính miền mỹ cảm sân khấu và hơi thở văn học kịch của nó.
– Xin cảm ơn nhà văn Chu Lai!
Theo Phạm Thu Hương – An ninh Thủ đô