Nhà thờ Santa Maria Antiqua có niên đại từ thế kỷ thứ 6 ở Roma (Italy), nơi lưu giữ bộ sưu tập quý hiếm về nghệ thuật Công giáo thời kỳ đầu, đang mở cửa lại đón công chúng sau hơn 30 năm tu bổ.

Tọa lạc tại chân đồi nơi nhiều hoàng đế La Mã từng sống, Santa Maria Antiqua từng bị chôn vùi trong đống đổ nát sau trận động đất hồi năm 847 và đến năm 1900 mới được tìm lại.


Nhà thờ Santa Maria Antiqua

Giờ nhiều bức bích họa vẽ thánh, những người tử vì đạo, hoàng hậu, giáo hoàng và hoàng đế đã được phục chế với chi phí 4 triệu USD. Số tiền này được Chính phủ Italy và Quỹ các công trình Thế giới tài trợ.



Một bức bích họa trong nhà thờ Santa Maria Antiqua

“Đây là nhà thờ có niên đại từ đầu thời Trung cổ, có nhà nguyện Sistine. Nơi đây thu thập những gì đặc sắc nhất của nền văn hóa Kitô giáo giữa Roma và Byzantium (thành phố Hy Lạp cổ đại hiện là Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ)” – sử gia nghệ thuật Maria Andaloro, người đang tổ chức triển lãm sử dụng các dự án kỹ thuật số trên tường các bức tường trong nhà thờ, nói.

Trong số đó có bức họa mô tả Đức mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng. Đây được xem là một trong những biểu tượng Công giáo lâu đời nhất thế giới. Tác phẩm này từng được chuyển tới một nhà thờ khác ở Roma sau trận động đất, tuy nhiên giờ nó đã được đưa trở về Santa Maria Antiqua.


Bức bích họa trong nhà thờ

Nhà thờ Santa Maria Antiqua vẫn còn nguyên vẹn và chưa hề bị đụng tới, kể cả trong thời kỳ Baroque, khi nhiều nhà thờ La Mã khác đã được làm mới lại. Cách đây 12 năm, nhà thờ này từng được mở cửa trong vòng 1 tháng, song sau đó lại bị đóng cửa để tiếp tục tu bổ.

Theo Tuấn Vĩ – Thể thao & Văn hóa