Từ tháng 5 năm ngoái đến trước tháng 5 năm nay, âm nhạc Việt Nam liên tiếp chứng kiến sự ra đi của nhiều nhạc sĩ tên tuổi. Họ có thể là những tác giả gạo cội, đã ở vào thời tuổi cao sức yếu như giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê đến những người còn khá trẻ, còn dạt dào sức sống và ước mơ như Trần Lập.
Họ có thể là những tác giả lớn của nền âm nhạc cách mạng như Phan Huỳnh Điểu hoặc những người mà mỗi một tác phẩm giống như một cuộc tình trú ngụ trong cái góc nhỏ sâu kín nhất của trái tim chúng ta như Nguyễn Ánh 9. Mỗi chúng ta, bằng một “cái tai âm nhạc” của riêng mình chắc chắn đều có những cảm xúc riêng, những da diết buồn, da diết nhớ theo một cách riêng trước những sự ra đi ấy.
Và đấy cũng là chủ đề của cuộc đối thoại giữa phóng viên Chuyên đề ANTG GT – CT với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, trong một ngày Hà Nội trở gió – ngày mà khi nói về những nhạc sĩ đã ra đi, về những di sản lớn lao mà họ để lại, chúng tôi đều thấy trái tim mình nhói buốt…
Mỗi người một nét, mỗi người một ngai
– Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông Nguyễn Thụy Kha, cảm xúc chung của ông trước những sự ra đi vừa kể như thế nào ạ?
– Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha: Trước hết tôi muốn nói rằng, có những sự ra đi đã được báo chí, dư luận đề cập nhiều, nhưng cũng có những sự ra đi không nhiều người chú ý, chẳng hạn như sự ra đi trong lặng lẽ của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích. Chắc bạn vẫn nhớ, Hàn Ngọc Bích đã đóng đinh tên tuổi mình vào âm nhạc thiếu nhi Việt Nam với bài hát Đưa cơm cho mẹ đi cày…
– Có! Tôi có nghe bài này trong chương trình “Giai điệu tự hào” trên VTV. Tôi còn nhớ, hai mẹ con ca sĩ Mỹ Linh đã hát bài này cực kỳ cảm động.
– Cũng may là “Giai điệu tự hào” của VTV còn kịp nhắc đến bài hát này, đến nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích trước khi ông nằm xuống.
– Và chúng ta vẫn sẽ nhớ tới ông mỗi khi chúng ta dạy cho con cháu mình những câu mà rất nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã hát: “Mặt trời soi rực rỡ/ Gió đùa tóc em bay/ Giỏ cơm trên tay/ Em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày…”.
– Đúng thế!
– Vậy với một nhạc sĩ nổi tiếng hơn, như Phan Huỳnh Điểu thì sao ạ? Những ấn tượng mà tác giả của “Những ánh sao đêm” để lại trong ông là gì?
– Nếu trong văn học có một Tô Hoài là người chạy marathon cán đích, nghĩa là người viết hay đến tận cuối cùng, tận khi nhắm mắt, thì trong âm nhạc, Phan Huỳnh Điểu cũng là một người chạy marathon như thế. Có thể nói ông là một cái tên tiêu biểu cho dòng nhạc trữ tình cách mạng. Ngay cả khi ông viết hành khúc như Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao… thì ở đó vẫn toát lên chất trữ tình, chứ không lên gân chút nào.
– Tất cả những sáng tác của ông đều rất rõ chất trữ tình, mượt mà, không lên gân ấy?
– À không, ông từng viết bài Ra tiền tuyến vào năm 1965, khi thấy giặc Mỹ tràn vào quê hương Đà Nẵng mình, và trong lòng ông sôi sục một sự căm thù to lớn. Riêng bài ấy, chỉ riêng bài ấy thôi không toát lên chất trữ tình. Chúng ta phải nói thêm, sự lớn lao của Phan Huỳnh Điểu còn được thể hiện ở chỗ những tác phẩm của ông đã đưa rất nhiều giọng hát lên đỉnh cao, chẳng hạn như Lê Dung với Anh ở đầu sông, em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Ngọc Tân với Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh). Tôi nghĩ rằng Phan Huỳnh Điểu đã đi trọn vẹn con đường âm nhạc cách mạng, và cuối cùng cũng ra đi rất thanh thản khi di chúc cho gia đình thả tro cốt của mình xuống dòng sông Hàn quê hương.
– Tôi nhớ là chỉ ít ngày sau sự ra đi của Phan Huỳnh Điểu, có sự ra đi của một nhạc sĩ họ Phan khác, đó là Phan Nhân, tác giả của “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”…
– Nếu có những nhạc sĩ miền Bắc vào Nam thì Phan Nhân lại là một người từ Nam ra Bắc. Thật thú vị khi nhạc sĩ người An Giang này đã sống ở Hà Nội và để lại cho Hà Nội một tuyệt phẩm như anh vừa nói.
– Tôi nghe kể trong cái đêm đau thương mà hào hùng của Hà Nội năm 1972, nhạc sĩ Phan Nhân đã lên nóc Đài Tiếng nói Việt Nam, trực tiếp xem Hà Nội đánh B52 Mỹ rồi viết một mạch tuyệt phẩm ấy. Viết rất nhanh. Có thể nói, những tác phẩm đi ra từ máu lửa của cuộc chiến như thế bây giờ nghe lại vẫn không tránh khỏi cảm giác rùng mình. Còn thời điểm đó thì sao ạ? Tôi tò mò muốn biết thời điểm đó thế hệ của ông đã đón nhận những giai điệu chiến đấu – những giai điệu về một Hà Nội anh hùng trong tâm thế nào?
– À, lúc đó tôi và các đồng đội đang ở Trường Sơn. Thời điểm đó Trường Sơn im tiếng súng, vì đối phương dồn mọi điểm nóng vào bầu trời Hà Nội. Và giữa rừng Trường Sơn, nghe qua Đài tiếng nói Việt Nam câu: “Sáng soi bóng đêm Trường Sơn/ Lắng trong nước sông Cửu Long/ Nhẹ nâng bước chân hành quân…” thì chúng tôi đã ôm nhau khóc vì cảm động. Lúc ấy nói chính xác là tự hào và cảm động.
– Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhưng từ trong lòng cuộc chiến rất nhiều bài hát đã trở nên bất hủ. Còn bây giờ, công việc của các nhạc sĩ trẻ có phần khó khăn hơn, vì bây giờ thật khó tìm một dòng cảm hứng lớn – một dòng cảm hứng chung mà cả dân tộc đổ dồn vào đó như trong thời chiến. Nghĩ như thế, liệu có đúng không thưa ông?
– Tôi nghĩ là không đúng. Chẳng hạn như chúng ta nghe những bài hát của The Beatles, chúng ta vẫn thấy âm hưởng của chiến tranh đấy chứ. Ở đó, vẫn đầy những u hoài, chán nản về cuộc chiến tranh thế giới đã diễn ra trước thời đại của họ hàng chục năm. Theo tôi, mỗi một thế hệ cần chiêm nghiệm và sáng tác về cuộc chiến theo cách của mình. Mà đôi khi chính cái khoảng cách đủ dài, đủ lớn của thời gian lại khiến người ta có những chiêm nghiệm chính xác hơn.
– Vấn đề là những nhạc sĩ bây giờ có đủ tài năng và sự hiểu biết để chiêm nghiệm sâu sắc hay không?
– Đúng!
– Nhưng cũng không thể phủ nhận cuộc sống mới với rất nhiều những mối quan tâm mới, những ảnh hưởng mới từ bên ngoài khiến những thế hệ nhạc sĩ trẻ nói riêng và người trẻ nói chung bị cuốn theo. Và dù không muốn vẫn phải thừa nhận rằng với một bộ phận sáng tác trẻ nào đó, buộc họ phải nghĩ, phải viết về những điều cũ là một đòi hỏi khó khăn?
– Đúng là bây giờ những người sáng tác mới dễ bị cuốn sang một dòng chảy mới, trong khi dòng chảy cũ có vàng mà không biết, hoặc biết nhưng không khai thác được. Chỗ này thì tôi đồng ý với bạn rằng cuộc sống mới có nhiều thay đổi, trong đó có những thay đổi tốt, có những thay đổi chưa tốt. Nhưng khi bàn về một điều rất cụ thể, một điều tạo cảm hứng sáng tác rất lớn như tình yêu chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy cách yêu của bây giờ và thời trước cũng rất khác nhau.
– Ông có thể ví dụ?
– Ví dụ nhà thơ Thanh Tùng từng có một tình yêu tuyệt đẹp, thuần cảm xúc và lý tưởng, chứ không bị vướng một chút nhục dục nào. Thời đó, khi người yêu của Thanh Tùng đi công tác ở Tiên Lãng, thì chiều thứ bảy, Thanh Tùng chạy từ thành phố Hải Phòng xuống huyện Tiên Lãng, khoảng năm chục cây số để tìm gặp. Nhưng tới đây lại nghe nói người yêu sang Vĩnh Bảo, ông ấy lại chạy tiếp sang Vĩnh Bảo, mất 20 cây số nữa. Đến Vĩnh Bảo lại nghe tin người yêu đã về Hải Phòng tìm mình, thế là ông ấy lại tiếp tục chạy từ Vĩnh Bảo về Hải Phòng. Vì tình yêu lớn như thế nên ông ấy viết bài thơ Thời hoa đỏ với những câu ai cũng nhớ: “Anh mải mê về một thời mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ…”.
– Nhưng bây giờ ngay cả khi tình yêu có nhuốm màu nhục dục thì nó cũng có gì sai trái đâu nhỉ?
– Thực ra tình yêu phải là sự giao hoà đỉnh cao của cả cảm xúc và nhục dục. Nhưng lớp trẻ bây giờ hình như lại nhấn quá nhiều tới cái thứ hai, thậm chí có nhiều bạn trẻ tôi biết trong quan niệm của họ tình yêu đơn giản chỉ là những giấc ngủ. Và như thế dễ đánh mất nhiều cái thiêng liêng trong tâm hồn mình.
– Giờ thì chúng ta lại quay trở về với âm nhạc, thưa ông, có những sự ra đi của những nhạc sĩ nào mà tôi chưa kịp nhắc đến không ạ?
– An Thuyên! Đấy cũng là một sự ra đi đầy tiếc nuối, bởi An Thuyên đã khép lại một kiểu sáng tác của mình, rất đẹp, rất thuần khiết, nhưng là một kiểu sáng tác cũ và đang trăn trở tìm một lối đi mới – và đó là cái mới vẫn trong dòng chảy có vàng như tôi đề cập ở trên, nhưng đúng lúc An Thuyên trăn trở nhất thì lại ra đi. Và cũng trong quãng thời gian ấy còn một sự ra đi của một người có tầm vóc lớn lao nhưng chúng ta không mấy chú ý nữa, đó là Nguyễn Thiên Đạo.
– Nguyễn Thiên Đạo?
– Nhiều người yêu nhạc Việt Nam không biết tới ông, nhưng có thể nói ông là người đặc công Việt Nam đột nhập vào toà lâu đài của âm nhạc giao hưởng thế giới. Ông là người chứng minh cho thế giới biết rằng người Việt Nam biết viết giao hưởng. Ông đã dạy và bổ túc cho rất nhiều người như Giáng Son, Vũ Nhật Tân… Và ông mất vào đúng ngày 20-11-2015, khiến những học trò ruột của ông cực kỳ thương tiếc.
– Còn với trường hợp của nhạc sĩ Thanh Tùng, tác giả của “Một mình” thì sao ạ? Ông là người viết điếu văn cho Thanh Tùng thì phải?
– Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi chúng ta vừa mở cửa thì một làn sóng nhạc hải ngoại ùa về. Những nhạc sĩ Việt Nam lúc đó đứng trước câu hỏi: Phải làm thế nào để sáng tác của mình tìm được chỗ đứng bên cạnh dòng âm nhạc này? Kết quả là ngoài Bắc có những người như Trần Tiến, Phó Đức Phương, Dương Thụ, và trong kia có Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng… viết hàng loạt tác phẩm độc đáo, tạo ra chỗ đứng riêng. Trong số ấy, Thanh Tùng là một cái tên xuất sắc. Ông ấy viết những bài rất hay như Lối cũ ta về, và sau này khi viết Một mình như bạn vừa nhắc đến thì phải gọi là tuyệt phẩm.
– Tuyệt phẩm?
– Nếu những bài trước đó, Thanh Tùng thường vào thẳng cảm xúc thì riêng bài này lại có một đoạn mở đầu gọi là “miễu”: “Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên/ Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên…”, rồi sau đó mới đi vào cảm xúc. Lối “miễu” ấy là một đặc trưng của ca trù, chầu văn. Ngoài ra bài này có câu “tan ca bố có đón đưa” nói quá đúng, quá trúng về cuộc sống thời chiến tranh.
– Bây giờ có lẽ phải nhắc tới Trần Lập, ông nhỉ?
– Trước khi nhắc tới Trần Lập, xin đừng quên nhắc tới Lương Minh, một nhạc sĩ trẻ ra đi ngay trong tháng giêng năm 2016. Lương Minh là một nhạc sĩ trẻ học hành tử tế và là một tài năng âm nhạc. Bản giao hưởng tốt nghiệp của Lương Minh đã được giải thưởng các tác giả trẻ châu Á năm 1994. Anh tham gia ban nhạc “Hoa sữa” nổi tiếng. Về làm ở VTV, anh đã góp công rất lớn phát hiện và giới thiệu các tác giả trẻ, trong đó có Trần Lập, Hồ Hoài Anh, Lưu Thiên Hương, Nguyễn Đức Cường, Đỗ Bảo…
Còn với trường hợp Trần Lập ta thấy Trần Lập được ông trời mách bảo cái bí mật nối kết với đám đông. Ban nhạc của Trần Lập chọn tên gọi vốn là một bài hát nổi tiếng của Pink Floyd, bản The wall – bức tường được vang lên tại chỗ bức tường Berlin sụp đổ, tôi nghĩ bản thân cái tên ấy, sự lựa chọn ấy là sự mách bảo quan trọng. Sau đó thì cách anh ấy sáng tác, biểu diễn, thu hút giới trẻ về phía mình – tất cả đều giống một sự mách bảo kỳ diệu. Tôi đã từng nghĩ nếu để sân nhạc Trần Tiến cạnh sân nhạc Trần Lập, sân nhạc Trần Lập sẽ hút khán giả, hút giới trẻ hơn. Và đấy là một yếu tố trời cho, không phải ban nhạc nào, nhạc sĩ – ca sĩ nào cũng may mắn có được.
– Nhưng trời lại lấy Trần Lập đi sớm quá?
– Tôi không muốn nhìn như thế. Tôi muốn tin rằng trời đã cho Trần Lập bước vào bất tử. Giống trường hợp của John Lennon ở bên Anh ấy, anh ấy cũng ra đi quá đột ngột, nhưng dường như việc ra đi ở trên đỉnh cao tài năng và sự nghiệp lại là cách để anh ấy bước vào bất tử. Trời đưa anh ấy vào bất tử.
– Gần đây nhất là sự ra đi của Nguyễn Ánh 9. Tôi tin rằng nhiều khán giả phải rất lâu nữa mới có thể nguôi đi nỗi tiếc nhớ Nguyễn Ánh 9 mỗi khi chạm mắt vào một chiếc đàn piano nào đó…
– Nghệ thuật Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi nhiều nền nghệ thuật, nhưng nghệ thuật Pháp ảnh hưởng lâu nhất. Và trong âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 chúng ta thấy nét dìu dặt rất rõ của nghệ thuật Pháp. Một tính Pháp đặc trưng, không lẫn đi đâu được. Tôi cũng đồng ý với anh rằng ở ông có một cái duyên, một định mệnh lớn với cây đàn pinano trong các phòng trà.
– Và âm nhạc phòng trà với những bản nhạc tình như “Cô đơn”, “Bơ vơ”, “Ai đưa em về” của Nguyễn Ánh 9 đã tạo ra một giá trị độc đáo, không dễ gì lặp lại.
– Rồi sẽ có lúc chúng ta phải nói kỹ về âm nhạc phòng trà. Ở đây, tôi chỉ nói ngắn gọn rằng tất cả những ca sĩ nổi tiếng của thế giới và Việt Nam mà tôi biết, hầu hết đều từ phòng trà bước ra.
Hai tượng đài bất hủ
– Chúng ta đã nói đến sự ra đi của rất nhiều nhạc sĩ, nhưng nói chuyện với ông – một người nghiên cứu khá kỹ Văn Cao và Phạm Duy, tôi cảm thấy có gì đó thiếu thốn nếu không nhắc lại hai nhạc sĩ đại tài này. Ông có nhớ là hồi Văn Cao, Phạm Duy trút hơi thở cuối cùng rời cõi tạm, suy nghĩ của ông lúc đó như thế nào không?
– Với Văn Cao, trước khi nói tới lần cuối cùng, tôi muốn kể về lần đầu tiên. Năm 1978, khi tôi ra học chuyên tu âm nhạc ở Hà Nội thì phải nói là rất thèm gặp Văn Cao nhưng không dám. Hồi đó tôi 31 tuổi, chỉ dám ra ngồi quán rượu của Hoàng Cầm trên phố Lý Quốc Sư, nhìn các bậc trưởng thượng ấy từ xa.
Sau này, người tôi được tiếp xúc đầu tiên trong nhóm của các ông là ông Đặng Đình Hưng. Năm 1982, tôi được giải thưởng thơ Báo Văn nghệ với bài Những cơn mưa đồng hành, và một hôm Đặng Đình Hưng bảo tôi là Văn Cao muốn gặp tôi. Chỉ nghe đến thế thôi tôi thấy sống lưng mình chạy lạnh buốt. Và tôi nhớ mãi lần đầu gặp Văn Cao do Đặng Đình Hưng tổ chức, đấy là một quán rượu có tên Tiên Điền trên đường Nguyễn Du. Quán tối mờ, bình dân, chỉ bán rượu với mấy bìa đậu. Phải nói, màu hoàng hôn trong cái quán đó sẫm tối như bức tranh Những người ăn khoai của Van Gogh. Khi tôi vào, Văn Cao đứng lên, ôm chầm lấy tôi và nói: “Tao ôm những giọt mưa đồng hành của tao”, khiến tôi phát khóc. Bây giờ kể lại tôi cũng muốn khóc luôn.
Trời ơi, tại sao một người lớn lao, tầm cỡ như tác giả Quốc ca lại ứng xử với một kẻ hậu sinh gần gũi, thân thiện như thế? Đấy là cử chỉ, là bản lĩnh lớn mà tôi khắc cốt ghi xương cả đời. Buổi rượu hôm ấy, khi đã ngà ngà say, Văn Cao đã đọc mấy câu thơ bất hủ: “Con thuyền đi qua để lại sóng/ Con tàu đi qua để lại tiếng/ Đoàn người đi qua để lại bóng/ Tôi không đi qua tôi, để lại gì…“. Kể từ đó tôi trở thành bạn vong niên của cụ, cùng cụ rong ruổi, lãng du trên mọi nẻo đường đất nước.
– Điều thấm thía nhất ông rút ra từ những cuộc lãng du ấy là gì ạ?
– Văn Cao vô cùng gần gũi mà lại vô cùng cách xa chúng ta. Trong đầu óc Văn Cao luôn có những tư duy, ý tưởng khác chúng ta, vượt chúng ta, và sau này chúng ta phải học hỏi rất nhiều. Ví dụ trong một chuyến đi vào Quy Nhơn, chúng tôi tiếp cận với một văn minh mới – văn minh Chàm, và khi Văn Cao viết: “Từ trời xanh rơi vài giọt tháp Chàm…” thì tất cả chúng tôi thực sự thán phục, bái phục ông.
– Còn những ngày cuối của Văn Cao?
– Thực ra từ năm 1988, Văn Cao đã bị tràn dịch màng phổi, rất nguy kịch rồi. Nhưng sau đó chữa khỏi, và tiếp tục những năm tháng rất đẹp. Đến năm 1995 thì Văn Cao nhập viện vì ung thư phổi, tôi nhớ mãi lần đó, khi Nguyễn Thiên Đạo – người từng chỉ huy Quốc ca Việt Nam ở Pháp về nước, và chúng tôi vào viện thăm ông. Hôm đó ông còn bảo: “Ở nhà còn chai John đen. Đợi tuần sau tao về uống”. Vài hôm sau, sáng ngày 10 – 7 thì con trai Văn Cao gọi điện cho tôi bảo: “Anh ơi, bố em đi rồi”. Lúc ấy tôi thấy mình như rơi tự do. Tôi chạy ngay đến bệnh viện thì ông đã được đưa vào nhà lạnh rồi.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG GT – CT. Ảnh: Phạm Nghĩa. |
– Bây giờ nhìn lại, ông thấy thích nhất bài nào của Văn Cao?
– Mùa xuân đầu tiên! Khi đất nước thống nhất, Văn Cao hoà vào niềm vui của dân tộc, và viết: “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”. Thực ra có nhiều người viết về khúc khải hoàn ca ấy, nhưng nếu nhìn ở góc độ tư tưởng, tôi thấy tư tưởng của Văn Cao là cao nhất. Tuy nhiên, năm 1976, Văn Cao viết xong bài hát ấy rồi cất vào tủ. Đến năm 1985, khi tỉnh Nghĩa Bình mời Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo và tôi về sáng tác thì chúng tôi bàn nhau in một bản giới thiệu các sáng tác của mình để chào hỏi địa phương. Chúng tôi đề nghị Văn Cao in Quốc ca, nhưng ông bảo: “Mình đã khởi ra cái nhịp cho người lính bước vào cuộc chiến, giờ mình muốn in một bài khép lại cuộc chiến ấy”, và ông đưa ra bài Mùa xuân đầu tiên. Nhưng phải đến năm 1988, Nhà xuất bản Trẻ mời tôi làm biên tập cho một tuyển tập nhạc của Văn Cao, thì tôi mới đưa bài này vào tuyển tập. Đấy là lần đầu tiên Mùa xuân đầu tiên được in bằng giấy trắng mực đen. Ba năm sau, hội Việt kiều Pháp đặt tôi làm phim về Văn Cao, tôi mời ông Quốc Đông hát vài lời, minh hoạ cho đoạn phim Văn Cao về quê, và mọi chuyện dừng lại ở đó.
Mãi đến năm 1993, khi Văn Cao 70 tuổi thì trong một chương trình âm nhạc được tổ chức tại sân khấu nhà văn hoá thanh niên Hà Nội, lần đầu tiên bài đó được hát bởi ca sĩ Minh Hoa. Và vài năm sau, đến khi Văn Cao qua đời, thì bài hát này mới đến với công chúng.
Thế đấy, Văn Cao nổi tiếng từ 16 tuổi với Buồn tàn thu, 18 tuổi với Thiên thai nhưng phải sau khi mất đi thì Mùa xuân đầu tiên của ông mới được đông đảo công chúng biết đến.
– Còn với Phạm Duy, bài nào của Phạm Duy ông thích nhất?
– Tình ca, chắc chắn rồi. Chỉ với những câu như: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, Phạm Duy đã vượt lên những người viết cả ngàn bài khác.
Tôi nhớ là năm 1994, chúng tôi nhận tài trợ của Cocacola, và họ yêu cầu làm một cái gì đó về âm nhạc. Khi đó Dương Thụ, Hồng Đăng và tôi nghĩ ra một chương trình hợp tuyển về âm nhạc Việt Nam, trong đó đưa một số tác phẩm của các nhạc sĩ miền Nam, trong số ấy có bài Về miền Trung của Phạm Duy. Lúc ấy nhạc sĩ Trần Hoàn là Bộ trưởng Bộ Văn hoá đồng ý luôn. Nhưng ở trên chưa đồng ý, vì thế phải gác lại. Tin ấy đến tai Phạm Duy, ông viết thư về cho Hội Nhạc sĩ, và cho cá nhân tôi, chia sẻ nhiều. Sau đó ông cử vợ mình là ca sĩ Thái Hằng về nước, và rất may thời điểm ấy bà Thái Hằng kịp gặp lại Văn Cao, Hoàng Cầm, hai người bạn thân của Phạm Duy. Năm 1998 bà Thái Hằng mất, đầu năm 2000, Phạm Duy chính thức xin về, và tôi cùng con trai của nhà thơ Hoàng Cầm đã lên sân bay Nội Bài đón ông ấy.
– Có bao giờ ông nghe kể về quan hệ giữa Văn Cao với Phạm Duy, hoặc nghe hai ông nhận xét về nhau không ?
– Văn Cao từng bảo với tôi: “Nhạc Phạm Duy phổ biến hơn mình”, còn Phạm Duy thì bảo: “Nhạc Văn Cao là trời cho, còn tôi thì tình cho”. Trong chuyến về Hà Nội năm 2000 như tôi kể trên, về buổi sáng thì ngay buổi chiều Phạm Duy đến mộ Văn Cao thắp hương cho bạn.
– Như vậy là họ tái ngộ trong cảnh mỗi người đang thuộc về một cõi khác nhau?
– Khi họ thuộc cùng một cõi, trước năm 1945 ấy, thì thoạt tiên Phạm Duy là thành viên của gánh hát Đức Huy, và khi gánh hát về Hải Phòng thì Phạm Duy gặp Văn Cao, lập tức hát Buồn tàn thu của Văn Cao, rồi thân với nhau từ ấy. Sau năm 1946, khi Văn Cao cùng với Trần Huy Liệu lên Lào Cai để tạo ra một phòng tuyến tình báo ngăn chặn Tàu Tưởng, thì ông đã mở một quán rượu trên đó, và lại kéo Phạm Duy lên. Chính thời điểm này, Phạm Duy viết Bên cầu biên giới. Rồi họ cùng trở về, Văn Cao viết Trường ca sông Lô, Phạm Duy viết Tiếng hát bên bờ sông Lô.
– Văn Cao mất năm 1995, Phạm Duy mất năm 2013, nghĩa là sau 18 năm thì họ lại hội ngộ ở cõi bên kia…
– Phạm Duy mất năm 2013, khi tôi cũng chỉ vừa rời Sài Gòn chưa đến một tuần. Lần cuối cùng gặp, hai anh em vui vẻ, nói nhiều về quãng thời gian 7 năm sau cùng Phạm Duy về Việt Nam sinh sống. Cùng ngồi với chúng tôi hôm ấy có một người luôn viết nhật ký Phạm Duy, và ông ấy nhận xét: “Nhạc ông Phạm Duy đại diện cho Việt Nam”. Tôi bảo: “Ông nhầm rồi. Phải nói Phạm Duy là một trong những người đại diện cho âm nhạc Việt Nam mới đúng”.
– Có nghĩa, một nhạc sĩ dù vĩ đại đến mấy thì cũng chỉ đại diện cho một cánh cửa âm nhạc nào đó. Tất nhiên mỗi cánh cửa có độ to – nhỏ khác nhau, và khi mỗi cánh cửa khép lại, chúng ta lại chờ những cánh cửa mới mở ra?
– Đúng rồi. Những người như Văn Cao, Phạm Duy, rồi gần đây là Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Hàn Ngọc Bích, Nguyễn Ánh 9 đã ra đi, đã khép lại một cánh cửa và mang theo chiếc chìa khoá của mình. Nhưng người đi sau không nên nghĩ đến chuyện đánh một chiếc chìa khoá đồng dạng để cố mở lại cánh cửa cũ, mà phải nghĩ tới chuyện cố tạo ra những cánh cửa mới của mình.
– Còn với những cánh cửa âm nhạc đã khép lại, những chiếc chìa khoá được mãi mãi mang đi, ông có thể nói gì về họ?
– Tôi nghĩ, với sự cống hiến của họ, âm nhạc Việt Nam dù chưa ra được thế giới thì cũng đã có cái để thế giới nhìn vào.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Phan Đăng (thực hiện) – ANTGCT.CAND