THỦY TIÊN

Phim hoạt hình Việt Nam đã có những bước phát triển với nhiều bộ phim chất lượng và nỗ lực đưa phim đến với công chúng. Tuy nhiên còn nhiều mục tiêu để ngỏ, đặc biệt là câu chuyện sản phẩm “đầu vào”. Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Kịch bản Hãng phim hoạt hình Việt Nam trò chuyện với Thời Nay.
Phóng viên (PV): Chị có thể nhận xét đôi điều về chất lượng kịch bản phim hoạt hình hiện nay?

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà (PTH): Cá nhân tôi cho rằng, chất lượng đó đang ở mức trung bình – khá. Phần lớn số kịch bản đưa vào sản xuất ở mức đủ tiêu chuẩn chất lượng, một số kịch bản có nội dung khá hơn nhưng rất ít kịch bản thật sự hấp dẫn. Mặc dù, những năm qua, hãng luôn chú trọng đầu tư mở rộng đội ngũ cộng tác viên, thường xuyên tổ chức các trại sáng tác để thu hút nguồn kịch bản, đào tạo cộng tác viên, nâng cao chất lượng và số lượng kịch bản, song khâu kịch bản vẫn cần nhiều cố gắng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

PV: Như vậy, phim hoạt hình cũng đang ở trong tình trạng “khan hiếm kịch bản hay”, thưa chị?

PTH: Những năm gần đây, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam kết hợp Hội Điện ảnh liên tục mở các trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình. Đây là cơ hội cho chúng tôi tiếp cận nguồn kịch bản rộng rãi từ những nhà biên kịch chuyên nghiệp, những cây bút trẻ là học sinh, sinh viên và những người yêu thích viết lách. Mặc dù thu được số lượng đề cương tham dự khá lớn như Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hìnhTam Đảo 2016 – có 135 đề cương, Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình Đà Lạt 2017 – 115 đề cương, song tỷ lệ đề cương có khả năng phát triển thành kịch bản, đủ yếu tố để đầu tư biên tập, sửa chữa và nâng cao chất lượng đưa vào sản xuất chỉ dừng lại ở con số trên dưới… 10%. Những thí dụ này cho thấy, để có được kịch bản phim hoạt hình đủ chất lượng làm phim là rất khó. Tìm được kịch bản phim hoạt hình hay càng khó hơn!

Một bộ phim của Hãng phim hoạt hình Việt Nam.

PV: Có lẽ còn ít nhiều bất cập liên quan đến câu chuyện này. Chị có chia sẻ và gợi ý gì?

PTH: Điều mà những người làm kịch bản phim hoạt hình luôn băn khoăn là cho đến nay, ở Việt Nam chưa có trường lớp nghệ thuật nào có ngành đào tạo biên kịch hoạt hình. Thậm chí, tại các trường có chuyên môn điện ảnh cũng chưa có môn dạy riêng về viết kịch bản phim hoạt hình hoặc một giáo trình cụ thể nào cho biên kịch hoạt hình. Các biên tập, biên kịch ở hãng chúng tôi đều học các ngành gần với biên kịch hoạt hình, vừa làm vừa học và chủ yếu theo phương pháp truyền nghề, học hỏi kinh nghiệm của các biên kịch gạo cội, đi trước.

Hiện tại, chúng tôi phải chủ động tự đào tạo cộng tác viên viết kịch bản cho mình từ nhiều nguồn như: mời các nhà văn có tên tuổi, các cây bút trẻ, thông qua các trại sáng tác để tìm cộng tác viên… Nguồn lực mạnh mẽ nhất tham gia viết kịch bản hiện tại là các cây bút trẻ, học sinh, sinh viên của các trường Đại học (ĐH) Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Sư phạm (ĐH quốc gia Hà Nội),… và cả các cây bút còn đang ngồi trên ghế trường phổ thông.

Bản thân tôi, để bảo đảm đủ nguồn kịch bản cho công việc của mình, tôi thường xuyên cộng tác với các cây viết trong các khóa học Bồi dưỡng kỹ năng viết kịch bản tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, nơi tôi đang tham gia giảng dạy. Thậm chí, tôi còn tự mở các lớp học online và miễn phí hướng dẫn viết kịch bản phim hoạt hình để có nhiều cộng tác viên hơn nữa tiếp cận và tham gia viết kịch bản hoạt hình.

PV: Chân thành cảm ơn chị!
NBK Phạm Thanh Hà: Phim hoạt hình Việt Nam không phải không có những người tài năng, tâm huyết và đặc biệt là có lượng khán giả đông đảo sẵn sàng chờ đón các bộ phim hay, nhưng ta vẫn không vượt lên được. Đó là điều thật sự nuối tiếc. Tôi không cho rằng, chất lượng phim hoạt hình bị hạn chế hoặc bị bó buộc bởi tư duy “mục đích chính của phim hoạt hình là những bài học cho trẻ em”.
Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài