Tôi vẫn quen gọi ông như thế, bởi dân tộc Khơ mú sinh ra ông, đã mê hoặc ông ngay từ khi ông biết cầm cây cọ vẽ. Không như nhiều họa sỹ khác thích xê dịch trải nghiệm ở các địa bàn, vùng miền; ông hầu như cả đời chỉ gắn bó với núi non vùng cao Mường La, gắn bó với muôn sắc đời sống của những tộc người thân thuộc. Đối với ông, đó là nguồn chất liệu phong phú, nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn, là chất men tạo nên sự thăng hoa cho người họa sỹ. Người họa sỹ duy nhất của dân tộc Khơ mú – họa sỹ Kà Ra Sam.


Sinh năm Ất Dậu, 1945, giữa một ngày đông bản Pi Tong – một bản người Khơ Mú vùng sâu của xã Ít Ong (Mường La) chìm trong giá lạnh, mịt mờ sương muối, tuổi thơ của Kà Ra Sam len lỏi bên những triền núi và khe suối, ngợp trong cảnh sắc bốn mùa hoa lá cùng với nắng và gió của đại ngàn, những lễ hội tưng bừng độc đáo của dân tộc mình diễn ra dường như không bao giờ dứt.

Có lẽ âm hưởng sắc màu từ thiên nhiên, những hình ảnh thân thuộc của người dân Ít Ong tạc vào ruộng nương mỗi chiều mỗi sớm, tạc vào con đường dốc quanh co nơi xứ sở, rộn rã những phiên chợ vùng cao… đã ăn vào tâm trí ông, thôi thúc ông khát vọng đam mê với cây bút vẽ. Nhờ có năng khiếu hội họa, ông được học vẽ từ rất sớm, năm 1963 sau khi tốt nghiệp khóa trung cấp mỹ thuật, chuyến đi thực tế đầu tiên ở Hữu Lũng (Lạng Sơn) ông đã có một số tác phẩm, trong đó tác phẩm “Chọn lạc giống” được đánh giá cao.

Họa sỹ Ka Ra Sam bên tác phẩm của mình.

Năm 1964, Kà Ra Sam thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào hồi khốc liệt. khi Kà Ra Sam học hết năm thứ 3 (năm 1967) thì nhập ngũ, sau đó vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi, Bình Định. Thực tế giữa khói lửa mặt trận đã tiếp thêm nhiệt huyết cho ông tiếp cận với đề tài chiến tranh, phản ánh cuộc sống chiến đấu gian khổ và anh dũng của quân và dân ta.

Được đơn vị bố trí tạo điều kiện, ông vẽ nhiều chân dung người thực, việc thực về người chiến sỹ giải phóng, về chân dung các anh hùng, dũng sỹ, du kích và những người dân ngày đêm trực tiếp góp sức, hy sinh cùng bộ đội ta đánh giặc… Sau giải phóng, ông xuất ngũ về công tác tại Sở Văn hóa Sơn La, đến năm 1982 ông trở lại Trường Đại học Mỹ thuật học nốt chương trình năm thứ 4. Cuối khóa học, ông tốt nghiệp bằng tác phẩm “Uống rượu cần” đạt thủ khoa và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại.

Xem tranh Kà Ra Sam dễ nhận ra  nét riêng biệt, đó là ông thường dùng màu sắc sặc sỡ. Ông bảo đấy là màu đồng bào dân tộc Khơ Mú ưa thích, quen dùng. Vả lại đề tài của ông chỉ xoay quanh vào miêu tả những nét sinh hoạt, cuộc sống lao động của bà con vùng dân tộc, nó đã ngấm vào tiềm thức, đến mức có nhắm mắt lại ông cũng vẽ ra.

Tuy vậy, dù chung thủy với một đề tài, nhưng ông không lặp lại nhàm chán, không hề dễ dãi, mà mỗi bức tranh đều đậm chất trữ tình, được thể hiện bằng màu sắc nhẹ nhàng, tươi tắn, gần gũi màu sắc dân tộc, nhưng không sao chép đơn thuần, nên rất có ấn tượng với người vùng cao. Ông bảo: “Có nhiều họa sỹ dưới xuôi lên vẽ người dân tộc không thành công, vì không thổi được hồn vào tác phẩm”.

Họa sỹ Kà Ra Sam là người có duyên “kể chuyện” dân tộc mình bằng hội họa. Qua tranh của ông, người xem hiểu được nét phong tục, tập quán của người Khơ Mú, người Thái ở giữa một vùng núi non Tây Bắc hùng vĩ. Đó là các nét văn hóa từ xưa truyền lại trong lễ mừng nhà mới, lễ mừng được mùa.

Trong ngày hội, người người quây quần bên chum rượu cần, các cụ già thì uống rượu, người trẻ thì nhảy múa vây quanh. Đặc sắc nhất là màn các thiếu nữ vừa uống rượu, vừa múa tăng vu, tăng bẳng, múa Âu eo (lắc mông); còn có tục luộc khoai, bí để uống với rượu, rồi cứ bôi khoai, bí vào người nhau cho gặp may mắn…

Các sinh hoạt thường ngày vẫn diễn ra như đám cưới, phiên chợ, dựng nhà, tắm suối…. đều được Kà Ra Sam chú ý quan sát và thể hiện vào tranh rất sống động. Trước sau ông vẫn trung thành với quan niệm nghệ thuật luôn bắt nguồn từ đời sống. Vì thế tranh ông luôn mang hơi thở của cuộc sống. Trong gia tài hội họa của Kà Ra Sam, chỉ thấy ông vẽ sơn dầu, thuốc nước trên giấy dó và khắc gỗ.

Tranh sơn dầu của ông thường có khối hình mạnh mẽ, dứt khoát ở các mảng màu lớn, tạo nên tính cách nhân vật của tác phẩm, tiêu biểu là các tranh “Uống rượu cần”, “Họp tổ phụ nữ”, “Cấy lúa”… Mảng tranh vẽ trên giấy dó lại thiên về phong cảnh thiên nhiên, như bản làng trên rẻo cao, cảnh nhà sàn, con suối, máng nước, bến tắm, cảnh núi rừng… với những khối màu trong veo êm dịu, mờ ảo mang đậm chất thơ. Còn tranh khắc gỗ của ông cũng kỳ công, đặc sắc bởi chỉ độc bản.

Các bản khắc “Thiếu nữ bên nhà sàn”, “Thiếu nữ dệt khăn Piêu”, “Phong cảnh nhà sàn”… nhiều người nước ngoài rất thích. Ông bảo loại tranh khắc gỗ làm tỉ mỉ mất nhiều thời gian, có những dịp người nước ngoài lên Sơn La tìm đến ông, cứ chờ bằng được để có một bản làm kỷ niệm. Những bản khắc đều làm bằng gỗ cây Thị, vài năm gần đây loại tranh này ông không làm nữa, vì không có gỗ.

Có thể nói đối với họa sỹ Ka Ra Sam, được cầm bút vẽ là hạnh phúc. Công việc phụ trách về văn hóa và giảng dạy văn hóa ở tỉnh nhà là điều kiện trải nghiệm, sáng tạo cùng các thế hệ sinh viên, đã giúp ông tránh được tư duy mòn cũ, bồi đắp thêm những cảm xúc trẻ trung, tươi mới.

Ông tâm sự: Làm họa sỹ như ông, chỉ muốn dành toàn bộ thời gian cho sáng tác, bản thân ông rất ngại dính vào các công việc sự vụ, họp hành. Ấy vậy mà khi là Đại biểu Quốc hội khóa IX, suốt thời gian 5 năm, với hơn 10 kỳ họp (mỗi lần họp cả tháng trời), ông đều tham dự đầy đủ. Ngoài việc đóng góp trí tuệ về các vấn đề đại sự của đất nước, ông lại có thú riêng là giải trí bằng vẽ tranh. Vì thế mỗi lần kỳ họp ông lại chuẩn bị lỉnh kỉnh các thứ, trong đó không thể quên giấy và bút vẽ.

Một bức tranh của họa sỹ Ka Ra Sam.

Nhớ lại cách đây khoảng 25 năm, có dịp lên Sơn La, tôi có ghé thăm ông, dù ở giữa thị xã, xung quanh toàn nhà xây lên tầng, nhưng ông vẫn giữ ngôi nhà đơn sơ bài trí theo phong cách nhà của đồng bào dân tộc. Ngôi nhà dựng trên lưng chừng một quả đồi, có xây bậc từ dưới chân lên.

Ông hóm hỉnh bảo: “Khách đến chơi leo bậc thì mới nhớ lâu”. Ngày đó xã hội còn khó khăn, đời sống văn nghệ sỹ rất nghèo. Cũng may ông có được bà vợ đảm lo tạm ổn, để ông được yên tâm với cái nghiệp của mình. Ông khoe vợ ông là người Hà Nội.

Cơ duyên ông bà gặp nhau là năm 1971, khi ông từ chiến trường được ra ăn dưỡng ở Đoàn 559, đóng tại xã Trung Màu, Gia Lâm. Hai người gặp, bén duyên nhau rồi xây dựng gia đình, bà theo ông về Sơn La sinh sống. Ngày đó thấy ông ngoài những phác thảo những tranh khổ lớn, còn vẽ cả những bức khổ rất nhỏ, có khi chỉ bằng bàn tay, màu sắc rực rỡ.

Ông giải thích: Tranh khổ lớn vẽ để dự triển lãm,  nếu nhà nước có mua cũng không được bao nhiêu tiền. Khách nước ngoài đến có thích, họ cũng không mua, vì không thể mang ra nước ngoài. Thế nên ông mới làm tranh màu nước và khắc gỗ khổ nhỏ để phục vụ khách du lịch.

Hơn 50 năm miệt mài với nghề, họa sỹ Kà Ra Sam đã có một gia tài hội họa đồ sộ. Từ năm 1965 ông đã có triển lãm tranh đầu tiên để chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô. Đến năm 1985, ông lại tổ chức triển lãm tranh lần thứ 2 tại nhà triển lãm 16A Ngô Quyền, Hà Nội.

Cùng với đó, ông đã có dịp tham dự triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Phần Lan, Bungari, Liên Xô (cũ) và một số nước trong khu vực châu Á. Ông cũng thường xuyên tham gia các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm khu vực. Gần đây nhất, tại triển lãm mỹ thuật 15 tỉnh phía Bắc tổ chức tại Sơn La, ông đã đoạt giải nhì với tác phẩm “Rừng vàng”; giải khuyến khích với tác phẩm “Họp chị em”. Ông cho biết, tháng 8 – 2016 tới ông sẽ lại tham dự triển lãm mỹ thuật 15 tỉnh phía Bắc, tổ chức tại thành phố Điện Biên. Hiện ông đang gấp rút hoàn thành hai tác phẩm, một bức tranh về phụ nữ vùng cao giúp nhau làm kinh tế và một bức tranh về quang cảnh phiên chợ vùng cao.

Đầu năm nay, nhân dịp ông về dự trại sáng tác của Hội Văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức ở Đại Lải, tôi đến thăm ông. Ông khoe vừa mới hoàn thiện mấy bức tranh. Rồi ông cho tôi xem các bức vẽ về cảnh phiên chợ, về thiếu nữ dệt khăn Piêu… Tôi bảo từ trước đến giờ chỉ thấy ông vẽ về chủ đề dân tộc và miền núi, không sợ nó nhàm, nó lặp lại à? Ông cười, đủng đỉnh nói: “Không lặp lại được. Cả dân tộc Khơ mú chỉ có mỗi mình là họa sỹ, mình phải vẽ về dân tộc mình chứ”.

 

Theo Hà Văn Thể – VNCA.CAND