tonvinhvanhoadoc.vn: Đây là một vấn đề khá nhạy cảm. Để đưa bài này lên trang tonvinhvanhoadoc.vn, Ban biên tập trang cũng rất băn khoăn suy nghĩ. Nhưng chúng tôi cũng muốn được kiểm chứng.
Và còn vì một lí do nữa là người Việt Nam rất tự trọng.
Nếu không phải của ta thì hãy trả lại tên cho những nghệ nhân đích thực.
GỐM CHU ĐẬU CÓ PHẢI CỦA NGƯỜI CHU ĐẬU?
Đặng Văn Sinh
LỜI DẪN
Về nhân vật Bùi Thị Hý, chúng tôi đã có loạt bài viết “Bà tổ nghề gốm Chu Đậu” là một nhân vật ngụy tạo “đăng tải trên trang cá nhân, trang “Tễu Blog” và trang “Văn Việt” hồi giữa năm 2018. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một vấn đề “Gốm Chu Đậu có phải của người Chu Đậu”.
1 – TỪ CHIẾC BÌNH CỔ Ở BẢO TÀNG CUNG ĐIỆN TOPKAPI
Từ chiếc bình cổ được cho là sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đang được bảo quản tại bảo tàng Bảo tàng Cung điện Tokapi tại Istanbul, Cộng hòa Hồi giáo Turkey.
Chiếc bình được một quan chức ngoại giao Nhật Bản là ông Makoto Anabuki, từng có thời gian làm việc ở Sứ quán Nhật tại Việt Nam phát hiện. Sau khi đọc được dòng lạc khoản (大和八年南策州匠人裴氏戲筆) “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, nhà ngoại giao viết thư thông báo cho người đứng đầu tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ là ông Ngô Duy Đông. Tuy nhiên, tấm ảnh gửi kèm theo, người Nhật không chụp dòng lạc khoản, nhưng rất có thể nó được ghi ở đáy bình như hầu hết những sản phẩm gốm sứ cùng loại.
Chiếc bình cổ này thuộc dòng gốm hoa lam tính dương trong bộ đôi Tỳ Bà, có chế tác rất tinh xảo. Mười ba chữ Hán viết trên bình thực ra đọc rất đơn giản cho dù nó không có dấu ngắt câu và phải đọc từ phải sang trái theo quy luật Văn ngôn. Xin nhớ cho, đoạn văn này chỉ có một cách đọc duy nhất là “Năm Thái Hòa thứ 8 (đời vua Lê Nhân Tông), người thợ (gốm) họ Bùi viết chơi”. Tuy nhiên, sự việc trở lên rắc rối khi mà ông Tăng Bá Hoành, lúc ấy là Trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy, Giám đốc Bảo tàng Hải Hưng, chẳng hiểu do dốt không đọc vỡ chữ Hán hay là đã có ý đồ trục lợi từ trước nên cố tình dịch chệch đi là “Năm Thái Hòa thứ tám, thợ gốm Bùi Thị Hý vẽ”.
Từ cách đọc này, ông Tăng Bá Hoành ngụy tạo ra một Bùi Thị Hý ở trang Quang Ánh (Gia Lộc, Hải Dương) là bà tổ của nghề gốm Chu Đậu. Bà này là một phụ nữ kiệt xuất thế kỷ XV, văn hay chữ tốt từng đi thi Hội đỗ Tam trường, võ nghệ cao cường luôn mang bên mình thanh bảo kiếm Vọng Nguyệt. Họ Bùi còn là nhà nữ hàng hải tài ba, trực tiếp lái thương thuyền vượt đại dương mang sản phẩm gốm Chu Đậu bán khắp thế giới. Chưa hết, Bùi Thị Hý còn được giải mã là cháu nội danh tướng Bùi Quốc Huy, lấy đến hai đời chồng đều người họ Đặng nhưng không có con, khi về già công đức rất nhiều tiền của vào chùa làng, nên sau khi qua đời được đúc tượng thờ, v.v…
Sau khi có được Bùi Thị Hý “bằng xương bằng thịt” qua những hố khai quật giả tạo và các phế liệu rởm mang từ Chu Đậu về Đồng Quang làm bằng chứng cùng với cuốn gia phả họ Bùi rất đáng ngờ, một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trong và ngoài tỉnh Hải Hưng (sau này là Hải Dương) cho “Bà tổ” hư cấu này để tạo tiền đề cho Công ty gốm Chu Đậu như là sự tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông về một nghề truyền thống đã thất truyền từ năm trăm năm trước.
2 – ĐẾN CON TÀU ĐẮM NGOÀI KHƠI CÙ LAO CHÀM
Nhưng sự thực gốm Chu Đậu có phải của người Chu Đậu làm ra hay chỉ là một sản phẩm ngoại lai? Để khẳng định dòng gốm Chu Đậu là có thật tồn tại trên đất châu Nam Sách, Hải Dương, ngày 20 tháng 6 năm 2009, tỉnh Hải Dương tổ chức một cuộc hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương phối hợp với huyện Gia Lộc, trong đó có GS Phan Huy Lê và một số chuyên gia gốm sứ từ Hà Nội tham dự. Ông Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người được cho là có uy tín trong địa hạt sử học, dù đã nghi ngờ về nhân vật Bùi Thị Hý cũng như hành trạng của bà được gắn với dòng gốm Chu Đậu, nhưng chỉ phát biểu một cách mập mờ là “chưa có cơ sở để khẳng định” một cách khó hiểu. Trong khi ấy, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, Cựu Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì tỏ thái độ rõ ràng: “… những hiện vật có văn tự được ông Hoành dùng làm chứng cứ đều có niên đại rất muộn. Bốn chữ Hán “Bùi Thị Hý bút” 裴氏戲筆 không hề có nghĩa là có một bà nào đó tên là Bùi Thị Hý vẽ như ông Hoành vẫn nhầm tưởng. Việc ông Hoành cho rằng bức tượng tìm thấy trong tàu đắm ở Cù Lao Chàm là tượng của bà Bùi Thị Hý là gán ghép khiên cưỡng. Nhiều chữ trên cột trúc đài ở chùa Viên Quang tự, bao gồm cả bốn chữ ‘Bùi Thị húy Hý’, mới được khắc vào gần đây, không phải từ xưa đã có” (hết trích).
Trong Hội thảo có hai chi tiết rất đáng chú ý. Thứ nhất, mưa to, sét đánh vào trạm điện xã Đồng Quang làm chương trình đứt đoạn phải chuyển sang phòng họp UBND huyện Gia Lộc. Thế nhưng ngay tại huyện đường cũng mất điện. Chỉ vài tham luận được đọc và đương nhiên cũng không hề có ý kiến phản biện. Thứ hai, con tàu chở các sản phẩm gốm bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm mà ông Tăng Bá Hoành luôn khẳng định của người Đại Việt, thậm chí là của Bùi Thị Hý hóa ra là của Xiêm La (Thailand) và số lượng gốm Chu Đậu có trên tàu lại quá ít so với kỳ vọng ban đầu làm không khí hội thảo càng rời rạc.
3 – GỐM CHU ĐẬU CÓ PHẢI CỦA NGƯỜI CHU ĐẬU?
Chiếc bình gốm được mua bảo hiểm $ 1.000.000 USD đang được lưu giữ tại Bảo tàng cung điện Toikapi thực sự là một báu vật vô giá của nhân loại. Nhưng ai đã chế tác nó? Đương nhiên, xuất xứ của sản phẩm tuyệt đẹp này ở châu Nam Sách, ngày nay là thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. “Made in Việt Nam” trăm phần trăm, nhưng tạo tác ra nó không phải người Việt mà là… một người Tàu.
Để làm rõ nhận định này, chúng ta hãy tìm hiểu các băng hoa văn trên bình. Trước hết, cần nói rõ, đây là chiếc bình gốm hoa lam, một sản phẩm rất hiếm, có thể nói độc nhất vô nhị ở Đại Việt hồi giữa thế kỷ XV nhưng lại rất phổ biến ở các lò gốm Trung Quốc. Năm 1937, tại Hội chợ Đấu xảo London người Trung Quốc cũng trưng bày một bình gốm hoa lam với dòng lạc khoản “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Trang thi hý bút”.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là cấu trúc hoa văn được thể hiện chính xác, tỉ mỉ đến từng họa tiết, khác hẳn với những hình vẽ thô mộc, phóng khoáng và đơn giản ở các dòng gốm thời Lý Trần, đầu Lê. Trước đó, các triều đại Lý Trần cũng đã từng có gốm hoa lam nhưng chất lượng thực tế còn thua xa men hoa lam Tàu, và đặc biệt các họa tiết trên sản phẩm luôn chỉ là những nét vờn vẽ hoa lá dây leo tùy hứng như những phác thảo chưa hoàn chỉnh.
Lại nữa, một trong những vòng hoa văn trên bình gốm hoa lam vẽ những bông mẫu đơn cực kỳ sinh động. Nhưng đó lại là mẫu đơn Tàu, thân thảo với những đóa lớn nhiều cánh xếp nếp bên nhau nở xòe ra trông gần giống như bông thược dược, khác hẳn mẫu đơn thuần Việt, cây thân gỗ, hoa chùm đỏ, trắng hoặc vàng, có rất nhiều đài mảnh như cây tăm, hương thơm thoang thoảng, cuống có vị ngọt.
Vậy tại sao người Tàu lại có mặt ở Chu Đậu? Có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, vào nửa đầu thế kỷ XV, các cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại sự hà khắc của triều đình nhà Minh bị chính quyền đàn áp khốc liệt, khiến một số cư dân phải vượt biển sang vùng Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt, tị nạn. Thứ hai, nghề gốm sứ của Tàu lúc này đã phát triển đến đỉnh cao, thị trường nội địa bão hòa, những chủ lò gốm có đầu óc kinh doanh làm cuộc phiêu lưu vượt biển xuống phương nam tìm thị trường tiêu thụ mới. Cả hai nhóm di cư trên đều mang theo bí mật nghề nghiệp và những tượng nhân tài ba “đổ bộ” vào các làng ven sông của Đại Việt mở xưởng gốm, thuê nhân công bản địa nhưng không truyền nghề mà chỉ làm thợ phụ.
Sau vài chục năm, tình hình chính trị bên Tàu đã tương đối ổn định trong khi thị trường Đại Việt không còn đáp ứng được nhu cầu lợi nhuận với các chủ lò gốm, họ lại chuyển cơ sở sản xuất về chính quốc. Vì thế, Chu Đậu chỉ còn là đống phế tích, trong khi dân chúng không nắm được công nghệ nên không thể làm gốm cao cấp mà chỉ sản xuất những loại bát đĩa và đồ gia dụng đơn giản bằng thứ men chất lượng thấp.
Cho nên, nói nghề gốm sứ Chu Đậu sau nửa thế kỷ bị thất truyền là không đúng. Người Tàu giữ bí mật công nghệ. Người Chu Đậu chỉ làm thuê. Sau khi họ hồi hương, người Chu Đậu lại tiếp tục nghề truyền thống là trồng cói và dệt chiếu. Chiếu Đậu mới chính là sản phẩm hàng hóa thượng thặng của người Thái Tân…
Vì những nguyên nhân trên, chúng tôi nghiêng về giả thuyết, gốm Chu Đậu không phải của người Chu Đậu. Đó là sản phẩm của người Tàu giống như loài “cốc mượn hồn” vậy.
Chí Linh, những ngày đầu năm 2019
(theo trang fb Đặng Văn Sinh)